|
Sức mạnh của tình thương và niềm tin |
Bố mẹ bỏ nhau khi còn nhỏ, mẹ đi làm xa nhà nên cậu học sinh Nguyễn Duy Đông, lớp 9B, Trường Tiểu học và THCS xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang ở nhà với ông bà ngoại và em gái. Vào lứa tuổi dậy thì, lại thiếu sự quan tâm, quản lý của bố mẹ, cậu Đông trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Em không nghe lời mà ngược lại còn hay cãi lại ông bà. Khi đó, anh Phạm Đức Cường, Phó Chủ tịch công đoàn trường xuất hiện... |
|
Mất phương hướng, cảm thấy có nhiều lý do chán nản, lại đang cái tuổi thích khẳng định mình, Đông bắt đầu giao du với những kẻ lêu lổng, thường xuyên bỏ học đi chơi. Ông bà thì có tuổi, chẳng thể sát sao với em. Thời điểm đó Đông đang học lớp 9B, em được các bạn học sinh trong trường gọi là “Đông ca”, lý do vì Đông làm “đại ca” của một nhóm học sinh nghịch ngợm, cá biệt nhất trường... Giờ chào cờ nào Đông cũng bị nêu tên phê bình, cuối giờ học nào cũng phải ở lại dọn dẹp hoặc thực hiện hình phạt. Đông cũng thường xuyên lôi kéo các bạn trong lớp quậy phá trong các giờ học, khiến cho nề nếp và chất lượng học tập của lớp đi xuống. Hầu hết giáo viên đều cho rằng Đông chẳng thể tốt nghiệp được chứ nói gì đến thi đỗ cấp 3. Thời điểm đó cô giáo viên chủ nhiệm của lớp em Đông chuẩn bị nghỉ thai sản. Yêu cầu đặt ra là lớp cần có giáo viên chủ nhiệm mới. Nhưng khi đưa ra cuộc họp hội đồng thì không giáo viên nào muốn nhận lớp đó cả, vì mọi người biết đó là một lớp nghịch, học sinh ý thức kém. Chẳng ai muốn “ôm rơm nặng bụng”. Ấy vậy mà có một cánh tay giơ lên xung phong. Đó là anh Phạm Đức Cường. Khi đó anh vừa giữ vị trí Phó Chủ tịch công đoàn trường, đồng thời là giáo viên dạy thể dục. |
Anh Cường trong giờ dạy thể dục. |
“Anh ấy có làm được không?”, nhiều người nghi hoặc, cảm thấy ái ngại cho anh. Dạy thể dục, không sâu sát bằng đứng lớp các môn học khác đã là một thiệt thòi, trong khi công tác công đoàn mới là sở trường của anh; lại nữa, với "Đông ca” và nhóm học sinh cá biệt “nhất quỷ nhì ma” ấy, anh sẽ làm gì, có “cảm hóa” được không? Trước những lo ngại của đồng nghiệp, anh Cường chỉ trình bày giản dị: “Với cương vị là một giáo viên, tôi không muốn bỏ rơi một em học sinh nào, muốn cảm hóa, giúp đỡ các em thay đổi nên người. Còn với vị trí của một người cán bộ công đoàn, tôi nghĩ mình không chỉ chăm lo cho đoàn viên công đoàn nhà trường mà còn quan tâm, dang rộng vòng tay đón các em, con em của những người lao động vất vả. Tôi biết sẽ rất khó khăn, song cũng sẽ cố gắng hết sức”. |
|
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, anh Phạm Đức Cường được phân công dạy môn thể dục từ năm 2010 tại Trường Tiểu học và THCS Tân Hiệp tới nay. Nhờ sự nhiệt tình, xông xáo, không quản ngại khó khăn, anh được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch công đoàn trường. Trong hơn 10 năm công tác, anh liên tục đạt các danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Giáo viên chủ nhiệm giỏi, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua, được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, Giấy khen của LĐLĐ huyện, tỉnh. Đó cũng là một trong những cơ sở giúp anh tự tin khi nhận trách nhiệm chủ nhiệm lớp của học sinh cá biệt “Đông ca”. Việc đầu tiên khi làm chủ nhiệm lớp là anh gặp, trao đổi với tất cả giáo viên bộ môn của lớp 9B để nắm bắt tình hình lực học của từng em trong lớp. Bên cạnh đó, anh cũng tìm hiểu gia cảnh của một số em cá biệt hoặc có hoàn cảnh khó khăn để đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp nhất. |
Anh Cường đến thăm gia đình em Đông. |
Tuy vậy, dù thời gian đầu anh làm chủ nhiệm, nề nếp lớp học có dần ổn định hơn, song, riêng cậu học trò “Đông ca” vẫn không chịu nghe lời và hợp tác với thầy. Những lần bị thầy giáo nhắc nhở, em “xù lông nhím”, bỏ ngoài tai, tỏ ra bất cần đời. Không trách mắng hay áp dụng các hình phạt nặng nề chỉ khiến Đông “cố thủ” trong sự gai góc của mình, anh cùng một số đoàn viên công đoàn đến thăm gia đình em. Bất ngờ là, tuy ở lớp nghịch ngợm như thế, nhưng khi thấy thầy cô đến, Đông ngại không dám vào nhà. Qua trao đổi với gia đình, anh mong muốn chị Phương, mẹ của Đông dành thời gian cùng nhà trường chăm sóc, quan tâm đến Đông nhiều hơn. Song, chị lại đi làm xa nhà, để xin việc về gần nhà không dễ. |
“Mình không thể chỉ yêu thương, quan tâm chung chung mà phải làm gì đó thiết thực mới cảm hóa được em”, anh Cường cho biết. Ngay ngày hôm sau, anh cùng chị Chủ tịch Công đoàn liên hệ sắp xếp cuộc gặp gỡ với đại diện của Công đoàn Công ty May Yên Thế trao đổi về tình hình của gia đình em Đông và mong muốn công ty nhận chị Phương vào làm. Phía công đoàn công ty trả lời sẽ báo cáo lên Ban Giám đốc và có câu trả lời sớm nhất. Thật may mắn, hai ngày sau, chị Phương nhận được cuộc gọi từ người phụ trách nhân sự công ty rằng chị đã được nhận vào làm. Như vậy chị sẽ có nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm con cái hơn. Trên lớp, anh Cường giao cho Đông nhiệm vụ theo dõi nề nếp của các bạn. Cử chỉ tưởng nhỏ nhặt này khiến Đông cảm thấy được tin cậy, lần đầu tiên em thấy mình là người có ích. Thỉnh thoảng hai thầy trò nói chuyện, tâm sự giống như hai người bạn để hiểu nhau hơn. Anh lựa lời an ủi, khích lệ, giúp Đông hình dung cuộc sống sau này thế nào nếu như em cố gắng thay đổi. Nhờ có mẹ dành thời gian quan tâm ở nhà, trên lớp được thầy chia sẻ, sâu sát, bảo ban mà Đông đã dần thay đổi theo hướng tích cực hơn. Từ đó, em xác định phải học tập ra sao để xứng đáng với tấm lòng, tình cảm của thầy, người giáo viên và cũng là . |
|
Kết thúc năm học ấy, 100% học sinh lớp 9B đỗ tốt nghiệp, 100% các em theo học tiếp lên cấp 3. Tất cả mọi người đều bất ngờ trước kết quả đó. Thành tích năm ấy cũng được coi là chưa từng có trong lịch sử nhà trường. Đặc biệt nhất là Đông, cậu học trò ngỗ nghịch khét tiếng cũng đã đỗ vào Trường THPT huyện Yên Thế. Một lần chúng tôi đến thăm nhà em. Chị Phương phấn khởi, hào hứng kể: “Năm đó may có thầy Cường và công đoàn trường giúp chị xin việc gần nhà, gần con, nếu không thì con chị hỏng. Chị biết ơn thầy, công đoàn trường, Công đoàn Công ty May nhiều lắm”. Bà ngoại của Đông khoe, học kỳ vừa qua, bà đi họp phụ huynh cho em, giáo viên chủ nhiệm tuyên dương em xếp thứ 4 trong lớp. Qua lời kể của bà và mẹ, thì cậu học trò Đông ngỗ nghịch năm nào giờ đã biết suy nghĩ, chịu khó, ngoan ngoãn hơn rất nhiều. Tôi cảm nhận rõ sự xúc động nghẹn ngào trong từng lời nói của bà và chị. |
Trong căn nhà và khuôn viên, chúng tôi cảm nhận được bàn tay của Đông ở khắp nơi. Một vườn rau xanh, một ao cá không có lá rụng, không cảm thấy tù đọng; mảnh sân và mỗi góc tường rào được chăm chút... Đông dẫn tôi và anh Cường ra thăm vườn rau em trồng. Vừa đi em vừa tâm sự, cuộc đời em tới đây ra sao, thành đạt hay không thành đạt, dù thế nào cũng có dấu ấn đậm nét của thầy Cường. Nhờ thầy mà em từ một thằng hư hỏng, nghịch ngợm, cứ tưởng không đỗ tốt nghiệp mà lại thi đỗ cấp 3. “Em cảm ơn thầy đã luôn quan tâm, luôn thương em, em không biết nếu ngày đó mà không có thầy thì giờ em đang ở đầu đường xó chợ nào hay vào trại giáo dưỡng cũng nên. Cuộc đời em chỉ như ngày hôm nay cũng là một kỳ tích rồi thầy ạ”, Đông chia sẻ. “Đông đã thay đổi, chín chắn hơn rất nhiều trong suy nghĩ”, anh Cường nói với tôi. “Thời gian chưa lâu nhưng đó là một thay đổi rất lớn của cậu học trò từng nổi tiếng nghịch ngợm này. Điều đó khiến tôi yên tâm với chặng đường phía trước của em”. Chia tay Đông và chị Phương, anh Cường đặt tay lên vai cậu học trò nhỏ nói: “Thầy luôn đặt niềm tin vào em. Dù ở đâu, khó khăn thế nào thì sự cố gắng của em đều sẽ được đền đáp. Thầy sẽ luôn theo dõi em...". |