Những vấn đề đặt ra đối với lực lượng lao động Việt Nam trong giai đoạn mới
Thị trường lao động - 21/04/2023 06:19 TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ Kinh tế Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương
Chuyển dịch cơ cấu lao động
Quá trình phát triển kinh tế Việt Nam đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ. Từ năm 2005 đến 2021 tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản đã giảm từ hơn 55% xuống còn 29%. Số lượng lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản đã dịch chuyển mạnh mẽ sang ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ. Tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 17,6% năm 2005 lên đến 33,11% năm 2021 (tăng hơn 16 điểm %). Trong cùng thời kỳ, tỷ trọng lao động trong ngành dịch vụ cũng tăng thêm 10,7 điểm % từ 27,1% lên 37,8%. Điều đáng khích lệ đó là tỷ trọng lao động trong ngành chế biến chế tạo trong cùng thời kỳ cũng đã tăng thêm 11 điểm % (từ 11,8% năm 2005 lên 22,84% năm 2021).
Hình 1: Chuyển dịch cơ cấu lao động trong giai đoạn 2005 - 2021
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Xét về số tuyệt đối thì số lượng lao động trong nông lâm thủy sản đến năm 2020 đã giảm 5,84 triệu người so với năm 2005, với mức giảm bình quân hàng năm là 1,8%. Trong cùng thời kỳ, số lao động trong ngành công nghiệp xây dựng đã tăng thêm gần 9 triệu người (với mức tăng bình quân là 5,38%/năm); số lao động trong ngành dịch vụ đã tăng thêm 7,7 triệu người (với mức tăng bình quân là 3,43%/năm).
Như vậy trong vòng 16 năm ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đã tạo thêm 16,7 triệu lao động và giúp rút 5,8 triệu lao động ra khỏi khu vực nông, lâm, thủy sản. Sự dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp (nông, lâm, thủy sản) sang các khu vực có năng suất lao động cao hơn (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ) là yếu tố quan trọng thúc đẩy năng suất lao động của Việt Nam trong thời kỳ qua. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021, người sử dụng lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 171,8 triệu đồng/lao động, gấp 2,5 lần năm 2011 (70,3 triệu đồng/lao động).
Chuyển dịch cơ cấu lao động cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thị phần xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2005 chỉ chiếm 0,28% thị trường Thế giới. Năm 2021 thị phần của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần chiếm 1,2% thị trường thế giới.
Điều đáng nói đó là tỷ trọng hàng chế biến chế tạo trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng mạnh trong thời kỳ này: từ 49,87% năm 2005 lên 86,36% năm 2021. Kinh tế Việt Nam đã dịch chuyển từ một nước dựa vào nông, lâm, thủy sản để chuyển mạnh thành một trung tâm sản xuất hàng công nghiệp chế biến chế tạo của thế giới.
Trong lĩnh vực chế biến chế tạo xuất khẩu, ban đầu, Việt Nam chỉ xuất khẩu những hàng có trình độ công nghệ thấp, nhưng đã nhanh chóng dịch chuyển dần sang những hàng hóa có trình độ công nghệ cao và trung bình. Đặc biệt là ngành công nghệ ICT. Trong năm 2005 tỷ trọng hàng ICT trong xuất khẩu hàng chế biến chế tạo chỉ chiếm 2,77%, nhưng đến năm 2020 thì tỷ trọng lên tới 38,76% (tức là tăng 14 lần). Cùng trong giai đoạn này, tỷ trọng hàng công nghệ trung bình và cao trong hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 21,44% lên 54% (tăng hơn 32,5 điểm %).
Sự dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp (nông, lâm, thủy sản) sang các khu vực có năng suất lao động cao hơn (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ) là yếu tố quan trọng thúc đẩy năng suất lao động của Việt Nam trong thời kỳ qua. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV Bestmate Việt Nam (Trà Vinh) trong giờ sản xuất. Ảnh: Trí Dũng. |
Tuy nhiên, chất lượng lao động chậm thay đổi đã hạn chế rất lớn hiệu quả kinh tế của quá trình dịch chuyển cơ cấu sản xuất và xuất khẩu ở trên. Mặc dù, xuất khẩu của Việt Nam dịch chuyến mạnh sang các sản phẩm công nghệ trung bình và cao nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa của Việt Nam trong hàng xuất khẩu chế biến chế tạo của Việt Nam đang ngày càng giảm.
Như vậy, với cơ cấu sản xuất và xuất khẩu như hiện nay, nếu Việt Nam nâng cao được chất lượng lao động và trình độ công nghệ thì tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa sẽ có rất nhiều dư địa để tăng lên qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.
Một số vấn đề đặt ra
Việt Nam đã có những thành công được thế giới ngưỡng mộ trong việc phát triển kinh tế và dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, về cơ bản thì nền kinh tế mới tham gia vào những công đoạn giá trị thấp của nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ. Có rất nhiều thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam nếu không có các quyết sách hữu hiệu thì các mục tiêu trở thành nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao năm 2030 sẽ rất khó thành hiện thực.
Thứ nhất, Lực lượng lao động Việt Nam đến năm 2021 vẫn ở mức có chất lượng thấp trong số những người tham gia lực lượng lao động, chỉ gần 26,1% lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ. Hầu hết người lao động tại Việt Nam là lao động phổ thông chưa được đào tạo nghề và họ chủ yếu tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc thông qua quá trình làm việc.
Bảng 1: Tỷ trọng lao động đã qua đào tạo
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Thứ hai, hệ thống đào tạo kỹ năng, nghề không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Hiện nay, cơ cấu trình độ lao động đang bị thu hẹp trình độ trung cấp và cao đẳng trong khi trình độ đại học trở lên và trình độ sơ cấp chiếm tỷ lệ lớn nhất. Thực trạng này phản ánh một thực tế đó là các trường cao đẳng và trung cấp nghề không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Người lao động hoặc cố gắng lấy được bằng đại học hoặc là học sơ cấp một nghề nào đấy hoặc không cần học mà tham gia ngay vào thị trường lao động. Sự thiếu vắng những người thợ được đào tạo bài bản, cập nhật kiến thức về công nghệ và kỹ năng lao động được xem là rào cản lớn nhất hiện nay trong việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Một nền kinh tế muốn công nghiệp hóa phải có một đội ngũ công nhân lành nghề, liên tục được cập nhật kiến thức và kỹ năng. Mục tiêu công nghiệp hóa nền kinh tế năm 2030 sẽ rất khó thực hiện nếu lực lượng lao động chỉ gồm một số ít những người có trình độ đại học trở lên và phần lớn những người không được đào tạo các kỹ năng lao động, nghề nghiệp.
Thứ ba, thích nghi với công nghệ sản xuất mới. Gần đây đã có rất nhiều nghiên cứu và thảo luận cho thấy có những thách thức lớn đối với lực lượng lao động trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0. Nhiều ngành nghề sẽ bị thay thế và nhiều kỹ năng mới cần được cập nhật bổ sung. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế Thế giới năm 2020 thì 50% lao động cần tái định hình lại kỹ năng lao động trước năm 2025 và 40% kỹ năng thiết yếu của người lao động hiện tại được dự đoán sẽ thay đổi trong 5 năm tới. Lực lượng lao động Việt Nam chưa có đầu tư quá nhiều vào các kỹ năng, công nghệ cũ; do đó, có lợi thế hơn rất nhiều so với các nước đã phát triển, khi có một lực lượng lao động lớn đã gắn chặt với các kỹ năng và công nghệ cũ. Việt Nam sẽ dễ dàng thích nghi hơn và chi phí thích nghi ít hơn để nắm bắt xu hướng nghề nghiệp mà công nghệ 4.0 mang lại. Nếu Việt Nam không nắm bắt kịp cơ hội này để nâng cấp nhanh chóng lực lượng lao động thì khả năng đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao rất khó thành hiện thực.
Mục tiêu công nghiệp hóa nền kinh tế năm 2030 sẽ rất khó thực hiện nếu lực lượng lao động chỉ gồm một số ít những người có trình độ đại học trở lên và những người không được đào tạo các kỹ năng lao động, nghề nghiệp. Trong ảnh: Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương trong một tiết học thực hành. Ảnh: C. Loan. |
Thứ tư, phạm vi bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Công nghệ mới một mặt giúp con người có thể lao động hiệu quả hơn, an toàn hơn, ít vất vả hơn. Những hoạt động vất vả, nguy hiểm sẽ dần được thay thế bởi máy móc và rô-bốt. Các công nghệ bảo vệ an toàn người lao động ngày càng thông minh hơn giúp công việc cũng an toàn hơn. Tuy nhiên, công nghệ có thể tạo ra những thách thức mới đối với việc làm thỏa đáng. Những nền tảng số hỗ trợ kinh tế chia sẻ một mặt giúp người lao động tự chủ và tự do hơn trong lựa chọn thời gian và mức độ lao động nhưng đang đặt ra tình trạng pháp lý mơ hồ của họ: họ là người làm thuê hay là người làm chủ? Ai chịu trách nhiệm trả các chi phí an sinh sản xuất cho họ? Họ có thuộc phạm vi được bảo vệ bởi pháp luật lao động và an sinh xã hội như: tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc, an toàn và sức khỏe lao động và bảo hiểm xã hội như quan hệ lao động truyền thống hay không?
Để khắc phục các thách thức trên đây, trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách cải thiện trình độ lực lượng lao động, hệ thống đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, các kết quả đạt được còn hạn chế. Để nâng cao trình độ lực lượng lao động, bổ sung kỹ năng mới thì điều quan trọng là phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của người lao động. Trong khía cạnh này, vai trò của công đoàn, đại diện người lao động là rất quan trọng. Người lao động chỉ có nhu cầu đào tạo thêm kỹ năng, tay nghề khi họ xác định làm việc lâu dài và muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Do đó, công đoàn, người đại diện người lao động có vai trò quan trong trong bảo vệ những lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Các chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cần được cải thiện để giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống cho người công nhân và con cái họ để giúp họ yên tâm làm việc gắn bó tương lại lâu dài với doanh nghiệp, cơ quan. Đồng thời, những người lao động xuất phát từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhận thức đôi lúc còn hạn chế, họ chưa nhận thức rõ được những lợi ích lâu dài trong việc liên tục học hỏi, tự đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong thời đại công nghệ thay đổi rất nhanh chóng.
Nhân viên hãng Samsung tham gia chương trình đào tạo kỹ thuật cao. Ảnh: Linh Trang. |
Cần phát triển một thị trường lao động hiện đại, cho phép học tập suốt đời. Mọi người, dù xuất thân từ gia đình với mức thu nhập nào đi chăng nữa, khi có nhu cầu đều có thể tiếp cận với hệ thống đào tạo nghề và giáo dục đại học. Đó là một thị trường lao động với cơ chế bảo trợ xã hội toàn dân và có những thiết chế thị trường lao động được điều chỉnh theo những thay đổi của bản thân thị trường lao động đó.
Cần nhiều giải pháp cấp bách phục hồi thị trường lao động trong năm 2023 Dự báo tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ... |
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc Phó chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động ... |
Giải bài toán năng suất lao động ở Việt Nam: Một số vấn đề cần quan tâm Trong giai đoạn đã qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế tốt ở mức bình quân là trên 5,9%/năm và mức ... |
Tin cùng chuyên mục
Thị trường lao động - 13/08/2024 14:22
Hơn 1/5 thanh niên trên toàn cầu trong tình trạng không có việc làm, không được giáo dục hoặc không được đào tạo (NEET) vào năm 2023, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tình trạng NEET vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại, dù tỷ lệ thất nghiệp đang giảm.
Thị trường lao động - 26/07/2024 11:08
6 tỉnh phía Bắc gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn và Ninh Bình đang có nhu cầu tuyển dụng 21.900 công nhân điện tử; 8.265 công nhân sản xuất – lắp ráp; 5.787 công nhân may…
Thị trường lao động - 23/07/2024 08:04
Theo thông tin từ cục Quản lý lao động ngoài nước trong 06 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động đạt 62,91 % kế hoạch năm 2024.
Thị trường lao động - 22/06/2024 18:28
Phiên giao dịch việc làm (GDVL) - Tư vấn hướng nghiệp quận Long Biên hôm nay (22/6) có sự tham dự của 103 đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, 66 đơn vị tham gia trực tiếp và 37 doanh nghiệp niêm yết thông tin tuyển dụng; tổng nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng là 5.077 chỉ tiêu.
Thị trường lao động - 17/06/2024 19:28
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 65.852 lao động (19.409 lao động nữ), đạt 52,68 % kế hoạch năm 2024.
Thị trường lao động - 15/06/2024 19:39
Sáng nay 15/6 tại Hà Nội, 45 đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia Ngày Hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp quận Cầu Giấy năm 2024, với 2.984 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động.