Không phải nắng, gió, địa hình mà chính yêu cầu về sự chuẩn xác của công tác kỹ thuật khiến những người lính thợ ngành Cơ khí trong toàn quân phải “đổ mồ hôi” để làm ra những sản phẩm chất lượng. Nhiều thí sinh tham dự chia sẻ với chúng tôi, họ cảm thấy có phần áp lực khi bước vào thực hiện bài thi. Bởi lẽ đây không chỉ là sân chơi để đoàn viên, người lao động khẳng định tay nghề mà còn là “cuộc sát hạch” uy tín mà mỗi người thợ đều mong muốn vượt qua. Tuy nhiên, bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, họ bước vào cuộc thi với mong muốn được khẳng định trình độ tay nghề, được đón nhận danh hiệu “Bàn tay vàng” và học hỏi kinh nghiệm cho bản thân, từ đó lan toả đến đồng nghiệp. |
Những người lính thợ thực hiện bài thi thực hành. |
Tham gia tranh tài ở bộ môn Phay, anh Trần Văn Huy - Cục Kỹ thuật (Quân khu IV) vuốt những giọt mồ hôi còn đẫm trên trán cho chúng tôi biết: “Đề thi năm nay yêu cầu cao về kỹ năng và tay nghề người thợ. Từ Hội thi này, tôi sẽ mang kỹ năng mình học hỏi được để chia sẻ với anh em ở đơn vị. Vì đơn vị luôn rất cần những người thợ giỏi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân đội giao”. Anh Lưu Công Luận là tổ viên tại X46 (Quân chủng Hải quân) đã công tác trong ngành 8 năm. Anh cho biết, lúc đầu tham gia Hội thi, anh rất hồi hộp, lo lắng. Nhưng nhờ sự động viên của các thủ trưởng, cơ quan, sự hướng dẫn của các thầy, anh đã tự tin thể hiện tay nghề của mình. |
Những người thợ tập trung cao độ để hoàn thành sản phẩm. |
“Tôi rất mong muốn được tham gia Hội thi để có cơ hội nâng cao tay nghề bản thân, học hỏi kinh nghiệm ở các đơn vị bạn. Từ đó giúp tôi phát triển được năng lực của mình trong công việc, công ty, nhà máy”, anh Luận cho biết. |
Đôi bàn tay người lính thợ. |
Anh Trần Huy Liệu - quân nhân Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình từng đạt danh hiệu thợ giỏi cấp Quân khu về chuyên ngành Phay. Anh cho biết: “Bài thi tương đối khó. Để hoàn thành sản phẩm phải dùng nhiều dao, nhiều công đoạn gá đặt. Trong quá trình thực hành, tôi cố gắng làm sao để dùng ít gá đặt, chỉ 1 - 2 lần thay đổi dao, giảm thiểu tối đa thời gian thay dao và liên quan đến gá đặt, hoàn thành sản phẩm đảm bảo thời gian quy định". Đại diện thành viên Ban Giám khảo là giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng cho biết: “Yêu cầu đặt ra đối với người thợ giỏi là phải đạt được tất cả các tiêu chí về kỹ thuật, tay nghề, đảm bảo thời gian. Cụ thể về thời gian, người thợ phải làm nhanh nhất có thể. Việc người thợ hoàn thành sản phẩm sớm hơn thời gian quy định cũng là một tiêu chí quan trọng đánh giá người thợ có tay nghề giỏi. Đề thi năm nay là gia công trục gá cho một chi tiết nào đó. Đây là một đề thi có yêu cầu tương đối cao liên quan đến chi tiết từng được Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng sử dụng làm cánh tay robot của cuộc thi Sáng tạo Robocon cấp quốc gia". |
|
Những người lính thợ có vai trò quan trọng trong việc đóng góp xây dựng doanh nghiệp quốc phòng phát triển bền vững. |
Ban Giám khảo kiểm tra sản phẩm.
Tất cả những người lính thợ đã bước vào phần thi với sự chuẩn bị đầy đủ, tác phong gọn gàng, làm việc hăng say nhiệt tình, tinh thần kỷ luật cao. Bước đầu, các sản phẩm được đánh giá là có độ bóng đạt yêu cầu đề ra. Phần lớn những người lính thợ ngành Cơ khí trong toàn quân đều có tuổi nghề từ 8 - 20 năm. Họ đều là những người lính thợ giữ nghiêm tác phong, kỷ luật quân đội và chủ động nắm bắt công nghệ 4.0 để nâng cao tay nghề, đáp ứng đòi hỏi trong tình hình mới. Hội thi "Thợ giỏi ngành Cơ khí toàn quân" lần thứ V giai đoạn 2016 - 2021 do Ban Công đoàn Quốc phòng tham mưu với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức diễn ra từ ngày 12 - 16/4/2021. Hội thi nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời động viên, khuyến khích đoàn viên, người lao động tích cực học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề... Từ đó góp phần xây dựng đội ngũ đoàn viên, người lao động trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
------ |
Bài viết: Nguyễn Toàn Ảnh: Kim Hưng Video: Kim Hưng Thơ: Phú Thiện Thiết kế: Hoàng Anh |