Quê tôi ở Vĩnh Long, dù người Khmer chiếm tỷ lệ không cao như ở Sóc Trăng hay Trà Vinh, nhưng gia đình tôi làm ruộng ở Sóc Rừng và nhà chỉ cách chùa Kỳ Son của xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình một con rạch nhỏ. Do vậy, lúc nhỏ tôi thường hay sang nhà cô hàng xóm cùng nhau “thi tài” múa lâm thôn và “ăn ké” lễ Tết của người Khmer nơi đây. Tôi “khoái khẩu” nhất là món cốm dẹp vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, món khoai lùn vào dịp Oóc om bóc - đua ghe Ngo, bánh tét và bánh ít nước tro vào dịp lễ Sen Đôn Ta. |
Khi bước chân vào đại học và ra trường đi làm xa, tôi không còn dịp qua nhà cô hàng xóm “ăn ké” nữa, không còn cùng các thôn nữ Khmer đi chùa và được múa điệu lâm thôn, nghe hát dù kê nhưng những ký ức đó vẫn không phai trong tôi mỗi dịp lễ, Tết về, nhất là lễ Sen Đôn Ta tổ chức vào ngày 29, 30/8 và 01/9 Âm lịch hằng năm. Riêng năm này thì lễ này được đồng bào Khmer tổ chức nhằm ngày 24, 25, 26/9. Đối với người Khmer Nam Bộ, Sen Đôn Ta là lễ thứ hai trong ba lễ lớn của năm. Vào những dịp lễ này, học sinh, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động là người dân tộc Khmer được Nhà nước cho phép nghỉ lễ trong 3 ngày. Bên cạnh Tết Chôl Chnăm Thmây (mừng năm mới), Lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo (tổ chức thành Festival 2 năm 1 lần tại Sóc Trăng), thì lễ Sen Đôn Ta là lễ cúng ông bà nhằm báo hiếu. Năm 2022, lễ Sen Đôn Ta được tổ chức vào ngày 24, 25, 26/9 (Âm lịch). Những ngày này, đi đến bất cứ nơi đâu, từ Sóc Trăng qua Trà Vinh hay Vĩnh Long và một số tỉnh giáp với biên giới Campuchia như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh… mọi người đều thấy bà con người Khmer tất bật dọn dẹp nhà cửa, sửa sang đường làng, quét dọn chùa chiền… để bước vào lễ Sen Đôn Ta. |
Lễ Sen Đôn Ta là nghi lễ cổ truyền được hình thành từ xa xưa, trước khi người Khmer theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông. Theo truyện kể dân gian được lưu truyền, Nam Bộ lúc trước là vùng đất đồng bằng, nhiều nơi là “rốn phèn” (tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười…), quanh năm nước ngập triền miên, người dân Khmer ở nơi này hầu hết đều là những nông dân chuyên canh ruộng rẫy. Hằng năm, nông dân Khmer thường bắt đầu vào vụ mùa từ tháng 5 đến tháng 8 Âm lịch. Khi công việc đồng áng đã gieo trồng xong, họ tranh thủ đi thăm hỏi người thân, họ hàng. Do sống ở vùng sông nước, nên họ dùng ghe, xuồng làm phương tiện đi lại, mang theo đồ đạc, bánh trái để thăm viếng ông bà, cha mẹ hay họ hàng ở xa. Khi đến nơi, có người vui mừng vì được gặp cha mẹ, họ hàng còn sống, nhưng cũng có người không may mắn vì người thân đã qua đời... Về sau, những người cùng cảnh ngộ (mất người thân) đã gặp gỡ, giao ước với nhau là từng phum sóc tổ chức lễ tưởng nhớ đến vong linh người có công sinh thành, dưỡng dục và bà con trong thân tộc đã quá vãng. Người dân Khmer soạn đồ cúng tại chùa. Khi tín ngưỡng Phật giáo du nhập vào đời sống, các cơ sở tôn giáo dần dần xuất hiện, bà con Khmer đồng lòng làm lễ cúng ông bà gọi là “Pithi Bon Sene Đôn Ta” (nghi lễ cúng ông bà) tại chùa. Ngoài lễ Đôn Ta, trước đó họ còn tổ chức lễ Đăk Bai Bân (đặt cơm vắt) kéo dài khoảng 15 ngày, bắt đầu từ ngày 1 đến 15 Ruôch tháng Phôth Trô Bôth (từ ngày 16 đến 30 tháng 8 Âm lịch). “Pithi Bon Sene Đôn Ta” theo đúng nghĩa thì gọi là lễ cúng bà ông; vì chữ “Đôn” hay “Chi Đôn” có nghĩa là bà, chữ “Ta” hay “Chi Ta” có nghĩa là ông. Song, do thói quen nên mọi người thường gọi “Pithi Bon Sene Đôn Ta” là lễ cúng ông bà với ý nghĩa là phong tục thờ cúng tổ tiên của người Khmer. Lễ Đôn Ta được tổ chức hằng năm trong 03 ngày: Từ ngày 14 Ruoch tháng Phôth Trô-bôth cho đến hết ngày 1 Kơth tháng A Suôth (từ ngày 29/8 đến ngày mùng 01/9 Âm lịch). Trong ngày này, người Khmer gọi là “Pithi Sene Đôn Ta” (lễ cúng ông bà). Trước lễ một ngày, nhà nhà đều chuẩn bị gạo, thóc để gói bánh đem vào chùa và cúng đón Đôn Ta, trong đó phải có “Num Onh Som” (bánh tét), “Num Côm” hay còn gọi là “Num Tiên” (bánh ít) là 2 loại bánh không thể thiếu trong lễ này. |
Người Khmer Nam Bộ gói bánh đón lễ Sen Đôn Ta. |
Lễ cúng ông bà được tiến hành trong 3 ngày, mang 3 ý nghĩa khác nhau: Ngày thứ nhất là ngày nghênh tiếp tổ tiên, ngày thứ hai là ngày lưu giữ tổ tiên, ngày thứ ba là ngày đưa tiễn tổ tiên. Cả 3 ngày này đều được tổ chức rất linh đình, ngày nào cũng tế lễ tụng kinh cầu siêu, cầu phước cho những linh hồn đã quá cố. Ngày thứ nhất, đây là ngày quan trọng nhất trong Pithi Sene Đôn Ta, các thành viên trong gia đình phải có mặt đầy đủ để đón tiếp vong linh những người quá cố trong thân tộc. Việc làm đầu tiên là dọn dẹp bàn thờ Phật cho tươm tất, sạch sẽ, trang trí bàn thờ với cành hoa thanh khiết. Nhà nào có bàn thờ tổ tiên cũng trang hoàng, bày trí trang trọng. Tiếp đến là trải chiếu mới lên giường đồng thời sắp đặt mùng mền, gối mới và một bộ quần áo mới lên chiếu cùng trà với rượu, bánh trái tùy theo mỗi gia đình. Một mâm cơm đặt lên bàn thờ, đây là thời khắc trang trọng, mọi người trong gia đình tụ tập lại để cúng tế, thường khi họ đốt nhang đèn và đơm cơm 4 bát, mỗi bát có đôi đũa để bên cạnh. Những người trong nhà vây quanh khấn vái, mời tổ tiên và những người đã mất về dùng. Suốt thời gian cúng cơm, họ khấn vái 3 lần, mỗi lần đều có dâng trà và rượu. Đến hết chung trà, rượu thứ 3 thì xong lễ, mọi người mời vong linh tổ tiên nghỉ ngơi trên chiếc giường đã bố trí sẵn. Theo thông lệ, trước khi dọn dẹp, chủ nhà lấy một cái bát cơm sạch gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào bát, đổ trà và rượu vào đó rồi đem ra để phía trước sân, cắm một cây nhang để mời vong hồn. Theo quan niệm của người Khmer, đây là những vong hồn làm nhiệm vụ “bảo hộ” tổ tiên của họ về nhà và những vong hồn này sẽ ở lại nhà họ suốt 3 ngày lễ, sau đó sẽ đưa tổ tiên về chốn cũ. Vì vậy, bất cứ bữa cúng cơm nào cho tổ tiên, cũng phải cúng cho các vong hồn này một phần thức ăn. Đến chiều lại dọn cơm cúng tổ tiên thêm một lần nữa, cũng mời trà rượu ba lần như mời tổ tiên buổi sáng. Đến tối, mọi người thắp nhang mời tổ tiên cùng đi lễ chùa nghe sư tụng kinh, thuyết pháp. Theo quan niệm của người Khmer, người sống nghe kinh sẽ được phúc báo, linh hồn nghe kinh sẽ mau chóng được vãng sinh. Nghi thức cúng ông bà tại nhà. Ngày thứ hai, vào buổi trưa mỗi gia đình thường thỉnh từ 2 đến 4 vị sư về nhà làm lễ tụng kinh và độ cơm, sau đó làm nghi thức cúng ông bà. Đến tối, hầu hết bà con Phật tử trong các phum sóc đều đến chùa để tiếp tục làm lễ, nghe tụng kinh, thuyết pháp và vui chơi cùng tổ tiên tại chùa. Ngôi chùa gần như là ngôi nhà chung, tất cả mọi thứ sinh hoạt theo lễ nghi tôn giáo, các cuộc giao lưu, biểu diễn văn nghệ, vui chơi giải trí đều diễn ra tại chùa. Ngày thứ ba, ngay từ sáng sớm, mỗi gia đình đều chuẩn bị sẵn nhang đèn và mâm cơm để tiễn đưa tổ tiên về “nơi cũ”. Con cháu có mặt đầy đủ, rồi thắp nhang mời cơm ông bà, khấn vái ba lần, xong đem một ít trà, rượu, cơm, nước, thức ăn đặt vào chiếc thuyền được làm bằng bẹ chuối để tổ tiên và các quân gia dùng trên đường về. Chiếc thuyền làm rất công phu, thường có khắc hình cá sấu để ở mũi thuyền nhằm chống các thủy quái. Trên thuyền bè có cắm lá cờ tam giác để trừ ma quái. Sau khi đặt thức ăn đầy đủ lên thuyền, họ đem thuyền thả trên sông rạch; con cháu đẩy thuyền nhè nhẹ xuôi dòng và chúc tổ tiên về nơi cũ bình an. Sau đó họ trở về nhà tiếp tục ăn uống, thết đãi khách mời cho đến chiều. Trong lễ tiễn đưa này cũng có một số gia đình mời sư sãi đến tụng kinh để cầu phước cho tổ tiên. Pithi Sene Đôn Ta hiện nay đã có thay đổi ít nhiều, phù hợp với hoàn cảnh gia đình và xã hội, nhưng cũng chỉ thêm bớt một vài chi tiết nhỏ, còn cái chung thì người Khmer vẫn giữ được nét đẹp truyền thống cổ xưa của mình. |
Mâm cơm để tiễn đưa tổ tiên về “nơi cũ” sau khi hết lễ Sen Đôn Ta. |
Nghi lễ này có nguồn gốc từ Phật giáo nhưng được dân gian hóa nên cũng thành lễ tục truyền thống hằng năm, nhằm tạo phước hồi hướng cho linh hồn những người đã khuất. Theo tương truyền, lễ này bắt nguồn từ tích truyện được rút ra từ Kinh điển Phật giáo được ghi chép lại rằng: Ngày xưa thuở Đức phật Thích Ca còn tại thế; một hôm, trong cung điện của vua Pưm Pisal vào lúc đêm khuya thanh vắng, nhà vua bỗng nghe tiếng khóc rên rỉ vang lên thảm thiết: “Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống, chúng tôi đói khát lắm”. Đức vua nghe rất sợ hãi bèn truyền lệnh triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi xem vì sao lại có tiếng kêu khóc than vãn như vậy. |
Các nhà tiên tri sau khi xem quẻ đều nói rằng: “Tâu Bệ hạ, đây là bọn ma quỷ đói khát đến cầu cứu xin ăn cần phải làm lễ bố thí cho họ, nếu không, e rằng sẽ gặp chuyện chẳng lành xảy ra”. Nhà vua nghe vậy, tỏ vẻ lo lắng, nhân lúc Đức Phật đến thuyết pháp, nhà vua bèn hỏi: “Vì sao ở trong cung điện của thần mỗi đêm lại có tiếng kêu khóc, than vãn như thế?”. Đức Phật giải thích: “Đó chính là vong hồn của kẻ đơn độc, không có thân tộc họ hàng, không có con cái cúng cơm. Các vong hồn ấy luôn bị đói khát… Muốn chấm dứt tiếng kêu khóc, than vãn đó, Bệ hạ cần phải cho người nấu cơm, vo thành viên nhiều nắm đặt bố thí xung quanh cung điện liên tục trong vòng 15 ngày, xong mời các vong hồn đến ăn thì tiếng rên khóc, than vãn đó sẽ không còn”. Nghe vậy, nhà vua liền hạ chỉ cho các quan cận thần thực hiện đúng theo lời của Đức Phật chỉ bảo. Tiếng rên rỉ trong cung điện cũng dần dần biến mất. Lễ “Kanh Bân” hay “Đăk Bai Bân” là ngôn từ để chỉ lễ đặt cơm vắt (có khi còn gọi là ngày hội linh) của người Khmer Nam Bộ. Về ngữ nghĩa: Chữ “Kanh” có nghĩa giữ - ý là giữ lễ; chữ Đăk là để, đặt; còn chữ “Bân” có nguồn gốc từ tiếng Pali có nghĩa là sự gom lại thành cục tròn - cơm được vắt thành cục tròn, chính cục cơm tròn đó gọi là “Bai Bân”. Đối với người Khmer ở Campuchia, lễ này cũng được gọi là “Kanh Bân” nhưng khi gọi tắt họ thường gọi theo thứ tự là “Bân muôi”, “Bân pi” (ngày đặt cơm vắt thứ nhất, thứ hai)... cho đến ngày thứ 15 thì họ gọi là “Thngay Ph’chum Bân”; “Thngay” là ngày, “Ph’chum” có nghĩa là sự hội tụ - sự gặp gỡ - có nghĩa là ngày lễ hội cơm vắt. Đối với người Khmer Nam Bộ, lễ này lại nằm trong hệ thống lễ truyền thống, là lễ lớn thứ hai trong năm của người Khmer gọi là “Bon Sene Đôn Ta” (lễ cúng Đôn Ta hay lễ cúng ông bà). Lễ tục đặt cơm vắt được thực hiện hằng năm khi công việc gieo trồng, vụ mùa đã xong, bắt đầu từ ngày 1 Ruôch đến ngày 15 Ruôch tháng Phôth Trô-bôth (khoảng nửa tháng 8 Âm lịch trở đi) bà con Phật tử Khmer tổ chức thành Wên (phiên) để Canh Bân ở chùa. Các lễ vật gồm: Gạo, nếp, bánh trái, nhang đèn… Phật tử được nhận Wên sẽ vào chùa ngủ qua đêm, đến khuya họ thức dậy nấu cơm nếp vò thành viên tròn, đem đặt từng khay cùng với bánh trái rồi đem lên nhà hội hoặc chánh điện cúng Tam Bảo. Các vị sư tụng kinh cầu phước cho những linh hồn quá cố. Ngoài ra, họ còn làm lễ thọ giới, mời các vị sư thuyết pháp hằng đêm cho đến khi chấm dứt lễ. Lễ “Kanh Bân” hay “Đăk Bai Bân” là nghi lễ được tổ chức trong vòng 15 ngày; các ông già, bà lão của các Wên làm nghi thức tụng kinh vào lúc hừng sáng, sau đó đi chung quanh ngôi chánh điện làm nghi thức Đăk Bai Bân (đặt cơm vắt) để bố thí cho các vong hồn rồi làm lễ dâng cơm lên chùa hằng ngày. Đến ngày thứ 14, đồng bào Khmer tổ chức rước cúng ông bà tại gia đình gọi là lễ cúng ông bà. Chiều tối, mọi người đến chùa tụng kinh nghe thuyết pháp về ý nghĩa của ngày lễ Kanh Bân. Sau đó, ngày 30 Âm lịch người ta đi lễ chùa dâng cơm cho các vị sư, rồi tổ chức cầu siêu, cầu mong cho các vong hồn sớm được siêu thoát. |
Lễ Sen Đôn Ta tại Sóc Trăng. |
Cúng ông bà là một nghi thức lễ mà người Khmer thường được tổ chức vào dịp lễ Sen Đôn Ta. Theo quan niệm, mỗi phum sróc thường tổ chức khác nhau, một số nơi thì tổ chức vào ngày 14 ruốch tháng Phé Tré Bóth trước ngày tập trung tại chùa một ngày (Phchum Bun). Một số nơi thì lại tổ chức vào ngày 01 Kớt Ắ Such (theo Phật lịch) tức là sau ngày tập trung đi chùa một ngày. Dù thế nhưng cũng chung một ý niệm hồi hướng quả phúc đến ông bà, cha mẹ đã khuất. Theo ghi nhận, tất cả người Khmer dù sống ở thành thị hay nông thôn, giàu hay nghèo cứ đến ngày cúng ông bà thì đều mời các vị sư đến nhà dùng cơm, theo thường lệ từ ngày 12, 13, 14 ruốch tháng Phé Tré Bóth. Nhưng đa số gia đình Khmer thường cúng vào ngày 14 ruốch tháng Phé Tré Bóth gọi là cúng đón ông bà. Còn cúng vào ngày 01 Kớt Ắ Such (theo Phật lịch) gọi là cúng đưa tiễn ông bà về nơi ở của họ. Họ đều chuẩn bị mâm cơm cùng với bánh trái, quần áo mới, chiếc khăn cùng với đồ dùng hằng ngày. Họ nhờ lão làng hay A cha trong sróc đến cúng, đốt nhang cày, rót trà, rượu lần thứ nhất rồi nói: “Hôm nay là ngày cúng ông bà, con cháu đã chuẩn bị cơm nước, quần áo mới xin mời tất cả họ hàng gần xa biết không hết đến dùng cơm và chúc con cháu còn sống làm ăn phát đạt. Rót trà, rượu lần thứ hai cũng nói như lần một. Rót trà, rượu lần ba và cũng nói như thế. Sau khi cúng xong họ lấy một số thức ăn bỏ vào một cái chén đem ra đổ trước nhà, đốt nhang rồi nói xin mời những người đã đưa ông bà đến đây không dám vô ngồi ăn chung với ông bà vậy thì mời ăn. Cạnh bên mâm cúng ta còn thấy có chiếc thuyền được làm bằng bẹ chuối, trong thuyền đó họ đặt một ít gạo muối và tiền là chi phí để đưa ông bà về. Sau đó họ đem thuyền bằng bẹ chuối đi thả trên sông hay ao rạch là nghi thức cuối cùng. Ở một số địa phương hiện nay, nhân dịp lễ Sen Đôn Ta (cúng ông bà) người ta còn tổ chức lễ đi hỏi cưới vợ cho con. |
Nghi lễ cúng ông bà tại gia đình. |
Hầu hết người Khmer Nam Bộ đều có lòng kính trọng tổ tiên ông bà và thể hiện sự báo đáp công ơn đó bằng một trong những lễ hội vừa mang tính dân gian vừa mang tính tôn giáo - Sene Đôn Ta. Theo lễ nghi truyền thống, lễ Sene Đôn Ta là một lễ nghi tổng hợp được tổ chức trong thời gian nửa tháng với 4 nghi thức chính: Lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sene Đôn Ta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Đôn Ta). Tuy nhiên, mục đích của người Khmer Nam Bộ đối với lễ hội này chủ yếu nhằm vào hai nghi thức chính: Cúng ông bà tại nhà và đặt cơm vắt tại chùa, gọi chung là Sene Đôn Ta. Trải qua thời gian dài, Sene Đôn Ta mang trong bản thân nhiều lý do và hàm chứa nhiều ý nghĩa trong nhiều mặt của đời sống xã hội Khmer. |
Về mặt tín ngưỡng, các nghi thức trong lễ hội Sene Đôn Ta có ý nghĩa kép và thực hành song song nhau. Thứ nhất, người Khmer tin rằng, mỗi năm một lần, trong thời gian 15 ngày cuối của tháng Mười theo lịch Khmer, cánh cổng địa ngục sẽ mở ra để các linh hồn, ngạ quỷ chưa đầu thai được ra khỏi âm phủ. Đây là thời điểm mà linh hồn của những người đã khuất, thân thiết hay xa lạ với mình, được phép trở lên trần gian. Người Khmer tin là những gì mà con người có được sau khi chết là kết quả của những hành động mà họ đã thực hiện khi còn sống. Nhiều người phạm tội sẽ bị trừng phạt, nhẹ thì thành một con ma xấu xí, có miệng rất nhỏ; nặng thì là con quỷ không có tay chân hoặc không có miệng. Vì vậy họ rất đói khổ, không ăn uống được, cần phải được bố thí thức ăn, giúp làm giảm bớt đau khổ thông qua pháp lực và lời kinh Phật. Do đó lễ đặt cơm vắt của người dân được diễn ra trong chùa, các nhà sư tụng kinh bằng tiếng Pali liên tục. Mỗi ngày khoảng 3 giờ sáng chùa đã bắt đầu thức dậy và chuẩn bị tới 4 giờ thì tất cả người dân trong sóc tập trung tại chùa, mang theo những vắt cơm cúng, đặt xuống đất, để làm thức ăn cho linh hồn người chết, ngồi nghe sư tựng kinh đến khoảng 8 giờ sáng. Tục lệ này giống như nghi thức cúng cô hồn (xá tội vong nhân) của người Việt trong lễ Vu lan (rằm tháng Bảy). Thứ hai, lễ cúng ông bà lại là nghi lễ mang tính gia đình, có ý nghĩa báo hiếu của con cháu, là cơ hội bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thân đã qua đời. Việc dâng cúng cho ông bà tổ tiên được thực hiện thông qua một lực lượng trung gian là lời kinh của sư trong chùa kết hợp với lễ rước ông bà và lễ đưa tiễn ông bà tại gia đình. Trong các ngôi chùa tuân theo nghi thức kinh điển Pali Nam tông, cư sĩ tại gia Khmer sẽ thực hiện cúng dường thức ăn mặn cho các nhà sư, nhờ đức độ của các sư sẽ tạo ra “khả năng” chuyển hóa thức ăn cho người chết hưởng. Sau khi thực hiện nghi thức đặt cơm vắt, trong ba ngày cuối, người Khmer chuẩn bị lễ vật, tiền và những thứ khác để đi chùa. Khoảng 10 giờ, mọi người đến chùa với thức ăn, cúng dường cho sư. Sư thọ thực xong, đọc kinh và nghỉ trưa. Ở một số vùng, người nghèo và những người tàn tật cũng tụ tập quanh chùa để khất thực và được người dân bố thí. Buổi chiều, các sư sẽ tiếp tục cầu nguyện cho người chết. Hầu hết người Khmer hiện đại tổ chức lễ Đôn Ta trong 15 ngày, còn theo truyền thống, cúng ông bà ta kéo dài ba tháng, kết thúc vào ngày 15 tháng Mười trong năm. Phần nghi lễ tại chùa. Về mặt tôn giáo, thời gian 3 tháng vừa nêu ăn khớp với truyền thống các tháng an cư kiết hạ của Phật giáo trong mùa mưa. Tương truyền, đức Phật dặn các nhà sư ở trong chùa và không làm gì trong các tháng nhập hạ (khoảng tháng 8 đến tháng 10 lịch Khmer). Đây là thời điểm mưa bão nhiều ở các vùng nhiệt đới, không tiện cho sư ra ngoài khất thực hoặc truyền đạo, nhưng lại thích hợp để các nhà sư cầu nguyện và thiền định, đi sâu hơn vào thực hành Phật pháp. Kết thúc 3 tháng nhập hạ là lúc tín đồ dâng cúng y phục và vật dụng cho chùa. Các vị sư sẽ có quần áo mới và thức ăn ngon trong mùa lễ này. Cúng dường chư tăng là một lễ nghi quan trọng của tín đồ Phật giáo. Lễ dâng y cho chùa hằng năm là một vinh dự cho gia đình nào được phum sóc lựa chọn. Phật giáo là một phần không thể tách rời của nền văn hóa Khmer. Thật đáng mừng khi thấy rằng, mặc dù nhiều khía cạnh của văn hóa Khmer đã bị mất trong chiến tranh và quá trình toàn cầu hoá, hiện đại hóa nhưng người Khmer đã cố gắng duy trì sự tôn sùng tôn giáo và lối sống lấy gia đình làm trung tâm. Về mặt xã hội, Nam Bộ xưa vốn là vùng đất ngập nước, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa nước. Bà con gieo cấy từ đầu năm, sau Tết Chôl Chnăm Thmây, bắt đầu mùa mưa theo lịch Khmer cho đến khi mùa Đôn Ta đến cũng là kết thúc mùa vụ. Rảnh tay khỏi việc đồng áng, đồng bào Khmer bắt đầu đi gặp gỡ, thăm hỏi thân nhân ở xa và tặng nhau những món quà quê, cây nhà lá vườn như bánh trái, hoa quả... Cho nên, Sene Đôn Ta không chỉ là dịp báo hiếu, đáp nghĩa mà còn là ngày hội của tình đoàn đoàn kết đồng bào, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Một trong những ngôi chùa mang đậm văn hóa người Khmer tại Nam Bộ. Thật vậy, lễ Sen Đôn Ta còn là biểu hiện rõ nhất của truyền thống đạo đức của người Khmer Nam Bộ. Đó không chỉ là lòng thương xót cho những người thân trong gia đình mà còn thương cảm đến những cô hồn không nơi nương tựa. Đó không chỉ là lễ nghi Phật giáo mà còn là hoạt động kết nối, giao lưu văn hoá của người Khmer. Truyền thống đạo đức hiếu thảo chính là nền tảng cho bất cứ người Khmer nào trưởng thành và sinh sống trong truyền thống và hiện tại. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại đã tác động đến nhiều mặt trong đời sống của người Khmer, làm giản lược một số lễ tục nhưng lễ cúng ông bà vẫn giữ nguyên cách thức và ý nghĩa nhân văn, rất đáng trân trọng và lưu giữ. Dù tôi đã bước qua cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” nhưng khi lễ Tết của đồng bào Khmer về thì lòng tôi lại luôn rạo rực, bị cuốn hút bởi tiếng trống sa dăm dồn dập, tiếng nhạc ngũ âm réo rắt như ma mị cất lên là không kiềm nén được. Nhớ nhất là ánh mắt “biết nói”, nụ cười hồn nhiên nhưng hút hồn của cô thôn nữ Khmer khi cùng tôi “kề vai”, “thả hồn” vào điệu múa lâm thôn mà ai cũng tấm tắc khen là tôi múa “mềm mại” và “điêu luyện” không thua gì người Khmer “chánh tông”. Lễ Sen Đôn Ta này, tôi sẽ về quê nhưng không biết có được cùng “người xưa” hòa quyện vào vũ điệu lâm thôn hay không... |
Toàn cảnh ngôi chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu), đây là ngôi chùa Khmer lớn nhất miền Tây.
HOÀNG LIÊN PHƯƠNG Ảnh: L.P - T.L Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |