Công ty TNHH Juki Việt Nam, 100% vốn Nhật Bản, đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM, hoạt động tại Việt Nam từ tháng 11/1994. Đến nay, doanh nghiệp đã khẳng định được uy tín trong thị trường máy may công nghiệp. Đóng góp vào sự phát triển đó phải kể đến sự đồng hành của tổ chức Đảng, công đoàn tại doanh nghiệp và không thể không nhắc đến nữ thủ lĩnh của Chi bộ Đảng kiêm Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyễn Thị Mỹ Linh.
***
Người đảng viên tốt sẽ giúp chủ doanh nghiệp có thiện cảm về tổ chức
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp chị Nguyễn Thị Mỹ Linh là chị dường như trẻ hơn so với độ tuổi U50, người thanh mảnh nhưng cương nghị, trả lời, giải thích các vấn đề rõ ràng, dễ hiểu. Ở Công ty TNHH Juki Việt Nam, chị không chỉ là đảng viên gương mẫu, người mà còn là tấm gương về sự nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn để thành công.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh gắn bó với công ty từ ngày công ty mới thành lập ở Việt Nam, bắt đầu là một công nhân trực tiếp sản xuất. Nhờ ý thức làm việc tốt, chị vinh dự được Đảng ủy Khu chế xuất Tân Thuận kết nạp Đảng vào ngày 2/9/2010. Đến năm 2012, Công ty TNHH Juki Việt Nam có 7 đảng viên và chính thức thành lập Chi bộ Đảng vào ngày 15/6, chị được bầu làm Bí thư Chi bộ. Đến nay, Chi bộ có 23 đảng viên. Chị chia sẻ: “Khi chúng tôi đề nghị thành lập Chi bộ Đảng, phía doanh nghiệp có những nghi ngại nhất định. Đảng ủy Khu chế xuất Tân Thuận và chính chúng tôi giải thích rằng, khi tổ chức Đảng được thành lập sẽ cùng với tổ chức Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp, mang đến sự ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chứ không vì mục đích nào khác. Ban giám đốc Juki Việt Nam phải xin ý kiến của Tập đoàn ở Nhật và được lãnh đạo Tập đoàn đồng ý”.
Chị Linh chia sẻ, ở doanh nghiệp nước ngoài để tổ chức Đảng tạo được uy tín với người sử dụng lao động là điều không đơn giản bởi không phải người sử dụng lao động nào cũng thích sự hiện diện của các tổ chức chính trị trong doanh nghiệp, trừ khi tổ chức đó mang lợi ích đến cho họ. Từ thực tế đó, tôi xác định hoạt động của tổ chức Đảng phải hài hòa được lợi ích doanh nghiệp và người lao động. “Phải chứng minh bằng hành động, việc làm hiệu quả”, chị Linh tâm niệm.
“Thời điểm đó tôi là tổ trưởng công đoàn, anh chị em hay hỏi tôi các quy định về pháp luật lao động. Trong khi đó trình độ của mình chỉ mới tốt nghiệp phổ thông, đọc luật sẽ không hiểu. Tôi quyết định đi học tại chức Luật”, chị Linh nhớ lại. Tan ca 16h30, từ quận 7, chị vội vàng chạy về tận Nhà Bè để đón con tan trường, đưa con về nhà, lo cơm nước cho con rồi chị lại chạy gần 20 cây số đến trường. Chị luôn kết thúc một ngày khi đã gần 23h.
Bận bịu với việc làm, việc học, chị vẫn không quên nhiệm vụ của một đảng viên, Bí thư Chi bộ. Năm 2015, chị cùng với 6 đảng viên trong Chi bộ lập nhóm sáng kiến cải tiến tên “Mặt trời mọc” do chị làm nhóm trưởng. Từ thực tế là công nhân trực tiếp sản xuất, nhóm của chị thực hiện đề tài cải tiến “Giảm tỷ lệ sửa chữa vòng chặn máy may”. Đề tài được giải nhất Juki Việt Nam. Chị và một phiên dịch được cử sang Nhật đại diện cho Juki Việt Nam thi sáng kiến cải tiến toàn Tập đoàn Juki. Sáng kiến của nhóm "Mặt trời mọc" được Ban giám đốc Tập đoàn trao giải thưởng xuất sắc. Sáng kiến ấy làm lợi cho công ty 7.469 USD/năm.
Khi về nước, chị mở một cuộc liên hoan nhỏ, mời Ban giám đốc Juki Việt Nam dự và giới thiệu về các thành viên của nhóm, không quên nhấn mạnh “tất cả đều là đảng viên”; ngoài ra chị cũng giới thiệu các đảng viên khác. Chị Linh kể: “Lúc đó, Ban giám đốc vô cùng ngạc nhiên bởi trong công việc, ông quá quen với những gương mặt này; công ty có việc gì, họ đều xông pha, không ngại khó. Ông ấy gọi tên từng người, nhắc từng vụ việc. Khi đó, tôi mới nói đó chính là tinh thần tiên phong của người đảng viên”. Từ nhóm “Mặt trời mọc”, phong trào sáng kiến cải tiến trong công ty lan rộng, trở thành chương trình thi đua của công ty, kích thích toàn thể người lao động thi đua sáng kiến cải tiến, làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.
Cũng trong năm 2015, chị Linh nhận bằng cử nhân Luật. Đúng thời điểm đó, Ban giám đốc cần tìm một nhân sự cho vị trí phụ trách Tổ Vật tư của công ty. Khi xem xét các ứng viên, Ban giám đốc đã chọn chị Linh cho vị trí đó với lý do “ở vị trí đó, sự trung thực là tố chất quan trọng hàng đầu và một người đảng viên như chị Linh thì hoàn toàn phù hợp”.
Khi phụ trách Tổ Vật tư, chị Linh đã chủ động tìm nhiều đối tác để cạnh tranh giá, giảm chi phí mua sắm nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Cải tiến quy trình làm việc, nhân sự Tổ Vật tư từ 5 giảm xuống 3, thu nhập cho anh chị em tăng lên… Thông thường với vị trí “nhạy cảm” như Tổ Vật tư, 3 năm doanh nghiệp sẽ thay người nhưng với sự trung thực, làm việc hiệu quả của mình, Ban giám đốc đã tin tưởng để chị Linh phụ trách công việc này đã 5 năm.
Từ những việc như vậy, dần dần Ban giám đốc hiểu thêm về đảng viên, về tổ chức Đảng và bắt đầu coi trọng, tạo điều kiện để tổ chức Đảng hoạt động, những việc quan trọng của công ty, Ban giám đốc đều mời Bí thư Chi bộ Đảng cho ý kiến. Chị Linh chia sẻ: “Người đảng viên tốt sẽ giúp chủ doanh nghiệp có cái nhìn tích cực về tổ chức Đảng và sẽ tạo điều kiện để tổ chức Đảng hoạt động”.
“Tôi vốn dĩ là một người công nhân”
Khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, ngành may mặc là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Kéo theo đó, các ngành liên quan cũng điêu đứng. Công ty TNHH Juki Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng chung. Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp phải lựa chọn nếu giữ thời gian làm việc bình thường, trả đủ lương cho người lao động thì công ty phải cắt giảm nhân sự. Nếu giữ người lao động thì phải giảm giờ làm, người lao động giảm thu nhập. Trước các phương án đó, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh đã quyết định: “Chúng tôi xác định chọn phương án giữ người vì rất nhiều công nhân của công ty là lao động lớn tuổi, nếu cắt giảm, sau này, anh chị sẽ rất khó xin việc. Tuy nhiên, làm thế nào để thuyết phục hơn 1.300 anh chị em công nhân đồng lòng, san sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chấp nhận giảm thu nhập, đó không phải là chuyện dễ. Thực tế, ở một số doanh nghiệp khác, khi Ban giám đốc đặt vấn đề, rất nhiều công nhân đã yêu cầu giữ nguyên giờ làm, giữ nguyên lương, ai bị cắt giảm thì người đó chịu!”.
Thế nhưng tại Công ty TNHH Juki Việt Nam, bằng sự khéo léo của Chi bộ Đảng, Ban Chấp hành công đoàn, tất cả người lao động của công ty đồng ý giảm giờ làm, giảm thu nhập. Để có được những lý lẽ thuyết phục được anh chị em công nhân, chị luôn đặt mình vào vị trí của họ để suy nghĩ thấu đáo, cặn kẽ bởi chị nghĩ: “Tôi vốn dĩ là một người công nhân, một người mẹ có hai đứa con nhỏ. Nếu tôi không là tổ trưởng Tổ Vật tư, tôi vẫn còn là công nhân thì trong giai đoạn này, khi nghỉ việc, tôi sẽ khó khăn như thế nào? Và khi anh chị em đồng lòng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì mình phải làm gì để chia sẻ khó khăn với anh chị em…”.
Sự phát triển của Công ty TNHH Juki Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của tổ chức Đảng, công đoàn tại doanh nghiệp. |
Từ đó, khi thuyết phục công nhân, anh em trong Chi bộ Đảng, Ban Chấp hành công đoàn nói rõ cái khó của những công nhân lớn tuổi, cái tình của anh chị em công nhân đối với nhau lúc hoạn nạn và sự nỗ lực của Ban giám đốc để anh chị em thấu hiểu. Bên cạnh đó, để hỗ trợ công nhân, công đoàn lập ra nhiều chương trình như liên hệ với các doanh nghiệp cung cấp các nhu yếu phẩm thịt, cá, trứng, dầu ăn, gạo… với giá ưu đãi, giảm từ 20-30% so với thị trường, giao hàng tận công ty cho công nhân.
“Chính điều đó đã giảm bớt phần nào khó khăn cho công nhân, anh chị em vững tin hơn, công ty ổn định quan hệ lao động, trên dưới một lòng chống dịch”, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh cho hay.
Chính sự hoạt động hiệu quả của cá nhân đảng viên, và tổ chức Đảng, công đoàn tại doanh nghiệp đã giúp chủ doanh nghiệp có cái nhìn thiện cảm cũng như ủng hộ hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội tại doanh nghiệp. “Sau tất cả những gì mà tổ chức Đảng, các đảng viên đã làm, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển như ngày hôm nay, tôi nhận thấy rằng, việc doanh nghiệp tạo điều kiện thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp là quyết định chính xác dù ban đầu có chút gì đó hơi đắn đo. Những thành tích mà công đoàn hay Chi bộ Đảng đạt được chính là niềm vui chung của toàn công ty”, ông Nozaki Shuichi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam chia sẻ.
Ông Nozaki Shuichi mới nhận nhiệm vụ tại Juki Việt Nam hơn 2 năm, tuy nhiên, trước đó ông đã tìm hiểu cũng như được người tiền nhiệm chia sẻ nhiều thông tin về tổ chức Đảng, công đoàn của Việt Nam. “Một nội dung quan trọng mà người tiền nhiệm nhắc tôi rằng, khi triển khai các chính sách mới ở doanh nghiệp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lao động, cần có sự trao đổi và sự đồng thuận của người lao động mà đại diện là tổ chức là rất cần thiết” - Tổng giám đốc Juki Việt Nam cho hay.
Trong đợt dịch Covid-19 này, Công ty TNHH Juki Việt Nam đặt mục tiêu “Không để xảy ra lây nhiễm và nếu có lây nhiễm thì không ảnh hưởng lớn”. Ông Nozaki Shuichi cho rằng, những thông tin kịp thời, những đề xuất xác đáng các phương pháp phòng chống dịch Covid-19 của Chi bộ Đảng, công đoàn đã giúp doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu đó. “Chính sự vào cuộc kịp thời của các bạn đã xóa đi những lúng túng ban đầu của chúng tôi”, ông Nozaki Shuichi bày tỏ sự trân trọng. Bên cạnh đó, khi công ty giảm giờ làm, giảm lương, nhờ tổ chức Công đoàn, Chi bộ Đảng mà anh chị em công nhân đã đồng lòng với doanh nghiệp để cùng vượt qua những ngày khó khăn này.
“Tại doanh nghiệp, các đoàn thể cùng đồng hành đúng nghĩa với doanh nghiệp thì hiệu quả mang lại rất lớn, có thể kể đến là mối quan hệ lao động hài hòa, làm cho cuộc sống của người lao động được cải thiện. Tôi nhận thấy rằng, cùng với sự nỗ lực của tổ chức Đảng, công đoàn tại doanh nghiệp là sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên đã giúp cho công đoàn, Chi bộ Đảng thực hiện tốt vai trò của mình, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của công ty. Tôi thấy rằng, chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp là đúng đắn!”, ông Nozaki Shuichi khẳng định.
Bài, ảnh: Lê Tuyết
Đồ họa: Ngô Thụy
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 24/9
Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 24/9, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 32 triệu ca bệnh Covid-19, trong đó có ... |
Chiếc xe, 4 tỷ và giấc ngủ của ông Hải
Hôm qua, chiếc xe cổ và 4 chiếc áo đấu của tuyển bóng đá Việt Nam đã về tay một doanh nhân để “đổi lại” ... |
Đối thoại tốt để người sử dụng lao động và công nhân đồng cảm, chia sẻ, cùng vượt khó
Trong năm 2020, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trên 80% doanh nghiệp tổ chức ... |