Top 10 game có thưởng khi tải về - game doi thuong

e magazine
27/07/2023 19:14
Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

27/07/2023 19:14

Lò Văn Dung bắt đầu công việc hằng ngày từ 7 giờ sáng, kéo dài suốt tới 22 giờ đêm. Dung thuộc diện lao động 4 không: không hợp đồng, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế, không phúc lợi. Và vì thế, cậu không cho phép mình được ốm khi mà “cứ nghỉ là hết tiền”.
Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0
Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

Đó là ngày 4/8/2018, chỉ sau khi tốt nghiệp trung học vài tuần, Dung từ Mường La, Sơn La theo anh họ Lò Văn Bính xuống phố tìm việc làm.

Ở bản Lếch, Chiềng Lao, mỗi năm, mảnh ruộng chỉ “to bằng cái quán phở này thôi”, thu được có 16 bao thóc. Dung vẫn nhớ như in là mỗi khi nhà có việc thì mẹ cậu quy gà, quy vịt để có tiền tiêu. Dung chỉ có một con đường. Bởi tiếp tục đi học, sẽ là một gánh nặng với gia đình.

Việt Nam, đang trong thời kỳ dân số vàng, bình quân mỗi năm có khoảng 450.000 người bước vào độ tuổi lao động. Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 70%, thì bình quân mỗi năm trong điều kiện bình thường, sẽ có thêm 315.000 người gia nhập thị trường lao động. Hoặc nói đúng hơn, phải giải quyết 315.000 việc làm mỗi năm.

Với duy nhất mảnh bằng tốt nghiệp, có khi còn chả bao giờ dùng đến, Dung “vừa học vừa làm” cho một công ty may xuất khẩu ở Hải Dương với thu nhập ban đầu khoảng 5 triệu, sau đó là 7 triệu/tháng.

5-7 triệu đồng, từ việc tăng ca bất cứ khi nào có thể, được cậu tính toán chi li từng xu. Cơm 4 anh em tự nấu 500 ngàn chia đầu người mỗi tháng. Nhà trọ 1,2 triệu đồng/tháng chia 4. Phần nhỏ gửi về nhà. Còn lại “nhịn ăn nhịn mặc” - để dành tiền mua xe mô-tô phân khối lớn - ước mơ của cậu.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0Lò Văn Dung với công việc hiện tại là trông xe ở quán phở trên phố Thành Công, Hà Nội - Ảnh: Văn Quân

Lương 5-7 triệu/tháng đã trở thành một trends trên mạng xã hội - để chỉ một mức lương mà sống nổi đã đáng là một thứ có thể flex (khoe khoang).

Năm mà Dung xuống núi đi làm công nhân may, khảo sát chuyên sâu về cuộc sống của công nhân may ở Việt Nam, do Tổ chức Oxfarm và Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: 37% công nhân luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm, để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng; 28% công nhân cho biết tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng. 50% trong số này đã phải vay tiền để mua thức ăn và 6% cho biết vào cuối tháng họ chỉ ăn cơm chan canh suông.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

Dung có một ước mơ là xe mô-tô phân khối lớn. Suốt 4 năm đi làm cậu thậm chí không cả “2 bộ quần áo” tiết kiệm, dồn tiền, vay mượn để mua một chiếc mô-tô R15 giá 71 triệu đồng.

Rồi Chiến sự Nga - Ukraine ập tới khi mà dịch còn chưa qua, Công ty may của Dung gặp khó khăn khi không thể xuất khẩu, không có đơn hàng. Lương của cậu về lại mức “chưa tới 5 triệu”.

Dung đứng trước một bài toán khó: Đảm bảo cuộc sống và trả nợ với số tiền chỉ 5 triệu mỗi tháng.

Ngày 28/11/2022, cậu bỏ việc, chính thức gia nhập đội ngũ 18 triệu người lao động phi chính thức.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

Với 20.000 đồng mỗi giờ “chạy quán cà phê”, Vũ, sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội “kiếm” được 120.000 đồng cho 5-6 tiếng làm thêm mỗi ngày. Vũ, không giấu niềm tự hào rằng đó là cách cậu giúp cha mẹ ở quê nhà...nơi “khó kiếm tiền lắm anh ạ”.

120.000 đồng, tận 6 con số, nhưng nếu làm đủ cả “30 cái nửa ngày” thì số tiền đôi ba triệu ấy chỉ đủ cho cậu trả tiền xăng xe, ăn uống qua loa.

Từ ngày 1/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực, chính thức ấn định mức lương tối thiểu giờ như một cách bảo vệ người lao động.

Hà Nội, Vùng 1, nơi Vũ đang làm việc mức lương tối thiểu được quy định là 22.500 đồng/giờ. Vũ biết điều đó, nhưng cậu cũng hiểu “20.000 là tốt rồi, vì nhiều nơi vẫn chỉ 17.000-18.000 đồng/giờ”.

Khôi, quản lý của Vũ cũng biết mức tiền 20.000 đồng/giờ là “tối thiểu của tối thiểu”, nhưng anh “gãi đầu gãi tai” rằng: Mức lương tối thiểu chỉ áp dụng với những lao động có hợp đồng lao động. Trong khi quán cà phê của anh thì không thể ký hợp đồng với các bạn “chỉ chạy xô 1-2 tháng”. Huống chi “hợp đồng rất rắc rối, rất mất thời gian”.

Những lao động như Vũ hay Dung - (giờ trông xe cho một quán phở trên đường Thành Công), thuộc vào diện 4 số 0: không hợp đồng, không bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không phúc lợi. Luôn xác định tự mình đối mặt với mọi rủi ro. “Ra đường” bất cứ lúc nào. Ốm đau tự chịu. Ngừng tay là không tiền.

Họ, là 2 trong số 18 triệu lao động phi chính thức trong nền kinh tế.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

Phi chính thức, theo cách hiểu của Việt Nam, hiểu là những lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Tức không đơn thuần chỉ 4 số 0.

76,7% số lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm. Cụ thể: hợp đồng thỏa thuận miệng (62,1%) và tỉ lệ không có bất cứ một thỏa thuận nào là 14,6%. Và, gần như tuyệt đối, với tỉ lệ 97% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội - thống kê được ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội công bố tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

“Nói về dịch Covid thì buồn lắm. Đóng cửa! Đóng cửa, và Đóng cửa! Bữa đó là ngày 30/3, cơ sở vẫn mở cửa đón khách, nhưng tới tối, cơ quan abc chạy xuống bắt ký giấy cam kết phải đóng cửa theo đúng quy định của thành phố. Lúc đó cơ sở có khoảng hơn chục nhân viên. Chú cháu động viên nhau thôi cố gắng, chỉ 15 ngày thôi. Nhưng rồi đóng suốt mấy tháng trời. Chú cháu phân nhau ra đi chợ nấu cơm. Hồi đó mua cái loa “thuốc tẩy”, chú cháu “gánh mẹ” suốt mấy tháng. Ai ở đâu ở yên đó thì có việc gì đâu mà làm. “Tụi nó” có tiền là phải gửi về gia đình. Còn đồng nào tiết kiệm được thì cũng tiêu hết đồng đó. Đi làm “như thế này” là lao động chính, là niềm hy vọng của cả gia đình, có tiền đâu chỉ sướng miệng ăn tiêu đâu”- Tâm sự của ông P., chủ một cơ sở massage ở Hải Phòng.

“Tụi nó” trong câu chuyện của ông là những nhân viên làm nghề massage.

Ông P. nói hồi có “gói hỗ trợ trên tivi”, cũng làm hồ sơ, đủ hết, rồi gửi lên phường nhưng kết quả là “có được xu nào đâu”. Cả xấp hồ sơ, nhưng lên phường người ta bảo “Ở đâu thì về đó mà lĩnh”. “Người ta” làm thế cũng đúng. Nhưng điện về quê hỏi thì “người ta” cũng bảo không có.

Chưa/không nhận được tiền từ gói hỗ trợ Covid là một từ khoá với tần suất xuất hiện dày đặc hồi dịch.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0Ông P. - chủ một cơ sở massage tính đếm câu chuyện an sinh với kết quả cuối cùng là những số 0 tròn trĩnh - Ảnh: Đào Tuấn

Nó cho thấy dù cực kỳ quan tâm tới người dân, người lao động, nhưng lưới an sinh vẫn không thể bao quát hết các đối tượng khó khăn, đặc biệt là lao động thuộc khu vực phi chính thức.

Nhưng việc lọt lưới an sinh của nhóm đối tượng này có lẽ là câu chuyện thường niên chứ không chỉ ở các gói hỗ trợ đột xuất.

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tại một Toạ đàm hồi tháng 6 năm nay nhìn nhận tỉ lệ hơn 97% người lao động phi chính thức không tham gia loại bảo hiểm nào đã “dẫn đến tình trạng lọt lưới an sinh" ở phần không nhỏ người lao động.

Lọt lưới an sinh mà ông Tạ Việt Anh nói là “đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản…”.

Cả khi về già nữa, lao động phi chính thức cũng không có các khoản tài chính hỗ trợ như lương hưu, tử tuất, bảo hiểm y tế miễn phí, mai táng phí… Và, rất bất định, họ có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất an toàn tài chính hoặc cuộc sống phụ thuộc vào con cháu, vào xã hội.

Còn Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi thì nhìn nhận đợt bùng phát dịch vừa qua lao động phi chính thức là nhóm chịu tác động nặng nề, nhưng sự hỗ trợ nhận được lại thấp nhất. Do đó, việc mở rộng bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội lên nhóm lao động phi chính thức là để bảo vệ họ tốt hơn, đặc biệt khi gặp rủi ro.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

Ngần Thị Hoa từ Sơn La một mình về Hà Nội tìm việc làm từ 9 năm trước.

“Người cùng bản bảo cứ xuống Mỹ Đình là có người mời đi làm thôi” - Hoa nói.

Năm đó, cô bé mới học hết lớp 9, không quen ai ở Thủ đô. Túi không một xu và mới chỉ “16-17 tuổi gì đó”.

Hôm đó, rất may mắn, Hoa gặp một chú “tổ trưởng bảo vệ” rất tốt. Cô bé được đón về đi làm bảo vệ ở một toà nhà trên đường Phạm Văn Đồng. Chú tổ trưởng tốt bụng còn mua cho cô một chiếc điện thoại rồi trừ lương sau đó. Ít lâu sau, cô về làm việc hẳn cho một quán cà phê.

9 năm, 2 loại công việc giản đơn không đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật, và Hoa chưa từng biết đến bảo hiểm xã hội. Đơn giản là vì Hoa không biết.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0

Ông André Gama, chuyên gia an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế Việt Nam (ILO) từng được Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời, rằng: Để tăng cường các chính sách an sinh xã hội vào nhóm lao động phi chính thức, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bởi “Khi Nhà nước đầu tư một triệu đồng vào an sinh xã hội, sau một năm sẽ tạo ra ba triệu đồng vào GDP tăng trưởng nền kinh tế”.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước, chuyên gia của ILO cho rằng Việt Nam nên áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho tất cả người lao động.

Phải mở ngoặc rằng, không chỉ có ý nghĩa về mặt tăng trưởng kinh tế, bảo hiểm xã hội còn là một thứ “của để dành” cho người lao động.

Nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc đóng bảo hiểm xã hội, cả 4 nhân vật xuất hiện trong bài viết này đều chỉ...cười.

Những nụ cười đầy thông điệp, hoặc họ hoàn toàn không hiểu gì, chưa từng nghe nói về bảo hiểm xã hội, hoặc cho đó là việc khó phức tạp, hoặc vì đó là một chi phí… lãng phí, trong khi cuộc sống còn vô số những khoản chi áo cơm khác cần kíp hơn.

Những lao động 4 số 0 trong công nghiệp 4.0Dung, luôn mang theo một chai nước đi làm, cậu sẽ tiết kiệm kể cả là vài ngàn/cốc trà đá - Ảnh: Đào Tuấn

Dung, trông xe quán phở 20 ngàn đồng/tiếng từ 7 giờ sáng. 12 giờ 30 chuyển sang trông xe ở quán cà phê ngay sát bên đến 22 giờ đêm. Lương, tính ra khoảng 8 triệu. Vẫn không lễ, không Tết, không nghỉ ngơi. Cậu luôn mang theo một chai nước đun sôi để nguội khi đi làm, không phí tiền dù chỉ vài ngàn cho kể cả một cốc trà đá. Trong khi em trai Lò Văn Dẫn, một lao động phi chính thức đang làm việc ở Hải Phòng đang đến “hạn”, phải đi cúng (bái) nhiều quá, mỗi lần mất “tiền triệu”.

Còn Hoa, từng nửa đêm phải gọi grab đi trả chuộc mất 3 triệu đồng cho môi giới để em gái được giải cứu khỏi một nhà hàng trên đường Nguyễn Văn Huyên...giờ chỉ đang cố gắng tích luỹ để “sau này” có thể về quê mở một cửa hàng gì đó.

Với cả hai, những lao động 4 số 0 trong thời đại 4.0, tương lai chỉ đơn giản là ngày mai thức dậy lúc 6 giờ sáng.

PHÓNG SỰ CỦA ĐÀO TUẤN

Ảnh: ĐÀO TUẤN, VĂN QUÂN

Video: TRẦN YẾN, VĂN QUÂN, TUYẾT HẰNG

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động