PHONG TRÀO THI ĐUA ĐẶC BIỆT MANG LẠI GIÁ TRỊ LÀM LỢI HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG "Khó khăn lớn nhất khi triển khai phong trào thi đua đặc biệt “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" đó là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động đi lại, tập trung đông người bị hạn chế. Việc triển khai phong trào thi đua tại các đơn vị cũng gặp không ít khó khăn” - ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ. Thái Nguyên là tỉnh có đông công nhân, lao động với khoảng 230.000 người. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tạo sức ép vô cùng to lớn đối với công tác kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh. Trong đợt dịch này, theo báo cáo của cơ quan chức năng, tỉnh Thái Nguyên có 50/4.500 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải thực hiện việc cắt giảm lao động. Đến nay, số lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nguy cơ tiếp tục tăng do dịch diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hoàn toàn. Trong đợt dịch vừa qua có hơn 4.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thái Nguyên, với quyết tâm cùng chính quyền và doanh nghiệp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và ổn định phát triển sản xuất, LĐLĐ tỉnh đã phát động một đợt thi đua đặc biệt “CNVCLĐ tỉnh Thái Nguyên nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19". |
doanh nghiệp, người lao động gặp nhiều khó khăn Mục tiêu lớn nhất của đợt thi đua đặc biệt này của các cấp công đoàn là cùng chính quyền, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, “mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ là một chiến sĩ”: Thông qua việc chủ động nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tích cực lao động sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt góp phần sớm ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống. |
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm công nhân, lao động làm việc tại Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại TNG. Ảnh: Hải Nguyễn |
“Mỗi công đoàn cơ sở là một pháo đài, là mái nhà bình yên” thể hiện qua việc các công đoàn cơ sở chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch Covid-19 và trong sản xuất, kinh doanh. Công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong vận động đoàn viên, CNVCLĐ nêu cao tinh thần đồng cam, cộng khổ để thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch; bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng cho CNVCLĐ. Với tinh thần “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công việc, sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động để họ gắn bó với doanh nghiệp, yên tâm sản xuất, bảo vệ nhà máy tuyệt đối an toàn. Đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên trao phần quà động viên đoàn viên, người lao động. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên Trong đợt thi đua vừa rồi, nhiều công đoàn cơ sở đã có cách làm hay, giải pháp sáng tạo đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu thực tiễn và diễn biến của dịch tại các địa phương như: “Tổ an toàn Covid-19”, “Gian hàng 0 đồng”, “Nhà trọ 0 đồng", “Bếp ăn nghĩa tình”… Toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 1.642 “Tổ an toàn Covid-19" tại 236 doanh nghiệp được thành lập và duy trì hiệu quả. Công đoàn phối hợp với chuyên môn trang bị 168 máy, thiết bị đo kiểm tra thân nhiệt, trang bị thêm khẩu trang, nước sát khuẩn. Các bếp ăn tập thể của người lao động được lắp đặt vách ngăn tại các bàn ăn; xe đưa đón công nhân được thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đã có trên 95% người lao động được hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm khai báo y tế, thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh để chủ động tham gia phòng, chống dịch. |
Chị Lê Thị Ngân - công nhân chuyền May găng tay 14 - Chi nhánh Sông Công 3 (Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại TNG) nỗ lực sản xuất cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 |
gắn với các phong trào thi đua trong công nhân, lao động “Khi phát động phong trào thi đua đặc biệt này, LĐLĐ tỉnh xác định gắn thi đua với công tác phòng, chống dịch, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần thực hiện kế hoạch tăng tốc sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021. Phong trào thi đua đặc biệt còn gắn với việc phát huy các phong trào thi đua trong công nhân, lao động như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo", chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”. Từ chủ trương, định hướng rõ ràng trên, phong trào thi đua đặc biệt đã mang lại kết quả tích cực: CNVCLĐ tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp hơn 6.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận, với giá trị làm lợi trên 1.600 tỷ đồng. Tiêu biểu cho phong trào này là đoàn viên của Công ty TNHH Sam sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại TNG – ông Phạm Việt Dũng cho biết. Hưởng ứng chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, trong năm 2022 và 2023, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ đóng góp hàng chục nghìn sáng kiến. Các sáng kiến tham gia chương trình là những giải pháp về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động công đoàn, phòng chống Covid-19 và đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, ngành trên tất cả các lĩnh vực. Thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa công đoàn cơ sở với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, CNVCLĐ có thời gian, môi trường nghiên cứu; tổ chức các chương trình “Ngày hội sáng kiến”, “Ngày hội ý tưởng sáng tạo” để đoàn viên, người lao động có cơ hội chia sẻ, giới thiệu về các sáng kiến của mình... |
Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên (thứ ba, từ phải sang) trao tiền và quà cho đại diện LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành và Công đoàn Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên để chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022. |
Từ khi phát động đến nay, phong trào thi đua đặc biệt còn gắn với nhiệm vụ của các cấp công đoàn trong việc động viên, biểu dương thành tích của CNVCLĐ, doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người lao động. LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã tôn vinh CNVCLĐ tiêu biểu lần thứ XII, “Doanh nghiệp vì người lao động” (giai đoạn 2019 - 2021) và chương trình “ 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”. Tổng kết phong trào thi đua đã có 66 tập thể, 230 cá nhân được nhận Bằng khen của Chính phủ, Tổng Liên đoàn, UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh, 24 doanh nghiệp được tôn vinh "Doanh nghiệp vì người lao động". “Có thể nói, trước dịch bệnh phức tạp và nguy hiểm đang hoành hành ở khắp các châu lục và cả nước, Công đoàn tỉnh Thái Nguyên và CNVCLĐ tỉnh đã thể hiện bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, cùng chính quyền, doanh nghiệp vừa tích cực phòng, chống dịch hiệu quả vừa ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên vẫn ổn định và tăng trưởng dương. Trong thời gian tới, Công đoàn và giai cấp công nhân tỉnh Thái Nguyên vẫn quyết tâm cùng cộng đồng doanh nghiệp phòng, chống dịch Covid-19 và tích cực lao động sản xuất, góp phần ổn định việc làm, đời sống người lao động và kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới” - ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên khẳng định. |
Bài viết: HÀ VY |