Dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu tại thành phố tỉnh lỵ Đông Hà – tỉnh Quảng Trị có diện tích 29,5ha, với số tiền đã đầu tư từ ngân sách trên 250 tỉ đồng.
Quyết định đầu tư được phê duyệt năm 2015. Trước khi đầu tư xây dựng, dự án đã quy hoạch và thực hiện theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Đây là dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng, cây xanh và thiết kế ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu tiên, hiện đại nhất ở tỉnh Quảng Trị.
Thế nhưng, đến nay, mặc dù dự án xây dựng chưa được quyết toán, kiểm toán nhưng địa phương này đã và đang rục rịch tiến hành quy hoạch lại...
Khu đô thị Bắc Sông Hiếu. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Theo đó, cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức chương trình làm việc, tại đó, Công ty Cổ phần Vườn Thời đại Việt Nam báo cáo ý tưởng đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 1.
Sau cuộc làm việc đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã kết luận, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 1. Với những công việc cụ thể như sau: Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh nghiên cứu mở rộng tuyến đường An Dương Vương (từ đường Hoàng Diệu đến đường Âu Lạc) lên 47m (hiện tại vừa mới thi công xong có mặt đường rộng 25m, có đoạn lớn hơn 20m) để tạo trục cảnh quan cho khu đô thị; Tổ chức lại nút giao thông đường Hoàng Diệu – cầu sông Hiếu – khu vực bờ kè theo hướng ưu tiên công viên, cây xanh, đất công cộng tại khu vực đầu cầu, đảm bảo tầm nhìn thanh thoát phù hợp với kiến trúc cảnh quan của cầu sông Hiếu.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Cam Lộ nghiên cứu quy hoạch đoạn tuyến nối từ đường Âu Lạc đến Quốc lộ 9 hướng phía Bắc và kéo dài nối đường từ sân bay (trong quy hoạch) lên quốc lộ 1.
Ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, địa phương đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh lập điều chỉnh quy hoạch nói trên, nhưng hiện chưa có báo cáo lại.
Bên trong Khu đô thị Bắc Sông Hiếu. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, Khu đô thị Bắc sông Hiếu thuộc thành phố Đông Hà được quy hoạch trước thời điểm địa phương dự định làm cầu sông Hiếu. Nghĩa là, khu đô thị xây dựng trước, sau đó, có vốn của dự án Phát triển đô thị dọc Hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) khoảng 300 tỉ, nên Quảng Trị dùng để xây dựng cầu sông Hiếu để làm điểm nhấn của đô thị. Khi cầu xây dựng cơ bản, nhận thấy mặt cầu rộng 25m, nhưng tuyến đường đấu nối An Dương Vương hẹp, nên tỉnh nghiên cứu làm 1 trục cảnh quan.
“Quan điểm của tỉnh là nghiên cứu mở rộng, cải tạo đường đang có, thêm cây xanh, vỉa hè, công viên, tạo 1 trục kết nối đủ dài đồng bộ với cầu. Hiện giao cho các đơn vị nghiên cứu, báo cáo lên tỉnh một phương án nào đấy không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng trước đây, hoặc ảnh hưởng ít nhất đến kết cấu hạ tầng đã đầu tư xây dựng” – ông Lê Đức Tiến, nói.
UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 1. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
|
Quan điểm của lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị về việc quy hoạch lại Khu đô thị Bắc sông Hiếu là hợp lý, nếu không điều chỉnh quy hoạch ngay, sau này dân cư đông, thì càng khó hơn.
Theo lập luận, tính toán của đơn vị lập quy hoạch mới thì nếu việc điều chỉnh quy hoạch theo phương án nói trên thành hiện thực, thì trục đường từ cầu sông Hiếu sẽ nối đến Quốc lộ 9 phía Bắc, kết nối với quốc lộ 1, với cảng hàng không và đô thị Sòng trong tương lai. Trục đường này song song với quốc lộ 1, sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, cũng như giảm bớt lưu lượng cho tuyến quốc lộ 1.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Tuy nhiên, thực tế hiện tại, nếu điều chỉnh quy hoạch, tới đâu cũng phải “phá vỡ” nhiều kết cấu hạ tầng, diện tích đất đã bán đấu giá.
Một kỹ sư giao thông cho hay, việc điều chỉnh quy hoạch, mở rộng tuyến đường sẽ phải di dời, phá vỡ nhiều hạng mục công trình vừa được đầu tư hoàn thiện và ảnh hưởng hiện trạng các khu đất đã giao cho doanh nghiệp, là trụ sở cơ quan nhà nước; quá trình đền bù giải phóng mặt bằng không chỉ tốn kém, mà sẽ gặp khó khăn khi người dân vừa trúng đấu giá đất. Đặc biệt, do 1 số hạng mục tại khu đô thị nói trên chưa hoàn thiện, nên đến thời điểm ngày cuối tháng 5/2022, dự án vẫn chưa được kiểm toán, quyết toán.
Theo tìm hiểu của phóng viên, theo quy hoạch điều chỉnh một cách “quyết liệt và triệt để”, thì trục đường kéo dài cũng sẽ đi qua diện tích đất thuộc địa phận UBND huyện Cam Lộ quản lý. Khi đó có nhiều diện tích phải thu hồi, đền bù các lô đất mà địa phương này vừa phân lô, bán đấu giá. Về phía Nam của cầu sông Hiếu, nếu mở một con đường theo trục dọc cầu, cũng sẽ vướng phải khu dân cư, vướng hạ tầng mới quy hoạch phân lô đấu giá, nên chi phí giải phóng mặt bằng lớn.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị: “Chúng tôi đang lên phương án, các lô đất đã đấu giá thì phải hoán đổi, đền bù. Hệ thống hạ tầng đã làm rồi thì mở rộng, di dời. Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là hạn chế kinh phí phát sinh, đảm bảo nguồn lực. Để thực hiện điều này, có thể các phương án điều chỉnh bề rộng đường vừa phải thôi, không quá thẳng”...
NHÓM PHÓNG VIÊN Đồ họa: AN NHIÊN |