Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động từ năm 1989. Trải qua chặng đường hơn 30 năm, phong trào đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của các nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên cả nước. |
Những kết quả nổi bật trong hơn 30 năm |
Sáng 26/11, diễn ra buổi tọa đàm về đánh giá hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong CNVCLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: "Từ khi phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được phát động đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành tổng kết 5 lần. Thông qua các lần tổng kết từ các cấp công đoàn, đã cho thấy tính thiết thực và toàn diện của phong trào, vừa làm nổi bật những chuẩn mực, tiêu chí cho mỗi nữ CNVCLĐ, vừa đề cập rõ tới trách nhiệm, cũng như nghĩa vụ, quyền lợi của các lao động nữ đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng chí Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Trong buổi tọa đàm, các cấp công đoàn đã ghi nhận những đóng góp, thành tích tiêu biểu của các cá nhân, tập thể trong công tác chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các nữ CNVCLĐ, đặc biệt là ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đến cuối năm 2019, trên toàn quốc có 9.817.608 thành viên tham gia phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
|
Những khó khăn và hạn chế còn tồn tại |
Mặc dù phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã phát huy những mặt tích cực trong suốt thời gian qua, song bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đó trong buổi tọa đàm: “Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam còn có một vài vấn đề như phong trào chưa đồng đều, định kiến giới vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan, đơn vị. Điều này đã vô tình tạo ra áp lực, gánh nặng cho chị em phụ nữ trong môi trường làm việc, cũng như trong gia đình”. Nhiều ý kiến của các đại điện công đoàn ngành cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tồn tại những vấn đề hạn chế của phong trào. Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn nhận được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai phong trào từ các LĐLĐ tỉnh, thành phố. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến chia sẻ từ đại diện LĐLĐ thành phố Hà Nội: “Cùng với các hoạt động tuyên truyền, các cấp công đoàn thành phố thường xuyên chú trọng tới việc quan tâm lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, giúp cho họ có việc làm và thu nhập ổn định. Có như vậy thì họ mới làm tốt được công tác chăm lo cho cuộc sống gia đình bền vững, hạnh phúc”. Bà Bùi Thị Thanh Giang - Trưởng Ban Nữ công (LĐLĐ thành phố Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm về cách thức thực hiện phong trào hiệu quả thời gian qua. Thông qua những nội dung được trao đổi, nhìn nhận thẳng thắn trong buổi tọa đàm, có thể thấy, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã góp phần tạo được những bước chuyển biến quan trọng, để chị em phụ nữ có thể phát huy được hết phẩm chất, năng lực của mình nhằm tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình một cách khoa học và trọn vẹn, đúng như với tiêu chí mà phong trào hướng tới “no ấm, tiến bộ và hạnh phúc”.
|
Tùng Nguyễn |