Những kết quả thiết thực từ các cuộc đối thoại đặc thù của Thủ tướng Chính phủ
Kinh tế - Xã hội - 12/06/2022 18:20 QUỐC THẮNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách”. Ảnh: Ý YÊN |
Từ những câu hỏi, kiến nghị của người lao động
Ngày 29/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La. Đây là cuộc đối thoại lần thứ tư của Chính phủ với nông dân kể từ năm 2016. Có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân, các Hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà khoa học đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập hợp và gửi đến Thủ tướng.
Hôm nay, ngày 12/6/2022, cuộc đối thoại lần thứ sáu với công nhân lao động của Thủ tướng được Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức tại Bắc Giang. Các nhóm vấn đề từ gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân, lao động cũng đã được người đứng đầu Chính phủ giải đáp và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện.
Qua hai cuộc đối thoại trên, những nhóm vấn đề của các câu hỏi, kiến nghị của nông dân, công nhân lao động đã được giải đáp một cách thỏa đáng. Đặc biệt, cả trong hai cuộc đối thoại, Thủ tướng luôn lưu ý về việc các bộ, ngành cần rà soát những vấn đề đã làm được và còn tồn tại của các cuộc đối thoại trước.
“Qua ba cuộc đối thoại trước đây, chúng ta xem những gì đã làm tốt, cái gì chưa làm tốt thì cần rút kinh nghiệm. Đối thoại phải mang lại gì mới, hiệu quả thiết thực” (phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022). Điều đó chứng tỏ Đảng và Nhà nước luôn coi trọng tính chất thiết thực của các cuộc đối thoại: đối thoại là để bàn thảo, tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, chủ trương trên tinh thần nâng cao đời sống của người dân và phát huy nguồn lực để phát triển đất nước.
Hai cuộc đối thoại với nông dân và công nhân, lao động năm 2022 diễn ra rất kịp thời: chúng ta cần có một giải pháp toàn diện để khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19. Đối thoại với nông dân, công nhân lao động trước hết là hướng đến chăm lo đời sống của các lực lượng sản xuất quan trọng của đất nước. Vì chính nông dân, công nhân, người lao động là những người sản xuất các giá trị vật chất cho đất nước.
Mặt khác, một cách tổng thể hơn, các cuộc đối thoại này nhằm mục đích nắm bắt một cách toàn diện về đời sống kinh tế - xã hội của đất nước để Chính phủ đưa ra các chủ trương phát triển kịp thời. Vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, Hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp; vấn đề môi trường ở nông thôn; vấn đề nhà ở, chăm sóc y tế, bảo hiểm xã hội và đào tạo nghề cho công nhân; … mà người lao động đệ trình đều được Thủ tướng hoặc các lãnh đạo bộ, ngành liên quan phân tích dựa trên tình hình thực tiễn và pháp luật một cách thấu đáo.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022. Ảnh: vneconomy.vn |
Ngoài những vấn đề đặc thù của hai cuộc đối thoại nêu trên, làm thế nào để xóa bỏ là trăn trở chung của nông dân và công nhân lao động. Trong nội dung này, ở cả hai cuộc đối thoại, Thủ tướng đều phân tích một cách cụ thể và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan báo cáo thực trạng và đưa ra hướng xử lý. Trong cuộc đối thoại với công nhân lao động ngày 12/6, Thủ tướng cho rằng, với tín dụng đen, chúng ta có hai vấn đề: làm sao để người lao động có thể tiếp cận được với tín dụng chính thức và làm sao để đấu tranh chống lại tội phạm tín dụng đen.
Vấn đề thứ nhất được ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải đáp: “Ngay tại đây, chúng tôi chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn: Fe Credit (Ngân hàng VPBank) và Công ty Tín dụng (Ngân hàng HD Bank) cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để gói vay đáp ứng các nhu cầu chính đáng của công nhân.
Để làm được điều này, về phía Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát cho vay, đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân. Ngân hàng Nhà nước rất mong có sự phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để bảo đảm cho vay đúng đối tương, đúng mục đích với mức lãi suất bằng 50% lãi suất hiện nay”.
Với vấn đề thứ hai, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an trao đổi với công nhân, lao động bằng quyết tâm cao: “Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12 và chúng tôi sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin các phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để nâng cao ý thức tự giác cho công nhân và người dân. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này. Qua đó, để phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để hoạt động tín dụng đen. Chúng tôi cũng rà soát ngành nghề kinh doanh thường bị tín dụng đen lợi dụng để núp bóng và siết chặt quản lý, triệt phá các tổ chức này, mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”.
Trong vấn đề này, ý kiến của đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là rất đúng với thực tế: “Hiện nay, hệ thống bán lẻ của các ngân hàng chưa quan tâm đến đối tượng công nhân lao động. Để công nhân lao động có thể dễ dàng tiếp cận được với tín dụng chính thức, sắp tới, chúng tôi sẽ bàn thảo với các ngân hàng thành lập các chi nhánh tín dụng ở các khu công nghiệp”.
Đại diện công nhân lao động tỉnh Bình Dương tham dự Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022. Ảnh: QUỐC THẮNG |
... đến những kết luận tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ
Trong hai cuộc đối thoại, Thủ tướng đều khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, khẳng định vai trò, vị thế của nông dân, công nhân trong quá trình phát triển của đất nước.
Mục đích của các cuộc đối thoại cũng được Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến, đặc biệt của người lao động. Trên cơ sở đó, chúng ta hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện. Tất cả vì mục tiêu hạnh phúc, ấm no của Nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động. Việc lắng nghe, đối thoại, chia sẻ để hiểu nhau và cùng trách nhiệm lo toan. Đây cũng là trách nhiệm chung của bộ, ngành, địa phương và các chủ thể có liên quan”.
Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải thẳng thắn rút kinh nghiệm những gì chưa làm được để làm tốt hơn, đáp ứng với nguyện vọng, mong muốn của công nhân về đời sống, công ăn việc làm, được nâng cao trình độ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thông điệp “an ninh, an toàn và an dân” được Thủ tướng nhấn mạnh trước những trăn trở của người lao động về công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Thủ tướng căn dặn các địa phương cần lắng nghe cuộc đối thoại hôm nay để rút ra những điều làm được tốt thì tiếp tục phát huy, những điều chưa tốt thì nhanh chóng khắc phục, phối hợp với các ban, bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để góp phần xử lý những nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.
Như vậy, các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân, công nhân lao động là một hình thức tương tác đặc thù, thiết thực và hiệu quả. Một mặt, mục đích của các cuộc đối thoại này là để giải quyết những vấn đề cụ thể, mặt khác, còn là định hướng để hoàn thiện chính sách pháp luật đối với nông dân, công nhân lao động. Điều đó thể hiện tinh thần xuyên suốt trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta: chủ trương, chính sách luôn đi từ nguyện vọng thiết thực và chính đáng của người dân.
Cuộc đối thoại đặc thù của Thủ tướng Chính phủ Đối thoại là một hình thức tham vấn giữa các bên nhằm đưa ra sự đồng thuận, những quyết định thỏa đáng cho các thành phần mang tính quan hệ. Mục đích của đối thoại là để cải thiện các biện pháp, chính sách, góp phần hoàn thiện các quan hệ xã hội. Khung đối thoại trong lĩnh vực lao động thường được định hình bởi ba phương diện: hình thức đối thoại, cấp độ đối thoại và thành phần đối thoại. Hình thức có thể là đàm phán, tham vấn hoặc chia sẻ thông tin giữa các bên. Thông thường, chúng ta có 3 cấp độ đối thoại: cơ sở lao động, cấp địa phương và cấp quốc gia. Thành phần đối thoại có thể là sự tham gia của hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) hoặc giữa ba bên (người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ). Như vậy, khi nói đến đối thoại là chúng ta nghĩ đến sự tham gia của người lao động và bên trực tiếp sử dụng lao động. Đối với những vấn đề liên quan đến chính sách quốc gia, các văn bản từ các cuộc đối thoại có thể được đệ trình lên chính phủ (như là bên thứ ba tham gia gián tiếp). Công đoàn các cấp đảm nhiệm việc tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ hoặc đối thoại khi có yêu cầu. Người lao động có thể đề xuất các nguyện vọng của mình đối với các cấp lãnh đạo thông qua Công đoàn các cấp. Như vậy, những cuộc đối thoại với nông dân, công nhân lao động của Thủ tướng Chính phủ trong nhiều năm qua là một hình thức tương tác trực tiếp đặc thù. Chúng ta thấy, hình thức đối thoại này vừa mang tính chất là những cuộc đối thoại xã hội vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt, gắn bó mật thiết của Đảng và Nhà nước đối với người lao động. Đặc biệt, điều đó cho thấy tinh thần dấn thân của người đứng đầu Chính phủ được đề cao hơn hết. Nghĩa là, người đứng đầu Chính phủ không những muốn trực tiếp nghe những phản ánh, đề xuất của người lao động, hiểu những tâm tư, nguyện vọng, đời sống của người lao động mà còn đề cao tinh thần thiết thực trong những quyết sách của quốc gia: chính sách phải phù hợp và phát huy tác dụng đối với người lao động. |
Toàn cảnh buổi đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân lao động Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại Bắc Giang sáng 12/6/2022, với chủ đề “Công ... |
Thủ tướng đề nghị xử lý dứt điểm việc nợ, trốn đóng BHXH Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp xử lý dứt điểm ... |
LĐLĐ Thanh Hóa tiếp tục tổng hợp kiến nghị của công nhân gửi đến Thủ tướng Đồng chí Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết, do thời gian của chương trình đối thoại giữa Thủ tướng ... |
“Mong muốn trong các năm tới, điểm cầu Đà Nẵng sẽ được đón Thủ tướng” Đó là nguyện vọng của cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung (Giáo viên Trường Mầm non Tiên Sa, Đà Nẵng) bày tỏ khi tham gia ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 15:34
Không phô trương, ồn ào, Nissan Navara âm thầm trở thành chiếc xe bán tải có chỗ đứng vững vàng trong lòng khách Việt.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 14:33
Trong tháng 8/2024, tỉnh Vĩnh Phúc chào đón thêm 2 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự kiện này góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 14:28
Tin đồn Suzuki Swift ngừng bán rộ lên sau khi website của Suzuki Việt Nam không còn xuất hiện tên sản phẩm này.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 12:34
Kia Carnival k hông đơn thuần là một bản facelift mà đã thay đổi với diện mạo trẻ trung, hiện đại hơn, cùng hàng loạt trang bị công nghệ mới.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 09:30
Có 5 loại hình bảo hiểm giao thông phổ biến tại Việt Nam hiện nay, trải rộng trên các lĩnh vực bảo hiểm khác nhau, bao quát toàn bộ lợi ích liên quan đến người và phương tiện mà họ đang sử dụng.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 09:08
GX thế hệ mới không giống bất cứ một chiếc Lexus nào trước đây. GX 550 mang dáng vẻ vuông vức độc đáo, động cơ tăng áp kép V6 cùng khả năng vượt mọi giới hạn.