“Tôi biết con đi làm rất vất vả, khó khăn. Lương công nhân eo hẹp, lại nuôi con và tự trang trải cuộc sống xa nhà. Càng thương con bao nhiêu, lúc này tôi càng không thể khóc” – ông Đào Văn Quân, bố của nữ công nhân Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (tử vong do Covid-19 ngày 24/5) chia sẻ. Chị Đào Thị Minh (sinh năm 1983, trú tại thôn Pồ Nim, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) – bệnh nhân số 4807 mất đi khiến cả gia đình bàng hoàng. Chị Minh thuê trọ tại Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ngày 18/5, kết quả lấy mẫu xét nghiệm công nhân ở trọ tại thôn Núi Hiểu của chị đã dương tính với SARS-CoV-2. Chị Minh được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang (bệnh nhân 4807) sau đó tiếp tục được chuyển lên điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang (ngày 22/5). Sáng sớm ngày 24/5, trên đường chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị, chị đã tử vong. Khi chị mất đi, chỉ có ông Đào Văn Quân - bố của chị được đến đài hóa thân để lo hậu sự cho con gái. |
mẹ đơn thân xa con mong... thoát nghèo Nén lòng để nỗi đau không tan thành nước mắt, ông Quân chia sẻ: “Con mất đi do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chỉ mình tôi được đến nhận về. Thương con sống chịu cảnh đơn côi. Khi thác còn phải lẻ loi, đơn độc” - ông Quân nói như muốn khóc. Ông Quân có 3 người con thì chị Minh là con cả, phải sớm nghỉ học để làm lụng, đỡ đần cha mẹ. Đến tuổi kết hôn, chị không may mắn và sớm ly hôn chồng từ khi con trai mới 1 tuổi. Phận nghèo, làm ruộng quanh năm vất vả không đủ nuôi con, chị quyết tâm xuống Khu công nghiệp Quang Châu xin làm việc. Thấm thoắt đã hơn 4 năm. Rơi vào cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, ông Đào Văn Quân đau như cắt. Ông cho biết, dịch bệnh khiến công việc bị ảnh hưởng, nhưng chị Minh cố gắng bám trụ tại Bắc Giang để mong dịch bệnh qua đi. Hằng tháng, chi phí nhà trọ, ăn ở tốn kém, chị chắt chiu gửi tiền về cho bố mẹ nuôi con. Nhất là từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty trở thành ổ dịch, chị không đi làm được, còn phải vay thêm em dâu 1 triệu đồng để trả chi phí điều trị, cách ly. |
Chị Đỗ Thị Minh (ngoài cùng, bên phải) cùng con trai trong lễ cưới của em trai và em dâu. |
“Em làm ở công ty khác, nhưng sống ở nhà trọ gần nơi chị Minh thuê. Hai chị em luôn gần gũi, chăm sóc lẫn nhau. Khi chị Minh phải đi bệnh viện điều trị thì em phải sống trong khu vực phong tỏa. Hôm đầu tiên ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang, chị kể với em rằng rất lo lắng. Chị nói có ho, sốt, mệt mỏi… Khi , chị có gọi cho mẹ chồng em thì đã yếu và mệt, phải thở oxy" - chị Chu Thị Đào, em dâu chị Đào Thị Minh cho biết. Trong ký ức của chị Đào, chị chồng là người hiền lành, chịu thương chịu khó. Từ khi về làm dâu, việc gì từ nhỏ đến lớn, chị Minh đều “giành” làm với em dâu. Nhất là khi cả hai chị em từ quê nhà xuống Khu công nghiệp Quang Châu thuê trọ, chị càng quan tâm, chăm sóc em dâu để cha mẹ yên lòng. |
|
Chị Đào mới quay trở lại làm việc được 1 tháng thì khu vực nhà trọ bị phong tỏa. Chồng chị cũng bị cách ly ở một nơi xa, chỉ còn ông bà ở nhà lo cho hai đứa trẻ. “Em rất thương con chị Minh và ông bà. Lúc cả nhà cần ở bên nhau, ông bà cần chỗ dựa nhất thì vợ chồng em cách ly ở xa, mỗi người một nơi, cảm giác bất lực lắm chị ạ” – chị Đào buồn bã nói. Nhớ lại những ngày cuối cùng chị chồng còn sống, chị Đào chia sẻ: “Chị Minh không biết giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Khi ở bệnh viện, chị có nhờ em gửi 1 triệu đồng để đóng các khoản chi phí. Nhưng chị yếu đi dần, em chưa kịp chuyển đến bệnh viện thì chị đã phải chuyển lên tuyến trên rồi mất. Thời gian ngắn quá, chỉ có 5 ngày tất cả, hai chị em đã phải xa nhau mãi mãi". |
cả nhà đang phải... cách ly Chung nỗi lo với chị Đào, ông Đào Văn Quân bày tỏ: “Chúng tôi tuổi đã cao, tôi năm nay 65 tuổi, còn bà ấy (mẹ chị Minh) đã 60 tuổi. Tuổi già không làm gì ra tiền, chỉ trông vào 5 - 6 sào ruộng. Nuôi con đến ngày trưởng thành, giờ không may dịch bệnh quái ác khiến con ra đi. Tôi đầu bạc lại phải nuôi cháu lớn khôn. Nỗi đau này không biết khi nào nguôi ngoai”. Ông kể, mới đây, chị Minh về thăm nhà còn mua tặng bố chiếc điện thoại thông minh trị giá 2 triệu đồng. Chị bảo mua cho ông chiếc điện thoại thông minh, hẹn lần tới dịch bệnh được kiểm soát sẽ về hướng dẫn bố cách gọi zalo, facebook để cả nhà được nhìn thấy nhau nhiều hơn. Nhưng ông còn chưa biết zalo là gì thì chị đã không còn nữa. Công nhân Công ty Hosiden, trong đó có chị Minh được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: ST |
“Giây phút chỉ còn một mình tôi đưa tiễn con, thật không sao chịu nổi. Nhưng tôi không thể khóc. Thương con tôi phải cứng cỏi. Nếu tôi cũng gục ngã thì ai lo công việc đây” - ông Đào Văn Quân trầm ngâm nói. Chị Chu Thị Đào cho biết, cả gia đình chồng chị đang rất lo lắng. Bố mẹ chồng chị đều là F2. Nếu ông bà và cả hai đứa nhỏ gồm con chị Minh và con chị (7 tuổi và 2 tuổi) phải đi cách ly thì vợ chồng chị cũng lực bất tòng tâm. “Em không thuộc F nào, chỉ phải ở khu phong tỏa. Em đã chuẩn bị sẵn đồ ăn cùng sự hỗ trợ của công đoàn, các nhóm thiện nguyện nên em vẫn trụ được… Nhưng cảnh cả nhà phải cách ly ở nhiều nơi thế này, thật không biết nói sao cho hết buồn. Em cũng như cả nhà đang ngày ngày cầu nguyện, dịch bệnh đừng gieo thêm mất mát cho gia đình mình" - chị Chu Thị Đào nói. |
Công nhân Công ty Hosiden Việt Nam nhận được nhiều sự ủng hộ từ tổ chức Công đoàn và cộng đồng. |
Chia sẻ với nỗi đau của gia đình người lao động, ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam cho biết, chị Minh là đoàn viên công đoàn Tổ vi mạch điện tử. Lúc này, công ty vẫn đang phải dừng hoạt động, người lao động nghỉ việc, cách ly. Số công nhân lao động là F0 vẫn tiếp tục tăng lên. Trong khó khăn, công đoàn đã đề nghị người sử dụng lao động trích 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị Minh. Đồng thời sẽ trích kinh phí công đoàn và vận động đoàn viên, người lao động trong công ty cùng chung tay giúp đỡ gia đình chị Minh vượt qua khó khăn. Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, chị Minh không có bệnh nền, có triệu chứng sốt, ho, rát họng, mệt mỏi. Sau 5 ngày điều trị, bệnh có dấu hiệu suy hô hấp, phổi thông khí giảm hai bên. Bệnh nhân được xử trí thở ôxy mặt nạ, điều trị kháng sinh, kháng viêm. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng hơn, tức ngực khó thở nhiều. Chụp XQ cho thấy, phổi tổn thương lan tỏa hai bên, được cấp cứu thở ôxy dòng cao HFNC. Qua hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Nhưng tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngừng tuần hoàn không có kết quả. Chị đã tử vong và được chẩn đoán nguyên nhân là do sốc nhiễm khuẩn, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.
|
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |