Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Tôi “rớt” xuống thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam khoảng 21 giờ đêm sau một chặng đường dài trên chuyến xe “tốc hành” Bắc - Nam của một ngày hè nắng oi ả.

Những ký ức xa xưa thuở tôi còn mặc quần xà lỏn lon ton suốt ngày chỉ biết ăn, nghịch, lại hiện về với hai tiếng “Khâm Đức”, hay “Phước Đức” của huyện Phước Sơn. Thị trấn Khâm Đức đón chúng tôi trên quốc lộ 14 với màn đêm tĩnh mịch.

Quốc lộ 14 là huyết mạch đi qua thị trấn nhỏ này, cũng là trung tâm huyện lỵ Phước Sơn. Tôi loay hoay tìm "xe ôm". Nhưng điều đó là rất khó khi về đêm đối với “phố” núi này. Tôi nện hết mấy túi ba lô hành trang, nặng nhất là máy ảnh máy quay lên tấm thân còm cõi, cuốc bộ trên quốc lộ 14 đi tìm nhà trọ mà tưởng tượng cảnh xưa người dân quê của tôi mang 50 – 60kg lương thực, tư trang, dụng cụ đãi vàng băng rừng lội suối Khâm Đức, Phước Đức tìm vận may.

“Khâm Đức” trong kí ức của đứa trẻ như tôi là vùng đất có vàng, là nơi thắp lên những kỳ vọng đổi đời của bao trai tráng, đàn ông quê tôi cũng như nhiều vùng miền Trung khác.

Cái hình ảnh chiếc ba lô úp cái mâm sắt đãi vàng hình chiếc nón trong bộ áo quần tơi tả của ngày trở về với những làn da bủng beo, tóc tai rũ rượi và nụ cười buồn của người thân, người dân quê tôi ám ảnh mãi không dứt. Trong làng có người đi đãi vàng về, hàng xóm liền ghé thăm hỏi, có “trúng” không, câu trả lời thường là “tạm”, “đủ gạo” - “Thôi, về được, còn khỏe là tốt rồi”.

Cả thập niên người dân quê tôi động viên nhau như thế. Cho đến một ngày người ta thôi không nhắc đến chuyện ấy nữa. Ấy là khi tôi đã lớn.

Thấy người đi bộ trong đêm, thi thoảng lũ chó nhà người dân bên đường xông ra sủa oang oang khiến tôi ái ngại. Đi được vài trăm mét, chợt một phụ nữ đi xe máy chở theo đứa con nhỏ đi ngang, dừng lại, hỏi đi đâu có cần chở giúp không. Tôi mừng như... bắt được vàng.

Tôi vừa gật đầu, cô bé tầm 5 tuổi ngồi sau yên xe của mẹ hiểu ý, không cần mẹ nói, nhanh nhảu xuống xe, đổi chỗ leo lên yên xe máy phía trước bụng mẹ nhường yên sau cho tôi. Tôi xoa đầu bé, cảm động đến xốn xang lòng.

Qua tiếng nói của chị, tôi nhận ra đó là người đồng bào thiểu số, hỏi thì quả đúng là người Giẻ Triêng. Vài câu chuyện qua quýt, tôi biết thêm chồng chị trước thì làm công cho một số mỏ vàng tự phát mà người ta hay gọi là “vàng tặc”, nay đã được tuyển mộ vào công ty và khai thác vàng hợp pháp. Chồng làm công ăn lương, vợ chăm lo nương vườn nuôi con học hành. Tranh thủ cuối tuần chị chở cho con gái đi chơi quanh thị trấn, trên đường về thì gặp người khách lạ như tôi, rồi làm cuốc “xe ôm” bất đắc dĩ.

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

“Chị không sợ người lạ hay răng mà trong đêm vẫn dừng xe giúp tui rứa?”, tôi nói bằng giọng Huế. Người phụ nữ cười điềm tĩnh: “Có gì đâu mà sợ. Ở trên ni ban đêm khó kiếm xe thồ lắm, anh đi bộ xa thì rất mệt”.

Quả là tấm lòng vàng của người Giẻ Triêng!

Tôi mang câu chuyện được người phụ nữ chở đi nhờ kể với anh Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phước Sơn. Anh Hào nói rằng, người đồng bào ở Phước Sơn là vậy, rất tốt bụng, đảm đang và tháo vát. Chỉ tiếc là kinh tế của huyện nhà còn nhiều khó khăn, đồng vào vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng rừng. Huyện cũng chưa định hình được loại cây trồng chủ lực để nhân lên diện rộng, đột phá.

Những năm gần đây, cánh thanh niên trai tráng đồng bào Giẻ Triêng trong huyện nếu không đi xa làm ăn thì rất nhiều người xin vào làm công ăn lương ở một số công ty khai thác vàng, nhiều nhất là Công ty TNHH Vàng Phước Sơn ở xã Phước Đức. Mà đâu chỉ Phước Sơn, khá đông đàn ông thanh niên các huyện bạn như Nam Giang, Đông Giang cũng vào làm việc ở công ty này.

“Tôi đã từng vào thăm, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm lo cho đời sống nơi ăn chốn ở của công nhân, người lao động trong ấy (Công ty TNHH Vàng Phước Sơn), thấy khá chu đáo. Đây là doanh nghiệp làm vàng duy nhất trên địa bàn huyện có thành lập tổ chức công đoàn cơ sở.

Tất nhiên anh em vẫn còn vi phạm kỷ luật của công ty do một số thói quen cũ, nhưng sau khi bị nhắc nhở, xử phạt, họ chấp hành và làm việc tốt hơn. Ở trên này mà tìm được công việc ổn định lương tháng cả chục triệu đồng hoặc hơn, đóng BHXH, bảo hiểm y tế, chế độ phúc lợi, khám sức khỏe định kỳ đầy đủ, được tổ chức đi tham quan hàng năm... là không dễ đâu.

Những điều ấy là sự động viên rất lớn cho anh em công nhân, người lao động, điều mà ít doanh nghiệp ở trên đây làm được”, anh Hào chia sẻ.

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Sáng hôm sau chúng tôi lên đường tìm vào Công ty TNHH Vàng Phước Sơn. Khu vực mỏ vàng Đăk Sa, là mỏ vàng lớn tại Việt Nam, cách thị trấn Khâm Đức chừng 12km, cũng là nơi có đại bản doanh công ty. Chúng tôi đi xuyên qua tuyến độc đạo nhỏ hẹp của những bản làng Phước Đức để vào với “núi vàng” Đăk Sa - cái tên gắn liền với dòng suối chảy từ Tây Nguyên sang.

Khi đến gần trụ sở công ty chúng tôi gặp hệ thống các hồ chứa thải quặng đuôi sau tuyển với sức chứa lên hàng chục ngàn tấn quặng thải, bùn thải. Đây là khu vực nhạy cảm, nhiều năm trước từng gây những ồn ào dư luận, khi người dân phản ứng về công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay có vẻ như mọi việc được đã kiểm soát, cải thiện tích cực. Đứng trên thân hồ đập chứa quặng thải cũng không còn bốc mùi nặng như phản ánh cách nay nhiều năm.

Mặc dù nhận được sự đồng ý của lãnh đạo công ty, hướng dẫn của nhân viên công ty, nhưng chúng tôi cũng phải trải qua những quy trình kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Các nhân viên an ninh của công ty chủ yếu là nam, trẻ, khỏe, nghiêm nghị và rất... ít cười. Họ hình như có cái quyền tối thượng là kiểm tra bất cứ ai ra vào công ty, kể cả cấp trên của họ.

Họ chụp hình tất cả người, phương tiện ra vào công ty; mỗi phương tiện sau khi vào công ty trở ra đều được rà soát, dò tìm những thứ “dính bám” vào phương tiện rất kỹ. Họ theo sát chúng tôi như vệ sĩ, trong suốt quá trình thâm nhập vào sâu trong hầm mỏ. Khi rời khỏi cánh cổng công ty, họ lật từng băng ghế, cốp xe, ngóc ngách, kiểm tra từng người, kể là xe và người của công ty...

Và thứ của công ty mà mọi người có thể mang ra khỏi cổng chỉ có thể là những lớp bụi bặm công trường dính trên thân, vỏ xe.

Chúng tôi được họ tháp tùng, “bảo vệ” như vậy trong suốt quá trình tác nghiệp, kể cả lúc chuyện trò với một số công nhân trong hầm mỏ. Họ cấp cho chúng tôi áo phản quang, mũ bảo hộ, ủng, khẩu trang chuyên dụng, đèn pin có gắn một số thiết bị điện tử...

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Hiện nay Công ty TNHH Vàng Phước Sơn khai thác hai khu vực là Bãi Đất và Bãi Gõ, thuộc mỏ vàng Đăk Sa trong khuôn khổ Dự án Khai thác khoáng sản quặng vàng tại khu vực Phước Sơn. Chiều dài đường hầm đã vào sâu 2,5km. Vì lý do an ninh, an toàn chúng tôi chỉ được phép tiếp cận một số khu vực và hạn chế rất nhiều nơi.

Nơi đầu tiên chúng tôi dừng lại là một bàn ăn tập thể nằm sâu trong lòng núi. Hàng ngày, nhà bếp sẽ đưa thức ăn vào đây cho công nhân. Đúng giờ công nhân ra dùng bữa và họ trở lại công việc sau ăn khoảng 15 – 20 phút.

Giám đốc điều hành mỏ, kỹ sư Phạm Văn Lực cho biết, mỗi ngày có 3 ca làm việc, mỗi ca có 150 người. Có 4 điểm ăn trong hầm mỏ, mỗi điểm ăn có khoảng 30 – 40 công nhân. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thực phẩm luôn đảm bảo và thực tế nhiều năm qua chưa từng xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Trong suốt quá trình di chuyển bên trong hầm mỏ của “núi vàng”, chúng tôi đi dưới những lớp bùn nhão lệt xệt màu đen chì của con đường hầm hun hút. Bên ngoài trời nắng nóng gần 400C, nhưng dưới “núi vàng” này, đó là một khu điều hòa mát rượi mà có lẽ hơi lạnh từ hệ thống đá tự nhiên tỏa ra đã tạo nên sự dễ chịu đó.

Bên trong đường hầm người ta bố trí dọc lối đi một số bóng đèn Led công suất lớn. Hệ thống điện đã được đấu dẫn vào đây từ lâu.

Thi thoảng chúng tôi gặp những tốp công nhân làm việc dưới những ngóc ngách của những chiếc hang sâu được gia cố chống đỡ bằng rất nhiều cột trụ.

Tôi có pha ánh đèn pin vào các tảng đá núi, hốc hang xem có thấy lấp lánh ánh vàng, như tưởng tượng, nhưng không.

Tôi hỏi kỹ sư Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1987, quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, người đi bên cạnh, có bao giờ anh thấy trực quan vàng lấp lánh trong đá núi? Người kỹ sư trẻ lắc đầu cười: “10 năm làm việc ở đây mà tôi chưa từng thấy điều đó”.

Để khai thác quặng, các kỹ sư phải tổ chức khoan theo gương thiết kế, dùng thuốc nổ nhũ tương cùng với kíp nổ để nạp vào vị trí cần nổ. Sau đó cho nổ mìn, thông gió cưỡng bức, khai thác vận chuyển mang ra ngoài đưa vào nhà máy tuyển luyện.

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk SaPhóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Với những người khai thác quặng, họ chỉ biết việc mình ngang đó, đảm bảo khối lượng, trữ lượng quặng do công ty giao. Riêng việc luyện tuyển, vàng thành phẩm nó có hình thù thế nào, không mấy người được biết.

Thứ mà chúng tôi nhìn thấy là hàng chục tấn quặng nguyên khai đen sì, thoạt nhìn chẳng khác nào than cám phục vụ công nghiệp nung đốt, được đào múc từ mỏ mang ra bên ngoài để luyện tuyển vàng ròng mỗi ngày.

Nhà máy và các công đoạn tuyển luyện ra vàng ròng phải qua một quy trình kỹ thuật, thiết bị, máy móc hiện đại và thuộc bộ phận khác. Quy trình kỹ thuật khác gắn với tính chất an ninh vô cùng nghiêm ngặt.

Người ta nói rằng trong mỏ vàng Đăk Sa hiện còn trữ lượng khoảng 30 tấn vàng.

Các kỹ sư ở đây cho biết, cứ 1 tấn quặng nguyên khai (khoáng sản vàng gốc) ước sẽ luyện tuyển ra 3 gam vàng ròng. Tôi thử làm phép tính nhẩm, 1.000 tấn quặng mới cho 3kg vàng ròng.

Với công suất thiết kế nhà máy mỗi tháng ước xử lý được 18.000 tấn quặng, một năm gần 200.000 tấn, thì người ta cần đến khoảng 40 năm để khai thác hết trữ lượng 30 tấn vàng ở Đăk Sa.

Tất nhiên đấy là nói theo cách “chém gió” trên những con số, thực tế khai thác và tuyển luyện khó khăn, phức tạp khó lường.

12 năm trước người ta công bố, sau hơn 8 năm khai thác, các doanh nghiệp và liên doanh nước ngoài đã khai thác hơn 4,564 tấn vàng và 1,6 tấn bạc, trong đó mỏ vàng Bồng Miêu (huyện Phú Ninh) đã khai thác hơn 1,793 tấn vàng và 671 kg bạc; mỏ vàng Đắk Sa (huyện Phước Sơn) khai thác hơn 2,771 tấn vàng và hơn 1 tấn bạc.

Nhưng há chẳng phải sau đó xảy ra tình trạng doanh nghiệp nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, công trình đình đốn, sản xuất ngưng trệ nhiều năm, công nhân, kỹ sư nghỉ việc, tứ tán đấy sao?

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Nhưng chuyện ấy nay đã lùi vào dĩ vãng. Mỏ vàng Đăk Sa được tái khởi động khai thác năm 2019 sau 5 năm đình trệ do khó khăn về tài chính và những lý do khách quan, chủ quan khác.

Để tất cả trở nên quy củ, đảm bảo các điều kiện để được cấp phép hoạt động, khai thác, sản xuất trở lại, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn phải trải qua một đợt tái cấu trúc quy mô lớn, đặc biệt là đến năm 2017 công ty cơ bản đã xử lý xong khoản nợ thuế ngân sách hàng trăm tỷ đồng; bổ sung nguồn lực tài chính từ công ty thành viên... Đáng chú ý, lần này vốn chủ sở hữu không còn liên danh với nước ngoài mà hoàn toàn là của người Việt Nam. Không chỉ vậy, đội ngũ kỹ sư người Việt đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật trong việc tổ chức khai thác mỏ vàng Đăk Sa.

Hằng tháng, những người như kỹ sư Phương đều được công ty cho nghỉ 6 ngày và anh luôn dành quỹ thời gian này để trở về với người vợ và hai con thơ ở quê nhà huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cùng với khoản tiền lương trên 20 triệu đồng/tháng.

“Khi rời Hà Tĩnh vào đây làm việc, gia đình ai cũng ngại do sợ vào những nơi đãi vàng trái phép. Nhưng sau khi vào đây, điều kiện làm việc rất tốt, ăn uống đầy đủ, chỗ ở tiện nghi, tiền lương đều đặn, phúc lợi đầy đủ nên gia đình mình rất yên tâm”, anh Phương thổ lộ.

Sau khi tái hoạt động với luồng sinh khí mới, năng lực mới, lực lượng công nhân, người lao động về đầu quân làm việc cho Công ty TNHH Vàng Phước Sơn ngày một đông.

Anh Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Công đoàn Công ty, cho hay hiện nay có khoảng 800 công nhân, người lao động làm việc, có thời điểm con số này lên đến 1.000 người, trong đó người Quảng Nam chiếm gần 80%, riêng người dân huyện Phước Sơn gần 65%. Riêng năm 2023 do không tổ chức đi tham quan, số tiền chi cho người lao động nghỉ mát tự túc là trên 2 tỷ đồng (2.500.000 đồng/người).

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Những con số này cho thấy, Công ty không chỉ giải quyết việc làm cho một số lượng rất lớn lao động tại Quảng Nam, người dân bản địa mà còn cải thiện đáng kể tình trạng người lao động đi đào đãi vàng tự phát mà xã hội hay gọi là “vàng tặc” với bao hiểm nguy. Và ngay cả khi vào làm việc trong công ty nếu không đảm bảo kỷ luật, quy trình kỹ thuật tổ chức sản xuất, công nhân vẫn có thể gặp rủi ro, nguy hiểm.

Ngay tại khu vực mỏ vàng Đăk Sa, vẫn còn đó ngôi miếu thờ để anh chị em công nhân, người lao động, nhân viên hương khói, tâm linh, trong đó có việc tưởng nhớ đến 3 công nhân xấu số đã tử nạn từ nhiều năm về trước.

“An toàn vệ sinh lao động luôn được chúng tôi chú trọng hàng đầu. Vào làm việc tại công ty, chúng tôi áp dụng thưởng, phạt nghiêm. Bà con trên này vẫn còn thói quen thi thoảng buổi sáng có dùng ít bia rượu nên đến tối đi làm ca 3 thì vẫn còn hơi men. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn, chúng tôi kiểm tra đo nồng độ cồn, nếu xét thấy không an toàn, chúng tôi yêu cầu công nhân tạm nghỉ để về nghỉ ngơi, hôm sau trở lại làm việc.

Tùy theo tính chất, mức độ mà công ty áp dụng các mức xử phạt thích ứng để răn đe. Anh em nhờ thế mà cũng dần thay đổi bản thân”, anh Quý kể.

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk SaPhóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Hồ Văn Dũng, sinh năm 1986, người đồng bào Giẻ Triêng, nhà ở thôn 4, xã Phước Đức mà chúng tôi gặp là một trong rất nhiều thanh niên ở vùng cao này làm việc cho Công ty TNHH Vàng Phước Sơn.

Sau khi tốt nghiệp THPT, ở tuổi 20, Dũng tham gia nghĩa vụ quân sự và hoàn thành, trở về địa phương hơn 2 năm sau đó. Anh trở thành người lao động tự do, làm thuê kiếm sống, có khi qua tận nước bạn Lào mưu sinh, kể cả làm công cho những ông chủ mỏ vàng tự phát...

Khi hay tin Công ty TNHH Vàng Phước Sơn tuyển dụng công nhân, anh lập tức đăng ký, phỏng vấn, rồi được tuyển dụng vào làm việc. Ban đầu thì dọn dẹp, phát quang, vệ sinh công trường... Sau thì chuyển đến bộ phận công nhân khai thác mỏ, làm khoan cào, rồi được chuyển sang lái máy sau khi học và nhận được bằng lái máy (các loại xe cơ giới). Làm tốt, cách đây 3 năm Dũng được phân công làm Đội trưởng Đội vận tải.

Hiện mỗi ngày anh điều hành đội xe hàng chục đầu xe đi vào ra hầm mỏ, phục vụ khai thác, vận chuyển quặng nguyên khai từ sâu trong hầm mỏ, mang ra nhà máy tinh luyện để chế tác thành vàng ròng.

Dũng còn là thành viên của mạng lưới “an toàn vệ sinh viên” do Công đoàn công ty tổ chức, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc anh em công nhân đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất, nhất là làm việc trong hầm sâu.

Bản thân chàng trai Giẻ Triêng này năm 2023 cũng được trao “Giải thưởng an toàn” của công ty với sáng kiến kinh nghiệm giải pháp “Chống chèn”, một loại giải pháp nhằm gia cố hệ thống các trụ đỡ để đảm bảo an toàn trên các tuyến đường lò (vòm hầm) nằm sâu trong hầm mỏ.

Giải thưởng an toàn là một chương trình được Công đoàn Công ty khởi xướng trong vài năm trở lại đây, tổ chức bình chọn, trao giải hằng tháng cho cá nhân, hàng quý cho tổ, nhóm, bộ phận... nhằm khích lệ những cống hiến, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh lao động của công nhân, người lao động.

Đến nay Dũng đã gắn bó với Công ty được 5 năm, thuộc diện công nhân “có thâm niên”. Thu nhập của một công nhân chuyên nghiệp đã giúp Dũng nuôi hai người con đang học lớp 6 và tiểu học, cùng người vợ không có việc làm ổn định.

Cảm nhận được môi trường làm việc tốt, Dũng thuyết phục, giới thiệu công việc tại Công ty cho rất nhiều anh em bạn bè khác của mình trên quê hương Phước Đức về “đầu quân”. Nhiều chàng trai Giẻ Triêng đã thôi không còn cảnh lang thang nay đây mai đó, về tập hợp trong một môi trường làm việc văn minh, hiện đại, thu nhập ổn, có tổ chức Công đoàn luôn luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

“Ở đây người dân Phước Sơn làm việc nhiều lắm, trong đó có những người đồng bào dân tộc Giẻ Triêng như mình. Môi trường, chế độ làm việc ở đây khá ổn. Ngoài mức lương khoảng 12 triệu đồng hằng tháng, mình cũng hưởng những chế độ phúc lợi khác, Công đoàn chăm lo đời sống, sinh hoạt, từng bữa ăn cho công nhân, thăm hỏi ốm đau... khá đầy đủ.

Mỗi tháng tụi mình đều được công ty cho kiểm tra sức khỏe định kỳ, nên yên tâm làm việc. Được làm việc gần nhà, có thời gian chăm vợ dạy dỗ con cái, mình yên tâm nên sẽ gắn bó dài lâu hơn. Mình cũng đang xin công ty cho vợ vào làm việc ở căng tin đấy, nhưng chưa được”, Dũng thổ lộ.

Gắn bó và thủy chung lâu năm nhất với mỏ vàng Đăk Sa có lẽ là kỹ sư Phạm Văn Lực, sinh năn 1978, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành mỏ địa chất năm 2000, anh Lực làm việc cho ngành than trên quê hương Quảng Ninh. Nhưng với tính tình thích khám phá, phát triển bản thân nên ngành than không giữ chân được chàng kỹ sư trẻ.

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Theo giới thiệu thông tin từ bạn bè, anh quyết định Nam tiến, vào đầu quân ngành khai thác vàng tại Phước Sơn, Quảng Nam từ hơn 10 năm trước. Đã 2 lần công ty gặp khó khăn khiến anh phải nghỉ việc, rồi anh được mời trở lại giữ cương vị là Phó giám đốc, rồi Giám đốc điều hành, quản lý, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc khai thác quặng nguyên khai theo trữ lượng công ty giao.

Anh Lực nói rằng cùng là ngành mỏ nhưng việc khai thác vàng có nhiều điểm khác biệt, đặc thù so với khai thác than dù kiến thức, kinh nghiệm mang tính bổ trợ nhau rất nhiều. Ngay từ đầu mới bước chân vào mỏ vàng Đắk Sa, anh đã bị hấp dẫn bởi môi trường làm việc tại đây, do nó gợi cho anh những sự phát triển, khai mở trí tuệ hơn công việc trước. “Thoạt đầu công nghệ khai thác quặng có các chuyên gia nước ngoài truyền đạt, rồi chúng tôi cũng dần được chuyển giao công nghệ. Hiện nay đội ngũ kỹ sư người Việt Nam tại công ty đã làm chủ 100% công nghệ, thậm chí Phó Tổng giám đốc chúng tôi hiện nay là người Philippine, một chuyên gia cũng sẵn sàng chỉ đạo, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác quặng nên rất yên tâm về công nghệ, kỹ thuật và an toàn lao động.”, kỹ sư Lực chia sẻ.

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk SaPhóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa

Phóng sự Đời thợ: Một lần vào với “núi vàng” Đăk Sa