Chị Trâm chia sẻ, chiến lược của Công ty TNHH Pun Coffee (sau đây viết là Công ty Pun Coffee) là làm cà phê đặc sản. Để có được cà phê đặc sản thì phải có “con người đặc sản”, do đó Pun Coffee luôn coi người nông dân trồng cà phê là trung tâm của sản phẩm. |
Sau 3 năm hình thành và phát triển, Công ty Pun Coffee (thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) đã có những bước đột phá. Sản phẩm cà phê sạch của đơn vị được xướng tên ở ngôi vị cao nhất tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021”. Và hơn thế nữa, một đơn hàng với số lượng 2 tấn cà phê nhân đang làm những thủ tục cuối cùng để “bay” sang Mỹ. Phía sau sự thành công với khoảng thời gian ngắn ấy chính là người phụ nữ nhỏ nhắn đến từ Quảng Nam - chị Lương Ngọc Trâm (40 tuổi), Giám đốc điều hành Công ty Pun Coffee. PV Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc trao đổi với chị về sự thành công này. |
PV: Từ đâu, chị có duyên nợ với với mảnh đất Hướng Hoá và cà phê Khe Sanh? Chị Lương Ngọc Trâm: Mình có quê ở Quảng Nam nhưng bà nội lại ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Những chuyến về quê bà nội, mình chưa bao giờ nghĩ ở Quảng Trị có trồng cà phê. Chắc có lẽ không để ý hoặc cứ nghĩ, ở một nơi nắng gió thế này thì làm gì trồng được giống cà phê ngon. Cho đến khi mình lấy chồng thì mới vỡ lẽ. Gia đình nhà chồng có nhiều năm trồng và chế biến cà phê ở đất Hướng Hoá. Tuy nhiên, khi về làm dâu ở đất Hướng Phùng này, cái mình thử sức đầu tiên là lĩnh vực tre nứa. Nhưng đã sớm thất bại với nhiều lý do khác nhau. Cà phê Khe Sanh là lựa chọn thứ hai và mình biết đã đi đúng hướng. PV: Ý tưởng, chiến lược chủ đạo khi thành lập Công ty Pun Coffee? Chị Lương Ngọc Trâm: Lấy tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm làm trọng tâm. Để có được điều đó thì Pun Coffee coi người nông dân trồng cà phê là trung tâm của sản phẩm. Vì sản phẩm cà phê sạch là một quá trình chứ không phải nằm ở khâu sơ chế, chế biến. Mình luôn đặt câu hỏi, tại sao có một vùng cà phê với lịch sử lâu đời, có vùng nguyên liệu rộng lớn như thế này nhưng thương hiệu vẫn đang còn mờ nhạt? Gia đình nhà chồng mình có hơn 25 năm trồng trọt và kinh doanh cà phê. Với nhiều năm kinh nghiệm đó nhưng sản phẩm đưa ra vẫn không vươn xa, chưa đủ sức cạnh tranh. Có thể là do cách làm truyền thống với chiến lược sản phẩm cà phê thương mại mang tính đại trà, bình dân. Mình đã xác định, nếu Pun Coffee vẫn đi theo hướng đó thì sẽ lặp lại vết xe đổ từ nhiều đơn vị chế biến cà phê trên địa bàn. Do đó, chiến lược của Pun Coffee là làm cà phê đặc sản. Muốn có được cà phê đặc sản thì phải có “con người đặc sản”. Và chúng tôi phải quay ngược lại, bắt đầu từ bài toán “con người đặc sản”: Trồng cà phê theo hướng phi truyền thống. Nghĩa là từ cách trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch, bảo quản đều theo một quy trình mới. |
Chị Lương Ngọc Trâm và tác giả. |
PV: Làm cà phê sạch là một hành trình gian nan. Nó khác với cách làm cà phê truyền thống như thế nào? Chị Lương Ngọc Trâm: Như tôi đã nói ở trên. Cái khó là thay đổi quy trình trồng cà phê, mà cụ thể là thay đổi tập quán trồng của một lớp người. Người trồng cà phê ở Hướng Phùng đa số là đồng bào Vân Kiều. Với tập quán chăm sóc, bón phân hoá học, phun thuốc trừ sâu… Đặc biệt trong khâu thu hoạch, họ hái cả quả xanh, quả chín chưa tới và thậm chí nhiều tạp chất khác lẫn lộn. Trong khi đó, Pun Coffee ra đời và hoạt động vào thời điểm có những dấu hiệu của cà phê nơi này “thoái trào” sau 10 năm rớt giá liên tục. Cùng với đó, cà phê đang đoạn già cỗi. Người tâm huyết với giống cây này bỏ bê nhiều năm không chăm sóc, thậm chí có người chặt phá để chuyển sang cây trồng khác. Những bức ảnh lưu lại các họat động của Pun Coffee trên mảnh đất Hướng Hóa. Với chiến lược mưa dầm thấm lâu, mình cùng chồng là anh Phan Hồng Phong đã ngày đêm vận động trồng và thu hoạch theo mô hình mới: Chỉ hái những quả chín đỏ, đạt chất lượng. Mình đã đi từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm mới. Với cách chăm sóc mới thì chỉ được bón loại phân gì; đồng thời cấm phun thuốc hoá học; đối với cách hái thì chỉ hái quả chín đỏ, loại bỏ quả úng và tuyệt đối không có quả chín chưa tới. Để thuyết phục họ làm điều đó, mình đã đưa ra mức giá cao khi thu mua để làm động lực triển khai. Khi đã tạo dựng niềm tin với người trồng cà phê, có được nguồn sản phẩm đảm bảo chất lượng, Công ty Pun coffee đầu tư hệ thống phơi nhà màng, hệ thống máy tách quả tươi, máy xát quả phục vụ sản xuất cà phê sạch. Quy trình chế biến cà phê đặc sản rất kỳ công, hạt cà phê sau khi đưa về xưởng phải rửa vớt hạt nổi trên mặt nước, loại bỏ những trái nẫu chín quá, đen khô, rồi ủ mát trước khi đưa phơi trên sàn lưới, phải canh nhiệt độ ngoài trời phù hợp. Bởi nếu để phơi ở nhiệt độ nóng quá thì cà phê nhanh khô, không phơi qua đêm tránh bị ẩm do sương, ngoài ra phải có thiết bị hỗ trợ như máy đo lượng đường, máy đo độ ẩm, máy đo nhiệt độ để kiểm tra chất lượng cà phê đạt chuẩn về phần quả thóc, sau công đoạn xay nhân lại nhặt lỗi theo tiêu chuẩn SCAA. Tất cả đòi hỏi phải tỉ mẩn, cẩn thận chăm chút từ khâu sản xuất nhỏ nhất cho đến cả quá trình chế biến ra thành phẩm. |
Một góc văn phòng làm việc và những thành tích của Pun Coffee. |
PV: Tại sao cà phê Khe Sanh là 1 trong những vùng cà phê ngon nhất nước nhưng người nông dân trồng cà phê không giàu lên được? Chị Lương Ngọc Trâm: Cà phê Arabica Khe Sanh được giới chuyên môn đánh giá cao. Thường thì nó thích hợp với địa hình trên 1.000m so với mực nước biển như các địa phương ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy cà phê Khe Sanh chỉ được trồng trên địa hình từ 600 đến 650m nhưng có hương vị đặc trưng. Có lẽ vùng này biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao. Cái lạnh của đêm giữ được hương vị đặc trưng không lẫn vào vùng khác được. Với cách làm truyền thống, trồng cà phê chủ yếu nhờ thiên nhiên. Nếu có chăm sóc thì cũng phun thuốc, bón phân hoá học thì người dân vẫn không khá lên được chứ đừng nói giàu. Tại sao? Với cách chăm sóc và thu hoạch truyền thống, giá cà phê cũng chỉ ngấp nghé đủ chi phí thì làm sao có dôi dư mà giàu được. Thời gian qua, Pun Coffee đã thoả thuận mua giá cao khi thoả mãn các điều kiện đưa ra. Đầu mùa vụ, Pun Coffee đã ký hợp đồng với người nông dân theo công thức G + 5 (G là giá thị trường). Nếu giá thị trường 10 ngàn đồng/kg thì Pun Coffee mua với giá 15 ngàn đồng/kg. Chúng tôi đã làm một bài toán để người dân trồng cà phê thấy được rằng, giá trị của sự đổi mới tạo ra giá trị gia tăng, làm giàu cho người nông dân. Họ phải thay đổi cách canh tác, cách chăm sóc và đặc biệt là cách thu hoạch. Phải hái trái cà phê đúng quy trình và chuyên nghiệp. Chỉ khi thay đổi được tư duy, cách làm mới mong thay đổi được thu nhập. Giám đốc điều hành Công ty TNHH Pun Coffee Lương Ngọc Trâm pha cà phê mời khách. PV: Hướng đi nào để người lao động trong lĩnh vực cà phê giàu lên và được vinh danh. Chị Lương Ngọc Trâm: Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định, nếu đi một mình thì Pun Coffee đã có hướng đi riêng, tức là mua đất tự làm theo quy trình của mình. Song với tâm nguyện đồng hành với cộng đồng, tạo thương hiệu chung cho cả vùng và đặc biệt, tạo sinh kế mới cho người nông dân và nâng cao thu nhập. Chính mục tiêu đó đã khiến Pun Coffee đi gõ cửa từng hộ để hướng dẫn cách làm mới, dù điều này rất cam go. Vì thay đổi một quy trình đã ăn sâu vào tập quán của nhiều thế hệ canh tác cà phê là rất khó. |
Kết quả, hiện có 145 hộ trồng cà phê (với lượng cung ứng trên dưới 2 tấn/hộ) kết nối với Pun Coffee để làm theo mô hình do Công ty đề ra. Chúng tôi mất 2 năm để tập huấn cách làm mới. Bắt buộc dùng phân vi sinh, bón những loại phân sinh học nào đều được sự đồng ý của Công ty. Chúng tôi đã loại bỏ được hơn 80% hoá chất trong cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước. Với quy trình đó, người nông dân cam kết thực hiện sẽ có bước đột phá. Hiện chúng tôi sản xuất trung bình 50 tấn/năm, cà phê nhân đặc sản đủ tiêu chuẩn để đưa ra thị trường khó tính. Sắp tới sẽ mở rộng nhà xưởng, nâng quy mô. Tuy nhiên, cái chúng tôi đang còn trăn trở là không đủ cà phê đạt chuẩn để sản xuất khi sức lực của Công ty không đủ để đào tạo, tập huấn các hộ trồng cà phê mới gia nhập mô hình này. Mong sao chính quyền chung tay đồng hành với Công ty làm cà phê sạch, cà phê đặc sản. Kế hoạch sắp tới, chúng tôi xây dựng chương trình coffee tour để quảng bá cà phê Khe Sanh. Thế giới nghĩ Khe Sanh là địa danh của chiến tranh trong lịch sử nhưng nay còn biết đến một Khe Sanh của đặc sản cà phê Arabica. Đó là chương trình “Bên ly cà phê nói chuyện hoà bình”. Những người trồng cà phê có thể kể rành mạch như một hướng dẫn viên du lịch về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê. Khi đó mỗi tách cà phê có giá cao gấp vài lần giá thị trường vẫn được khách trong và ngoài nước chấp nhận bởi họ vừa uống cà phê theo cách thông thường và “tắm mình” trong lịch sử của một vùng đất. Đó cũng là lúc người trồng cà phê được vinh danh! |
Thu hoạch và sơ chế quả cà phê. |
PV: Giấc mơ cà phê Khe Sanh trên đất Mỹ hiện đến đâu rồi, thưa chị? Chị Lương Ngọc Trâm: Đầu tháng 5/2021, sản phẩm cà phê Arabica Khe Sanh xuất sắc đạt giải Nhất tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. Đó là thành công ban đầu sau nhiều năm cố gắng đã được giới chuyên môn khẳng định. Tiếp theo, tháng 12/2021, Công ty của chúng tôi ký kết hợp đồng xuất khẩu 2 tấn cà phê nhân Arabica Khe Sanh với Công ty TL Group LLC (Hoa Kỳ). Công ty TL Group LLC được độc quyền phân phối cà phê Arabica Khe Sanh rang xay do Công ty Pun Coffee cung cấp tại thị trường toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Hợp đồng giao hàng tại kho Công ty nên mọi công đoạn tiếp theo như tem nhãn, đóng gói đều được đối tác lo. Hiện đơn hàng đang làm những thủ tục cuối cùng để “bay” sang Mỹ. Hiện chúng tôi đang có nhiều đơn hàng từ Dubai và Đan Mạch. Tuy nhiên, nỗi lo lắng về thị trường không còn thì nay lại lo lắng về nguồn cung đầu vào. Và bài toán kết nạp, tập huấn hộ trồng cà phê theo mô hình của Công ty lại được bắt đầu... PV: Chúc chị và Pun Coffee sớm thành công giấc mơ đổi đời cho đồng bào ở độ cao hơn nửa ngàn mét hơn… |
Một góc nông trại của Pun Coffee.
YÊN MÃ SƠN Ảnh: T.S - T.L Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |