Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Hôm nay, 4/4, Ngày Quốc tế Nhận thức bom mìn và Hỗ trợ hành động bom mìn (International Day for Mine Awareness and Assistance in Mine Action) với nhiều hoạt động trên khắp nơi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về bom mìn và hỗ trợ việc tháo gỡ bom mìn.

Tạp chí Lao động và Công đoàn xin đăng tải phóng sự “Những người hồi sinh vùng đất chết” như một sự tri ân tới những người đã, đang âm thầm đuổi “giặc bom” ra khỏi lòng đất.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Trên vùng đất rộng hàng chục ha cằn cỗi giữa vạt rừng xanh ngát (thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), 2 thành viên trong đội rà phá bom mìn SEDP (thuộc dự án rà phá kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ) đang cặm cụi làm việc. Họ dùng dây chia ô kích thước 50mx50m, rồi lại chia thành các luống ngang chừng 1,5m để rà tìm bom mìn.

Mỗi lần tiếng máy rà bom mìn vang lên là khi gặp phải kim loại, cả đội vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đã tìm ra được… “thần chết” ẩn nấp dưới lòng đất, còn lo vì chưa biết mức độ nguy hiểm của nó như thế nào.

Ngay sau đó, các thành viên đội nhanh chóng đánh dấu vị trí, rồi dùng máy dò tay đến kiểm tra, dùng xẻng đào nhẹ lớp đất. Cứ thế, theo quy trình kỹ thuật, họ bóc tách dần lớp đất cho đến khi phát hiện bom, mìn hoặc vật liệu nổ…

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Chị Nguyễn Thị Lệ Khuyên (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn thành viên trong nhóm các thao tác kỹ thuật.

Lau vội mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Lệ Khuyên, giám sát đội rà phá bom mìn SEDP cho biết: Rà phá bom mìn là nghề không có chuyện được rút kinh nghiệm. Khi phát hiện có bom, mìn, điều phải làm ngay là phân loại để có hướng xử lý chính xác. Có những loại bom không thể di dời, đội phải thông báo chính quyền địa phương cho sơ tán người dân, rồi kích nổ tại chỗ. Đến khi đảm bảo an toàn tuyệt đối thì thông báo cho người dân trở về.

“Quá trình làm việc, chỉ cần một sơ suất nhỏ là bom đạn nổ tan xác, nhẹ thì cũng thương tật đầy mình, nên mọi thao tác của anh chị em đều phải chuẩn, chính xác đến mức tối đa. Cũng chính vì vậy, rà phá bom mìn là nghề không có chuyện được rút kinh nghiệm”, chị Khuyên nói.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Các thành viên trong đội rà phá bom mìn SEDP chuẩn bị, lắp đặt các thiết bị để tiến hành cho buổi rà phá bom mìn.

Đội của chị gồm 17 thành viên, người trẻ nhất sinh năm 1994, với nhiệm vụ chuyên rà phá bom, mìn ở những khu vực thuộc các dự án phục vụ phát triển kinh tế. Nhớ lại quãng thời gian khi mới bắt tay vào công việc “đi săn tử thần”, chị Khuyên và nhiều đồng đội từng gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ.

“Ngay từ nhỏ, tôi đã từng nghe và chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Những nỗi tang thương cứ gieo rắc ngay trong thời bình. Đó chính là lý do thôi thúc tôi đến với công việc này", chị Lê Thị Thu Hà, đồng đội chị Khuyên chia sẻ.

“Chảo lửa Quảng Trị” một thời chiến tranh khốc liệt. Dưới đất không có cái ăn, trên đầu bom đạn tàn phá. Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, hàng triệu tấn bom, đạn chưa nổ còn nằm rải rác khắp đất nước. Trong đó, Quảng Trị là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 84% diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ, gấp 4 lần mức bình quân cả nước. Thống kê vào thời điểm đó, cho thấy, nếu như cả tỉnh Quảng Trị có hơn 480.000ha đất thì có gần 400.000ha (chiếm hơn 80%) đất bị ô nhiễm do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bom mìn và vật liệu nổ nằm rải rác trong khu dân cư, ở vườn nhà, thậm chí ở dưới nền nhà....

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Đội SEDP dùng dây chia ô kích thước 50mx50m, rồi lại chia thành các luống ngang chừng 1,5m để rà tìm bom mìn.

Một thời gian dài sau chiến sự, nghề thu gom phế liệu chiến tranh trở nên phổ biến ở Quảng Trị. Có những ngôi làng, xóm, ấp một thời nhà nào cũng làm nghề cưa bom. Quê hương được giải phóng, bà con đi sơ tán trở về thì hoang tàn, đổ nát, đồi núi trơ trọi, chi chít bom mìn, đói ăn thiếu mặc nên chỉ còn cách đào kiếm bom mìn, lấy thuốc nổ, đồng nát để bán đổi gạo. Ngày ngày, họ lên rừng rà những mảnh bom, vỏ đạn còn sót lại, và xem đây là nghề chính, chấp nhận đánh cược mạng sống của bản thân và những người xung quanh để mưu sinh.

Ông Hồ Văn Hiên (47 tuổi, thôn Cồn, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa), nhớ lại: Những năm đầu sau giải phóng, lớp lớp trai gái thanh niên đi lên các bản, làng khai hoang mở đất. Không ai ngờ, dù hết chiến tranh nhưng ẩn sâu trong lòng đất bao nỗi tang thương gieo rắc suốt thời hậu chiến. Đó là những ngày mà cây cuốc lưỡi cày vừa chạm đất là tay run bần bật vì sợ bom mìn phát nổ. Những hôm ra đồng hay lên nương rẫy, cứ nghe tiếng nổ “đùng” là người ta hốt hoảng chạy lại xem có phải người thân của mình không?!

Tới giờ, ông Hiên vẫn nhớ như in chuyện xảy ra vào 40 năm trước. Ngày đó, ông mới 7 tuổi, ra vườn chơi nhìn thấy một vật liệu bằng kim loại nhưng không biết là cái gì. Thấy ngộ nghĩnh, ông nhặt mang về. “Lúc đó, gia đình đang ăn bữa cơm chiều, còn tôi chơi đùa dưới sàn nhà, bất ngờ một tiếng nổ chát chúa vang lên, tôi bị thổi tung rồi chẳng nhớ gì nữa. Lúc tỉnh lại thấy đang nằm viện, cả nhà đội ơn trời vì tôi còn sống. Hỏi ra mới biết, thứ mà tôi nhặt được là một quả đạn, rất may khi nó phát nổ đã bắn về phía trước, nhờ vậy tôi giữ được mạng, chỉ bị cụt mất một ngón tay”.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Với những nỗi tang thương gieo rắc khắp thời hậu chiến, chỉ có cách đẩy các mối đe dọa ra khỏi lòng đất, thì cuộc sống người dân mới được đảm bảo an toàn, kinh tế mới phục hồi phát triển.

Năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm chương trình hợp tác quốc tế rà phá bom, mìn nhân đạo, với dự án của Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam - Hoa Kỳ.

Sau đó, tỉnh tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức khác như: MAG, NPA, RENEW, CPI, SODI, APOPO, SEDP... Từ đó đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cùng các tổ chức nước ngoài luôn nỗ lực vì sự an toàn của cộng đồng, góp phần giảm tai nạn và thương vong gây ra bởi bom, mìn, vật nổ còn sót sau chiến tranh, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Lệ Khuyên cho biết: Những ngày đầu, chị rất đắn đo, vì đây là công việc nặng nhọc thường dành cho đấng mày râu. Những người phụ nữ như chị không biết có chịu đựng nổi hay không. Rồi lại phải xa gia đình, con nhỏ… Tuy nhiên, khi nghĩ về những mối nguy hiểm vẫn đang rình rập trên quê hương, chị quyết tâm theo đuổi nghề này.

“Các thành viên trong đội đều được đào tạo chuyên sâu, bao gồm rất nhiều kiến thức quan trọng để không chỉ tác nghiệp thực tế mà còn để tồn tại trong các tình huống ngặt nghèo. Ngay cả khi hoàn thành khóa đào tạo một cách xuất sắc, công việc của chúng tôi vẫn đầy rẫy thách thức. Đơn giản là đôi khi chất nổ rất phức tạp, hay bom ở vị trí khó quản lý như gần khu dân cư, bệnh viện, trường học. Một vài lần tôi và đồng nghiệp đã ở rất gần những quả bom, mìn trước khi máy tín hiệu nhận ra”.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Chị Khuyên nói và cho biết thêm: “Mỗi khi máy rà phát ra tín hiệu là cả không gian lập tức tĩnh lặng. Ai cũng tập trung cao độ vào việc đào xới để xử lý vật thể ẩn mình dưới long đất. Công việc đó, với những thao tác lặp đi lặp lại mỗi ngày, đòi hỏi mỗi người phải hoạt động với thần kinh thép để không xảy ra bất kỳ sơ suất nào”.

“Đến nay, cả đội đã quen với những đợt gió Lào quạt lửa, hay cái lạnh thấu xương mùa đông, và cũng không còn cảm giác rợn người khi gặp bom mìn nữa. Khi gặp vật liệu nổ, tôi không còn sợ hãi, chỉ hình dung trong đầu các phương án để xử lý. Đó chính là bản lĩnh tôi có được nhờ trải qua các khóa đào tạo chuyên nghiệp về rà phá bom mìn”, chị Khuyên bộc bạch.

Dù rà phá bom mìn là công việc có tính chất nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng tại Quảng Trị hiện có đến 30% phụ nữ là nhân sự thuộc nghề này. Trong đó, chị Nguyễn Thị Diệu Linh (41 tuổi), quản lý Chương trình NPA (Tổ chức Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy) tại tỉnh Quảng Trị được xem là “thủ lĩnh” của các đội rà phá bom mìn nữ.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Nguyễn Thị Diệu Linh cập nhật về tiến độ và kết quả của khảo sát dấu vết bom chùm tại Quảng Trị.

Vốn là người con đất Quảng Trị, nơi có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn cao, sau khi học xong, Diệu Linh xin làm phiên dịch kiêm cán bộ hoạt động của Dự án Renew (Dự án Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh). Thấy công việc của mình thiết thực, góp phần xóa đi vết tích chiến tranh, nên Diệu Linh nỗ lực học hỏi, trau dồi thêm kiến thức. Năm 2015, chị được cử làm Quản lý hoạt động chương trình NPA và đến năm 2020 được giao Quản lý chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị cho đến nay.

Khi bắt đầu công việc, các thành viên của Đội rà phá bom mìn nữ BAC2 (Chương trình NPA) chia ra từng tốp để kiểm tra từng diện tích đất. Khi máy dò phát hiện có kim loại dưới lớp đất, các chị sẽ khoanh vùng, đánh dấu, nhẹ nhàng đào lớp đất để kiểm tra. Nếu phát hiện vật liệu nổ, sẽ chờ lệnh xử lý.

Diệu Linh yêu cầu Đội trưởng Đội rà phá bom mìn nữ BAC2 báo cáo, phân tích tình hình. Sau khi kiểm tra trực tiếp, thống nhất phương án, thì việc xử lý vật liệu nổ tìm được mới triển khai. Tùy theo tính chất nguy hiểm của loại vật liệu nổ tìm được, sẽ quyết định việc hủy nổ ngay tại chỗ, hay đưa về bãi hủy nổ tập trung.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Thuốc nổ chỉ được sử sụng trong việc phá hủy bom mìn.

Năm 2016, đội rà phá bom mìn thuộc dự án Renew trong lúc làm nhiệm vụ rà phá bom chùm, đã xảy ra tai nạn khiến một người chết và một người bị thương. Vụ việc xảy ra khi đội này đang rà phá bom bi còn sót lại trên cánh đồng thuộc thôn Cổ Lũy, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Người tử vong là Đội trưởng Ngô Thiện Khiết, khi đó 45 tuổi. Ông được đánh giá là một trong những người có thâm niên và nhiều kinh nghiệm về xử lý bom mìn. Ông Khiết tử nạn khi quả bom bi bất ngờ nổ lúc ông đang xử lý quả bom. Còn người bị thương là ông Nguyễn Văn Hảo, khi đó 43 tuổi. Ông bị nhiều mảnh đạn găm vào người, sau đó được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Anh Trần Văn Thành, từng là Đội trưởng Đội ra phá bom mìn lưu động (thuộc tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam) nhớ lại: “Đã có lúc chúng tôi đứng trước tình huống có thể sẽ chết. Nhưng nghĩ đến sự bình yên của người dân đang bị de dọa, chúng tôi quyết tâm làm sạch từng tấc đất”.

Theo anh Thành, do số lượng bom, mìn quá nhiều nên anh cùng đồng đội tranh thủ hết mọi thời gian để làm việc. Nhiều ngày nắng như đổ lửa nhưng mọi người vẫn cần mẫn với công việc được giao, không bỏ sót một quả mìn nào trên vùng đất rà phá.

“Lúc tiến hành rà phá bom mìn, tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều, chỉ muốn rà phá hết bom, mìn, vật liệu nổ để giải phóng đất đai cho nhân dân sản xuất. Nếu mình làm không tốt, không kỹ, khi canh tác người dân vấp phải bom mìn thì đấy là lỗi của mình. Vì vậy không chỉ làm tốt phần việc của mình mà tôi còn động viên mọi người hãy làm hết sức mình vì sự bình yên cho người dân”, anh Thành tâm sự.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Mỗi người rà phá bom mìn trong quá trình làm việc được hướng dẫn các thao tác kỹ thuật tỉ mỉ.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2023, có 6 tổ chức, dự án phi Chính phủ nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gồm: MAG, RENEW, PTVN, CRS, NPA, GWHF.

Ngoài ra, có 47 dự án/viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) với tổng vốn tài trợ cam kết đến tháng 3/2026 khoảng 57,56 triệu USD, đạt 191,8% so với chỉ tiêu của kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chỉ đạo.

Về công tác khảo sát phi kỹ thuật và khảo sát kỹ thuật về bom chùm, đã hoàn thành tại 690 thôn được phép hoạt động, chiếm 86% tổng số thôn của tỉnh. Diện tích rà phá hiện trường khoảng 18.568 ha; có 76.873 vật nổ được phát hiện và xử lý an toàn.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Đội rà phá bom mìn đã tìm thấy và xử lý quả bom lớn ở vườn cao su của người dân.

Trong giai đoạn này, Trung tâm hành động bom mìn tỉnh quảng Trị đã thực hiện triển khai 55 nhiệm vụ rà phá hỗ trợ phát triển KTXH địa phương với diện tích 5.217 ha. Công tác hỗ trợ nạn nhân (bom mìn và chất độc hóa học) về các chính sách trợ cấp, y tế, giáo dục, văn hóa tinh thần và hỗ trợ phát triển sau rà phá được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Lão nông Hồ A Bui (xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa), chia sẻ: Trước khi các chương trình rà phá bom mìn được triển khai, bà con khai hoang lập nghiệp rất khó khăn. Chúng tôi trồng đủ loại cây trên nương rẫy, nhưng không khá nổi, hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt là lúc nào cũng nơm nớp lo sợ hiểm họa từ những quả bom mìn ẩn dưới lòng đất. Sau mỗi tấc đất được rà phá bom mìn xong là những nhát cuốc bổ xuống để vỡ đất trồng ngô, sắn. Phải mất hàng chục năm trời, người dân mới phủ xanh lại những vùng đất chết, yên tâm lao động sản xuất trên những thửa đất “sạch”.

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Sau tiếng nổ lớn của việc phá hủy bom mìn là trả lại vùng đất sạch và xanh cho khoai sắn, cao su mọc lên, để người dân an cư lạc nghiệp, trẻ em đến trường không còn vất vả, lo âu.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Lê - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 tổ chức, dự án phi Chính phủ nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn có tổ chức Công đoàn thuộc Công đoàn cơ sở Sở Ngoại Vụ tỉnh Quảng Trị như: RENEW, MAG, Cây Hòa bình Việt Nam… với hơn 900 đoàn viên, người lao động.

Công việc này có tính chất nguy hiểm, đối diện với rủi ro, dù luôn áp dụng các biện pháp an toàn cũng như huấn luyện nghiêm ngặt, nhưng đã có trường hợp bị thiệt mạng trong quá trình làm nhiệm vụ. Làm công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ nhưng họ không được hưởng chế độ công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm là rất thiệt thòi cho người lao động. Vì vậy, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh cùng với Sở LĐ-TB&XH đã kiến nghị đến các cơ quan có liên quan, đề nghị sớm xem xét, giải quyết.

“Và tin mừng đến với người lao động khi nguyện vọng của họ đã được lắng nghe, xử lý”. Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Lê nói và cho biết thêm: Theo đó, Thông tư số 19/2023 của Bộ LĐTBXH về việc ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - thì nhiều nghề, công việc thuộc lĩnh vực xây dựng, vận tải, thương binh và xã hội đã được bổ sung. Trong đó có công việc “Trực tiếp rà phá bom, mìn, vật liệu nổ; xử lý bom, mìn sau rà phá” đã được bổ sung trong danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại VI).

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Theo tính toán, Quảng Trị sẽ phải mất hàng chục năm mới thực sự khắc phục được hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Mặc dù số vụ tai nạn do bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đã giảm dần theo thời gian, nhưng mối nguy cơ ẩn sâu trong lòng đất vẫn chực chờ phát nổ bất cứ lúc nào nếu chủ quan.

Dù vậy, khi được hỏi, những người làm công việc rà phá bom mìn như anh Thành, chị Linh, chị Khuyên… đều khẳng định: “Chúng tôi không sợ nguy hiểm, vì nếu sợ đã không chọn công việc này, dù đã có những người đồng nghiệp vĩnh viễn nằm xuống”.

Và giờ đây, những nơi họ đi qua, màu xanh cây cối và nhiều công trình được mọc lên. Với họ niềm vui lớn nhất là nhìn thấy bà con có thể an tâm tay cày tay cuốc trên những mảnh đất đã hồi sinh….

Những người hồi sinh “vùng đất chết”

Video: Một ngày làm việc của người hồi sinh “vùng đất chết”

Bài viết nằm trong chuyên mục ĐỜI THỢ của Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Bài viết: TRẦN LƯU – TRƯỜNG SƠN

Ảnh: ĐVCC

Đồ họa: AN NHIÊN