|
Nữ công nhân lỡ hẹn về quê: “Chưa bao giờ tôi gặp khó khăn thế này” |
Rời Đắk Lắk lên TP HCM để làm công nhân đã gần 6 năm, chị Mó Nga (26 tuổi, người dân tộc Vân Kiều) chia sẻ: “Trong ngần ấy năm ở TP HCM, tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn thế này. Gần 2 tháng ngừng việc, lương thực sắp cạn, kỳ hạn đóng tiền phòng trọ sắp đến, tôi chưa biết phải xoay xở thế nào?”. |
Trong phòng trọ ước chừng chỉ 7 – 8 m2, có tiếng lạch cạch rửa bát của chị Nga. Ăn một mình rồi lại lặng lẽ dọn dẹp, chị Nga đã duy trì tình trạng ấy trong nhiều ngày. Bữa cơm với đĩa rau xào, một đĩa khoai tây xào chút thịt. Đây có lẽ là bữa “thịnh soạn” nhất trong tuần qua bởi chị vừa được nhận hỗ trợ từ những người hảo tâm. Bữa cơm chiều của chị Nga trong phòng trọ. và lây lan rộng khiến những người công nhân như chị Nga chịu ảnh hưởng không nhỏ. Công ty Grand Legend Vina (Quận 12, TP HCM), nơi chị Nga gắn bó nhiều năm, cũng buộc phải cho công nhân ngừng việc để đảm bảo an toàn. Trong nhiều ngày qua, chị Nga cũng như nhiều công nhân lao động trong xóm trọ chỉ biết quẩn quanh trong căn phòng chật hẹp. Ra ngoài hạn chế, thực phẩm khan hiếm, chi tiêu cũng phải chắt bóp từng chút một, chị Nga nhẩm tính số tiền còn sót lại của mình. Kỳ hạn đóng tiền phòng trọ cũng sắp đến. Tháng trước, chị được chủ nhà giảm 200.000 đồng tiền phòng trọ, tháng này không biết thế nào? Nếu như vẫn duy trì công việc đều đặn, 1,2 triệu đồng/tháng không phải là thử thách quá lớn với chị Nga. Thế nhưng dịch bệnh ập đến khiến mọi thứ thay đổi. Nhận thấy dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt qua những con số thống kê hằng ngày, chị Nga thấp thỏm lo lắng về cuộc sống ở một mình kéo dài trên thành phố. |
Không có xe máy, chị Nga lỡ hẹn về quê và ở lại phòng trọ trong gần 2 tháng ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. |
Lỡ hẹn về quê |
Trong những ngày cuối tháng 7, nhiều anh, chị, em công nhân ở TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng đã di chuyển về quê tránh dịch vì không có việc làm. Dòng người hối hả về quê dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhưng cũng khiến chị Nga chạnh lòng. “Tôi định về quê từ cuối tháng 7 rồi. Ngặt nỗi tôi không có xe máy nên đành lỡ hẹn về quê. Nếu tầm này ở quê thì tôi không phải lo lắng tiền phòng trọ, tiền ăn và nỗi sợ khi phải ở một mình. Xóm trọ cũng về quê gần hết, chỉ còn vài người không có xe máy như tôi là ở lại”, chị Nga bộc bạch. Sinh ra trong gia đình có 8 anh, chị, em, chị Nga rất muốn về quê với bố mẹ để đỡ đần công việc làm rẫy. “Dù sao thì cũng không có việc gần 2 tháng nay, nếu về được quê thì tôi sẽ làm rẫy và chăm sóc bố mẹ. Nhà có 8 anh, chị, em, nay chỉ còn mình tôi chưa lập gia đình. Bố mẹ đã ngoài 70 tuổi, các con đều đi làm ăn xa nên nhớ và thương lắm”, chị Nga kể về dự định nếu được về quê. |
Trong thời gian qua, nhiều công nhân lao động di chuyển từ TP HCM về quê tránh dịch do không có việc làm, thu nhập. Ảnh: Bảo Lâm |
Không về được quê, hằng ngày, bố mẹ vẫn gọi điện thoại cho chị Nga, nhắc nhở: “Ăn gì chưa con, đừng đi đâu đấy, nhớ giữ gìn sức khỏe con nhé!”. Lời nhắn nhủ của bố mẹ khiến chị Nga bất giác nhớ lại những ngày đầu còn chân ướt, chân ráo lên thành phố làm công nhân. “Tôi gặp không ít khó khăn khi bắt đầu làm công nhân. Chân tay lóng ngóng, lo lắng vì không quen, sợ làm hỏng.... khiến tôi từng có ý định từ bỏ. May mắn có các chị gái và các anh, chị trong công ty động viên giúp tôi dần làm quen với công việc và gắn bó trong nhiều năm qua”, chị Nga cho biết. |
Trước khi dịch bùng phát, thu nhập của chị Nga cũng được hơn 6 triệu/tháng. Sau khi trừ tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền gửi về cho bố mẹ ở quê, số còn lại chẳng được là bao. Nhưng ít nhất chị Nga còn có đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống. “Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất kể từ khi tôi làm công nhân. Năm ngoái cũng có dịch Covid-19 nhưng thời gian nghỉ ít hơn. Tôi vẫn có việc làm và duy trì được sinh kế ở thành phố này. Còn năm nay thì không biết đến bao giờ tôi mới được đi làm”, chị Nga chia sẻ. |
10 kg gạo nghĩa tình và động lực vượt qua khó khăn |
Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chị Nga cùng nhiều anh, chị, em trong xóm trọ chỉ được đi chợ luân phiên 3 – 4 lần/tuần. Không việc làm, không thu nhập khiến những bữa cơm của công nhân như chị không được như trước. May mắn là chị và mọi người trong xóm trọ nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các tổ chức thiện nguyện, trong đó có . “Nhận được 10 kg gạo cùng nhiều rau, củ, quả, tôi mừng lắm! Giữa lúc dịch bệnh thế này, nếu như không được các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ thì không biết tôi phải xoay xở và cầm cự như thế nào. Ngoài nhu yếu phẩm, tôi còn được tặng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. Mỗi thứ một ít nhưng rất cần thiết cho tôi trong thời gian này”, chị Nga nói. |
Gạo, rau, củ, quả... là những món quà ý nghĩa mà chị Nga nhận được từ những nhóm thiện nguyện trong thời gian qua. |
Cuộc sống trong phòng trọ nhiều ngày rất buồn chán, nhưng chị Nga tâm sự: “Thú thật, lúc đầu tôi cũng hoang mang và lo lắng lắm. Lo dịch bệnh một phần, lo cả về cuộc sống trên thành phố khi số tiền còn sót lại đang cạn dần. Tuy nhiên, thấy những nỗ lực của những tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu chống dịch, tôi thầm động viên bản thân suy nghĩ tích cực, nghĩ về gia đình, thực hiện tốt 5K để vượt qua giai đoạn khó khăn này”. “Thành phố này mang lại sinh kế cho tôi và nhiều anh, chị, em công nhân. Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Tôi và mọi người được và có thể về quê thăm bố mẹ”, chị Nga vừa nói vừa chăm chú theo dõi tin tức về thành phố qua chiếc điện thoại – phương tiện duy nhất giúp chị liên lạc với cuộc sống bên ngoài xóm trọ. |
Chị Nga hiện sống một mình trong phòng trọ. |