Xây dựng (QHLĐ) hài hòa, ổn định là nhằm đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ổn định xã hội. Với tỉnh Khánh Hòa, điều này càng trở nên quan trọng hơn bởi địa phương có nhiều DN và đang trong lộ trình đạt được số lượng DN phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực.
***
Những chỉ đạo kịp thời
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tổng số công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong các cơ quan, đơn vị, DN có tổ chức Công đoàn là 114.052 người, trong đó đoàn viên công đoàn là 99.319 người (chiếm tỷ lệ 87,1%), tổng số công đoàn cơ sở (CĐCS) là 1.621.
Để việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả trong công tác xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định giữa người lao động và DN, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-LĐ ngày 22/7/2019 về triển khai xây dựng “QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN” đến từng CĐCS.
Trong đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, thực hiện tốt các hoạt động chăm lo đời sống của người lao động, nhất là đối với những người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tham gia các cuộc thanh tra, kiểm tra về lao động, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng “QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN” thu hút 30 cán bộ công đoàn chuyên trách và 40 cán bộ công đoàn DN tham gia. Thông qua Hội nghị, các cán bộ công đoàn, nhất là các cán bộ CĐCS sẽ nắm rõ được những vấn đề cốt lõi trong công tác đối thoại, giải quyết các vướng mắt của người lao động sao cho hợp lý và hài hòa nhất.
Ban Chính sách - Pháp luật của LĐLĐ tỉnh cũng có sự phối hợp chặt chẽ với các LĐLĐ cấp huyện, công đoàn cấp ngành đôn đốc các đơn vị, DN đăng ký tham gia chấm điểm xây dựng QHLĐ. LĐLĐ cấp huyện, công đoàn cấp ngành đã tích cực hỗ trợ các đơn vị DN triển khai chấm điểm và đánh giá QHLĐ ở các DN thuộc quyền quản lý.
Thành quả của sự gắn kết
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và chủ DN. Công tác quản lý Nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố. Cùng với đó, nhận thức của các cấp, ngành về xây dựng QHLĐ được nâng cao. Hoạt động tổ chức Công đoàn có sự đổi mới, từng bước đi vào thực chất, tích cực phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Đã có 34 DN tham gia chấm điểm và đánh giá QHLĐ do LĐLĐ tổ chức, với thang điểm 200 gồm những nội dung về công tác tuyển dụng, tiền lương, quy định giờ giấc làm việc, tranh chấp lao động,… Nhiều DN nỗ lực đạt được các mức điểm cao như Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (đạt 200/200 điểm), Công ty TNHH Quyết Tiến (đạt 200/200 điểm),…
Các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục làm tốt công tác động viên NLĐ chia sẻ khó khăn với DN, duy trì sản xuất; đồng thời can thiệp giải quyết chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động ở DN. Trước các sự việc nóng như ngừng việc, lãn công,… LĐLĐ và các cấp công đoàn nhanh chóng đưa ra các hướng xử lý phù hợp.
Trong năm qua đã xảy ra 1 vụ ngừng việc tập thể của 20 người lao động thuộc Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang. Nguyên nhân chủ yếu do công ty chậm trả tiền lương cho người lao động. Ngay khi nắm bắt được thông tin, công đoàn các cấp đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng, DN, lắng nghe những bức xúc của người lao động, kịp thời đưa ra hướng giải quyết, ổn định tình hình, công nhân yên tâm quay trở lại làm việc.
Hoạt động của cây ATM gạo giúp đỡ người lao động mùa dịch Covid-19 của LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa. |
Các vấn đề về tiền lương, thu nhập, tiền thưởng của các đơn vị đã đi vào nề nếp, nhiều đơn vị đã thực hiện tốt việc xây dựng định mức lao động, thực hiện tốt chính sách tiền lương tối thiểu, xây dựng quy chế trả lương, thưởng đầy đủ. Có 50% DN có tổng tiền thưởng năm của người lao động bằng 03 tháng lương tối thiểu vùng.
Hơn nữa, tất cả các DN đều thực hiện đúng về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động, thực hiện đúng các quy định về phép năm, nặng nhọc độc hại cho người lao động.
Công đoàn còn đóng vai trò là cầu nối để người lao động đưa ra những ý kiến, mong muốn của bản thân đến với lãnh đạo của DN cũng như truyền tải những chủ trương, chính sách mới đến người lao động. Từ đó góp phần thực hiện quy chế dân chủ tại DN khá tốt, những cuộc đối thoại tại nơi làm việc đã mang hiệu quả thiết thực giúp tháo gỡ những vướng mắc cho người lao động.
Công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn luôn được các DN và công đoàn chú trọng. Các DN thường xuyên kiểm tra, công đoàn tham gia việc nhắc nhở, tuyên truyền ngăn chặn hành vi vi phạm nội quy lao động.
Vậy nhưng, vẫn còn đó những vấn đề cần được cải thiện khi một số DN chưa có các thiết chế văn hóa tối thiểu cho người lao động như: thiếu nơi sinh hoạt tập thể, thể thao, nghỉ ngơi… Việc tổ chức tham quan ở các đơn vị chưa thực sự được quan tâm. Những điều này cũng là những yêu cầu cấp thiết để từng bước, công đoàn đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn và gắn kết mối quan hệ với người lao động thêm hài hòa.
Những kết quả trên đã góp phần xây dựng QHLĐ hài hòa; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bài: Nguyễn Hòa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa
Đồ họa: Hoàng Hà