Những “chiến sĩ” cứu nạn hàng hải đang ngày đêm thầm lặng vượt bão, đối mặt với hiểm nguy của biển khơi để giành giật , thủy thủ gặp nạn. Họ có thể lây nhiễm Covid-19 bất cứ lúc nào. Cứu người trên sông đã khó. Cứu người trên biển khó hơn bội phần. Nhất là trong những ngày biển động dữ dội và thời tiết xấu, lực lượng cứu nạn hàng hải phải chạy đua với thời gian bằng tất cả tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Tính chất công việc luôn ứng trực 24/24h đòi hỏi thuyền viên cứu nạn phải luôn có sức khỏe tốt, tinh thần vững vàng để sẵn sàng cứu tàu bị nạn. Bởi nước ta có vùng biển trải dài trên 1 triệu km2 mặt biển, chiều dài hơn 3.260km bờ biển. Trong khi, nhân lực cứu nạn hàng hải hạn chế. Công tác cứu nạn rất khó khăn. Cường độ lao động của thuyền viên cứu nạn rất lớn. Trong đó, trở vào phía Nam là địa bàn có hoạt động giao thông đường biển nhộn nhịp. Lượng tàu thuyền ra vào nhiều nhất. Số tàu nước ngoài ra vào nhiều nhất và cần tới sự trợ giúp cứu nạn nhất. Năm 2020, anh Đinh Xuân Trường - Thuyền trưởng tàu SAR413 thuộc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải Việt Nam) được Hội đồng Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) gửi thư biểu dương sự can đảm, chuyên nghiệp khi anh đặt mình vào tình thế nguy hiểm để người khác được sống. |
NGƯỢC SÓNG CỨU NGƯỜI Với sự can đảm của mình, anh đã chỉ huy sĩ quan, thuyền viên của tàu SAR413 cứu hộ 11 thuyền viên và hành khách của tàu Đại Hải Phát 17 vào ngày 20/11/2019. Anh đã bất chấp điều kiện thời tiết tại khu vực tàu bị nạn chịu ảnh hưởng của gió mùa tăng cường, gió Đông Bắc cấp 6 giật cấp 7 - 8, biển động mạnh, sóng cao trên 3m. Khi tàu của anh đến cứu nạn, tàu Đại Hải Phát 17 đã mất khả năng điều động. Nước tràn vào hầm máy, tàu nghiêng và chìm dần. 11 thuyền viên trên tàu trong trạng thái hoảng loạn. Dưới sự chỉ huy của anh, lực lượng cứu nạn tàu SAR413 đã nhanh chóng tiếp cận được tàu bị nạn, cứu sống và đưa toàn bộ 11 thuyền viên của tàu Đại Hải Phát 17 về bờ an toàn. Trong vai trò thuyền trưởng, anh đã chỉ huy con tàu cứu nạn SAR413 giành giật sự sống cho hàng trăm thủy thủ và ngư dân giữa biển khơi. Mỗi lần nhiệm vụ hoàn thành, các anh cảm thấy yên lòng khi góp phần xoa dịu nỗi đau của thân nhân người gặp nạn. Một kỷ niệm khác khó quên của anh, đó là lần cứu tàu Bulk Jupiter bị chìm trên biển Vũng Tàu. Khi tàu SAR 413 vừa đi cứu nạn 10 ngư dân ở vùng biển Tiền Giang về thì nhận lệnh rời bến khẩn cấp ra biển Vũng Tàu. |
Cứu nạn trong đêm. Ảnh: ST |
Sau hơn 20 tiếng đồng hồ vượt sóng, con tàu do anh chỉ huy đã tiếp cận được vị trí nơi tàu Bulk Jupiter gặp nạn. Khi ấy, anh và đồng đội tiếp nhận 2 thi thể và 1 thuyền viên còn sống của con tàu này trong điều kiện gió giật cấp 9. Thi thể của thuyền trưởng, thuyền phó 3 được chuyển xuống xuồng bằng cầu. Đồng thời, các anh làm nhiệm vụ di chuyển thuyền viên còn sống sót lên tàu SAR 413. Ngay sau khi đưa các thuyền viên lên tàu, thuyền phó tàu SAR 413 cũng là người chăm sóc y tế, động viên, và là người đút từng thìa nước cháo cho thuyền viên hồi sức. Cũng chính các anh đã khâm liệm cho hai thi thể theo phong tục người Việt Nam. Thương xót người xấu số, các anh không khỏi rơi nước mắt cho một kiếp người bỏ mạng giữa biển khơi sóng gió, dù cho họ là người nước ngoài, không thân thích với mình. Mỗi lần vượt sóng cứu người, không chỉ anh Đinh Xuân Trường mà bất cứ thuyền viên cứu nạn nào đều xác định sẽ đối diện với cái chết của chính bản thân mình. Nhưng niềm hạnh phúc khi cứu sống thêm được một người hay đưa được thi thể người bị nạn về đất liền, để họ không phải trôi dạt lạnh lẽo giữa biển khơi khiến các anh không bỏ cuộc. |
Một trong những vị thuyền trưởng tàu cứu nạn được mệnh danh "sói biển" |
Trong lần tàu SAR 413 cứu sà lan chở cọc bê-tông bị chìm trên vùng biển Cửa Đại (Tiền Giang), với anh Đinh Xuân Trường và đồng đội, đó là ký ức thấm đẫm đau thương. Đến biển Cửa Đại, tàu SAR 413 nhiều lần tìm kiếm thuyền viên tưởng như vô vọng. Nhưng rồi một người phát hiện một ngư dân đang trôi dạt. Các thủy thủ quăng phao tròn, thả thang dây để cứu người. Sau đó, tàu tiếp tục tìm kiếm và vớt được 5 thi thể. "Thêm mỗi thi thể được vớt lên, chúng tôi lại quặn lòng. Chúng tôi đã thay người thân của họ thực hiện đầy đủ các nghi thức tâm linh như cúng cơm, đốt hương, vàng mã cho người đã khuất” – anh Đinh Xuân Trường lặng người nói. Những con tàu của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cứ liên tục cấp tốc ra biển như vậy, bất kể nước chảy xiết, trời mù sương hay giông bão ngay khi nhận tin dữ. Những con người trên tàu coi nhau là đồng chí, sát cánh bên nhau giữa hiểm nguy. Là thuyền viên cứu nạn hàng hải hơn 15 năm, anh Trần Văn Khôi (tàu SAR 412) đã tham gia nhiều cuộc tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Trong đó có vụ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30 và máy bay KASA 212 ở Vịnh Bắc Bộ. Anh cũng tham gia tìm kiếm cứu nạn thuyền viên hàng loạt tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn do bão số 12, tìm kiếm cứu nạn thuyền viên bị chìm tàu tại cửa Gianh – Quảng Bình... Nhưng kỷ niệm khắc sâu nhất với anh là lần tham gia cứu nạn thuyền viên tàu Vietship 01 ở Cửa Việt (Quảng Trị) đầu tháng 10/2020. Cuộc cứu nạn diễn ra trong hơn 3 ngày căng thẳng. Nhiều cố gắng tiếp cận thuyền viên tàu Vietship 01 không thành công, anh đã xung phong lên xuồng cao su đi cứu nạn. Khi nhận thấy 02 thuyền viên trên tàu Vietship 01 do hoảng loạn nên đã nhảy xuống biển, anh đã lao xuống nước và bơi ra cứu được 02 thuyền viên này đưa về bờ an toàn. |
Thuyền viên Trần Văn Khôi (người dứng, đang cười) được Tổ chức Lao động Hàng hải quốc tế (IMO) trao giải thưởng năm 2021 - “Mức độ nguy hiểm của công tác cứu nạn lần đó vì sống chết chỉ cách nhau tích tắc. Mỗi cơn sóng phủ qua là một lần chúng tôi biết mình vẫn còn sống. Nhưng thấy người thân của họ òa khóc, ngất xỉu khi đón người bị nạn trở về, tôi quên đi mệt nhọc và thêm yêu công việc và đồng đội của mình” – anh Trần Văn Khôi kể. Cứu nạn và sẵn sàng chấp nhận cách ly Không chỉ giành giật sự sống trên biển, từ năm 2020 đến nay, những thuyền viên cứu nạn của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải còn có thêm nhiệm vụ giữ an toàn cho cảng biển bằng cách đi cứu nạn nhưng không được "mang virus SARS-CoV-2" về bờ. Dù được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ, nhưng khi họ cứu nạn trên biển vẫn khó tránh khỏi nguy cơ. Bởi lẽ, Việt Nam đã gia nhập Công ước SAR-79 nên lực lượng cứu nạn phải thực hiện nghĩa vụ quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải. Cụ thể, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam có trách nhiệm xử lý 100% tai nạn, sự cố xảy ra trên vùng biển Việt Nam. Dù là người đã đi qua vùng dịch hoặc có yếu tố dịch tễ chưa rõ ràng, khi họ gặp tai nạn, sự cố và yêu cầu trợ giúp, lực lượng tìm kiếm cứu nạn luôn sẵn sàng lên đường vào bất kỳ thời điểm nào. |
Cứu nạn thuyền viên tàu cá gặp nạn và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: ST |
“Khi tiếp cận cứu các thuyền viên nước ngoài, chúng tôi không biết liệu họ có nhiễm SARS-CoV-2 hay không" - Thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng của tàu SAR27-01 kể. Thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng chưa thể quên nhiệm vụ ngày 8/10/2020. Tàu của anh nhận lệnh từ Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cứu nạn khẩn cấp từ tàu Ym Advance (quốc tịch Marshall Islands, số IMO 538008585). Trên tàu, một thợ máy phải sử dụng trang thiết bị trợ thở, tim đập nhanh, nôn mửa liên tục do bị nhiễm hóa chất môi trường. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rơi vào tình trạng hôn mê không cử động được, tình trạng rất hiểm nghèo. Nhưng lúc này, đoàn cứu nạn chỉ còn nửa kíp so với bình thường vì sau mỗi chuyến cứu nạn, thuyền viên đều phải cách ly. Thêm vào đó, việc phải mặc thêm đồ bảo hộ lao động, đeo kính chống giọt bắn, găng tay khiến thao tác của các anh trở lên khó khăn. Nhưng các anh đã nhanh chóng tăng tốc đưa tàu đến nơi có người bị nạn. Đồng thời đưa người bị nạn về bờ kịp thời để chữa trị. Người thợ máy thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Còn các anh thì phải cách ly tại tàu cho tới khi nạn nhân có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong lúc cứu nạn, anh Thắng cho biết, ai cũng chỉ nghĩ tới hai chữ “cứu người” mà không nghĩ đến việc người mình đang cứu có nhiễm Covid-19 hay không. |
Trên biển, dịch bệnh khó kiểm soát bằng việc ngăn ngừa nhập cảnh trái phép, phong tỏa, thông tin truy vết. Bởi các tàu thuyền, thuyền viên đi và đến từ khắp mọi nơi trên thế giới và thường chỉ được kiểm soát khi tàu đã cập cảng Việt Nam. Do đó, Covid-19 vẫn là nguy cơ rất lớn với thuyền viên cứu nạn. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, các anh luôn sẵn sàng tâm lý phải cách ly vì Covid-19. Những chuyến đi vốn đã dài và liên tục, nay càng dài thêm vì cách ly. Từ rất lâu rồi, nhiều thuyền viên cứu nạn chưa thể về nhà. Ông Bùi Văn Minh - Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, để anh em yên tâm công tác, Trung tâm đã phối hợp với cơ sở y tế tiêm vaccine cho người lao động. Đến ngày 10/6/2021, đã có 87/155 thuyền viên cứu nạn được tiêm vaccine mũi thứ nhất (chiếm 56,13 % tổng số thuyền viên của Trung tâm). Trung tâm đang cố gắng tiếp cận nguồn vaccine tiêm đủ hai mũi vaccine cho toàn bộ thuyền viên cứu nạn để anh em yên tâm làm nhiệm vụ. |
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang trao Thư khen của Hội đồng Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - cơ quan thường trực giữa các kỳ họp Đại hội đồng IMO cho Thuyền trưởng Đinh Xuân Trường - Thuyền trưởng tàu 413. Ảnh: CHHVN |
Cứu nạn xuyên đêm. Ảnh: TT |
------ |
Bài viết: D.M |