|
Với nhiều người dân tộc ở các vùng núi cao, hẻo lánh, chọn rời khỏi quê hương để Nam tiến, tìm việc làm là giấc mơ vô cùng lớn. Không ít trong số đó là công nhân đã có nhiều năm gắn bó với ánh điện nhà máy, xí nghiệp. Dịch bệnh bùng phát buộc họ phải quay trở về nương rẫy. Vậy nhưng, hành trình đầy gian nan ấy họ không hề đơn độc. |
Nỗi lòng của người trở về |
Trời đã khuya, trước Trạm trung chuyển hầm Hải Vân (TP Đà Nẵng), những cơn như mưa trút nước khiến dòng người hồi hương ướt sũng. Lái xe máy chở theo lỉnh kỉnh đồ đạc, anh Sùng A Lỳ (người dân tộc H'Mông, tỉnh Nghệ An) rời tỉnh Bình Phước để về quê sau thời gian dài ở đất khách vì dịch bệnh Covid-19. Từ khi dịch bệnh bùng phát, vợ chồng anh Lỳ rơi vào cảnh thất nghiệp. Thời gian đầu, dù rất khó khăn, anh Lỳ và vợ vẫn gắng gượng bám trụ đất Bình Phước với hy vọng một ngày gần nhất dịch bệnh qua đi anh có thể trở lại làm công nhân. “Không cầm cự nổi nữa, chờ một hai ngày, rồi là một tháng, hai tháng, thất nghiệp không có cái ăn và con còn nhỏ quá nên tôi đành chạy xe về quê. Đường về nhà còn dài vô tận…”, anh Lỳ nghẹn ngào. |
Những ngày qua thường xuyên có mưa lớn khiến đường trở về của người lao động thêm phần khó khăn, vất vả. |
Ngày trước, khi đặt chân đến Bình Phước, anh Lỳ luôn nuôi ước mơ đổi đời từ ánh đèn của nhà máy. Cuộc sống công nhân cực nhọc, vất vả thế nhưng nó giúp anh Lỳ có được thu nhập để trang trải cuộc sống, thoát khỏi cảnh cày bừa trên mảnh đất khô cằn ở quê nhà. “Ở quê tôi, nhiều người chọn vào Nam lập nghiệp để cải thiện cuộc sống. Nếu cứ trồng trọt trên mảnh đất cằn cỗi không biết bao giờ mới có cái ăn”, anh Lỳ tâm sự. |
Anh A Chia (người dân tộc H’Mông, tỉnh Sơn La) cùng một số đồng nghiệp làm việc ở tỉnh Bình Dương cùng nhập đoàn với một số người khác để đi bộ về quê. Họ đến Bình Dương với hai bàn tay trắng và mong muốn tìm được một công việc ổn định tại các nhà máy, khu công nghiệp và chuyến hồi hương lần này họ cũng đi với hai bàn tay trắng. Lựa chọn đi bộ với quãng đường xa, ai cũng hình dung hành trình trở về sẽ đầy vất vả, gian nan, nhất là những ngày qua trời liên tục mưa lớn. Nhưng nếu chọn ở lại mà tương lai không biết sẽ ra sao, việc làm không có, tiền ăn, tiền trọ cũng không nên buộc họ phải trở về. “Không biết đợi đến bao giờ, suốt ngày tôi chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, rồi nghĩ làm sao để có tiền ăn, tiền trả phòng trọ khiến tôi phát ốm. Tôi phải về quê thôi”, anh Chia tâm sự. Quyết định trở về lần này với anh Lỳ, anh Chia là một trong những sự lựa chọn cuối cùng của cả hai và hành trình về quê cũng chẳng dễ dàng. Rời xa ánh đèn nhà máy, tạm gác lại những giấc mơ đổi đời nơi đất khách, anh Lỳ, anh Chia cũng chẳng có những dự định, sắp xếp nào cho tương lai. Với các anh lúc này, an toàn trở về đã là niềm may mắn. |
Tiếp sức, tiếp thêm hy vọng |
Để tiếp thêm động lực cho đoàn người về quê, trong nhiều ngày qua, tại Trạm trung chuyển hầm Hải Vân (TP Đà Nẵng), các lực lượng tình nguyện viên gần như không ngủ. Lực lượng này gồm đủ ngành nghề, từ những sinh viên, thanh niên đến các cô, chú bán hàng, sửa xe,… Nhưng điểm chung của họ là tấm lòng thảo thơm hỗ trợ đồng bào hồi hương. Đồng hồ điểm 23 giờ, những đoàn xe lại được tiếp nối dẫn đoàn đến trạm trung chuyển, hàng trăm bát súp nóng lại được chuẩn bị để phục vụ mọi người ấm bụng giữa đêm mưa gió. Đón nhận bát súp nóng từ nhóm thiện nguyện tại trạm dừng chân Đà Nẵng, Võ Thị Thảo Uyên (19 tuổi, người Nghệ An) rưng rưng nước mắt. |
“Đây là bát súp ngon nhất tôi từng ăn và ăn trong hoàn cảnh đặt biệt thế này. Bữa ăn đầu tiên của ngày và cũng là bữa ăn ngon nhất trong những ngày qua”, Thảo Uyên chia sẻ. Tiếp đó là những phần bánh, hộp sữa, chai nước, tấm áo mưa, được các bạn tình nguyện viên trao tận tay những người hồi hương. Những chiếc xe bị hư hỏng sẽ được sửa chữa, thay nhớt, đổ xăng hoàn toàn miễn phí. Trong dòng người hồi hương qua địa phận TP Đà Nẵng có rất nhiều trường hợp là lao động nghèo, phụ nữ, trẻ em,… ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,… Đối với họ, sự hỗ trợ tận tình của công an cùng các đơn vị thiện nguyện tại Đà Nẵng có ý nghĩa động viên lớn lao trên hành trình trở về nhà. Chia sẻ về chuỗi ngày hỗ trợ bà con vừa qua, anh Trương Vĩnh Phúc - Doanh nghiệp tư nhân xã hội Phúc Vạn Phúc - Chuyến xe 0 đồng Đà Nẵng không khỏi xót xa. “Ở đây, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn cảnh đời. Mỗi người một hoàn cảnh, do khó khăn, vất vả, lâm vào đường cùng nên họ tìm về với quê nhà. Mình nghĩ ai lúc khó khăn thì quê nhà là nơi cuối cùng họ mong muốn được trở về để được chở che qua khó khăn. Vì vậy, mình chỉ góp thêm chút sức để hỗ trợ bà con được trở về. Đó cũng chính là động lực của các anh em trực chiến nhiều ngày qua”, anh Phúc cho biết. |
Nhiều người dân hồi hương được tiếp sức tại các trạm dừng trên địa bàn TP Đà Nẵng. |