Công đoàn Công ty TNHH MTV Nhất Long (Quảng Trị) luôn quan tâm và chăm lo đời sống người lao động. Ảnh: PHẠM XUÂN DŨNG |
Dưới chân đèo Cùa (Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) có một doanh nghiệp đã quen thuộc với người dân nơi đây mà hành trình lập nghiệp cũng gập ghềnh và có nhiều điều đáng nói, đáng suy ngẫm. Nhất là vùng đất này vốn dĩ không phải màu mỡ, lại nằm trong tâm của mảnh đất nắng lửa, gió Lào của địa bàn xã miền núi Cam Thành. |
VẪN LÀ NGƯỜI LÍNH
Trong lúc chờ đợi anh Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhất Long (Công ty Nhất Long) họp HĐND huyện Cam Lộ, tôi đi quanh một vòng, dù đến đây không phải lần đầu. Khung cảnh của một doanh nghiệp thì hẳn rồi, có nhà ăn, phòng nghỉ cho công nhân, cây cảnh,... đều sạch sẽ, khang trang, ngăn nắp nhưng lại cũng có vẻ giống một doanh trại quân đội nhất là có vườn rau, chuồng lợn, ao cá. Tôi thấy vui trước một cảnh quan giữa bời bời nắng gió.
Cây cối xanh mát của Công ty TNHH MTV Nhất Long. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Anh Chiến về, bắt tay tôi rồi cười và nói: "Anh thấy đấy, làm doanh nghiệp rồi còn phải họp HĐND nữa, việc nào cũng phải hoàn thành cho tốt. Mời anh ngồi uống nước rồi ta nói chuyện".
Pha xong ấm trà, anh nói tiếp: "Tôi quê Hà Tĩnh, sinh năm 1972, tuổi Tý, cầm tinh con chuột. Vào lính năm 1990, Sư đoàn 968 đóng quân ở Quảng Trị, rồi được đào tạo thành sĩ quan, lấy vợ Cam Lộ, rồi muốn ở lại đây lập nghiệp luôn. Nhưng muốn thì dễ mà làm thì bao giờ cũng khó..."
Trong một lần đi dã ngoại vào Cùa, anh qua đây thấy vùng này đất rộng, địa hình bằng phẵng, lại có hồ nước trong xanh, thấy vừa ý, định bụng rồi sẽ lập nghiệp lâu dài ở đây. Nhưng bắt đầu bằng cái gì thì cũng không đơn giản. Suy đi nghĩ lại, anh quyết định nuôi lợn, ấy là vào năm 2002. Trang trại lợn của anh phát triển dần lên đến 300 con.
Đang lúc có vẻ thuận lợi thì đùng một cái, năm 2008 dịch tai xanh bắt đầu đe dọa. Anh vội nhanh chân bán gấp, cũng hòa vốn chứ không lời lãi gì, nếu không nhanh thì coi như tay trắng. Anh thấy mình có vẻ không có duyên với chăn nuôi lớn. Vậy thì làm gì đây? Lại tiếp tục trăn trở để mong tìm được một hướng đi mới cho mình.
Trăn trở chuyển hướng
Anh Chiến nhấp một ngụm trà kể lại chuyện đời của một lính trở thành người thợ và rồi thành chủ doanh nghiệp: "Lúc này 2008, tôi đã xuất ngũ, quyết chí phải làm một việc gì đó để phát triển kinh tế gia đình. Tôi đi nhiều nơi nhìn thấy, nghe ngóng nhiều chuyện, cuối cùng quyết định kinh doanh mộ đúc sẵn. Tôi rủ những đồng đội cũ của mình đã ra quân là người Hà Tĩnh, Quảng Bình khởi nghiệp lần thứ hai. Vậy là 8 anh em đồng cam cộng khổ. Lúc đầu chúng tôi đi chào hàng nhiều người e ngại, phải đi tận Đồng Hới, Quảng Trạch, sau cũng có những người lấy hàng chúng tôi, thấy mẫu mã, giá cả cũng hợp lý, cách phục vụ tận tình nên dần dà cũng bớt gian nan. Xe ô tô không có để chủ động chở hàng hóa, phải thuê xe ngoài. Có những lúc cơ sở chúng tôi quá khó khăn, anh em công nhân tự nguyện nhận chậm lương để tôi có thêm ít đồng vốn mà xoay xở. Một miếng khi đói bằng cả gói khi no. Đúng là tôi nợ anh em công nhân món nợ ân tình...".
Từ chỗ kinh doanh đơn giản về sau Công ty Nhất Long chế tác thêm đá mỹ nghệ cao cấp, phục vụ xây dựng và trang trí nội thất nhà cửa, lăng mộ. Nhà xưởng được xây dựng rộng thoáng với diện tích 7000 mét vuông rất kiên cố, lại được đầu tư máy móc hiện đại, có thêm các loại xe chuyên dụng pục vụ đắc lực cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng gần xa. Công ty Nhất Long đã trở thành một thương hiệu ở Quảng Trị, mở rộng địa bàn kinh doanh sang các tỉnh bạn lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.
Sản phẩm Công ty Nhất Long tham gia Hội chợ địa phương. Ảnh: PHẠM XUÂN DŨNG |
Tôi lại gạn hỏi anh, câu hỏi có vẻ pha chút hiếu kỳ nghề nghiệp: "Tôi hỏi thật, được như hôm nay, Công ty chắc qua nhiều gian khó, thử thách, có lúc nào, anh dao động định thối lui hay không?". Anh Chiến nói luôn không cần suy nghĩ: "Có chứ anh, con người mình bằng xương bằng thịt, đâu phải là gỗ đá. Có lúc gian khó quá, tôi cũng lung lay. Nhưng lại nghĩ mình xuất thân là người lính, người lính thì chỉ biết tiến công, không biết đầu hàng, không được phép đầu hàng. Hơn nữa anh em công nhân người ta tâm huyết với mình, lẽ nào mình dừng lại. Mình ngã là họ ngã theo và Công ty cũng khó lòng đứng vững. Nghĩ vậy nên tôi càng nỗ lực hết mình. Cũng phải nói thêm là tôi có một gia đình tốt, vợ tôi biết lo toan việc nhà cho tôi toàn tâm toàn ý vì công việc. Hậu phương không vững thì tiền tuyến làm sao thắng lợi được anh (cười)".
Ngừng một tý, anh lại nói như tiếp tục mạch suy nghĩ của mình: "À, có lần anh nói cảm nhận về khung cảnh Công ty của chúng tôi như là một doanh trại bộ đội. Đúng, tôi vào thời điểm gian khó, tôi cho anh em tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi cá, luôn gà, lợn để chủ động thực phẩm và tăng cường sức khỏe cho anh em, giảm bớt chi phí. Chính mô hình này lại phát huy tác dụng trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Lúc đó, vào thời điểm dịch căng thẳng, tất cả đều "bốn tại chỗ", tôi cho anh em ăn ở, làm việc tại Công ty, hạn chế tiếp xúc đến mức tối đa. Ai đi công tác về, tôi cho cách ly ngay tại Công ty cả tuần, đến khi an toàn mới được về nhà. Mô hình vườn - ao - chuồng tôi sẽ vẫn tiếp tục duy trì".
Tôi chợt nhớ đến một cán bộ lãnh đạo huyện Cam Lộ thông tin: năm 2017 Công ty Nhất Long sau khi ổn định và phát triển đã tích cực thành lập Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên,... hoạt động rất hiệu quả. Trong năm vừa qua, Chi bộ đạt danh hiệu "Chi bộ trong sạch, vững mạnh xuất sắc"; Đoàn Thanh niên Công ty cũng được cấp trên khen thưởng; Công đoàn Công ty cũng được địa phương khen thưởng, được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen. Các cá nhân đứng đầu các đoàn thể cũng đều được cấp trên biểu dương khen thưởng vì có những đóng góp xứng đáng.
Tâm tình người thợ
Tranh thủ lúc công nhân giải lao, tôi tìm cách bắt chuyện với công nhân. Tôi hỏi hỏi tên một chị công nhân, chị cho biết mình là Trần Thị Ly Ly đã làm ở đây hơn 6 năm. Chị có vẻ ngoài mộc mạc của người làm không quen nói.
Anh Lê Văn Thanh đang điều hành công việc sản xuất ở Công ty Nhất Long. Ảnh: PHẠM XUÂN DŨNG |
Chị tâm tình: "Em làm ở đội bia (mộ), công việc cũng khá nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ. Ngoài lương còn có thưởng, thu nhập thì tùy theo công việc và đóng góp, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Như em tháng nào bận việc nhà quá cần thiết phải xin nghỉ thì lương khoảng 6-7 triệu đồng, người khác có thể nhiều hơn. Còn các loại bảo hiểm thì Công ty đóng đầy đủ, đau ốm, cưới hỏi, đám tang thì Công đoàn rất quan tâm".
Còn anh Lê Văn Thanh tuy mới ngoài ba mươi tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân, nay là Đội trưởng điều hành. Anh dáng người nhỏ thó nhưng có vẻ rắn chắc, nhanh nhẹn.
Anh vui vẻ trò chuyện: "Em từ lúc thanh niên mới lớn đã làm ở đây, đến nay lương tháng 12 triệu đồng. Lúc đầu làm cũng vất vả, phần vì chưa quen, phần vì lúc ấy máy móc còn thiếu. Nay việc đã quen lại có máy móc hỗ trợ đỡ vất vả nhiều. Em nhà gần đây nên đi làm càng thuận tiện. Chắc chắn em và nhiều người khác gắn bó với Công ty. Nói thật với anh, nhiều anh em, bạn bè vào làm ở miền Nam. Có người ổn định nhưng cũng nhiều người bấp bênh. Có trường hợp đến Tết phải xin tiền bố mẹ về thăm nhà."
Nói chuyện về môi trường làm việc, Thanh cho biết ở đây anh chị em làm việc với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, vui vẻ chan hòa. Anh sôi nổi: "Vui nhất là Công ty có bữa cơm Công đoàn. Lúc đó thì mọi người đông đủ, ăn thì đầy đủ như ăn kỵ (giỗ). Trò chuyện cởi mở vui lắm!".
Công ty Nhất Long (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Bữa cơm công đoàn
Chị Trần Thị Ly Ly cũng gật đầu xác nhận sự vui về "Bữa cơm Công đoàn" là bữa cơm từ Công ty được mọi người chờ đợi nhất. Chị nói rằng lúc ấy ai cũng vui vẻ, hòa đồng trong không khí gia đình.
"Bữa cơm Công đoàn" tại Công ty luôn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Tôi đem chuyện này hỏi Giám đốc Công ty, anh Chiến vui hẳn lên: "Nói thật, thời buổi này các chủ doanh nghiệp hay nói đến chuyện tối ưu hóa sản xuất, làm thế nào để tăng doanh thu? Điều đó rất quan trọng và cần thiết. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều: làm gì, nói gì, nghĩ gì cũng phải lưu ý đến quyền lợi, đến đời sống người lao động, cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi chắc rằng không có nhiều doanh nghiệp tổ chức "Bữa cơm Công đoàn" như chúng tôi. Đây là bữa cơm có đông đủ mọi người trong Công ty, có các bộ phận gián tiếp và trực tiếp, từ Giám đốc trở xuống, cơm nước, trò chuyện như trong một gia đình, để hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng và cả gia cảnh mỗi người. Không chỉ có Giám đốc mà vợ và con Giám đốc cũng có mặt và ăn cơm chung như vậy. Vì sao phải có vợ con Giám đốc? Là vì vợ tôi cũng phải làm quen với anh chị em người lao động trong Công ty, cùng trò chuyện, chia sẻ, nếu không lỡ ra đường không biết nhau, không chào hỏi nhau tử tế thì thật không nên; hoặc con tôi học cùng con của các anh chị em trong Công ty, ứng xử không bình đẳng, đàng hoàng thì coi sao được. "Bữa cơm Công đoàn" có ý nghĩa kết nối mọi người lại với nhau. Có người bưng cơm cảm động rơi nước mắt. Tôi đang tiếp anh trong phòng nghỉ của công nhân, sạch sẽ, gọn gàng, có cả máy điều hòa. Tôi cứ tâm nguyện, nếu phòng anh em công nhân chưa lót gạch hoa thì phòng mình đây chưa có gạch hoa, nếu anh em chưa có máy điều hòa thì mình cũng nên chưa có máy điều hòa. Anh em còn vất vả, thiếu thốn thì mình bưng bát cơm ăn đâu có ngon hả anh."
Thi đua là ở Công đoàn
Một nét hoạt động đáng nói ở Công ty Nhất Long là Giám đốc Công ty giao công tác bình xét thi đua cho Công đoàn. Công đoàn đứng ra bình xét từng người lao động mỗi tháng để đề nghị Giám đốc khen thưởng, vì Công đoàn sâu sát và bình chọn khách quan, chính xác nên ai cũng tâm phục, khẩu phục. Nhờ vậy động viên được phòng trào sản xuất kinh doanh trong lực lượng người lao động, tạo được không khí vui tươi, thân ái.
Khuôn viên xanh của Công ty Nhất Long (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Tôi nhớ cách đây khá lâu, trong một lần trò chuyện với anh Lê Quang Lưu, lúc ấy là Chủ tịch Công đoàn Công ty Nhất Long, anh Lưu tâm sự: "Công đoàn ở Công ty này không phải là lập ra cho có, đó là tổ chức đại diện cho tiếng nói người lao động, quan tâm đến mọi mặt đời sống của anh chị em, trong đó có công tác thi đua lao động sản xuất kinh doanh".
Giám đốc Nguyễn Hữu Chiến hôm nay nói thêm: "Công đoàn Công ty là do người lao động bầu ra thông qua Đại hội Cán bộ, công nhân, viên chức của Công ty. Chủ doanh nghiệp giao cho họ bình xét thi đua để khen thưởng cho đúng người, đúng việc. Tất nhiên, chúng tôi cũng chú ý không quá khắt khe, vì mình động viên, khích lệ anh chị em là cái quan trọng nhất, để họ cảm thấy vui vẻ mà ngày càng gắn bó với công việc của mình, với Công ty".
Thực hiện: PHẠM XUÂN DŨNG Ảnh: PHẠM XUÂN DŨNG - TRƯỜNG SƠN Đồ họa: NAM TRÂN |
Công đoàn Công ty TNHH MTV Nhất Long Quảng Trị: Môi trường tốt - sản xuất tốt
Nhằm cải thiện môi trường làm việc, nâng cao sức khỏe cho NLĐ, Công đoàn Công ty TNHH MTV Nhất Long Quảng Trị (huyện Cam ... |