Giữa lòng Thủ đô, có một con phố với cái tên thật lạ: Phố 8-3. Con phố nhỏ với những dãy nhà tập thể khoác lên mình màu thời gian là nơi sinh sống của nhiều nữ công nhân làm việc tại nhà máy dệt vang danh một thời. Con phố nhỏ, hẹp ở bờ tây sông Kim Ngưu được UBND TP Hà Nội đặt là 8-3 từ năm 2010. Cái tên đặc biệt này như tưởng nhớ một thời đã qua của nhà máy sản xuất công nghiệp nổi danh nhất miền Bắc lúc bấy giờ: Nhà máy Dệt 8-3. Năm 1960, Nhà máy Dệt 8-3 được khởi công xây dựng. Sau 5 năm, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, nhà máy đã được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 8-3-1965. Ngày nay, mặc dù đã không còn hoạt động song Nhà máy Dệt 8-3 vẫn là một ký ức đẹp không thể quên của những nữ công nhân tại đây. Hàng năm, cứ đến ngày Quốc tế Phụ nữ, những cựu nữ công nhân lại tụ họp hàn huyên, trò chuyện. Năm nay, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, cuộc gặp mặt thường niên đành hẹn một dịp khác. Bà Sơm nhớ lại những ngày đầu chuyển từ Nhà máy Dệt Nam Định đến Nhà máy Dệt 8-3. “Thành lệ rồi, năm nào mùng 8-3 các bà cũng phải gặp nhau đấy em ạ. Nay dịch nên chẳng ngồi lại được”, bà Sơm (cựu công nhân nhà máy) có chút buồn. Nhớ chuyện cũ, bà kể bà là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định. Do bị bắn phá, năm 1965, bà mới lên Hà Nội và vào làm tại Nhà máy Dệt 8-3. Thời đó, Nhà máy Dệt 8-3 lúc nào cũng đi đầu trong sản xuất. Công nhân làm việc theo ca, máy móc hoạt động đêm ngày, chỉ trừ những lúc máy bay địch thả bom mới tạm nghỉ. Chiến tranh ác liệt nhưng nhà máy không dừng một ngày. Đi làm ai cũng mang theo mũ rơm để tránh mảnh bom bi. Nhà máy có đội tự vệ, hệ thống báo động, hầm trú nên chị em công nhân cũng yên tâm phần nào. "Tôi đây! Tôi công nhân Nhà máy Dệt 8-3 đây". Hỏi thăm một bà lớn tuổi trong khu về cựu công nhân nhà máy xưa, tôi bất ngờ nhận được câu trả lời: “Tôi đây! Tôi công nhân Nhà máy Dệt 8-3 đây". Bà Mùi vào từ những ngày đầu thành lập. Vừa sản xuất, bà vừa tham gia vào đội tự vệ. Ngày đi làm, đêm đi trực, giữa hai ca là những cuộc họp đoàn viên, họp công đoàn, họp tổ. Ngoài giờ, bà cùng thành viên đội tự vệ học võ, tập bắn súng. Theo lời của bà, đây là những “ưu ái” chỉ riêng đội tự vệ mới có. Bà Mùi kể lại những ngày ở nhà máy nhiều hơn ở nhà. “Ngày đó, giặc thả bom nhiều như nổ trên đầu”, bà nói. Báo động kêu thường xuyên, đồng nghiệp không biết bao người trúng bom mà chết nhưng chẳng vì thế mà mọi người chùn bước. Bà tự hào kể rằng đội đã từng bắn rơi cả máy bay Mỹ. Năm 1993, bà về hưu. Từ đó đến nay, bà vẫn một thân một mình vì bà bảo hồi trẻ chỉ tập trung vào hai việc lớn, một là sản xuất, hai là đánh giặc. Giờ tuổi già, nhiều khi cũng buồn, nhưng xung quanh vẫn có chị, có em. Đội tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 từng bắn rơi máy bay Mỹ. Tôi hỏi ngày 8-3 năm nay đơn vị không tổ chức gặp mặt, bà có kế hoạch gì không. Bà cười, chỉ tay vào tấm biển đầu ngõ, “Chưa cần đến ngày Quốc tế Phụ nữ, ở đây nhìn đâu cũng thấy mùng 8-3”. |
Nhà máy Dệt 8-3 vẫn là một ký ức đẹp không thể quên của những nữ công nhân tại đây. |
Bài viết & Ảnh: Ngọc Châm
|