|
Sau cánh cổng trường với tấm biển hiệu chưa kịp chỉnh trang lại khi cơn bão số 3 tràn qua, từ dãy các phòng học của Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng (quận Kiến An, TP Hải Phòng), vang vọng tiếng đánh vần của trẻ nhỏ - thứ âm thanh có thể thấy ở bất kỳ ngôi trường tiểu học nào. Nhưng ở đây có chút vấp váp và chưa tròn vành, đôi khi xen lẫn tiếng hét, tiếng dỗ dành ủi an. Khiếm thị, đa tật, thiểu năng trí tuệ liên quan đến thị giác,... là bệnh mà các học sinh không may mắn mắc phải. Việc dạy và học của thầy lẫn trò trở nên khó khăn bội phần. Căn phòng nhỏ cuối hành lang cạnh khu hiệu bộ có tiếng nhạc lớn. Cô và trò đang cùng nhau tập văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Không trang phục biểu diễn phô trương, cũng không cầu kỳ đạo cụ, chỉ có cây loa lớn cùng vài chiếc micro và tiếng động viên không ngừng, mấy cô cậu học trò cứ thế tự tin thể hiện tài lẻ của mình. Vài hôm nữa lên sân khấu hát tặng thầy cô, các em sẽ mặc áo trắng, sơ vin gọn gàng, trước ngực cài khăn quàng đỏ, nét mặt trẻ thơ trở nên háo hức lạ kỳ. Phía dưới, ánh mắt người giáo viên phụ trách ánh lên sự tự hào. Đứng nhìn học sinh từ phía ngoài ô cửa, cô giáo trẻ Vũ Thị Hoa nghẹn ngào: “Chẳng thể nào diễn tả được niềm vui sướng khi thấy các con dám đứng trước đám đông và thể hiện bản thân, nói ra cảm nhận của mình. Dạy và chăm chúng mỗi ngày, với chúng tôi, đó là món quà ý nghĩa nhất, quý hơn bất kỳ bó hoa, giỏ quả nào ngoài kia”. - Cô ơi! Cô Hoa ơi về lớp đi, không có cô Hoa không học được! - một cậu học sinh chừng 7 tuổi, tay lần theo bức tường, cố với gọi sau khi nghe thấy giọng cô chủ nhiệm. Vội nắm lấy đôi bàn tay bé nhỏ, cô giáo nhẹ nhàng vỗ về: “Đây rồi, cô trò mình cùng về lớp nhé”. Để tạo không gian riêng cho học sinh thảo luận nhóm, cô giáo Hoa vẫn thường ra phía ngoài, quan sát các con từ xa. Chỉ được dăm ba phút không thấy tiếng cô, lũ trẻ sẽ nháo nhác tìm kiếm. Nhưng đó cũng là một trong những phương pháp mới mà cô giáo Vũ Thị Hoa nghĩ ra, nhằm kích thích khả năng, thế mạnh của từng trẻ. Khác với những lớp học thông thường, bàn ghế trong lớp cô Hoa được xếp thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 3-4 học sinh, bao gồm cả trẻ khiếm thị, trẻ tự kỷ và trẻ đa tật, ngồi thành vòng tròn. Giáo viên đảm nhiệm vai trò quản lý chung, nhưng mỗi nhóm sẽ có một học sinh làm “thủ lĩnh”, tổ chức hoạt động. Một phương pháp tưởng chừng chỉ có thể áp dụng với học sinh bình thường. “Chẳng hạn với một bức tranh, bạn bị tự kỷ có khả năng sao chụp sẽ mô tả lại cho bạn bị khiếm thị. Bạn bị khiếm thị có khả năng nghe nhanh và kỹ năng xử lý tốt sẽ truyền đạt lại việc cần làm với bức tranh này. Bạn còn lại có thể đa tật nhưng lại viết rất nhanh nên sẽ ghi chép lại và cả nhóm sẽ có sản phẩm để trình bày lại với cô. Mục tiêu của tôi là các con được đóng góp, tham gia ở bài tập, để không cảm thấy lạc lõng và giúp các con tự tin với thế mạnh của mình”, chị Hoa chia sẻ. Trong khi nhóm khác đang lên bảng trả bài, Hoàng - một học sinh đa tật, mất một bên tai tự động đứng dậy, đi về phía cô giáo và muốn nói gì đó. Việc bị giảm một nửa thính lực khiến khả năng nói của Hoàng hạn chế, khó nghe. Được cô giáo mời về chỗ ngồi nhưng em vẫn tiếp tục hành vi của mình và hét lớn. Ân cần lắng nghe và nhìn vào những dòng chữ nguệch ngoạc trong vở nháp mà Hoàng đang cố gắng viết, cô Hoa như hiểu ra vấn đề mà em đang gặp phải. Cậu ta “tố” bạn học khác đã viết chữ vào vở của mình. Cô giáo nhanh chóng trấn an học trò và hẹn sẽ xử lý khi kết thúc tiết học. Nhưng hình như hôm nay Hoàng “hư” hơn mọi khi. Cậu bé vẫn chưa đồng tình, tiếp tục quấy phá, cố gắng dùng tay quay đầu, hướng mắt cô giáo về phía người bạn đã trêu mình. Sau nhiều lần dỗ dành, cô Hoa buộc phải nghiêm giọng, chỉ tay về chiếc bàn đơn nơi góc lớp, cạnh bàn giáo viên, Hoàng mới chịu nguôi ngoai. Đó là bàn kiểm soát hành vi, được dùng khi học sinh gặp vấn đề cần được theo dõi riêng. Cô giáo Vũ Thị Hoa tâm sự: “Tình trạng học sinh bị kích động như vậy là khó tránh khỏi. Việc cần làm là bình tĩnh quan sát, lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân, thay vì vội vã đề nghị các con im lặng. Trong trường hợp kích động là do tự bộc phát từ bên trong, tôi sẽ tìm cách tách con ra khỏi môi trường hiện tại và giúp con giải tỏa cảm xúc. Có thể lđưa con đến một góc sân vắng người để con hét thật lớn, hoặc dẫn con đến phòng đọc sách để con lấy lại bình tĩnh, sau đó mới quay trở lại lớp”. Khẽ xoa nhẹ những vết sẹo trên mu bàn tay do từng bị học sinh kích động cắn, cô Hoa tâm sự: “Có thể coi đó là dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp đó. Mình đau một, thì chúng đau mười. Tôi đã từng chứng kiến những em còn tự làm đau bản thân bằng cách cào rách vết thương cũ chưa kịp lành. Thương các con nhưng chẳng thể làm được gì. Đó là động lực thôi thúc tôi phải tìm ra phương pháp giáo dục can thiệp hiệu quả cho những học sinh đặc biệt này”.
Với mong muốn trẻ đặc biệt được học hòa nhập như bao bạn khác, cô Hoa tiếp tục đăng ký học và thi cao học Giáo dục Tiểu học ngay khi vừa sinh con đầu lòng. Cô giáo trẻ cũng không ngừng tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp dạy tiên tiến, mới lạ, phù hợp cho trẻ đặc biệt để cân nhắc áp dụng với học sinh của mình. Đến bây giờ, cạnh chồng sách giáo khoa, giáo án, vẫn có một xấp dày những tài liệu mà cô Hoa tranh thủ đọc khi rảnh rỗi. Từ thái độ không hợp tác, không muốn nói chuyện với cô, các em được cổ vũ, động viên để hiểu rằng, mình có thể hát, có thể giới thiệu bản thân với cả lớp. Cái ngưỡng an toàn vô tình trở thành ranh giới kìm hãm sự hiếu kỳ, mong muốn tìm hiểu vạn vật, cũng dần dần được xóa bỏ. Những tâm hồn không lành lặn nhờ thế được chữa lành bởi tình yêu con trẻ của nhiều thế hệ thầy cô, bao trùm mỗi căn phòng học “i tờ”.
|
|
|
|
Trong gần 20 giáo viên của Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng, có một thầy giáo đặc biệt hơn cả. Hành trang theo thầy đến lớp là chiếc balo đã sờn vải, cặp kính đen và chiếc gậy làm bằng inox để… dò đường. Con đường đến phòng dạy Tin học phải đi bao nhiêu bước, qua bao nhiêu ô cửa, thầy Lê Trung Cường đã nắm rõ “trong lòng bàn tay”. Lần theo hành lang và tìm ổ khóa để mở cửa, thầy Cường nhanh chóng bật các thiết bị điện, đón học sinh vào tiết. Thầy Cường cũng là một người khiếm thị. Khác với những phòng học Tin khác, phòng học Tin của trẻ khiếm thị chỉ có hai hàng máy, kê sát vào hai bên tường, thay vì để giữa lối. Mỗi máy đều được thiết lập chế độ giọng nói, để khi thao tác, học sinh có thể theo dõi hoạt động các chương trình. Nhìn những ngón tay thoăn thoắt gõ phím, nhấn chuột, chẳng ai có thể nghĩ, sự “chuyên nghiệp” này đến từ những học sinh khiếm thị. - Thầy Cường dạy chúng em hết đó ạ! - là câu trả lời đầy tự hào của những đứa trẻ nơi đây khi được ai đó khen ngợi về khả năng học Tin học của mình. Vốn sinh ra với đôi mắt sáng, lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 7 tuổi, cậu bé Lê Trung Cường bỗng phải đối mặt với căn bệnh được chẩn đoán là viêm giác mạc khô, khiến thị lực suy giảm rõ rệt. Những vết vằn đỏ ngày một nhiều, kèm theo đó là những ngày nằm viện đằng đẵng, những cơn đau tê tái khi phải tiêm đủ loại thuốc và nỗi đau đớn tột cùng khi mọi thứ trước mắt chìm hẳn vào bóng tối khi anh 15 tuổi. Từ ngày không còn nhìn thấy ánh sáng, Cường bắt đầu hành trình học lại lớp 1 năm 13 tuổi, học hết cấp 2, cấp 3 rồi thi vào hệ Cao đẳng Sư phạm của Trường Đại học Hải Phòng. Những năm tháng đầy gian khổ đó giống như một cuộc “quẫy đạp” không ngừng nghỉ, không tuyệt vọng trong bóng tối của anh. Ở đó, cậu học trò có số phận hẩm hiu được đón nhận ánh sáng tri thức và ánh sáng tình thương của những người thầy. Chính sự cổ vũ, động viên, đồng hành của những người như thầy tại Trường Nuôi dạy thanh thiếu niên mù khi ấy đã trở thành động lực, thôi thúc anh tiếp nối hành trình làm thầy sau này. 20 năm làm thầy, chẳng thể nhớ nổi biết bao câu chuyện buồn vui với học trò. Kỷ niệm với một học sinh cá biệt từng vì bồng bột, nghịch ngợm mà lấy trộm tiền của thầy, có lẽ là khó quên nhất với thầy Cường. Trái với nhiều người, thầy Cường chọn im lặng và quan sát, thay vì gọi học sinh này đến nói thẳng. Thầy kể: “Mình vờ gọi trò đến và nhờ quét lớp, tiện tìm giúp thầy một trăm ngàn đánh rơi. Vậy là “anh ta” tiện đó kêu tìm thấy rồi gửi lại mình đúng số tiền đã lấy. Sau này, khi trao đổi với phụ huynh mình mới biết, cha mẹ của trò đã phát hiện ra việc con mình trộm tiền của thầy và yêu cầu đến trả lại thầy, nhưng vì ngại nên cứ lấp lửng mãi”, thầy Cường khẽ cười dịu hiền. Chính sự bao dung và ấm áp ấy của thầy Cường đã khiến học sinh này thay đổi tính nết, ngoan ngoãn và chịu khó học hơn. Thời điểm trường đông học sinh tập trung, thầy Cường cũng là người đề nghị được ở chung phòng với học sinh này, tình thầy trò nhờ thế mà ngày một thân thiết hơn. Dù gần gũi nhưng học trò vẫn luôn dành cho thầy Cường sự kính trọng, ngưỡng mộ đặc biệt. Chẳng vậy mà đến sau này, khi đã lập gia đình, có em bé, hay gặp những chuyện buồn vui trong cuộc sống, cậu học trò bé bỏng năm nào vẫn gọi điện, tâm sự với thầy Lê Trung Cường. Anh cũng chính là một trong những học sinh mà thầy Cường quý và thương nhất trong lớp lớp thế hệ học trò suốt hai thập kỷ qua. Là tác giả của tập sách “Trong mắt trái tim”, ”Mặt trời luôn bên tôi”, truyện ngắn "Tiếng sáo trên thảo nguyên",... và nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác, thầy giáo Lê Trung Cường trở thành người kể chuyện, mang đến những cổ tích về ông bụt, bà tiên, gửi gắm niềm tin vào cuộc sống, tin vào những điều kỳ diệu có thể đến với những người bất hạnh mà biết sống lương thiện cho con trẻ. Hàng vạn câu hỏi về thế giới ngoài kia, về cuộc sống, cũng được những học sinh đặc biệt tin tưởng nhờ thầy giải đáp, chia sẻ. “Chúng hỏi: “Sao thầy biết nhiều chuyện thế”, mình đáp: “Nhờ việc học và tìm hiểu trên máy tính đó”. Thế là chúng lại thêm thích thú học”, thầy Cường tâm sự. Có lẽ, chính sự kiên cường, ý chí vượt lên số phận của người thầy đặc biệt đã tạo nên bệ đỡ, thôi thúc những học sinh đặc biệt khác cố gắng. Cũng chính sự thấu hiểu, đồng cảm của anh đã trở thành sợi dây vô hình, gắn kết trái tim người thầy với trái tim học trò. Đó cũng là minh chứng cho tình cảm người thầy cứ thế trường tồn, được trao truyền từ thế hệ sang đến thế hệ khác. |
|
Tình thương và sự kiên trì được tất cả thế hệ thầy cô của Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng chọn làm kim chỉ nam trong công tác giáo dục. Thầy giáo Lê Trung Cường trước khi trở thành thầy, cũng là một trong những học sinh đầu tiên được “bà giáo” Nguyễn Thị Thảo dìu dắt. Bùi ngùi khi nhớ về những ngày còn là cậu học trò nhỏ, thầy Cường tâm sự: “Biết học sinh thích nghe ngóng thông tin nhưng chỉ được nghe qua đài, cô Thảo đã đi xin, mượn những bài báo, bài văn hay để đọc cho chúng tôi nghe. Ngày đó khó khăn lắm, cô còn làm thêm vừng, lạc, ruốc mang đến trường để chúng tôi cải thiện bữa ăn”. Giống như thầy Cường, chị Lê Thị Thơ (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cũng không giấu nổi nỗi xúc động khi nhớ về những ngày đầu “chân ướt chân ráo” lên thành phố theo học trường khiếm thị. Vừa bỡ ngỡ vừa lo lắng, được cô Thảo dạy dỗ, động viên, chị Thơ dần trưởng thành, theo học hết cấp ba và thi đỗ vào khoa Văn của Trường Đại học Hải Phòng. Cô con gái nhỏ của chị Thơ sinh ra không may mắn bị khiếm thị, sau này cũng là học sinh của cô Thảo. Chị Thơ còn tiết lộ, vì quá ấn tượng và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho cô giáo năm xưa, mà chị đã đặt tên con gái là Minh Thảo, để gợi nhớ về người mẹ thứ hai của mình.
Nhìn về phía chiếc bàn lác đác vài gói bánh nhỏ, cô giáo Vũ Thị Hoa cười hạnh phúc: “Của tụi nhỏ tặng cô đấy. Thỉnh thoảng thấy cô cáu, hay cô buồn là mang bánh kẹo đến, dúi vào tay để “dỗ” cô. Tôi hay “nịnh” chúng bằng cách đó. Vậy mà chẳng thể ngờ, có ngày mình được nhận lại thứ tình cảm ngọt ngào và đáng yêu thế này từ những học trò khiếm khuyết”. Cô Hoa vẫn thường “khoe” với các đồng nghiệp rằng, không phải thầy cô giáo nào cũng được nhận những món quà đặc biệt từ học sinh như vậy. Tại ngôi trường này, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ dù đang mải chơi, nhưng thấy bóng dáng thầy giáo, cô giáo, liền chạy tới tíu tít, ôm ấp. Dù là gắn bó 2 năm, 20 năm, hay 30 năm, thì với những giáo viên và cả những học sinh đã và đang trưởng thành từ mái trường này, nơi đây vẫn luôn được gọi với cái tên thân mật: ngôi trường hạnh phúc. Chính thứ tình cảm trong sáng và thuần khiết ấy đã trở thành động lực giúp những những người gieo mầm xanh với trẻ em khiếm khuyết thêm vững tin hơn trên con đường đã chọn. Để mỗi năm khi hè đến, cũng là lúc các thầy cô phải chia tay thêm một lứa học trò, nghĩ về ngày tạm biệt, ai cũng nghẹn ngào. Cô giáo Nguyễn Thị Thảo trải lòng: “Hụt hẫng. Đó là điều không thể tránh khỏi. Nhớ tụi nhỏ, nhưng cũng phải để các con đến với chân trời rộng lớn hơn, một tương lai tươi sáng hơn. Chỉ có điều tôi vẫn luôn trăn trở, rằng không biết sau này, cuộc sống của các con sẽ thế nào, khi ngoài kia là muôn vàn khó khăn, thử thách đang đợi chờ...”. |
|