Nhân viên Khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam ngày đêm bám cảng, kiểm dịch y tế để góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào đất liền. |
Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tăng cao ở các nước trên thế giới thì nguy cơ xâm nhập bệnh từ các đường biên giới như: đường hàng không, bộ, hàng hải cũng càng tăng theo. Trong đó, nguy cơ từ đường hàng hải là không hề nhỏ. Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các tàu thủy quốc tế neo đậu tại các cảng hàng hải cũng tương tự máy bay quốc tế tại các cảng hàng không. Khi một tàu đã đi qua các hải cảng quốc tế vào neo đậu tại bến cảng hoặc phao số 0 thì những thuyền viên trên tàu chính là những đối tượng nguy cơ, có thể nhiễm Covid-19 trong quá trình đi qua các hải cảng quốc tế. Theo quy định từ khi có dịch bệnh Covid-19, tại các hải cảng Việt Nam các tàu quốc tế được xem là có nguy cơ lây nhiễm nên phải cách ly hoàn toàn với đất liền. Do đó, những người trên tàu không được lên bờ trừ những trường hợp được cho phép như: kết thúc hợp đồng làm việc, điều trị bệnh... Tất cả đều phải được thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch như những người nhập cảnh (cách ly tập trung, xét nghiệm Covid-19,...). Thời gian qua cán bộ Khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) ngày đêm bám cảng, kiểm dịch y tế xuyên đêm, để góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào đất liền. Những người trong nghề gọi họ bằng cái tên trìu mến: "Biệt đội săn lùng Covid-19 trên biển". |
Khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế, CDC Quảng Nam có 7 kiểm dịch viên phụ trách kiểm dịch ở 4 địa điểm gồm: Sân bay nội địa Chu Lai, Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang, Cảng biển Quốc tế Kỳ Hà, Cảng biển Quốc tế Chu Lai. Do Sân bay nội địa Chu Lai tạm dừng khai thác trong mùa dịch nên 7 kiểm dịch viên gần như túc trực 24/24 ở hai địa điểm cửa khẩu trên đất liền và phao số 0 ở vùng biển Quảng Nam. Việc bảo đảm an toàn cho cửa khẩu hàng hải là một nhiệm vụ tối quan trọng. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm y tế an toàn cho cửa khẩu hàng hải, các "chiến sĩ áo trắng" còn phải thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục nhanh chóng cho các tàu được cập cảng đúng giờ, kịp thời lưu thông hàng hóa. Trước đây, công tác kiểm dịch trên biển chỉ thực hiện giám sát vệ sinh nước, thực phẩm,... trên các tàu neo đậu tại cảng. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước cũng như thế giới, các nguy cơ liên tục đe dọa cửa khẩu hàng hải, họ phải nhận nhiệm vụ mới, thực hiện kiểm soát dịch tại phao số 0 để kiểm soát các tàu có nguy cơ, những tàu có thuyền viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở… |
Những con tàu chở hàng dài hơn 100m, mạn tàu tương đương toà nhà 5, 6 tầng. Nhân viên y tế phải leo thang dây để lên được tàu.
Từ đầu tháng 9/2021, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, tất cả các tàu quốc tế vào Cảng biển Quốc tế Kỳ Hà, Cảng biển Quốc tế Chu Lai đều phải dừng ở phao số 0 để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu tất cả thuyền viên trên tàu có kết quả âm tính, tàu mới được cập cảng. Cứ mỗi con tàu chở hàng nước ngoài từ vùng có dịch vào Quảng Nam, các nhân viên y tế của CDC Quảng Nam lại vượt sóng ra phao số 0 để làm nhiệm vụ. Mỗi lần di chuyển từ đất liền đến vị trí tàu neo đậu là từ 30 đến 45 phút. Những ngày thời tiết xấu thì thời gian ngồi ca nô kéo dài hơn. Những ngày biển động, sóng to nhiều người ngồi ca nô không quen nên bị say sóng. Khi ra đến nơi nhân viên y tế còn phải leo thang dây lên những con tàu cao bằng tòa nhà 5, 6 tầng. Chuyến đi nào cũng đầy vất vả, nhất là vào giữa đêm khuya. |
Nhân viên Khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam đang lấy mẫu xét nghiệm trên tàu. |
"Anh em kiểm dịch viên y tế luôn luôn đối mặt với nguy hiểm trên biển như: Gió to, sóng lớn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt hay những đêm hôm khuya khoắt,.. Những con tàu chở hàng dài hơn 100m, mạn tàu tương đương toà nhà 5, 6 tầng. Các kiểm dịch viên phải bám vào thang dây để leo lên tàu làm xét nghiệm cho nhân viên, thủy thủ,... Những ngày có sóng to, việc lên tàu rất nguy hiểm bởi khả năng người sẽ va đập với mạn tàu, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể nguy hiểm đến tính mạng", ông Phan Văn Bửu, Trưởng Khoa kiểm dịch Y tế Quốc tế, CDC Quảng Nam, chia sẻ. |
Nhiệm vụ của nhóm thực hiện xét nghiệm, gồm 2 người, họ lên tàu hướng dẫn thuyền viên những quy định về phòng, chống dịch Covid-19, kiểm tra tờ khai y tế, xác nhận vào tờ khai y tế của từng thuyền viên. Ngoài ra họ còn thực hiện giám sát, xác minh người, phương tiện, hàng hóa có xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch Covid-19 trong vòng 21 ngày qua hay không; phun thuốc khử trùng đối với tàu và hàng hóa sau khi kiểm dịch viên giám sát, xác minh trên tàu có yếu tố nguy cơ; khai thác tiền sử; đo thân nhiệt, khám lâm sàng đối với người trên tàu; đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng;... Chỉ khi nào nơi xét nghiệm trên bờ thông báo toàn bộ thuyền viên âm tính với SARS-CoV-2, tàu mới được phép đi sâu vào bên trong cảng. |
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cứ vài ngày, ông Lê Dũng, Khoa kiểm dịch Y tế Quốc tế, CDC Quảng Nam cùng các đồng nghiệp ra phao số 0 một lần. Trong đó nhiều lần vào giữa đêm khuya, bởi tàu neo đậu trên biển một ngày sẽ mất rất nhiều chi phí. Ông Dũng tâm sự: "Đi biển vào ban đêm đối với những nhân viên kiểm dịch y tế như chúng tôi không có gì xa lạ. Một tuần chúng tôi lại có vài chuyến đi kiểm dịch vào ban đêm. Nếu may mắn gặp trời yên, biển lặng thì không sao, những hôm biển động, con sóng đánh cao từ 2 đến 3m, người bị đánh tung cả lên, về đến nhà là ê ẩm hết mình mẩy”. Ông Đặng Quang Tuyến, Khoa kiểm dịch Y tế Quốc tế, CDC Quảng Nam, người được cử làm nhiệm vụ thường xuyên bám biển cho biết: “Nhiệm vụ trong mỗi ca làm việc của chúng tôi là phải đảm bảo những chiếc tàu nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không mang theo mầm bệnh Covid-19 cũng như những bệnh dịch truyền nhiễm khác vào đất liền. Chỉ khi nào kiểm dịch y tế xác nhận an toàn, thì tàu mới được phép cập cảng”. |
Theo ông Phan Văn Bửu, người có hơn 10 năm trong nghề chia sẻ, hầu hết anh em đi làm kiểm dịch là đối mặt với các các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là dịch Covid-19 đang lây nhiễm nhanh và bùng phát như hiện nay. Vì vậy khi đi làm nhiệm vụ kiểm dịch họ luôn ý thức phòng bệnh cho bản thân. Sau mỗi ca làm việc nhân viên đều phải vệ sinh, sát khuẩn cá nhân cẩn thận, đúng quy định. Khi về đến đơn vị phải tự kiểm tra sức khỏe thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người thân, gia đình. "Mặc dù vất vả, không ít hiểm nguy nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải làm thật tốt nhiệm vụ được lãnh đạo phân công, bởi chỉ cần lọt một người nhiễm SARS-CoV-2 vào cộng đồng thì sẽ là mối nguy hiểm rất lớn cho cả xã hội", ông Bửu phân tích. Cũng theo ông Bửu, trong trường hợp khi kiểm dịch trên tàu nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2, CDC Quảng Nam sẽ báo cáo các đơn vị chức năng tại cảng biển, kích hoạt quy trình phòng, chống dịch bệnh đã được lên kịch bản trước đó. Nhân viên y tế sẽ phân loại và đưa người mắc bệnh, người tiếp xúc gần vào đất liền để cách ly và điều trị theo quy định. Tiếp đó sẽ khử khuẩn toàn bộ tàu và hàng hóa. Thay đổi tất cả thuyền viên và thủy thủ trên tàu, sau đó đưa tàu vào cầu cảng để bốc dỡ hàng hóa theo lộ trình. |
"Mặc dù vất vả, không ít hiểm nguy nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải làm thật tốt nhiệm vụ được lãnh đạo phân công", ông Phan Văn Bửu, Trưởng Khoa kiểm dịch Y tế Quốc tế, CDC Quảng Nam cho biết.
Theo Công ty TNHH MTV Cảng Chu Lai - Trường Hải, kế hoạch năm 2021, sản lượng hàng hóa qua Cảng Quốc tế Chu Lai đạt 4 triệu tấn (tăng 33% so với năm 2020). Hiện tại có rất nhiều hãng tàu quốc tế vào Cảng Quốc tế Chu Lai, kết nối xuất khẩu hàng hóa từ cảng này đi đến nhiều cảng biển trên thế giới. |
Cảng này liên tiếp nhận các tàu từ: Hà Lan, Nhật, Malaysia, Ấn Độ,... và các hãng tàu quốc tế khác ra vào với tần suất, lưu lượng hàng hóa lớn nên nguy cơ rủi ro về dịch bệnh xâm nhập là rất cao. Vì vậy cả khách hàng và nhân viên cảng đều ý thức, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cảng cũng thường xuyên phối hợp các trung tâm kiểm dịch, kiểm soát, cảng vụ, biên phòng, hải quan, giám sát phòng chống dịch trong quá trình khai thác, làm hàng. Ông Lê Việt Anh, Giám đốc Công ty Vận tải tàu biển Vietlink cho biết việc các cảng biển ở Quảng Nam thắt chặt kiểm soát dịch bệnh khiến chủ tàu, thuyền viên, khách hàng cảm thấy có đôi chút bất tiện như: không được lên bờ, đo thân nhiệt, khai báo y tế, thực hiện giãn cách,… Thế nhưng ông và mọi người trên tàu vẫn đặt an toàn là trên hết nên buộc phải tuân thủ. Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Quốc tế Kỳ Hà cho biết hiện đơn vị đang thực hiện các bước để thông quan hàng hóa nhanh nhất có thể, không để sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ. Công tác phòng chống dịch cũng luôn song hành với hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện Chi cục Hải quan cũng đang phối hợp chặt với biên phòng, hải đội, cảng vụ hàng hải, kiểm dịch y tế, cảnh sát biển và chính quyền địa phương,… sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đại dịch Covid-19 đang làm nhiều quốc gia trên thế giới chao đảo, nhiều cảng biển bị tê liệt, hơn lúc nào hết, vai trò của kiểm dịch y tế lại được nâng cao. Họ cùng với các chiến sĩ biên phòng, cảng vụ… đang thực hiện sứ mệnh cao cả, làm "lá chắn thép" từ biển để bảo vệ cửa khẩu hàng hải được an toàn trong đại dịch Covid-19. |
Nam Trân |
Một số địa phương nới lỏng quy định đối với người về từ vùng xanh Hà Nội
Một số tỉnh, thành đã chấp nhận cho người ở vùng xanh của Hà Nội được phép vào địa bàn nhưng vẫn phải đảm bảo ... |
Nghệ An: 13 năm thực hiện chương trình Mái ấm Công đoàn để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp
Thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2009, LĐLĐ tỉnh Nghệ An chính thức phát động chương trình Mái ấm Công đoàn. ... |
Tương lai nào cho trẻ mồi côi?
Mấy ngày qua, hình ảnh những đứa bé bất chợt mồ côi, có khi cả cha lẫn mẹ lìa trần ngay trong đại dịch Covid-19 ... |