Với người thợ đá, khi một cột đá hoàn thành là có được một “chén cơm” dù "chén cơm" đó phải chan đầy nước mắt…
Những ngày tháng 9, huyện vùng biên Tri Tôn (tỉnh An Giang) trời nóng như đổ lửa. Dọc con đường tỉnh 934 dẫn vào bãi đá Cô Tô, những tiếng đục đẽo chát chúa liên tục vang lên từ những người thợ đá.
Ngồi giữa đám khói bụi đang bay mịt mù, nhưng ông Nguyễn Quang Hùng (51 tuổi) vẫn xem như không có chuyện gì. Đôi mắt ông tập trung cao độ vào chiếc đục, cố gắng duy trì những động tác sau cùng để cột đá được hoàn thành. Nhưng rồi, ông la lên một tiếng, quăng luôn cây đục và chiếc búa xuống đất. Ngón tay cái vừa bị búa đập trúng đã nhanh chóng rướm máu, bầm tím.
Ông Hùng nói: “Dù cầm búa đục đã mấy chục năm, nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra sơ suất. Đó là lúc cơ thể đang thấm mệt, lòng bàn tay trơn trượt vì ướt đẫm mồ hôi”.
Những người thợ đá phải đối mặt với những nguy hiểm để mưu sinh. Ảnh: Tr.L |
Ông Hùng quê ở Cần Thơ. Do không có đất đai ruộng vườn, cũng không nghề ngỗng gì, nên hơn chục năm trước, ông lặn lội lên Tri Tôn làm nghề chẻ đá.
Đá trước tiên được các doanh nghiệp khai thác trên núi, sau đó được vận chuyển đến từng bãi đá. Tại đây, từ những khối đá to, người thợ có nhiệm vụ chẻ ra thành những cây đá nhỏ, dài từ 1-4m. Đầu tiên, người thợ theo kinh nghiệm sẽ xác định được mạch đá trước khi dùng dây kẻ vạch, rồi dùng máy cắt thành từng đường rãnh.
Sau đó, người thợ dùng nẹp đóng vào rãnh, mỗi nẹp cách nhau khoảng 15cm, rồi lấy búa đóng để tách dần đá ra theo khổ đã được định hình sẵn. Cuối cùng, tiếp tục dùng búa đẽo những phần đá thừa để cây đá trở nên vuông vắn là hoàn thiện. Thành phẩm đá được dùng để làm: cột đá, cừ đá, đá miếng vuông, đá lát nền...
Ông Nguyễn Văn Phong (55 tuổi, An Giang) chia sẻ, ông đã hơn 30 năm làm nghề chẻ đá. Nghề này không có tập huấn hay hướng dẫn kỹ thuật, chỉ do những người đi trước chỉ lại cho người người đi sau. Đồ nghề mưu sinh của họ chỉ đơn giản là một cây búa và một cái đục. Những ai mới vô nghề bị búa đập trúng tay là chuyện bình thường.
"Tai nạn tại bãi đá nhiều như cơm bữa. Với bất cứ thợ đá nào, chuyện mảnh đá găm vào da thịt là hết sức bình thường. Có những người kém may mắn còn bị dăm đá, mảnh đá văng vào mắt, gây cảnh mù lòa", ông Phong kể.
Ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn có ông Thạch Tul đã 64 tuổi. Ông làm nghề chẻ đá từ năm 20 tuổi theo truyền thống gia đình, với lý do… "nhà nghèo có đất đai gì đâu để canh tác sinh sống!".
Một dạo, trong lúc làm việc, ông bị bụi đá bay vào mắt trái. Ban đầu, ông tưởng không sao nên cứ mua thuốc về nhỏ, sau bệnh quá nặng ông ra TP. Long Xuyên để khám. Tại đây, bác sỹ nói phải múc bỏ con mắt vì không thể cứu được. Sau lần đó, ông phải “giải nghệ” chuyển sang nghề mua đá tảng, cột đá đi bán khắp nơi.
Vì cuộc sống mưu sinh, vợ ông là bà Thị Sánh sau đó đã phải thay thế ông ra công trường làm “phu đá’ để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và lo cho 2 đứa con đang ăn học. Bà Sánh cho biết: Công việc chẻ đá thường có nhóm 2 người làm chung, một người cưa, một người đục đẽo cho đá bằng phẳng. Tiền công chia đôi theo sản phẩm. Ngoài cánh mày râu, tại bãi đá còn có một số chị em phụ nữ làm việc, đa phần họ đều là vợ của các phu chẻ đá.
Tại làng đá thị trấn Cô Tô, hộ làm nghề lâu nhất tại đây đã trên 60 năm, hộ ít nhất cũng trên 20 năm, theo phương thức người đi trước hướng dẫn cho người đi sau. Họ thường dựng lều bạt để ăn nghỉ cạnh các công trường để không phải mất thời gian đi lại và chấp nhận việc hít phải khói bụi suốt cả đêm ngày.
“Từ khi có cưa máy, nữ giới có thể đi theo phụ chồng đục đẽo đá, kiếm thêm thu nhập. Công việc cũng đỡ vất vả hơn nhưng nó lại gây ra những nguy hiểm khác”.
Ông Nguyễn Văn Phong nói và cho biết thêm: Máy cưa khi chạm vào đá cứng là lập tức bắn lửa, những mảnh vụn từ đá văng ra tứ tung với lực rất mạnh so với khi đục bằng tay, nên người thợ đối mặt với nhiều nguy hiểm. Ai làm nghề này lòng bàn tay đều chai sần, cơ thể thì đầy những vết thương.
“Để đảm bảo an toàn, một dạo, những người thợ chúng tôi đã tự sắm đồ bảo hộ, như: kính, bao tay… nhưng khi mang vào thì lại ngột ngạt, hạn chế tầm nhìn, khiến công việc tốn thêm nhiều thời gian. Trong khi mình làm ăn sản phẩm nên phải tranh thủ tối đa thời gian để đục đá. Phí phạm thời gian là mất tiền nên đành cởi bỏ đồ bảo hộ, chấp nhận đánh đổi với nguy hiểm”, ông Phong tâm sự.
Một đôi vợ chồng cùng làm nghề "chẻ đá" ở Tri Tôn. Ảnh: P.V.
Theo những người thợ chẻ đá, nghề này chẳng phân biệt tuổi tác, miễn ai còn đủ sức khỏe, chịu cực giỏi thì có thể theo nghề. Như em Tô Kim Nhiều, dù chỉ mới 18 tuổi nhưng đã cùng cha mưu sinh tại bãi đá Cô Tô 3 năm nay. Không ngại nắng mưa cực khổ thứ Nhiều sợ nhất mỗi lần nghe có ai đó bị máy cưa cắt trúng tay chân.
Nhiều kể: "Mấy tháng trước có một chú bị máy cưa cắt đứt chân, máu chảy xối xả, chú ấy phải nghỉ làm cả tháng trời. Do em mới vào nghề chưa lâu nên cưa chưa thuần thục. Cha em cưa sẵn rồi em chỉ đục đẽo cho bằng các mặt của trụ đá. Tuy việc nhẹ nhàng hơn nhưng lúc ôm đá rất hay bị dập tay, dập chân hoặc búa đập trúng tay… Đau lắm, nhưng phải ráng chịu".
Chị Neáng Xuon, dân tộc Khmer tâm sự: “Lao động mùa nắng tuy cực nhọc nhưng thu nhập khá hơn, bởi khi mưa dầm, mình phải căng lều bạt rồi vào trong lều chẻ đá, bất tiện lắm. Năm nay chủ cơ sở thuê mình làm nhiều hơn các năm trước do đơn đặt hàng rất nhiều”.
Theo lời chị Xuon, đàn ông hay phụ nữ đều có thể làm nghề chẻ đá. Nếu như đàn ông có lợi thế về sức khỏe thì đàn bà lại nhỉnh hơn về độ khéo léo khi xử lý những tảng đá “khó tính” đòi hỏi kỹ thuật cao. Về tiền công thì mỗi lao động được trả từ 300.000 đến 500.000 đồng/người/ngày, tùy vào số lượng sản phẩm làm ra. Mức thu nhập này tương đối khá tại vùng ĐBSCL nên người lao động dù biết vất vả, nguy hiểm, nhưng vẫn bám trụ để mưu sinh.
Nghề chẻ đá trước đây phát triển mạnh ở vùng Núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn, An Giang. Từ khi bãi đá này đóng cửa do nguy cơ núi lở, cánh thợ đá đã dạt lên miệt Thất Sơn mưu sinh, trong đó có bãi đá Cô Tô, huyện Tri Tôn.
Nơi đây có những công trường khai thác đá khổng lồ, cung ứng cho ngành xây dựng miền Tây Nam Bộ. Nghề khai thác đá tạo công ăn việc làm cho người dân lao động nghèo tứ xứ. Nhưng người thợ đá phải đánh đổi bằng mồ hôi và đôi khi là xương máu, thậm chí cả tính mạng để có chén cơm manh áo.
Những người thợ "chẻ đá" phải đối mặt vơi những nguy hiểm để mưu sinh. Ảnh: Tr.L. |
Đến giờ anh Huỳnh Thanh Truyền (53 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những lần trở về… từ cõi chết. Anh kể, khi mới hơn 20 tuổi, anh theo chân những người lớn tuổi lên núi khai thác đá. Chưa có kinh nghiệm, lúc tảng đá sắp rơi mà anh vẫn xớ rớ đứng bên ngoài. Một người thợ đi cùng kịp chộp cánh tay lôi Truyền vào bên trong, thoát chết trong gang tấc… Lần thứ hai, khi đang cùng nhiều thợ khác vắt vẻo khai thác trên đỉnh núi thì đá lở, cả đám rơi xuống vực, Truyền thoát chết một cách thần kỳ.
“Lần thứ ba là khi tui phá tảng đá rộng cỡ 200 m2 ở lưng chừng núi. Đang mải mê đục, xẻo, cắt đá ra thành trụ,… thì nghe tiếng la “đá lở!”. Kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề mách tui phải chạy thật nhanh không suy nghĩ, đắn đo. May mà thoát chết. Tảng đá chỗ tui ngồi bị chấn động đã tự tách ra, rơi xuống. Sau đó, tui xuống núi, chỉ làm thợ chẻ đá ở bãi, rau cháo qua ngày, không dám lên núi nữa. Cuộc đời đâu có ai may mắn hoài được", anh Truyền tâm sự.
Nói rồi, anh Truyền xòe bàn tay chỉ còn bốn ngón trước mặt tôi, bảo xuống núi cũng chưa yên. “Một lần cầm đe cho “đồng nghiệp”, bị giáng một búa, ngón tay bay mất dạng”, anh nói về nỗi đau mà miệng vẫn cười tươi như không.
Buổi trưa, vùng Thất Sơn vẫn nắng như thiêu như đốt. Những người thợ đá vẫn như những chú ong cần mẫn đang đục, đẽo, cắt những khối đá khổng lồ. Với họ, khi một cột đá hoàn thành là có được một “chén cơm” dù "chén cơm" đó phải chan đầy nước mắt.
TRẦN LƯU Đồ họa: Nam Trân |