Trúc Chỉ là giấy mà không phải giấy, là tre nhưng không phải tre. Trúc Chỉ được tạo dựng từ sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo giữa kỹ thuật thủ công truyền thống Á Đông về chế tác xơ sợi và nguyên lý kỹ thuật đồ họa, tạo hình, từ đó làm nên những tác phẩm, nghệ phẩm giấy đẳng cấp, mang đậm tinh thần sáng tạo Việt.
Không gian trưng bày Trúc Chỉ, cũng là trụ sở của Công ty TNHH một thành viên Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam tại TP. Huế được
họa sĩ Phan Hải Bằng cùng cộng sự gọi một cách thân thiện và giàu hình tượng là Vườn Trúc Chỉ – Truc Chi Garden. Thoạt đầu “vườn” tại đường Triệu Quang Phục bên dòng Ngự Hà nổi tiếng nội thành Huế.
Sau đó do nhu cầu phát triển “vườn” dời về tại số 5, đường Thạch Hãn, thuộc nội thành Huế. Gần đây đội ngũ Trúc Chỉ lại lỉnh kỉnh di dời “vườn” đến địa chỉ số 52 đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Kim Long, TP. Huế để trả lại mặt bằng thuê sau gần 10 năm cư ngụ.
Kể một chút về địa chỉ để thấy những người làm Trúc Chỉ Việt Nam cũng truân chuyên như nhiều “Startup” khác. Nhưng dẫu có đổi thay thế nào thì cố đô Huế luôn được định vị với cột số ngay bên ngoài vườn là “Trúc Chỉ KM0”, tức gợi đến ý niệm về nơi xuất phát, cội rễ của Trúc Chỉ là cố đô Huế, dẫu bây giờ Trúc Chỉ đã có mặt tại KM 650 (Hà Nội) và KM 1000 (TP. HCM).
Họa sĩ Phan Hải Bằng tìm tòi, nghiên cứu tạo ra Trúc Chỉ cách nay 10 năm (Ảnh: Trucchi Garden) |
Năm 2011 ông Bằng bắt đầu bước vào “cuộc chơi” về giấy nhưng đầu những năm 2000 vị họa sĩ này đã có những nghĩ suy, thao thức về giấy. Đặc biệt năm 2007, ông Bằng nhận được học bổng nghiên cứu, thực hiện một đề tài khoa học về giấy thủ công tại Bắc Thái Lan từ học bổng Châu Á học (Asian Scholarship Foundation- ASF) do Quỹ Ford tài trợ cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại nước bạn một lần ông Bằng được một số thợ thủ công ở nước bạn truyền thụ cách làm giấy nguyên liệu. Sau khi về Về Việt Nam năm 2008 ông Bằng khăn gói điền dã đến Bắc Ninh, đặc biệt là đến với làng giấy dó Đống Cao để lĩnh hội những kiến thức làm giấy thủ công truyền thống, qua đó nhen nhóm những định hướng cốt lõi để xây dựng dự án Trúc Chỉ.⁴
Với vốn kiến thức tích lũy được từ những chuyến thực tế nghiên cứu, điền dã, kết hợp với một số nguyên lý kỹ thuật tạo hình, đồ họa ông Bằng bắt đầu khai phá một loại hình nghệ thuật giấy mới mà sau này được gọi tên là đồ họa Trúc Chỉ - Trucchigraphy.
Đấy cũng là lý do khi thành công với đồ họa Trúc Chỉ ông Bằng được một cơ sở đại học tại Chiang Mai, Thái Lan mời sang dạy lại đồ họa Trúc Chỉ - một sáng tạo riêng có của Việt Nam, khởi nguồn từ cố đô Huế, trong đó trại thực nghiệm đầu tiên đóng trong Trường Đại học Nghệ thuật Huế có ý nghĩa quan trọng. Những giọt mồ hôi, nước mắt của một hành trình gian nan khởi nguồn từ không gian nặng nghĩa ân tình ấy.
Ông Bằng kể hồi đấy được sự giúp đỡ của nhà trường, nhất là thầy hiệu trưởng Phan Thanh Bình, ông được tận dụng một phòng học cao học bỏ không để làm nhà xưởng. Ông cũng đi thu gom, lượm lặt, nhặt nhạnh gạch, khung gỗ, bàn ghế hư, rơi vãi chung quanh trường về làm bếp lò. Còn nguyên liệu thì cái đi tận thu đồ phế liệu, phụ phẩm nông nghiệp, thứ thì bỏ chút tiền lương ít ỏi ra mua như tre, trúc quanh thành phố.
Thương thầy vất vả, có nữ sinh viên mỗi lúc về quê nhà ở xã Thủy Vân, vùng ven đô TP. Huế cũng tranh thủ thu gom rơm rồi chở lên tặng thầy để mình làm... giấy.
Họa sĩ Phan Hải Bằng, người đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền, tỏa sáng, sang trọng với vẽ đẹp tự thân (Ảnh: Trucchi Garden) |
“Mình nấu nhiều thứ lắm, thử nghiệm rất nhiều, làm hư cũng rất nhiều. Tre trúc lồ ô, rơm, bèo lục bình, bã mía... mình đều cho vào lò làm nguyên liệu. Mẹ mình thương con mà đi tới các quán nước mía hằng ngày gom bã mía mang về xưởng cho mình nấu. Xe chở cồng kềnh, sợ mẹ bị té ngã mình lo thắt ruột. Những năm tháng ấy làm việc rất tranh thủ, rất tập trung. Đến ly cà phê cũng mua về uống bên trong xưởng chứ không ra ngoài. Đi ra ngoài thấy cô nàng mặc váy ngắn là... hồn treo đọt tre rồi, làm lụng chi nữa...”, ông Bằng kể, phá lên cười.
PHB Studio – xưởng thực nghiệm đầu tiên của Trúc Chỉ ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Có lẽ nhờ những ân tình và sự “tập trung” ấy mà năm 2011, Phan Hải Bằng được tặng thưởng tác phẩm mỹ thuật xuất sắc thường niên của Hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Bình thường một tờ giấy, khi chúng ta vẽ lên một cái gì đó mới thành tác phẩm, sản phẩm, còn với nguyên tắc của Trúc Chỉ là làm cho nó thành một tác phẩm tự thân, chứ không phải làm nền.”, ông Bằng giải thích.
Trải qua chuỗi ngày mày mò, sáng tạo, định hình từng bước đi để tiếp biến xây dựng những giá trị văn hóa mới cho giấy nhưng họa sĩ Bằng chưa thể định danh, chính xác là gọi tên cho loại hình nghệ thuật giấy – giấy nghệ thuật này.
Tháng 4/2012, nhân dịp Festival Huế, một cuộc đàm đạo, chuyện trò thân mật của một số học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ diễn ra tại không gian XQ Cổ độ bên sông Hương, câu chuyện về loại hình nghệ thuật giấy mà Phan Hải Bằng đeo đuổi bấy lâu được khơi gợi, đàm luận. Chính trong cuộc chuyện trò ấy lần đầu tiên cái tên “Trúc Chỉ” được nhà văn, dịch giả Bửu Ý (TP. Huế) nêu ra - gợi ý đặt tên cho loại hình giấy - nghệ thuật, nghệ thuật - giấy sáng tạo bởi họa sĩ Phan Hải Bằng. Gợi ý ấy ngay lập tức nhận được sự đồng tình, tán thưởng, ủng hộ của mọi người, tất nhiên cả sự tâm đắc của Phan Hải Bằng.
Năm 2012, cuộc triển lãm Trúc Chỉ đầu tiên diễn ra trong không gian XQ Cổ độ, có tên “Ánh sáng Trúc Chỉ”. Cuộc triển lãm như một tín hiệu khai mở đầy thú vị cho chuỗi hành trình về sau, nhất là khiến nhà sáng lập XQ Đà Lạt Sử quán Võ Văn Quân “phải lòng”. Ông Quân ngay sau đó đã tài trợ kinh phí, hỗ trợ họa sĩ Phan Hải Bằng mở cuộc triển lãm Trúc Chỉ tại Đà Lạt. Tiếp đó ông dành 300m2 đất để đầu tư, trang trí, xây dựng “làng” Trúc Chỉ tại Đà Lạt.
Trúc Chỉ từ đó được nhiều người biết đến hơn. Đặc biệt, cũng trong đợt triển lãm năm ấy mà Phan Hải Bằng đã gặp được nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi, để rồi Trúc Chỉ mở ra một hướng đi vô cùng quan trọng, đó là trục sáng tác, tạo hình, hai là ứng dụng, tức là song hành giữa nghệ thuật thị giác và nghệ thuật ứng dụng.
Sau cuộc gặp “định mệnh” ấy, Bảo Vi đến Huế và quyết định trụ lại với cố đô để xây dựng, phát triển Trúc Chỉ. Năm 2013, Công ty TNHH Một thành viên Nghệ thuật Trúc Chỉ được thành lập, Bảo Vi đảm trách chức giám đốc.
Ngô Đình Bảo Vi sinh ra và lớn lên tại Đồng Tháp, vốn là một hoạ sĩ, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Sở thích mỹ thuật ứng dụng với những thiết kế đi vào đời sống mang tính mỹ thuật cao là thiên hướng dẫn dắt Vi qua nhiều công việc. Từ làm Graphic design partime thời sinh viên tại công ty quảng cáo, làm layout báo sau khi tốt nghiệp đại học, làm thiết kế tại Công ty Thời trang Việt và làm thiết kế đồ mây tre đan ở Công ty Xuất nhập khẩu Hapro…
Quãng đời trải nghiệm đó của Vi đã cho chị cái nhìn tổng thể, đó cũng chính là tiền đề và kinh nghiệm quý để chị chèo lái con thuyền Trúc Chỉ trong 10 năm qua với bao khó khăn, nhất là dung hòa được giữa sáng tác và ứng dụng để chăm lo đời sống vật chất cho đội ngũ người lao động, nhân viên trong công ty, vừa đảm bảo không gian sáng tác như ăn vào máu thịt của những nghệ sĩ.
Sau khi thành lập công ty, Bảo Vi vừa quản lý, vừa sáng tác và thiết kế các ứng dụng trong thiết kế sản phẩm, đồ lưu niệm, thiết kế trang trí nội ngoại thất, phụ kiện thời trang, trang sức… từ Trúc Chỉ. Các nhánh mỹ thuật ứng dụng của Trúc Chỉ sau đó được đẩy mạnh hơn, nhất là khi có thêm Trần Xuân Nhật, một chuyên gia về thiết kế cũng là học trò của họa sĩ Phan Hải Bằng. Đó là những mẫu thiết kế làm quà tặng, các nghệ phẩm dù, nón, quạt, ví, cà vạt, đèn lồng...
Gần đây, đội ngũ Trúc Chỉ còn phát triển dòng nghệ phẩm về tín ngưỡng dân gian, như bài vị, tranh thờ ông Táo... cũng được chú trọng phát triển, thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Đấy chính là những hướng đi thực tế, đưa nghệ thuật gần với đời sống hơn và có ý nghĩa sống còn với Trúc Chỉ trong hành trình vạn dặm về sau.
Các nghệ sĩ, đội ngũ phát triển Trúc Chỉ trong quá trình hoàn thiện một tác phẩm cỡ lớn (Ảnh: Trucchi Garden) |
Cùng với Bảo Vi, khu vườn Trúc Chỉ cũng là nơi tụ hội của những người say mê nghệ thuật, đam mê khám phá, phát triển những giá trị mới mẻ... Là một họa sĩ khuyết tật về khả năng nghe nói Phạm Đình Thái có tố chất tỉ mẩn, cần cù từng thành công về tranh gạo; là một chàng trai đồng bào vùng cao huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam nhiệt huyết công việc Hồ Văn Hưng chuyên đảm trách xử lý nguyên liệu. Là một Trần Quang Thắng gắn với Trúc Chỉ, với họa sĩ Phan Hải Bằng suốt 10 năm chia ngọt sẻ bùi...
Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam hiện có gần 20 người và đây được xem là đội ngũ gìn giữ, phát triển những giá trị được Phan Hải Bằng tạo dựng. “Họa sĩ Phan Hải Bằng đã tạo dựng nên Trúc chỉ, tôi có trách nhiệm duy trì, nuôi dưỡng, phát triển và các bạn cộng sự là những người thừa hưởng, làm việc với giá trị mới mẻ này. Mục tiêu rất lớn vẫn ở khá xa, nhưng Vi biết, những bước chân chậm rãi hôm nay là nền tảng vững chắc để con đường bền vững”, chị Vi chia sẻ.
Tại xưởng chế tác Trúc Chỉ ở số 1/4 đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Kim Long, TP. Huế, trong khi Thái và nhiều nghệ sĩ cặm cụi với cây bút nước trên khung xeo để tạo tác, cùng làm ra những nghệ phẩm Trúc Chỉ kịp giao cho khách hàng trong dịp tết Giáp Thìn, thì Hồ Văn Hưng lại miệt mài chăm chút cho lò nung tre nguyên liệu.
Hưng kể khi có nguồn tre đặt mua về xưởng, anh kiểm tra, bỏ chúng vào lò nung đốt. Tre phải chẻ nhỏ, đều, rồi trộn với nước vôi trong và “ninh nhừ” từ 8 – 10 giờ liền. Anh phải nấu sao cho tre mềm, khi đạt rồi thì đợi lò nguội mới xả lò mang tre ra ngoài để làm sạch, xả cặn bã, sau đó đưa vào máy xay, xay thật mịn để tạo ra bột. Bột được đưa vào bể, lắng lọc và trải qua một số công đoạn kỹ thuật nữa rồi mới được vớt lên đưa vào khung xeo, trải đều trên khung xeo cho nghệ sĩ chế tác.
Đưa chúng tôi đi xem các công đoạn chế tác Trúc Chỉ, họa sĩ Thắng ví von nếu một họa sĩ cần nhiều bảng màu để phối vẽ những bức tranh, thì nghệ sĩ tạo tác Trúc Chỉ lại cần nhiều loại nguyên liệu và những kỹ năng điều khiển bóc tách tạo độ dày mỏng của bột giấy để cho các các tác phẩm, nghệ phẩm. Nguyên liệu có thể là tre trúc, cũng có thể là bèo, dừa, chuối, bắp, rơm, mía, sen... hay cả lá thông.
Tùy theo nhu cầu, ý tưởng mà nghệ sĩ sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu này như thế nào. Tùy vào ý tưởng, chủ đề, yêu cầu, mục đích... mà các lớp bột có độ dày mỏng, sắc màu, hoa văn, họa tiết và cho ra các sản phẩm Trúc Chỉ khác nhau. Đấy cũng chính là sự kỳ diệu và rất lạ lẫm của Trúc Chỉ, gây bất ngờ không chỉ với người thưởng lãm tác phẩm, mà còn với chính nghệ sĩ sáng tác.
Nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Trúc Chỉ Việt Nam vừa quản lý, vừa sáng tác và là người chèo lái con thuyền Trúc Chỉ từ năm 2013 (Ảnh: Trucchi Garden) |
Một trong những công đoạn, phương thức tạo tác Trúc Chỉ quan trọng là người nghệ sĩ dùng cây “bút nước” (nước được dẫn qua ống nhựa đưa từ trên cao xuống để tạo áp lực) để bóc đi từng lớp bột giấy một theo nguyên lý đồ họa và tạo nên hệ thống dày mỏng trên các tấm giấy đang còn ướt. Điều đó sẽ tạo nên độ sáng tối nhuần nhị trên những tác phẩm khi tương tác với ánh sáng và kỹ thuật này là sáng tạo riêng của Trúc Chỉ, được gọi là “Đồ họa Trúc Chỉ - Trucchigraphy.”.
Với phương thức Trucchigraphy cho phép tạo nên các tác phẩm Trúc Chỉ mang cả 2 hiệu ứng thị giác. Thứ nhất là hướng bề mặt, tức “dương bản”, thứ hai là xuyên sáng, tức “âm bản”. Chính sự linh hoạt của biểu hiện thị giác đó làm nên những hấp dẫn cho tác phẩm, đặc biệt là sự phản hồi, mang lại cảm hứng cho chính những người sáng tạo. Trúc Chỉ do vậy không đơn thuần là một phương tiện kỹ thuật, một nguyện liệu “nền” mà là một phương thức chuyển tải những ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ.
Chính tinh thần sáng tạo đã làm nên sự khác biệt, khiến “Trúc Chỉ” là giấy mà không chỉ là giấy, là tre mà không còn là tre và đưa nghệ thuật đến gần với cuộc sống hơn. Không chỉ thế tất cả nguồn nguyên liệu này cho thấy ngoài giá trị thẩm mỹ, Trúc Chỉ còn mang lại giá trị cộng đồng, ích lợi xã hội khi biến những phụ phẩm của nông nghiệp, biến những thứ tưởng như bỏ đi, ít giá trị trở thành giá trị hơn. Trúc Chỉ do vậy sẽ tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm áp lực về môi trường cho cộng đồng.
Nghệ sĩ giấy Dominique Rousseau (tỉnh Sarthe, CH Pháp) đến Huế du lịch và ở lại Trúc Chỉ Garden trong 10 ngày để cùng với đội ngũ Trúc Chỉ chế tác các tác phẩm Trúc Chỉ Việt Nam (Ảnh: Trucchi Garden)
Những người làm Trúc Chỉ có thể làm nhiều việc khác nhau, việc nào cũng đầy hứng khởi và có vẻ như càng làm càng “mê”, bởi có lúc thu nhập không phải lựa chọn tối ưu cho người làm việc ở lại với công ty. Họ có thể là tác giả của những cuộc triển lãm đình đám, là chủ nhân của những giải thưởng mỹ thuật danh giá nhưng khi cần vẫn có thể là người thợ đứng máy, chẻ tre, đóng khung, hoàn thiện nghệ phẩm...
Trong số những nhân sự đầu quân cho Trúc Chỉ còn có một gương mặt đặc biệt khác, cũng thuộc diện “gạo cội”, đó là anh Nguyễn Phước Nhật. Nhật là cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa Trường Đại học Nghệ thuật Huế, học trò ông Bằng. Hơn 10 năm trước, khi làm đề tài tiền tốt nghiệp đại học, Nhật đã tiếp cận với ông Bằng và sớm nhận ra những giá trị rồi bén duyên với Trúc Chỉ.
“Gặp thầy Bằng. Tiếp xúc với dự án về Trúc Chỉ của thầy mình đã bị thu hút ngay. Mình tìm thấy ở Trúc Chỉ nhiều tiềm năng nhất là về tạo hình, tạo ra được nhiều sản phẩm để triển lãm. Từ đó mình xác định được hướng đi cho tương lai ngay sau khi tốt nghiệp. Nó rất phù hợp để phát triển bản thân, nhất là phục vụ cho chuyên môn design, tạo mẫu của mình”, Nhật lý giải việc đầu quân cho Trúc Chỉ, nay thì anh là Phó Giám đốc, trụ cột của Công ty TNHH Một thành viên Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam.
“Thầy Bằng có nguồn năng lượng sáng tạo cực kỳ lớn, luôn truyền nguồn năng lượng sáng tạo cho mọi người, thúc đẩy sự sáng tạo và luôn mở ra cơ hội cho tất cả anh em phát triển, trong đó có những cuộc sáng tác để triển lãm, dự thi và đoạt giải thưởng cao”, anh Nhật nói tiếp.
Cho đến nay khó có thể kể hết các giải thưởng về mỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng mà đội ngũ Trúc Chỉ được trao tặng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia; hàng trăm cuộc triển lãm trong và ngoài nước, giao lưu quốc tế. Nhiều tác phẩm đoạt giải là sản phẩm tập thể, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm là sáng tạo của cá nhân.
Mới đây nhất là sản phẩm của Nguyễn Phước Nhật được trao giải nhất cuộc thi thiết kế quà tặng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước đó nhiều giải thưởng khác cũng đã trao cho đội ngũ Trúc Chỉ như Giải thưởng “Sáng tạo Lê Bá Đảng” năm 2022 được trao cho họa sĩ Phan Hải Bằng với nghệ thuật Trúc Chỉ; giải thưởng trong Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ VI năm 2022; giải thưởng cuộc thi Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ III, lần thứ V; Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tặng cho Phan Hải Bằng do có thành tích xuất sắc thực hiện Dự án “Không gian nghệ thuật đương đại Khu hầm tòa nhà Quốc hội” năm 2018...
Đến nay Trúc Chỉ do họa sĩ Phan Hải Bằng sáng lập đã bước qua cuộc hành trình 10 năm đầy cam go nhưng cũng không ít thú vị. Những giá trị văn hóa Việt mới được thiết lập, được định vị. Nhắc lại câu chuyện Trúc Chỉ với PGS.TS, họa sĩ Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế, người gắn bó và ủng hộ “cuộc chơi liều lĩnh” về giấy của họa sĩ Phan Hải Bằng, nói rằng có quá nhiều bất ngờ.
Sự thành công của ông Bằng gây ngạc nhiên cho không chỉ giới nghệ sĩ trong nước mà với nghệ sĩ nước ngoài. Chẳng hạn họa sĩ Hải Bằng dùng ánh sáng chiếu xuyên sáng trong những hộp đèn. Thoạt đầu thì cứ như lightart mà các bạn nghệ sĩ ở phương Tây đã thành công. Nhưng không phải vậy. Anh Bằng đã kết hợp giữa công nghệ hiện đại ấy với sản phẩm ứng dụng từ ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, của Đông Nam Á.
Trên ánh sáng nghệ thuật – lightart ấy, Bằng đã vượt qua một lần nữa, là tạo ra hình khối. Mỗi tác phẩm của anh đều gây rất nhiều sự lạ lẫm. Vừa hiện đại nhưng cũng rất hoài niệm quá khứ, lúc nào cũng cảm nhận về sự mộng mị huyền ảo từ ánh sáng khối của tác phẩm. Ánh sáng ấy “chiếm chỗ” trong không gian và người xem cảm giác có những xúc tác về mặt vật chất rất rõ. Vượt qua được yếu tố tâm lý tranh 2D thành không gian 3D và đó là một trong những hiệu ứng độc đáo của Trúc Chỉ.
Một góc trưng bày tác phẩm Trúc chỉ ở Trucchi Garden (Ảnh: M.Đ.T.) |
Điểm thứ 3 là Trúc Chỉ không thể mô tả như hội họa nhưng lại vận dụng tất cả khả năng trang trí để diễn tả chủ đề nào đó. Nó không thể pha màu xanh đỏ tím vàng được nhưng bằng độ dày mỏng của các lớp bột giấy để tạo ra những hiệu ứng, không gian khác nhau. Và có lúc tinh tế đến mức khiến những họa sĩ lâu năm, giỏi cũng phải ngạc nhiên.
Có những bức chân dung anh Bằng làm người ta bất ngờ khi khắc họa được nội tâm nhân vật. Tức là khai thác được yếu tố tâm lý của hình tượng, điều mà trang trí không làm được vì thường thiếu cảm xúc. Nhưng Bằng lại làm được điều đó, tức đã đi rất gần với hội họa.
“Cũng không ít người nghĩ chưa đúng về Trúc Chỉ, bởi họ tưởng anh Bằng làm giấy. Ý nghĩa về giấy tre giấy trúc chỉ là hình thức bên ngoài thôi, nội hàm bên trong của Trúc Chỉ mới rộng mở. Trúc Chỉ không chỉ là hơi thở của nhóm phát triển do Phan Hải Bằng khởi xướng mà còn có khả năng vươn xa hơn, tiệm cận rất nhiều vấn đề của nghệ thuật đương đại. Những người làm Trúc Chỉ mà đứng đầu là Phan Hải Bằng đã biết tiếp biến các giá trị truyền thống, kỹ thuật thủ công kết hợp với công nghệ mới, khai thác và đưa các yếu tố truyền thống lên cao hơn, mang giá trị và tinh thần hiện đại. Tính biện chứng nằm ở chỗ đội ngũ Trúc Chỉ làm cho loại hình này có một hơi thở khác, diện mạo khác, cách nhìn khác để người ta không bao giờ nhàm chán. Với những sáng tạo ấy, những hồn cốt mà truyền thống nghệ thuật giấy bên trong của dân tộc được thể hiện ra, làm cho tinh thần phản ánh của Trúc Chỉ nó có chiều sâu hơn. Một⁴ khi giữ được tinh thần ấy đấy cũng là phát huy được dân tộc tính, là đóng góp lớn của Phan Hải Bằng và Trúc Chỉ với Văn hóa Việt”, PGS.TS Phan Thanh Bình nhận xét.
Những tác phẩm Trúc Chỉ sáng tác rất công phu được trưng bày tại các địa điểm sang trọng. (Ảnh: Trucchi Garden) |
Nếu Nhật Bản có Washi hay Hàn Quốc có Hanji – Hàn Chỉ thì Việt Nam tự hào đã có Trúc Chỉ. Trúc Chỉ hiện đã vươn tới 3 khả năng của khái niệm về giấy. “Đó là giấy nền, tức dùng phục vụ cho những mục đích đặc biệt, cụ thể với số lượng nhất định. Cái thứ 2 là tác phẩm nghệ thuật tự thân. Bình thường một tờ giấy, khi chúng ta vẽ lên một cái gì đó mới thành tác phẩm, sản phẩm, còn Trúc Chỉ là làm cho nó thành một tác phẩm tự thân, chứ không phải làm nền. Cái thứ 3 là khả năng đối thoại, tức là tạo ra những tác phẩm bề mặt, “dương bản” những cái hình phía ngoài của Trúc Chỉ nó có thể đối thoại với nhau được chứ không phải chúng được in trên những loại giấy trắng trơn bình thường.”, ông Bằng nói.
Đến nay thì Phan Hải Bằng cùng các cộng sự đã có những trải nghiệm thú vị, thể hiện sự “sang trọng”, đẳng cấp của Trúc Chỉ. Ngoài những giải thưởng danh giá, các cuộc triển lãm, giao lưu quốc tế trong và ngoài nước, sản phẩm của Trúc Chỉ được làm tặng phẩm dành cho Nhật Hoàng trong chuyến viếng thăm Việt Nam, thăm cố đô Huế 7 năm trước, hay bức tranh lớn ở Không gian bảo tàng đương đại ở đường hầm Quốc hội và tác phẩm công phu đồ sộ kích thước 400m x 800m “Hào khí Thăng Long” trưng bày ở Văn phòng Chính phủ...
“Trúc Chỉ được chúng tôi xây dựng để trở thành một sản vật Quốc gia mới của người Việt. Những trải nghiệm những danh hiệu, giải thưởng và sự đón nhận sản phẩm, nghệ phẩm Trúc Chỉ của cộng đồng 10 năm qua mang lại sự động viên lớn lao cho đội ngũ phát triển Trúc Chỉ. Đấy cũng là trọng trách và cũng là triển vọng cho Trúc Chỉ trong giai đoạn phát triển mới. Chúng tôi tâm niệm mang lại sự sáng tạo không ngừng, phát triển không ngừng với những định hướng dựa trên 3 tiêu chí cốt lõi: Thẩm mỹ - Giáo dục – Xã hội”, ông Bằng nói.
Nghệ sĩ Dominique Rousseau (tỉnh Sarthe, CH Pháp), giảng viên nghệ thuật sắp đặt sau thời gian nhiệm trú sáng tác tại Trúc Chỉ Garden đã cùng họa sĩ Phan Hải Bằng mở cuộc triển lãm tranh Trúc Chỉ chủ đề “Ngẫu liên” ở Viện Pháp tại Huế năm 2022 (Ảnh: M.Đ.T.)
Rõ ràng hành trình 10 năm đã định vị được cho Trúc Chỉ con đường phát những giá trị thẩm mỹ, sự độc đáo của một loại hình dựa trên chất liệu của những thứ tưởng bình thường, bỏ đi từ phụ phẩm của nông nghiệp, qua đó giải quyết những bài toán về môi trường. Phan Hải Bằng và đội ngũ Trúc Chỉ cũng “toan tính” để tạo ra những không gian, điểm đến phục vụ du lịch, phát huy những giá trị văn hóa địa phương thông qua Trúc Chỉ. Riêng đối với tiêu chí giáo dục, ông Bằng tiết lộ trên hành trình Trúc Chỉ ngay từ sơ khởi đã đặt ra mục tiêu đưa loại hình này vào giảng dạy như một chuyên ngành của đại học nghệ thuật, thế nhưng thời điểm đó chưa chín muồi.
Mang trăn trở này tôi đến “làm phiền” PGS.TS Phan Thanh Bình bên ly cà phê ngày áp tết Giáp Thìn; theo ông Bình, từ những năm 2015 – 2016 khi ông còn làm hiệu trưởng thì Ban Giám hiệu trường cũng đã nghĩ đến việc đưa Trúc Chỉ thành ngành học, đào tạo chính khóa. Tuy nhiên do những yêu cầu đặc thù của công tác đào tạo cũng như khó khăn khách quan nên chưa thể triển khai mà phải đợi một thời cơ khác phù hợp hơn. Có một thực tế là dẫu chưa thành ngành học chính khóa nhưng nhiều sinh viên, trong đó có sinh viên ở Hà Nội, TP. HCM cũng đã nghiên cứu, làm đề tài Trúc Chỉ. Đặc biệt các bạn trẻ đã thực sự say mê nghiên cứu, kết hợp với công nghệ hiện đại để cho ra đời những sản phẩm có tính ứng dụng, thẩm mỹ cao.
“Riêng với sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế hiện nay họ không chỉ dùng Trúc Chỉ làm bài học, mà còn dùng kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ để làm đề tài tốt nghiệp nữa và nhiều sinh viên đã thành công. Điều này cho thấy việc nghiên cứu đưa vào chương trình đào tạo Trúc Chỉ trong một trường đại học, đặc biệt là xứ Huế và Trường Đại học Nghệ thuật Huế nơi sinh ra Trúc Chỉ thì việc đưa vào đào tạo rất phù hợp, rất đúng. Hiện nay nhiều em sinh viên nghiên cứu Trúc Chỉ và tạo ra nhiều tác phẩm mang lại giá trị mới cho Trúc Chỉ, mở ra nhiều triển vọng cho hành trình của Trúc Chỉ trong tương lai.”, ông Bình tâm sự.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tự trả tiền mua một chiếc quạt Trúc Chỉ tại một cuộc trưng bày giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống ở Huế (Ảnh: M.Đ.T.)
Phóng sự của MAI ĐÌNH TOÀN Đồ họa: AN NHIÊN |