Để chủ động phòng chống bão số 9, các lực lượng chức năng và người dân các xã ven biển tỉnh Quảng Nam khẩn trương chằng chống nhà cửa.
***
Việc chằng chống nhà cửa được người dân dọc ven biển tỉnh Quảng Nam triển khai từ chiều qua (26/10). Bà con dùng bao cát, dây thừng chằng chống nhà cửa. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng địa phương, Đồn Biên phòng Tam Thanh cùng lãnh đạo xã Tam Thanh cũng đã giúp bà con địa phương cột dây, đưa các bao cát lên mái nhà để đảm bảo an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.
Bà Võ Thị Trích ở thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sáng nay, con tôi và các lực lượng chức năng Đồn Biên phòng Tam Thanh đã đến giúp chằng chống nhà cửa. Việc làm này giúp tôi yên tâm trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền”.
Đại úy Phạm Quốc Phụng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết: “Đồn biên phòng Tam Thanh đã huy động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đi từng nhà dân dọc ven biển xã Tam Thanh để giúp dân chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền của bà con địa phương đến vị trí cao an toàn. Ngoài ra, thường xuyên thông tin cập nhật về diễn biến cơn bão số 9 này. Dự kiến đến cuối buổi chiều nay, đơn vị sẽ sơ tán các hộ dân sinh sống gần biển đến nơi tập trung an toàn”.
Trong khi đó, người dân các xã, phường ven biển thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình… cũng đang hối hả chằng chống lại nhà cửa để phòng, tránh bão số 9 dự kiến sẽ đổ bộ vào tối nay và ngày mai 28/10.
Các lực lượng gấp rút hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. |
Ông Nguyễn Thanh Thư ở tổ 11, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, dùng cát chằng chống nhà cửa vừa đắt, vừa gây nguy hiểm; còn dùng túi nilon chứa nước thì rẻ hơn và an toàn. Lỡ mái nhà có bị bay hay sập thì cũng không gây nguy hiểm cho người trong nhà”.
Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên cho biết, việc di dời người dân đã được triển khai từ chiều ngày 26/10 đối với những hộ có nhà cấp 4. Xã cũng vận động các hộ chằng chống nhà cửa an toàn.
“Chúng tôi đưa người dân ở nhà cấp 4 đến trụ sở xã để trú ẩn an toàn. Có 99 hộ ven sông ven biển đã được di dời, có 415 hộ nếu triều cường dâng lên chúng tôi sẽ tổ chức di dời ngay trong chiều ngày 27/10 đến nơi cao ráo và an toàn nhất”.
Tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, nhiều người dân địa phương cũng đã chủ động chằng chống nhà cửa, gia cố nhà cửa bằng các bao cát. Ngoài ra, một số người dân chủ động chặt tỉa, chằng chống cây xanh. Các nhà hàng, quán ăn đã khẩn trương dọn dẹp hàng, tiến hành tháo dỡ các biển bảng, biển quảng cáo để đảm bảo an toàn.
Bà Nguyễn Thị Bảy ở thôn Tân Lập, xã Tam Hải cho biết, gia đình bà đã chủ động mua bao cát rồi chằng lên mái nhà và mái lợp sân nhằm tránh gió bão thổi bay; để phòng trường hợp mất điện, gia đình chuẩn bị nến để thắp, đèn pin và dự trữ một số lương thực, thực phẩm để dùng khi cần thiết.
Trước tình hình bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền, chính quyền xã đảo Tam Hải đã cử cán bộ đi rà soát, thống kê và lên phương án di dời các hộ dân nằm ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Dự kiến sẽ sơ tán 107 hộ dân của xã đến nơi an toàn.
Trong sáng nay (27/10), ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã đi khảo sát, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 9 ở các huyện, thị xã ven biển như Thăng Bình, Duy Xuyên,…
Làm việc với lãnh đạo các địa phương, ông Phan việt Cường cho biết, toàn tỉnh quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Mỗi địa phương chủ động đề ra những kịch bản xấu nhất để sẵn sàng ứng phó khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã đến kiểm tra công tác giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa tại các xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ; Bình Hải, Bình Minh, huyện Thăng Bình; Duy Nghĩa, Duy Hải, huyện Duy Xuyên; nghe địa phương báo cáo về kế hoạch và tiến độ di dời, sơ tán người dân ở khu vực không an toàn đến nơi tránh trú an toàn và việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để ứng phó với cơn bão số 9 của lãnh đạo 3 huyện, thành phố này.
Bài, ảnh: Hoài Nam
Cứu trợ miền Trung, cần thêm những lúc đồng lòng…
Những đề nghị các tổ chức đoàn thể cùng với đội nhóm, cá nhân làm thiện nguyện chung tay góp sức đã bị phản ứng ... |
Mức lương cao nhất dành cho ứng viên trong quý III là 280 triệu đồng/tháng
Trong công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu ... |
Mạnh mẽ lên, đừng ngã lòng bạn nhé!
Nhiều bạn trẻ mới đi làm công nhân không chịu được áp lực, muốn ngã lòng. Nhưng chỉ có mạnh mẽ |