Nợ xấu tăng nhanh, bộ đệm mỏng đi
Kinh tế - Xã hội - 09/05/2023 13:12 Trần Thúy
Nợ xấu đang “xấu” hơn…
Trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn sau thời gian bị ảnh hưởng do đại dịch, kinh tế vĩ mô nhiều thách thức, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận những con số lợi nhuận khả quan trong 3 tháng đầu năm 2023.
Dù vậy, những “mảng xám” cũng lộ diện một cách rõ ràng hơn ở chất lượng tài sản, mà cụ thể ở đây, là chất lượng cho vay của nhà băng, khi độ trễ tác động bởi COVID-19 dần rút ngắn.
Thống kê của chúng tôi từ số liệu BCTC quý 1/2023 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 31/3/2023, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng đã ở mức hơn 170,5 nghìn tỷ đồng, tăng tới 24,3% so với đầu năm.
Trong đó, TPBank là ngân hàng có quy mô nợ xấu tăng nhanh nhất, tới 84% trong 3 tháng đầu năm, lên 2.497 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm 3 (tăng gấp 3,1 lần) và nhóm 4 (tăng gần 64%). Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 0,84% hồi cuối năm 2022 lên 1,45% khi kết thúc quý 1/2023.
Tại MBB, theo con số báo cáo, tổng nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 3/2023 cũng tăng tới 68%, lên 8.453 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng tới gần 2,3 lần lên 3.455 tỷ; nợ nhóm 5 tăng 47% lên 3.376 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu của MBB đến cuối quý 1 ở mức 1,76%, so với mức 1,09% hồi đầu năm.
OCB cũng chứng kiến nợ xấu tăng khá mạnh trong kỳ qua, với mức tăng 51,4%, lên 4.045 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng theo đó bị kéo lên mức khá cao, tới 3,32%.
Một loạt các ngân hàng khác cũng chứng kiến quy mô nợ xấu tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay như VIB (46,7%), BIDV (40,3%), ABBank (35,2%), MSB (33,7%), NamABank (32,7%), ACB (31,5%), Techcombank (30,1%),…
Nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ mở rộng của tổng dư nợ khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm tăng khá mạnh trong 3 tháng đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm theo đó đã tăng từ 2,46% hồi đầu năm lên 2,97% kết thúc tháng 3/2023. Trong đó, có tới 22/27 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian qua. Đáng chú ý, có tới 6/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/cho vay vượt mốc lằn ranh đỏ 3% bao gồm NCB (23%), VPBank (6,24%), VietBank (4,31%), ABBank (4%), VIB (3,64%) và OCB (3,32%).
Bộ đệm dự phòng “mỏng" hơn
Nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh, áp lực trích lập dự phòng của các nhà băng theo đó mà ngày càng lớn. Dù vậy, BCTC 3 tháng đầu năm nay lại cho thấy, chi phí dự phòng của nhiều thành viên không có nhiều thay đổi, thậm chí là đi xuống trong bối cảnh nhà băng phải cân đối giữa áp lực duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận và quản trị rủi ro.
Như tại TPBank, bất chấp nợ xấu tăng mạnh như trên, ngân hàng vẫn cắt giảm tới 58% chi phí trích lập dự phòng rủi ro trong 3 tháng đầu năm. Điều này giúp ngân hàng này duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 9% trong bối cảnh hoạt động nhiều mảng kinh doanh quan trọng như tín dụng, đầu tư chứng khoán,…bị suy giảm.
Tương tự, tại OCB, việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 21,1% đóng góp phần quan trọng trong việc giúp lợi nhuận ngân hàng tăng 17,7%, đạt 983 tỷ đồng trong kỳ qua.
Trong khi quy mô nợ xấu tăng tới hơn 24% trong 3 tháng đầu năm, thống kê chung qua 27 ngân hàng cho thấy, tổng trích lập dự phòng của các thành viên chỉ tăng 7,8% trong cùng khoảng thời gian trên, lên 180,6 nghìn tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu khiến tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu trung bình của các thành viên giảm mạnh từ 105% hồi đầu năm xuống còn 90,2% khi kết thúc quý 1/2023.
Trong kỳ, có tới 21/27 thành viên ghi nhận tỷ lệ bao phủ này giảm bao gồm TPBank giảm 51 điểm %, tại BIDV giảm 46 điểm %, tại ACB giảm 42 điểm % và tại LienVietPostBank giảm 31 điểm % so với cuối năm trước. Đáng chú ý, có tới 10 thành viên hiện đang sở hữu tỷ lệ này ở mức trên dưới 50%.
Vietcombank hiện vẫn là ngân hàng đang dẫn đầu hệ thống với tỷ lệ bao phủ đạt 321%. Điều này có nghĩa, với mỗi đồng nợ xấu, Vietcombank có tới 3,21 đồng dự phòng. Mức bao phủ nợ xấu kỷ lục của ngân hàng này từng lên tới 504% vào giữa năm 2022.
Trong số 27 ngân hàng trong nhóm khảo sát, hiện đang có 10 thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100%. Theo đó, đây là những thành viên có thể tương đối yên tâm khi an toàn hoạt động của họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, kể cả trong trường hợp xấu nhất là toàn bộ nợ xấu bị xấu hẳn và mất hẳn.
Tuy nhiên, với một số thành viên có tỷ lệ bao phủ thấp như đề cập ở trên, tình hình sẽ có nhiều khác biệt, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường như hiện nay. Việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đó là rất cần thiết.
Trước áp lực nợ xấu hệ thống tăng cao cũng như nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo thông tư này, các ngân hàng sẽ có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được trích dần trong 2 năm.
Theo nhận định của giới phân tích, áp lực lên cả bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ giảm bớt phần nào, do rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang đến nửa cuối năm 2024, áp lực lợi nhuận cũng giảm bớt ít nhất trong năm 2023 cho đến nửa cuối năm 2024, khi con số nợ xấu sẽ phản ánh thực tế hơn tình trạng của người đi vay.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 17:13
Tổng cộng 2.500 lít nhiên liệu sẽ được PVOIL gửi tặng tới các vận động viên, thành viên Ban Tổ chức, Ban Điều hành của Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 11:27
Bộ Công an vừa phê duyệt kế hoạch đấu giá biển số ô tô phiên đấu giá thứ năm, với 388.389 biển số được đưa lên sàn.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 11:25
Khách hàng có cơ hội nhận ưu đãi hấp dẫn lên tới 100% lệ phí trước bạ khi kết hợp ưu đãi từ Chính phủ, Toyota Việt Nam và tại hệ thống đại lý trong tháng 9 này.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 06:58
Hãng xe Đức dự kiến sẽ hợp nhất hai dòng sedan hạng sang chủ lực là S-Class (động cơ đốt trong) và EQS (điện) thành một dòng xe vào năm 2030.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 21:02
Ford Territory Sport mang khác biệt về ngoại hình như lại có trang bị tương tự như phiên bản Titanium X.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 21:00
Kính ô tô bị ố không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.