Những lao động “mắc kẹt” ở Đông Anh phấn khởi vì không lo thiếu đói |
5h chiều, anh Hoá đeo khẩu trang, nhét tờ phiếu đi chợ vào túi áo rồi tới nhà văn hoá thôn. Mấy hôm nay, anh và những lao động tự do bị kẹt lại ở thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội đã bớt đi nỗi lo về cái ăn hằng ngày. Sau khi nắm thông tin về sự khó khăn của nhóm lao động, Đoàn Thanh niên xã Kim Chung kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ 6 thùng mì tôm, 20 cân gạo; thôn Nhuế cũng tặng 1 thùng mì tôm, 10 cân gạo. Thỉnh thoảng, bà con trong thôn đem cho mớ rau, quả trứng... để họ không đứt bữa. Hôm nay, anh Tòng Văn Hoá được giao đi nhận rau miễn phí tại Nhà văn hoá thôn Nhuế. Người đàn ông 35 tuổi xếp hàng theo thứ tự, sau một thoáng bối rối, anh chọn mớ rau muống đem về xào tỏi. Anh nói: “Thỉnh thoảng đổi món, ăn luộc mãi cũng chán. Bây giờ không lo đói nữa vì chúng tôi được hỗ trợ rau, gạo, mì tôm, có khi là trứng, hết lại được nhận. Chúng tôi chỉ mong hết giãn cách đi làm kiếm tiền gửi về cho vợ con”. Anh Tòng Văn Hoá tạm yên tâm vì không lo thiếu đói Anh Hoá là người dân tộc Thái, ở bản Nà Khoang, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Sơn La. Một tháng trước, anh bàn với vợ sẽ xuống Hà Nội làm việc, kiếm tiền mua quần áo, sách vở cho các con vào năm học mới. Vợ anh can ngăn chồng đừng đi vì nghe phong thanh tình hình dịch bệnh dưới xuôi phức tạp. Mặc dù vậy, hôm 15/7, anh có mặt ở Hà Nội sau chặng đường dài trên 350 cây số bằng xe khách. “Không xuống thì lấy tiền đâu cho con ăn học”, người đàn ông có 3 đứa con gái, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi, cho biết cảm thấy áp lực nặng nề khi các con sắp vào năm học mới. Nhà anh ruộng nương không nhiều, mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa, thu hoạch vào tháng 11 được khoảng 2-3 tạ, chẳng đủ ăn. Những tháng còn lại thiếu nước, ruộng cạn khô. Trên ngọn đồi cao, anh trồng hơn 200 gốc cà phê nhưng đất khô cằn, cây còi cọc, mùa nắng rụng hết lá, mỗi đợt hái được vài chục cân quả đem ra đầu bản bán với giá rẻ mạt. Năm 2012, anh theo chân một người trong bản xuống Hà Nội kiếm tiền, làm đủ thứ việc: Phụ hồ, trộn bê tông, đào đất, chặt cây, bốc vác…, “việc gì đụng đến chân tay là làm”. Từ đó đến nay, những tháng nông nhàn, anh gọi điện cho mối quen rồi bắt xe xuống Hà Nội. Đổi bữa bằng món cơm rang trong ngày giãn cách Tiền công mỗi ngày từ 200 – 250 nghìn nhưng việc không đều, anh ăn uống tằn tiện, dành phần lớn số tiền kiếm được gửi về cho vợ, nuôi 3 đứa con ăn học và trong lòng luôn ấp ủ mong muốn đẻ cho bằng được một đứa con trai. “Người Thái chúng tôi quan niệm nhà nào cũng phải có con trai, chưa có thì đẻ đến hết trứng nhưng cuộc sống khó khăn thế này chắc tôi không dám đẻ thêm nữa”, anh bộc bạch. Một tuần sau khi Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố, anh Hóa và nhóm lao động hết sạch tiền, chỉ còn ít gạo nấu ăn dè sẻn. Trong lán trại quây tạm bợ nơi góc vườn đầy ruồi, muỗi, mùa đông lạnh thấu xương, mùa hè nóng ngạt thở, họ nằm vạ vật, đếm ngược từng ngày hết giãn cách. Xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La - quê hương của những lao động tự do đang “mắc kẹt” là một xã miền núi nghèo. Việc những thanh thiếu niên, đàn ông, đàn bà rủ nhau rời bản đi làm ăn xa lâu nay chẳng còn xa lạ. Ông Quàng Văn Thương, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Pha nói rằng, trước đại dịch Covid-19 lần thứ 4, địa phương có khoảng 900 người đi làm ăn. Khi dịch bùng phát, khoảng 600 lao động đã kịp hồi hương, còn lại bị kẹt ở một số tỉnh, thành, mà chủ yếu là Hà Nội. “Các tổ chức đoàn thể trong xã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình có con em đi làm ăn xa, nơi địa phương đang giãn cách chịu khó ở yên một chỗ, không đi lại để đảm bảo an toàn. Xã cũng hỗ trợ quà cho một số lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Thương nói. Lán trại của những lao động tự do được dựng tạm bợ trong một mảnh vườn ở thôn Nhuế, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Những ngày qua, cùng ăn ở với nhóm lao động tự do quê Sơn La còn có vợ chồng chị Hằng (SN 1991, quê Sơn Tây, Hà Nội). Vợ chồng chị thuê mảnh đất với giá 1 triệu/tháng, dựng lán trại và nhận việc cho người lao động. Chị kể, mấy ngày đầu trong túi còn tiền, cả nhóm nấu ăn ngày 2-3 bữa đạm bạc. Đám đàn ông thỉnh thoảng tiêu khiển bằng trò chơi đánh bài quỳ, cười nói vui vẻ. Cho đến khi hết tiền, đứt bữa, họ “nằm vạ vật mỗi người một chỗ, ai cũng lo lắng, mắt buồn như muốn khóc”. Có hôm hết cái ăn, một hai người men theo bờ mương gần lán bắt được hơn chục con cua, vài con cá nhỏ, mót ít rau rợ ngoài vườn nấu canh. Được vài bận, cá cua cũng chẳng thấy, họ ngao ngán trở về. Video: Bữa trưa ngày 12/8 của nhóm lao động Thỉnh thoảng, bà Hiền, chủ khu đất nơi nhóm lao động thuê dựng lán, thương hại đem cho ít rau, mua cho chai nước mắm, dầu ăn, túm gạo... “Các cháu mới xuống đây được khoảng 1 tháng, làm vài hôm thì mất việc, bị kẹt lại không về quê được mà cũng chẳng có gì ăn. Tôi thỉnh thoảng giúp cho các cháu được chút nào hay chút ấy”, người đàn bà ngoài 70 tuổi, hiện sống cùng con trai làm nghề tự do mới mất việc vì Covid-19, cho biết. Bà Lê Thị Hiền chở gạo, mì tôm hỗ trợ cho người lao động đang "mắc kẹt" trên mảnh vườn của gia đình bà Hôm 14/8, một ngày sau khi Cuộc sống an toàn đăng tải bài phản ánh về sự của nhóm lao động, chị Hằng nhận được cuộc điện thoại từ chị Phan Thị Nga, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Kim Chung. “Chị ấy rất nhiệt tình, hỏi số người và ngay sáng hôm sau chúng tôi được gọi ra nhà văn hoá lấy quà, rất cảm động. Cánh đàn ông đi nhận quà hỗ trợ về vui vẻ, phấn khởi lắm, bảo mọi người tốt quá! Sau đó bà con trong thôn biết hoàn cảnh, giúp cho cái này cái kia, bây giờ không lo thiếu ăn nữa”, chị Hằng vui mừng chia sẻ. Chị Phan Thị Nga, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Kim Chung nói: “Sau khi đọc bài báo về những , tôi liên hệ xác minh thông tin, lập danh sách và kết nối với nhóm thiện nguyện của anh Quang Huy ở địa phương đề nghị giúp đỡ ngay. Vừa rồi, Thành Đoàn Hà Nội có công văn về việc hỗ trợ 75 suất quà cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn và lao động tự do mất việc do Covid-19 trên địa bàn xã Kim Chung, tôi tiếp tục đưa những lao động này vào danh sách nhận quà, dự kiến mỗi suất trị giá 400 nghìn đồng”. Chị Nga nói rằng địa bàn xã Kim Chung hiện có rất đông công nhân lao động ngoại tỉnh đến ở trọ. Chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội địa phương, các nhóm thiện nguyên liên tục rà soát, lập danh sách những hoàn cảnh khó khăn để trao hỗ trợ nhu yếu phẩm, giúp họ yên tâm “ai ở đâu ở đấy”. |
Ý YÊN |