|
Trước hoàn cảnh éo le và thiên tai khắc nghiệt triền miên ở mảnh đất nắng gió Quảng Bình, những người phụ nữ nơi đây vẫn luôn giữ trong mình một ý chí rắn rỏi. Họ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tự tin tham gia làm kinh tế, không chỉ đảm bảo thu nhập cá nhân mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. |
khi Phụ nữ dám nghĩ, dám làm Chị Trương Thị Lược - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến (HTX Bắc Tiến ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) là một trong rất nhiều gương phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp tại Quảng Bình. Cuộc sống hôn nhân gặp trắc trở, chị một mình bươn chải nuôi hai con ăn học với bao nỗi vất vả. Để có chi phí trang trải, người phụ nữ này đã làm nhiều công việc khác nhau, từ bán trái cây ở chợ, đi cấy thuê, thu mua nông sản… nhưng vẫn thiếu thốn trăm bề. Không cam chịu cái nghèo đeo đuổi, năm 2015 chị Lược đứng lên thành lập Tổ hợp tác Trồng ngô Bắc Cổ Hiền. Tháng 9/2017, được các cấp chính quyền quan tâm đồng hành, cùng với quyết tâm làm giàu, chị đã mạnh dạn thành lập HTX Bắc Tiến với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. |
Chị Trương Thị Lược (áo dài tím). |
Đến nay, HTX Bắc Tiến đã có 20 thành viên, gồm 1 thành viên nam và 19 thành viên nữ. Trong đó phần lớn là phụ nữ đơn thân, số còn lại là phụ nữ có hoàn cảnh con nhỏ, nhà neo người. Bản thân chị Lược ngoài là Giám đốc điều hành HTX, chị còn đứng ra bao tiêu sản phẩm ngô tươi, đậu lạc và sắn của bà con trong huyện, tạo việc làm cho 40 lao động địa phương lúc nông nhàn. Chị Trương Thị Lược cho hay: "Có thể nói trong các nghề tạo cho phụ nữ thì nghề trồng nấm là nhẹ nhàng và phù hợp hơn cả. Việc trồng nấm hoàn toàn chủ động thời gian, độc lập thời vụ. Sản phẩm làm ra có thể tiêu thụ trực tiếp tại thị trường trong nước và có tiềm năng xuất khẩu. Chính vì vậy, tôi và các thành viên đã bàn nhau mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất hiện nay lên gần 2.000 m2 và thuê thêm các địa điểm khác trong xã để tăng số lượng nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm, nấm hoàng đế". |
|
Thời gian tới, HTX sẽ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy trình trồng các loại nấm mới, chưa có trên thị trường Quảng Bình. Đa dạng hóa các sản phẩm từ nấm như: Sản xuất trà và rượu , mứt bào ngư, nấm sấy khô,… nhằm mở rộng các đối tượng khách hàng. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh các kênh phân phối, phát triển hệ thống tại mỗi xã trên địa bàn tỉnh và thị trường tại TP HCM và khu vực phía Nam. |
-“HTX sẽ phát triển chuyên sâu hơn như đầu tư các thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Cơ giới hóa theo từng công đoạn nhằm giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, HTX thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kỹ thuật trồng nấm. Quan tâm tiếp nhận thêm các trường hợp là phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật, chia sẻ động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống”, chị Lược bộc bạch. |
Công việc trồng nấm đã mang lại hiệu quả kinh doanh cho HTX và nguồn thu nhập ổn định khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng cho các thành viên. Hiện nay, HTX Bắc Tiến chú trọng kết nối tiêu thụ các sản phẩm nấm với các doanh nghiệp thông qua việc tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ triển lãm, Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa và các . |
Nhận xét về nữ giám đốc HTX Bắc Tiến, anh Võ Văn Quyên (sinh năm 1982, thành viên HTX) cho biết: “Dù là người phụ nữ đơn thân, nhưng chị luôn mạnh mẽ trong cuộc sống, táo bạo trong công việc, dám nghĩ, dám làm”. |
Sát cánh cùng phụ nữ làm giàu Trong trận lũ kép lịch sử tại Quảng Bình hồi tháng 10/2020, không chỉ người nông dân nhiều nơi bị mất trắng mùa màng, nhà cửa tan hoang do lũ cuốn trôi mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX trên địa bàn cũng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Với mặt hàng kinh doanh chính là sản xuất nấm và cây dược liệu, số lượng hàng nguyên liệu trong kho có khi lên đến hàng chục tấn. Nước lên nhanh khiến các thành viên của HTX Bắc Tiến không kịp trở tay. Toàn bộ phần nguyên liệu để sản xuất và cây dược liệu đều bị ngâm nước không thể tái sử dụng. Hệ thống máy móc đều bị hư hỏng nặng. |
“Người dân ở Hiền Ninh vốn đã rất quen thuộc với hình ảnh chị Lược ngược xuôi mua sắn, bắp (ngô), thu mua rơm rạ giúp bà con nông dân làm đầu ra cho nông sản. Chị còn thuê lại đất trồng cây cà gai leo, làm nấm linh chi, nấm sò, ép dầu mè, ngâm rượu,... tạo công ăn việc làm cho người dân quê. Ông trời lại không cho chị ấy gặt hái thành quả lao động và công sức bao năm bỏ ra, cơn lũ làm toàn bộ nguyên liệu, nấm, mè, rượu linh chi hư sạch", anh Lê Văn Được (người dân xã Hiền Ninh) chia sẻ. |
|
Lũ lụt kéo đến nhấn chìm toàn bộ nguyên liệu sản xuất nấm và cây dược liệu, hệ thống máy móc của HTX đều bị hư hỏng nặng.
Nhằm giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ổn định sau lũ, các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và nhà hảo tâm, các tổ chức phi Chính phủ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần giúp chị em sớm tái thiết cuộc sống. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã huy động nguồn lực khôi phục các mô hình sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ như: Mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, HTX; mô hình phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp; mô hình do Hội hỗ trợ xây dựng bị thiệt hại. Ngành Công thương Quảng Bình cũng đề xuất với tỉnh có kiến nghị lên Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp như các gói tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, giảm thuế…; xem xét và ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn vay và kiến thức được học, nhiều phụ nữ tại tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để đời sống của chị em ngày một nâng cao, phong trào phụ nữ khởi nghiệp thêm lan tỏa, thời gian tới, Hội LHPN Quảng Bình cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên tinh thần khởi nghiệp của hội viên; tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực và trình độ giúp hội viên có khả năng xây dựng, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. |
Bài viết: Lê Tuấn Thiết kế: Lê Tuấn
|