Được tổ chức từ năm 2017, chương trình do LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tổ chức đã mang lại những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn cho đoàn viên, người lao động. Sân chơi văn hóa “Giờ thứ 9” được LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tổ chức dành cho đoàn viên, người lao động trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Chương trình nhằm từng bước trang bị kiến thức pháp luật nói chung, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội cho người lao động. Từ đó nâng cao nhận thức phục vụ nhiệm vụ công tác, lao động và học tập cho đoàn viên. Bên cạnh ý nghĩa đó, chương trình còn là sân chơi văn hóa bổ ích cho đoàn viên, công nhân lao động sau giờ làm việc vất vả. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên, người lao động giao lưu, học hỏi lẫn nhau, xây dựng quan hệ đoàn kết, gắn bó. Chương trình được tổ chức dưới hình thức tiết kiệm về chi phí. |
Từ khi triển khai đến nay, đối tượng tham gia chương trình là đoàn viên và công nhân lao động thuộc LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức và Công đoàn các khu công nghiệp. Mỗi đơn vị được thành lập 1 đội chơi gồm 5 thành viên chính thức và không giới hạn số lượng thành viên phụ. |
Đồng chí Nguyễn Mạnh Kiên - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trao giải cho các đơn vị tích cực tham gia các chương trình truyền thông của công đoàn. Ảnh: ThC |
Nhà văn hóa Lao động tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho LĐLĐ tỉnh về công tác triển khai tổ chức đến các cấp công đoàn. Đồng thời phối hợp với phòng nghiệp vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang xây dựng ngân hàng câu hỏi về lĩnh vực và bảo hiểm xã hội đảm bảo cập nhật và gắn với thực tiễn lao động của đoàn viên. Trong các cuộc thi của sân chơi "Giờ thứ 9", các đội chơi phải trải qua 3 phần thi. Trong phần thi chào hỏi, các thành viên của đội thi phải giới thiệu được những nét cơ bản về thành tích trong hoạt động công đoàn của đơn vị, địa phương mình, về thành viên trong đội... Phần giới thiệu thể hiện dưới dạng lời nói hoặc bài hát, hò vè, tiểu phẩm, kịch ngắn… |
Một tiết mục do cán bộ công đoàn và đoàn viên, người lao động tham gia dự thi. Ảnh: ThC |
Các đội dự thi cũng phải trải qua phần thi tìm hiểu kiến thức với 10 câu hỏi về Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn. Phần thi tài năng được thể hiện thông qua các hình thức hát, múa, khiêu vũ, đọc thơ, kể chuyện, diễn tiểu phẩm, kịch ngắn, ảo thuật, chơi nhạc cụ… Chủ đề là ca ngợi Tổ quốc, phản ánh hoạt động lao động sản xuất, hoạt động công đoàn, các phong trào thi đua. Hoặc là những tình huống, câu chuyện xảy ra thường ngày tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà mình thấy tâm đắc nhất. |
Theo đồng chí Vũ Trí Khiêm - Chủ tịch LĐLĐ huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang): “Ở cấp trên cơ sở, LĐLĐ huyện đã triển khai chương trình “Giờ thứ 9” đến hơn 70 công đoàn cơ sở. Từ đó đã chọn lựa được 3 đội xuất sắc nhất là công đoàn cơ sở Trường Mầm non Đồi Ngô số 1, Công đoàn Trường Mầm non Đồi Ngô số 2 và Công đoàn xã Khám Lạng. Nhưng quan trọng hơn, sự lan tỏa của sân chơi “Giờ thứ 9” đã trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, người lao động”. |
Đoàn viên, người lao động hứng thú với chương trình "Giờ thứ 9". Ảnh: ThC |
Theo chị Nguyễn Thị Hương Giang, Công ty TNHH MTV Việt Pan Pacific, chương trình “Giờ thứ 9” rất gần gũi với người lao động. Đó là những làn điệu ca nhạc dân tộc thân thuộc nơi chị sinh ra và lớn lên, khiến chị thêm yêu quê hương, đất nước. Và những kiến thức pháp luật được truyền tải trong sân chơi giúp bản thân chị hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường lao động. |
“Chương trình nhằm nhân rộng mô hình, cách thức mới, hiệu quả trong công tác tuyên truyền về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và công đoàn. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn” - đồng chí Nguyễn Văn Bắc - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bắc Giang chia sẻ. |
Duy Minh Đồ họa: Duy Minh |