|
Cuộc sống an toàn – Gần 6 tháng qua, chị Lê Thanh Huyền (điều dưỡng khoa Phụ sản) cùng hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh gồng mình vượt qua cảnh túng thiếu do bị nợ 50% lương. Hằng ngày, sau giờ làm việc, cởi áo blouse trắng, chị lại cặm cụi bán rau kiếm sống. Từ xưa đến nay, sức khỏe thường được ví như vàng và công việc của những bác sĩ, những điều dưỡng là đem đến một chất lượng sức khỏe, cuộc sống tốt hơn cho toàn xã hội. Vì lẽ đó, họ xứng đáng để được tôn trọng và đảm bảo những chế độ đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, các cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện phải làm việc trong tâm trạng thấp thỏm có được trả đủ lương để yên tâm tham gia chữa bệnh, cứu người? |
|
Đến Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) với mong muốn nhận được câu trả lời về việc chậm lương của các cán bộ, y bác sĩ, chúng tôi tình cờ gặp chị Lê Thanh Huyền (cán bộ điều dưỡng khoa Phụ sản). Sinh ra tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội), chị Lê Thanh Huyền từng cảm thấy may mắn vì có được việc làm ổn định tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Chị đã có hơn 10 năm cống hiến cho Học viện nói chung và Bệnh viện Tuệ Tĩnh nói riêng. Nhưng từ tháng 5/2021 đến nay, chị chỉ nhận được 50% tiền lương với mức 2,350 triệu đồng/tháng (thay vì nhận được 4,7 triệu đồng/tháng như trước đây, chưa kể phụ cấp). Mặc dù từ tháng 5/2021 đến nay, tháng nào chị cũng bị nợ lương, nhưng vì trách nhiệm và y đức, chị cùng các đồng nghiệp của mình đến viện để tiếp tục cống hiến. Chia sẻ tình hình công việc với PV, chị Huyền nói: “Hằng ngày chúng tôi vẫn đến đây làm việc theo đúng trách nhiệm. Bên cạnh đồng tiền thì còn là lương tâm nghề nghiệp, vẫn còn bệnh nhân thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp đón, và làm hết sức mình”. |
“Vẫn còn bệnh nhân thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp đón, và làm hết sức mình” ______ chị Lê Thanh Huyền ______ |
Mỗi tháng, chị Huyền phải vét sạch túi mới có đủ 3 triệu đồng trả tiền nhà. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, chị buộc phải đi làm thêm công việc khác, kiếm đồng ra đồng vào. Cuộc sống vốn dĩ bấp bênh nay khó khăn chồng chất khó khăn vì bệnh viện nợ lương. Không chỉ mình chị Huyền, đợt dịch Covid-19 vừa qua các đồng nghiệp của chị cũng vẫn đi làm vì tình yêu nghề, vì lương tâm nghề y. Và để mưu sinh, họ chọn giải pháp đi làm thêm. Có người tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi ship hàng, có người chọn bán hàng online. Còn chị Huyền chọn công việc “thời vụ” hơn, đó là bán… rau. "Rau nhà trồng được, mình làm nghề y nên cũng đảm bảo chất lượng, các đồng nghiệp cũng thường xuyên mua ủng hộ” - chị Huyền giải thích lý do chọn công việc bán rau như thế. |
|
Sau cuộc gặp gỡ vội vàng với chị tại bệnh viện, chúng tôi tìm đến khu vực chợ Bông Đỏ (phố Phan Đình Giót, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) nơi chị Huyền mỗi ngày dành mấy tiếng mưu sinh để ghi nhận một sự thật đáng buồn! Vào 20h tối, không còn ai nhận ra chị Lê Thanh Huyền là một điều dưỡng trong một bệnh viện ở giữa Thủ đô. Thay vì chỉn chu trong chiếc áo blouse trắng, chị khoác chiếc áo vừa mỏng, vừa cũ, ẩn mình trong một góc nhỏ bên đường với đủ thứ hàng tạp hóa gồm rau, đu đủ, trứng gà... Chị cẩn thận đeo hai lớp khẩu trang, chỉ lộ ra đôi mắt thâm quầng. Đến chị còn không nhớ đã bao ngày "bán mặt" tại đây vì miếng cơm manh áo. Đôi bàn tay gầy guộc, có phần sạm đen, chị nhặt từng mớ rau tươi trao cho khách, rồi nhận lại từng đồng tiền lẻ. Chị lo lắng, gánh rau rong này sẽ trở thành "cần câu cơm" chính của cả gia đình, nếu như việc nợ lương không được giải quyết. Không như những người phụ nữ khác được về nhà quây quần với chồng con sau giờ làm việc, có những ngày chị Huyền phải lầm lũi, run rẩy ngồi đây với mưa gió. Tương lai của chị lúc này không trắng sáng như áo blouse mà cũng không tươi như màu xanh của những mớ rau. Cũng không biết những bệnh nhân, những người từng được nữ điều dưỡng này chăm sóc sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy tình cảnh này? |
Chị Huyền đang dọn hàng thì bất ngờ gặp chúng tôi - những người đồng hành với câu chuyện nợ lương nhiều ngày qua. |
Bất ngờ gặp chúng tôi, những người đồng hành với câu chuyện nợ lương nhiều ngày qua, chị tâm sự: “Tôi không ngần ngại vì bán rau cũng là lao động chân chính. Đam mê của tôi là công việc điều dưỡng, tôi muốn cống hiến hết mình cho nghề. Vì dù sao tôi cũng phải mất nhiều năm học hành, bây giờ đi làm thêm để sống nên không khỏi chạnh lòng”. Với thu nhập hiện nay, chị không có đủ tiền thuê nhà, thậm chí là tiền ăn. Thu nhập từ việc bán rau cũng bấp bênh, mỗi ngày chỉ lãi được 80 - 100 nghìn đồng. Nhắc đến gia đình, đôi mắt chị rưng rưng. Chị Huyền giờ đây là lao động chính trong nhà. Chồng chị là công nhân, do dịch bệnh nên ít việc làm. Trường học chưa mở cửa, các con còn nhỏ phải học online. Anh phải chấp nhận ở nhà để kèm cặp, chăm sóc các con cho chị yên tâm đi làm. Là một người đàn ông, để gánh nặng gia đình đặt cả trên vai chị, anh không khỏi đau lòng. Nhất là khi thấy áp lực kinh tế khiến vợ ngày càng gầy guộc. Chị Huyền giờ đây là lao động chính trong nhà. |
|
Hơn 9h tối, chúng tôi theo chân chị trở về nhà. Phòng trọ rộng khoảng 30m2, cách chợ hơn 4km là nơi 4 người gia đình chị sinh sống. Vừa về đến nhà, cô con gái út hồ hởi chạy ra đón mẹ. Gương mặt cô bé cười vui như tết vì mong chờ từ rất lâu. Còn người chồng, nhìn vợ quần quật cả ngày lo miếng cơm cho gia đình, dù mừng rỡ nhưng cố nén lại. |
Anh buồn rầu chia sẻ: “Tôi phải nghỉ làm để ở nhà trông nom các con học hành. Vì chúng còn nhỏ, lại học online nếu không có người lớn ở cạnh thì không biết vào học kiểu gì”. Vừa rót cốc nước mời chúng tôi, anh chậc lưỡi: “Cũng đành hi sinh thôi, bán hàng mà không có duyên, lỗ vốn thì còn tội người ở nhà hơn. Dịch bệnh phức tạp, nguy hiểm, nay vợ còn bị chậm lương, hai vợ chồng chả biết làm gì ngoài việc động viên nhau cố gắng, Gia đình giờ khó khăn lắm, vừa rồi còn phải vay thêm ngân hàng để trang trải, giờ chỉ mong các lãnh đạo bệnh viện có cơ chế hợp lý để giải quyết vấn đề nợ lương của vợ tôi và y, bác sĩ khác, để cuộc sống đỡ khó khăn, chứ cứ như này thì khó lắm”. Nói đến đây, người chồng lặng đi, chị Huyền cũng thẫn thờ vì mỏi mệt, không khí ngôi nhà trở lên lặng thinh!!!
Thu nhập từ bán rau cũng bấp bênh, mỗi ngày chỉ lãi được 80-100 nghìn đồng |