Anh bạn tôi thuộc nằm lòng bản Dạ Cổ Hoài Lang, có thể kể vanh vách từng câu chuyện liên quan đến cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhưng anh vẫn khóc khi một lần nghe nữ thuyết minh viên Lương Minh Thư kể về giây phút ra đời của bài ca này. “Cũng câu chuyện đó, với nội dung đó, nhưng qua giọng kể nhiều cung bậc cảm xúc, tôi đã “nổi da gà” trước khi không ngăn được nước mắt”, anh nói. Lương Minh Thư (SN 1990) là một trong 6 nữ thuyết minh viên đang làm việc tại Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Học ngành Kỹ thuật điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. HCM). Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, Thư trở về quê nhà, xin vào làm việc trong bưu điện. Thư “bén duyên” với nghề thuyết minh viên khi được người quen giới thiệu đến làm việc tại Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. “Chính bản thân em cũng cảm thấy bất ngờ. Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình… chẳng liên quan gì đến văn hóa hay nghệ thuật với cha mẹ đều làm trong ngành Bưu điện, viễn thông. Có lẽ đó là “cái duyên” nên em đã nhanh chóng nắm bắt và hòa nhập tốt với công việc”, Thư nói. |
Chân dung nữ thuyết minh viên Lương Minh Thư. |
Những ngày đầu làm công việc mới, cô đã tìm tòi, đọc từng trang sách, tìm hiểu và sưu tầm thông tin về đờn ca tài tử Nam bộ. Có lúc Thư đã khóc khi hiểu rõ về hoàn cảnh sáng tác bản Dạ cổ Hoài lang. Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết bài ca này trong hoàn cảnh những đêm trường cô đơn thương nhớ vợ. Nhưng ông đặt tựa là “Dạ cổ Hoài lang” với ý nghĩa: “Nghe tiếng trống trong đêm mà thương nhớ chồng” bởi ông biết, vợ của ông cũng đang nhớ thương ông da diết. “Em đã khóc khi hiểu rõ thêm về bối cảnh lịch sử của quê hương, đất nước thời buổi đó qua câu chuyện cảm động này và càng thấy yêu hơn những giá trị văn hóa quê mình biết bao. Những giá trị đó cần phải được phát huy, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè thế giới để họ hiểu hơn về những nét đẹp của con người, đất nước Việt Nam. Từ đó em luôn cố gắng trau dồi để mỗi ngày làm tốt hơn công việc kết nối quá khứ và hiện tại”, Thư chia sẻ. Lương Minh Thư hướng dẫn khách tham quan khu lưu niệm. |
Bạc Liêu không phải là tỉnh duy nhất ở miền Tây có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nhưng đây có thể xem là “cái nôi” của loại hình nghệ thuật này khi nó gắn liền với sự ra đời của bản Dạ cổ Hoài lang. Chính vì vậy, du khách khi muốn tìm hiểu về đờn ca tài tử Nam bộ sẽ thường chọn khu lưu niệm ở Bạc Liêu làm điểm dừng chân. Chỉ riêng trong năm 2023, nơi đây đón 41.842 lượt du khách. Bên trong khu lưu niệm bao gồm các hạng mục như: Đài nguyệt cầm, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng vườn nhạc cụ bằng đá, nhà trưng bày nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương, nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng với lịch sử hình thành bản Dạ cổ Hoài lang. “Những ngày đầu em rất hồi hộp và lo lắng vì hiện vật dù có lung linh, đẹp đẽ đến đâu cũng chỉ là hiện vật. Phải làm sao để mỗi câu từ mình nói ra, du khách như được sống lại và hiểu thêm về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Có bữa liên tục “luyện thanh” tới mức bị viêm họng. Cả tuần liền nói không ra tiếng”, Thư nhớ lại. |
Lương Minh Thư thuyết minh cho khách tham quan về di sản đờn ca tài tử Nam Bộ và bản Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. |
Gọi Thư và các bạn thuyết minh viên khác là “thợ đọc”, hay “máy đọc” cũng đúng. Bởi mỗi ngày họ phải kể, lặp đi lặp lại một câu chuyện nhiều lần với rất nhiều người. Trong khi câu chuyện về cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng bản Dạ cổ Hoài lang dù có hay đến mấy thì cũng trong chừng đó chữ nghĩa. “Tụi em phải luôn tự làm mới mình. Câu chuyện thuyết minh cho đoàn này vào buổi chiều phải có điểm nhấn, tạo cảm xúc mới lạ hơn so với câu chuyện kể với đoàn kia vào buổi sáng để tránh chuyện người nghe nhàm chán. Quan trọng nhất là dù chọn cách nào thì thông tin truyền tải phải chính xác tuyệt đối. Bởi, mình có thể tưởng tượng, mơ ước về tương lai nhưng không thể nói sai về lịch sử! Không thể thêm thắt, làm sai lệch những gì thuộc về giá trị quá khứ”. Thư tâm sự. Lương Minh Thư (áo vàng) trong một lần thuyết minh cho đoàn du khách Tổng lãnh sự Australia đến tham quan khu lưu niệm. Khi các đoàn khách dừng lại một điểm tham quan, đó là lúc thuyết minh viên trở thành tâm điểm của hàng trăm ánh mắt. Cách diễn đạt, kể chuyển có thể tạo sự thích thú cho người này, nhưng lại gây khó chịu cho người khác. Do vậy, quá trình thuyết minh, họ phải chú ý đến từng ánh mắt, nét mặt, tâm trạng của mỗi người để điều chỉnh từng cung bậc cảm xúc trong lời kể chuyện. “Em đã từng hồi hộp, lo lắng tột độ khi mới vào làm, rồi cố gắng trấn an mình để vượt qua. Tụi em chọn cách nhìn thân thiện vào đám đông, để xây dựng niềm tin ở họ. Lần đầu tiên có người khóc khi nghe em kể về chuyện tình vợ chồng bác Sáu Lầu (Cao Văn Lầu); sau buổi thuyết minh em cũng khóc theo. Khóc vì hạnh phúc khi mình đã có thể chạm được vào trái tim du khách”, Thư chia sẻ. |
Khu khách đến tham quan và nghe thuyết minh tại Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. |
Thư cùng các bạn hay gọi vui nghề thuyết minh viên giống như “làm dâu trăm họ”, mỗi khách tham quan có suy nghĩ, nhìn nhận riêng, và bằng cách nào đó họ phải làm hài lòng tất cả mọi người ở một mức độ cao nhất có thể. “Mỗi lần thuyết minh phải lựa chọn cách thức sao cho phù hợp với đối tượng tham quan. Thuyết minh viên phải mang đến cho du khách ấn tượng đẹp không chỉ riêng về di tích nơi mình công tác mà còn về đất và người ở địa phương. Chính vì thế mà ngoài việc thông tin đến du khách, tụi em còn nghe và học hỏi từ nhiều kênh thông tin khác để mở rộng thêm vốn hiểu biết, nghiên cứu tư liệu để bài thuyết minh ngày càng phong phú, sinh động hơn, để tạo xúc cảm tốt hơn đối với người nghe”, nữ thuyết minh viên cho biết. “Tụi em không đi nhiều như những hướng dẫn viên, không gian làm việc chỉ vỏn vẹn trong khu lưu niệm nhưng được tiếp cận với nhiều người, đến từ nhiều nơi, thậm chí nhiều vùng lãnh thổ, văn hóa khác nhau. Từ đó, giúp tụi em có cơ hội học hỏi, hiểu biết thêm nhiều điều mới lạ, bổ ích trong văn hóa và cách sống qua các buổi trò chuyện cùng du khách. Mỗi lần lên mạng, thấy du khách chia sẻ về chuyến đi đến Bạc Liêu, tụi em mừng lắm vì nét đẹp đất nước, con người Việt Nam đã được quảng bá rộng rãi nhiều hơn trên thế giới”. Tôi rất tâm đắc với lời tự sự của Thư: "Không có ai sinh ra tự nhiên đều giỏi, mà chỉ có rèn luyện mỗi ngày mới giúp chúng ta thu về quả ngọt"! |
Bên trong Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. |
Ngày nay, du lịch văn hóa cộng đồng đang tạo sức hút ngày càng lớn. Du khách không chỉ đơn thuần muốn đi thăm thú cảnh quan, mà còn có nhu cầu tìm hiểu khám phá những nét độc đáo của truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của các điểm đến. Chính vì vậy, bên cạnh những hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành, thì đội ngũ những người làm công tác thuyết minh tại điểm đến là vô cùng cần thiết và quan trọng. Hơn nữa, thuyết minh viên du lịch không chỉ là nghề mà còn là một “nghệ thuật ăn nói” để cuốn hút người nghe vào câu chuyện và làm cho một điểm đến, một di tích trở nên “có hồn”. Cho nên, muốn thu hút du khách, phát triển ngành Du lịch, bên cạnh tính toán những vấn đề khác, thì nhân tố con người phải được chú trọng đào tạo. Nhưng theo thời gian, trong khi các khu di tích có xu hướng tăng về số lượng thì đội ngũ thuyết minh viên lại ngày càng giảm. Việc giảm có hai nguyên nhân: thứ nhất là để “tinh gọn biên chế”; thứ hai là do nghỉ việc vì áp lực của những nhu cầu trong cuộc sống thường nhật. |
Ông Lê Quốc Dũng - Phó Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu, kiêm Chủ tịch Công đoàn bộ phận đơn vị, cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 55 khu di tích lịch sử, trong đó, có 40 khu di tích lịch sử cấp tỉnh, 14 khu di tích lịch sử cấp quốc gia, và 1 khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Hiện Ban đang quản lý trực tiếp 6 khu di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm: Khu căn cứ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân); di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch HCM (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi); di tích lịch sử Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (thành phố bạc Liêu); di tích Kiến trúc nghệ thuật Tháp Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi); di tich lịch sử Nọc Nạng (thị xã Giá Rai); và di tích lịch sử nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu (xã Long Điền, huyện Đông Hải). Tại 6 nơi này hiện có 42 viên chức và người lao động làm việc; trong đó có 11 người là thuyết minh viên (10 nữ, 1 nam). Riêng Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ chiếm một nửa với 6 nữ thuyết minh viên vì nơi này nằm ở trung tâm thành phố, mỗi ngày có lượng lớn khách ghé đến tham quan. “Những ngày mà mọi được nghỉ để vui chơi, khuây khỏa như: lễ, Tết, thứ Bảy, Chủ nhật… thì các bạn thuyết minh viên vẫn phải làm việc. Có hôm tới giờ nghỉ (5 giờ chiều), gặp khách từ xa đến nài nỉ muốn được nghe thuyết minh về khu lưu niệm, các bạn vẫn vui vẻ đồng ý. Rồi chuyện đi sớm về muộn, vợ chồng bất hòa vì không ai chăm sóc con nhỏ. Thậm chí, khi người thân ở nhà bị bệnh, hoặc gia đình xảy ra chuyện, tâm trạng các em rối bời nhưng vẫn cố gắng giữ nụ cười tươi trước mặt du khách”, ông Dũng nói. |
Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể. |
Nếu gọi cách ăn nói của thuyết minh viên là một nghệ thuật thì trong chừng mực nào đó họ cũng là nghệ sĩ, mà “đời nghệ sĩ thì bao giờ cũng bạc”. Khi thuyết minh hay chưa chắc đã có người khen, nhưng chỉ cần sai một chút là người ta nhắc hoài và tự nhiên trở thành “tội nhân thiên cổ” vì làm lệch lạc giá trị văn hóa lịch sử. Đó là chưa kể những đoàn khách có người say xỉn, khi đến tham quan nói những lời chọc ghẹo các bạn nữ rất khó nghe. Áp lực nhất là mỗi khi diễn ra các sự kiện lớn như: Lễ hội đờn ca tài tử; khi có đoàn khách ngoại giao nước ngoài hoặc lãnh đạo cấp cao ghé thăm… các bạn phải luyện tập và làm việc cật lực. Theo ông Dũng, Ban Quản lý các khu di tích là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu. Viên chức và người lao động được trả lương theo 3 loại. Thứ nhất là theo Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ (chủ yếu là tài xế, bảo vệ, tạp vụ). Thứ hai là hợp đồng lao động khoán theo vùng. Nếu một thuyết minh viên làm việc ở TP. Bạc Liêu được tính là vùng 2, mức lương tối thiểu là 4.160.000đ/tháng, có đóng bảo hiểm. Khi nào lương vùng tăng thì thu nhập mới tăng theo. Thứ ba là vào biên chế với điều kiện người lao động có đầy đủ bằng cấp phù hợp, và phải vượt qua kỳ thi tuyển viên chức do Sở Nội vụ tổ chức. Khi đó, lương sẽ được tính hệ số theo bằng cấp, được tăng lương định kỳ theo quy định pháp luật. Nhưng dù được trả lương ở dạng nào thì cũng không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của họ. Như trường hợp của Lương Minh Thư hiện là lao động hợp đồng khoán theo vùng. Sau khi trừ các khoản bảo hiểm, mỗi tháng thu nhập chưa tới 4 triệu đồng. Dạo trước, Thư phải sắp xếp thời gian và tự túc kinh phí học thêm chuyên ngành Ngôn ngữ Anh (Đại học Cần Thơ). Ngoài công việc hàng ngày ở khu lưu niệm, Thư phải đi dạy thêm vào buổi tối tại một Trung tâm ngoại ngữ mới đủ trang trải cuộc sống. Theo ông Dũng, công đoàn bộ phận hiện có 39 đoàn viên, thời gian qua đã nỗ lực để chăm đời sống cho người lao động như: thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên vào các dịp lễ, tết hoặc khi đau yếu, bệnh hoạn… “Với đồng lương ít ỏi, chỉ có tình yêu nghề mới giúp đội ngũ thuyết minh viên còn gắn bó được với nghề. Họ phải đi làm thêm mới sống nổi. Và trong điều kiện có hạn của mình, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ bằng cách uyển chuyển, sắp xếp thời gian để mọi người tranh thủ đi làm thêm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”, ông Dũng cho hay. Cổng vào Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Vất vả là vậy nhưng Lương Minh Thư và các bạn thuyết minh viên vẫn vui: “Tụi em chưa bao giờ hối hận vì chọn công việc này. Với tụi em, tình yêu nghề đơn giản là sự trân trọng những gì thuộc về lịch sử, giá trị văn hóa của quê hương, đất nước; mong muốn truyền đạt lại những gì mình hiểu biết cho du khách”. Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Bên cạnh đó là hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, 162 bảo tàng… Điều này đồng nghĩa với việc có hàng chục ngàn thuyết minh viên đã và đang hoạt động tại các điểm du lịch, các bảo tàng, khu di tích. Ngày ngày, họ vẫn âm thầm đóng góp công sức và trí tuệ của mình nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè thế giới về những nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển bền vững. Và trong hành trình ấy, trong sâu thẳm của phận nghề, họ đã khóc cho những giá trị được đi xa… Video giới thiệu về Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. |