Niềm kiêu hãnh và vinh dự mà chị Diễm đề cập, chính là đóa "hoa xương rồng" đỏ thắm, nở rực giữa miền cát trắng Chu Lai, là biểu tượng của ý chí, sự sáng tạo, kỷ luật lao động, công nghệ tiên tiến hiện đại... tất cả hòa quyện trong cái "hồn" của 13.000 người thợ là những công nhân lành nghề, kỹ sư và cả nhân viên khác đang làm việc tại KCN Thaco Chu Lai để cho ra thị trường những "kiệt tác di động" góp phần làm nên một thương hiệu mà khi nhắc đến đóa "hoa xương rồng" giữa miền cát trắng, người ta thường nghĩ rằng, đó rất có thể là loài hoa dành cho Thaco Chu Lai. |
Ai đó phải tận mắt chứng kiến vùng đất này của 20 năm về trước chỉ là cát trắng, nắng và gió rát cả đôi bàn chân đến nỗi người ta ví von chuyện con gà cũng phải đi dép để nói về độ khắc nghiệt, nghèo khó của một vùng đất. Ngày đó làm gì có KCN Thaco Chu Lai rộng đến 1.300 hecta có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD như bây giờ, để hàng ngàn người dân Núi Thành có công ăn việc làm ổn định. Anh Nguyễn Quang Bảo - Tổng Giám đốc Thaco Auto - kể rằng, mới hơn chục năm trước đây thôi, cũng chính tại điểm cầu vượt Chu Lai này, hễ cứ dịp sau Tết là hàng ngàn thanh niên nam nữ khăn gói chầu chực đứng chờ xe để vào Nam mong có một việc làm hoặc đã bỏ xứ đi xa kiếm sống, về quê ăn Tết rồi quay trở lại làm việc. Cảnh đó mất dần và giờ không còn nữa từ ngày có KCN Thaco Chu Lai. Anh Bảo nói rằng, trong số 13.000 nhân sự của Thaco thì có đến gần 10.000 người thợ là dân Núi Thành, "giờ ra đường đi đâu cũng gặp thợ lành nghề được Thaco đào tạo. Có một số công nhân làm cho Thaco một thời gian, muốn tự chủ đã xin nghỉ việc ra làm riêng, mở tiệm làm chủ luôn". |
Một góc KCN Thaco Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Võ Đức Phúc
Công nhân Phạm Văn Dự, sinh năm 1965, quê ở Núi Thành, Quảng Nam, vào làm việc cho nhà máy của Thaco vào tháng 7/2004 với hành trang "không biết gì", ai sai việc gì cũng làm mà giờ đã là một thợ hàn lành nghề ở xưởng hàn Kia, tự hào 19 năm không bỏ một buổi tăng ca nào. "Tôi nguyện làm bất cứ việc gì, bất cứ giờ nào chỉ để có thu nhập, có việc làm, có tiền nuôi con ăn học và tôi đã làm như rứa 19 năm rồi. Con tôi 2 đứa tốt nghiệp đại học giờ làm việc cho Thaco, một đứa nữa từng nhận học bổng của Thaco, mới tốt nghiệp đại học, đang phỏng vấn xin vào làm" - công nhân Phạm Văn Dự hào hứng nói. Ý chí của một người thợ đơn giản chỉ có vậy. Nhưng tôi thật sự ngỡ ngàng khi đó lại là ý chí của hàng ngàn người thợ lành nghề đang ngày đêm miệt mài làm việc tại Thaco Chu Lai. Ý chí đó thể hiện ở tinh thần làm việc hăng say, cháy hết mình với công việc, với những ý tưởng đột phá. Kỹ sư Trần Nhật Huy, làm việc tại phân xưởng sản xuất nhíp ô tô, thuộc Thaco Industries, kể rằng: "Như mọi hôm, tôi trở về ký túc sau những giờ làm hăng say. Nhưng hôm đó đứa bạn nào cũng trố mắt nhìn tôi lạ lẫm và thốt lên ‘nhìn bộ đồ ông đâu giống kỹ sư hay nay ông bị chuyển vị trí rồi hả’. Nghe xong, tôi bất giác nhìn lại thì cũng giật mình, về cơ bản đồng phục xưởng ai cũng giống nhau. Nhưng hôm nay, bộ đồ của tôi được phủ bởi lốm đốm màu đen xám của bụi sắt, cái cầu vai vàng cũng phủ vài vết đen. Cũng dễ hiểu, vì mấy đứa bạn kỹ sư lúc nào cũng quần áo sạch thơm, da trắng, làm lâu còn dư được cái bụng bia nữa, còn tôi thì ngược lại. Từ đó về sau, cứ thi thoảng thì tôi cứ bộ dạng ấy mà về, tụi bạn trêu mãi cũng chán. Tôi lấm lem không phải điều tôi muốn. Mà khi tôi làm việc, lại làm việc tôi đam mê nữa thì cứ thế làm hết mình, có khó, có khổ mấy cũng làm. Dù ở chỗ rộng rãi, chật hẹp, hay bẩn vẫn làm. Công việc sửa chữa, cải tiến máy móc tự động hóa, thường phải tự thao tác nhiều nên lấm lem là điều bình thường". |
Kỹ sư Trần Nhật Huy đang thao tác máy trong phân xưởng sản xuất nhíp ô tô - Ảnh: Võ Đức Phúc |
Sự thành bại của một con người xuất phát từ một ý chí nhưng sự tồn vong của một doanh nghiệp lại phụ thuộc vào ý chí của cả một tập thể. Ở một môi trường làm việc mà ngày nào cũng có ít nhất vài sáng kiến cải tiến kỹ thuật của những người thợ Thaco Chu Lai, "mỗi năm có hơn một ngàn sáng kiến của anh em công nhân là chuyện bình thường" - Phó Tổng Giám đốc Thaco Auto Đoàn Đạt Ninh chia sẻ, thì nhất định đó phải là một ý chí mạnh mẽ, xứng đáng như là một ý chí lao động của những người thợ Chu Lai điển hình. |
Chị Phạm Thị Kiều Trâm - một người con của Chu Lai, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo khó, cằn cỗi, chỉ có toàn cát trắng và nước mặn, giờ đang làm việc tại Thaco Thilogi - kể về chuyện may mắn được làm việc tại KCN Thaco Chu Lai rồi bén duyên cùng chồng, là kỹ sư Nguyễn Văn Trưởng hiện là Quản đốc phân xưởng đóng gói và tái chế, với niềm tự hào đầy "ý chí Chu Lai". Thu nhập của cả hai vợ chồng gần 50 triệu đồng/tháng, quá đủ để trang trải một cuộc sống gia đình ở quê mà không chật vật nỗ lực 19 năm trời như người cha Phạm Văn Dự ở xưởng hàn Kia. Người thân của chị gồm cha, chị gái, chồng, hai vợ chồng của chị chồng, sắp tới là em trai đều làm việc tại Thaco Chu Lai. Chị kể, chồng chị gắn bó với Thaco từ những ngày đầu lập nghiệp, va chạm với đời từ những con buloong, ốc vít đến những kiện hàng vật tư. Chị nhớ nhất thời điểm vào đầu đông năm 2019, lúc gia đình chị chuẩn bị đón thành viên mới thì Thaco có chương trình đăng ký sang làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp tại Campuchia/Lào. Chồng chị trăn trở những đêm dài khó ngủ, mong muốn được là người tiên phong đến vùng đất mới để đóng góp sức mình cho sự phát triển nhưng lại "lo lắng chuyện vợ sắp sinh và đứa con đầu lòng chỉ mới 5 tuổi, đi lúc này thiếu người chăm lo cho vợ con". Thế rồi, chị quyết định hy sinh cho chồng và chồng chị đã có chuyến đi công tác dài 21 tháng, đi lúc chị mang bầu 7 tháng và khi về thì đứa con sinh ra đã được 18 tháng tuổi. "Cuộc sống và làm việc ở vùng đất mới thiếu thốn đủ bề nhưng chưa một lần tôi nghe anh ấy than thở. Những lúc nghe anh kể về những nỗi nhớ xa nhà, nhớ vợ con, nhớ những bữa cơm hương vị Việt, tôi ứa nước mắt và thương chồng nhiều hơn" - chị thổ lộ. |
Những công nhân Thaco tập trung trong từng thao tác - Ảnh: Võ Đức Phúc |
Sự hy sinh của người vợ đã khiến người chồng có thêm nhiều động lực để sáng kiến, sắp xếp lại kho chứa hàng lộn xộn, mở rộng nhà kho, sắp xếp vật tư dễ thấy, dễ lấy khi cần. "Ở nơi đấy, anh tìm được cơ hội để thỏa sức tư duy và sáng tạo những ý tưởng mới, đầu tiên là việc sắp xếp layout kho hàng, đến sáng kiến xe kéo vật tư giao hàng nội bộ và các sáng kiến cải tiến khác trong công việc. Đã nhiều lần anh tâm sự với tôi, nếu không có Thaco, chắc chắn không có anh của ngày hôm nay, anh chắc không biết được đam mê của mình là gì, khả năng sáng tạo của mình tới đâu. Đối với gia đình tôi, Thaco là niềm tự hào với sự biết ơn nhất và không chỉ là một nhà máy, không chỉ là nơi đến làm việc kiếm tiền trang trải cuộc sống, mà đó là gia đình, là quê hương, là nhà mà cả gia đình tôi luôn muốn về" - chị Phạm Thị Kiều Trâm chia sẻ. |
Nghệ nhân Trần Thị Thu Vân - người có 11 năm gắn bó tại Thaco Chu Lai - Ảnh: Võ Đức Phúc
Điều rất dễ nhận thấy khi những người thợ coi Thaco Chu Lai không chỉ là những nhà máy, mà ở đó là nhà thứ hai của họ qua thái độ làm việc miệt mài, tận tụy và đầy trách nhiệm. Như nghệ nhân Trần Thị Thu Vân từng làm công nhân ở KCN Sóng Thần (Bình Dương) nay đã có 11 năm gắn bó tại Thaco, luôn sẵn sàng làm tăng ca để may tay các loại ghế, trang trí nội thất cho xe cao cấp kịp cho đơn đặt hàng. Cả người cha và chồng chị cũng làm việc tại nhà máy, rồi chị còn mong sau này con chị cũng được làm việc tại đây. Ở các nhà máy của Thaco Chu Lai còn có gia đình đến 9 thành viên làm công nhân. Rất đông trong số những người thợ ấy, đã gắn bó hơn nửa đời làm nghề ở Thaco Chu Lai. Như anh Nguyễn Văn Luyện (sinh năm 1976, quê Quảng Ngãi), từ một anh công nhân qua 22 năm làm việc cho Thaco từ Biên Hòa đến Chu Lai, giờ đã là Quản đốc phân xưởng sơn tĩnh điện. Không quá ngạc nhiên khi tất cả họ đều coi Thaco Chu Lai không chỉ là những nhà máy mà đấy chính là nhà, là ngôi nhà để họ cống hiến. |
Nếu di chuyển nội bộ từ nhà máy này qua nhà máy khác trong KCN Thaco Chu Lai bằng xe điện, đi tới đâu chỉ cần sờ tay vào một con robot, trò chuyện vài ba câu với một anh thợ lành nghề thôi, thì cũng đã mất cả ngày trời mới đi hết 35 nhà máy, công ty trong KCN. "Quơ tay một cái chắc cũng trúng đầy thợ lành nghề và robot", tôi nói đùa với anh Phó Tổng Giám đốc Thaco Auto Đoàn Đạt Ninh nhưng đó là sự thật. Anh cho biết, riêng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Mazda đã có 100 con robot. Con robot hiện đại nhất là robot sơn, bình quân 1,5 phút sơn được 1 chiếc xe (qua một trạm sơn). Công đoạn này nhất định phải cần robot, vì công nhân sơn dù lành nghề cũng sẽ thao tác không đạt yêu cầu công nghệ. Màu đỏ xe Mazda, đang được thị trường đánh giá là màu đẹp nhất thì phải có con robot chuyên dụng, thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật mới sơn được màu đó. Mỗi robot ở đây biết cách nhận diện xe loại nào như Kia, Peugeot, BMW hay Mazda…để đưa ra chương trình sơn phù hợp. "Nó sơn được 96.000 xe/năm đấy. Những con robot phải đáp ứng được nhiệm vụ cho ra lò với công suất thiết kế 50.000 xe tải/năm, 100.000 xe Mazda, 50.000 xe Kia, 20.000 xe Peugeot, 10.000 xe BMW, 8.000 Bus lớn, 12.000 xe Mini Bus. Đặc biệt, có dây chuyền sơn tĩnh điện xe Bus, dài 13,7m với công nghệ nhúng nguyên chiếc xe vào sơn, nhúng được cho cả thép và nhôm. Trên thế giới chỉ có 22 dây chuyền này" - anh Ninh vừa nói vừa chỉ tay về phía con robot đặc biệt. |
Nhiều robot được sử dụng trong sản xuất, lắp ráp ô tô - Ảnh: Võ Đức Phúc |
Kỹ sư Phan Thanh Việt - Quản đốc xưởng hàn xe Mazda - cho biết, ở phân xưởng này máy móc tự động hóa hết, chỉ có 12 công nhân lành nghề điều khiển robot nhưng cũng phải qua 2 tuần đào tạo lại sau khi đã tốt nghiệp các trường nghề trong nước. Ở KCN Thaco Chu Lai có hẳn một trường cao đẳng mang tên Trường Cao đẳng Thaco, chuyên đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp các nghề cơ khí, sơn, hàn, điện, công nghệ ô tô và liên kết với các trường đại học để đào tạo kỹ sư thực hành. Những người thợ ở đây nói vui rằng, mỗi công nhân được đào tạo thành một "con người công nghiệp". Đi đến đâu trong các phân xưởng ở KCN Thaco Chu Lai đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một công nhân làm việc bên cạnh một con robot. Tôi thử chạm tay vào một con robot hàn ống xả khí xe ô tô, đúng lúc nó cựa quậy xoay qua xoay về rồi bỗng nhiên chúi mũi xuống ống bô xe hàn bắn tung tóe nhưng chuẩn xác làm tôi giật bắn người, lòng chợt nghĩ, sao mấy cô công nhân trẻ, khá xinh của phân xưởng hàn lại có thể điềm nhiên bên cạnh một con robot "lắt xắt" vậy mà bàn tay người thợ nữ vẫn thoăn thoắt như không nhỉ. |
Chị Lê Vũ Hạ - một nhân viên marketing làm việc ở Thaco Auto - nói rằng, tại các nhà máy ở Chu Lai, những người thợ không phải là những người bình thường mà họ biết cách chạm vào "hồn" của từng sản phẩm, như những người thợ thủ công tạo ra những tác phẩm nghệ thuật trên bánh xe và khung sườn ô tô. Họ không chỉ làm việc mà còn sáng tạo, không chỉ gắn bộ cánh lên xe mà còn đặt "hồn" mình vào từng đường nét. Tôi thật sự ngạc nhiên khi những người thợ ở đây coi những con robot không phải là những cỗ máy vô hồn, mà nó cũng có "hồn" như những người thợ. Khi anh em công nhân mệt mỏi thì những con robot cũng buồn mà cho ra những sản phẩm không như ý muốn, còn khi những người thợ vui vẻ, hăng say thì những cỗ máy ấy tạo ra một âm thanh nghe như một bản hòa ca thật gần gũi. |
Anh Trần Bá Dương - người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) - nói rằng, ở KCN Thaco Chu Lai gần đây khác nhiều, đặc biệt có Thaco Industries. Bên cạnh những người thợ lành nghề có hẳn một Trung tâm R&D chuyên nghiên cứu và phát triển sản phẩm với đội ngũ 1.000 chuyên gia và kỹ sư. Trung tâm Cơ khí chế tạo và Công nghiệp hỗ trợ tập trung 6 lĩnh vực chiến lược: Sơ mi rơ moóc, linh kiện phụ tùng ô tô, thiết bị công nghiệp, thiết bị nông nghiệp, gia công cơ khí và cấu kiện nặng, sản phẩm công nghiệp và dân dụng, chú trọng cho xuất khẩu và là đối tác chiến lược của các hãng xe khác cùng các doanh nghiệp FDI, đồng thời xuất khẩu các sản phẩm như sơ mi rơ moóc, linh kiện phụ tùng sang các nước Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các nước Châu Âu và Đông Nam Á. Riêng Thaco Industries hiện đã có 20 nhà máy và sắp tới sẽ mở rộng thêm 15 nhà máy tại Chu Lai. KCN Thaco Chu Lai thành lập từ năm 2003 với sứ mệnh gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô, phát triển công nghiệp của đất nước, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, 7 tổ hợp sản xuất, lắp ráp xe gồm: Kia, Mazda, Luxury Car, Bus, Truck, Motor và Royal đã cho ra thị trường hơn 1 triệu xe ô tô các loại đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam, chiếm 40% thị phần ô tô Việt Nam và đang có kế hoạch sản xuất, kinh doanh ô tô điện… Những thành quả này có sự đóng góp rất lớn từ bàn tay của hàng ngàn người thợ đang miệt mài ngày đêm làm việc tại các nhà máy ở KCN Thaco Chu Lai. |
Nhưng giá trị thiết thực và gần gũi nhất mà KCN Thaco Chu Lai mang đến, chính là góp phần thay đổi bộ mặt một vùng đất, thay đổi cuộc đời của hàng ngàn người thợ trên mảnh đất đầy nắng, gió và cát mặn miền Trung. Tại sao gần 13.000 người thợ lại gắn bó, đồng lòng một ý chí lao động và sáng tạo cho một tập đoàn, điều gì khiến họ hết lòng như vậy? Công nhân Trần Văn Long vào làm việc cho Thaco từ năm 1997 ở Biên Hòa, rồi anh chuyển về KCN Thaco Chu Lai từ những ngày đầu thành lập. Từ một công nhân, qua 26 năm mài giũa, giờ anh vẫn là một công nhân nhưng lại là Quản đốc phân xưởng hàn thuộc Nhà máy Thaco Kia, giám sát công việc của 126 công nhân lành nghề khác. Thu nhập của anh là 40 triệu đồng/tháng. Vợ anh cũng là công nhân ở xưởng sơn bắn keo Sealer, thu nhập ít hơn anh nhưng cũng bằng hàng ngàn người thợ khác đang làm việc trong nhà máy, bình quân thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh vừa mua xe ô tô Rondo bằng chính những đồng tiền dành dụm từ thu nhập hàng tháng để hàng ngày chở vợ đi làm. Tổng Giám đốc Thaco Auto Nguyễn Quang Bảo nói với tôi rằng, ở Thaco Auto có hàng trăm thợ lành nghề đi làm bằng xe ô tô cá nhân chứ không riêng gì công nhân Trần Văn Long và trong tháng nay có thêm một công nhân khác đặt mua xe Mazda 3 để đi làm. Đó là chưa nói đến dịp cuối năm, đa số thợ được thưởng 3-4 tháng lương. Có thời điểm công ty chi gần 300 tỷ đồng tiền thưởng tết. Tôi chợt nghĩ đến nhiều doanh nghiệp có đông công nhân đang loay hoay tìm câu trả lời cho “dòng chảy lao động, chảy máu chất xám” và nhận ra rằng, không cần thiết phải nói điều gì to tát hơn bằng chính việc nhìn vào đời sống thu nhập của chính những người thợ đang làm việc cho một tập đoàn. Trả lời cho câu hỏi ở trên thật đơn giản! Chính ý chí, nghị lực và văn hóa kỷ luật cùng niềm kiêu hãnh của 13.000 cán bộ công nhân kết hợp với công nghệ tiên tiến hiện đại cùng những giá trị thật mà Thaco đã mang lại, như là hoa xương rồng đỏ thắm nở giữa miền cát trắng Chu Lai - Quảng Nam, xa hơn nữa là những đóng góp của Thaco vào nền kinh tế của đất nước. Nhà văn Nguyễn Một, một người con vùng cát trắng Quảng Nam, khi chụp cùng tôi bức ảnh kỷ niệm tại biểu tượng hoa xương rồng xứ Quảng Nam, nói rằng: “Nếu cần chọn một biểu tượng cho thương hiệu của Thaco, thì đó nhất định phải là ‘hoa xương rồng’ - một loài hoa mang ý nghĩa vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên, hướng đến sự khát khao cống hiến vẻ đẹp cho cuộc sống”. |