|
Những cuộc hồi hương lặng lẽ: Ngủ vạ vật lề đường, hái lá cây làm chiếu Mất việc kéo dài, nguồn thức ăn cạn kiệt khiến nhiều lao động tự do quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc không thể trụ lại Hà Nội. Bất chấp lệnh giãn cách và lời kêu gọi “ai ở đâu ở đấy”, vào lúc nửa đêm, rạng sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, họ lặng lẽ dắt díu nhau rời khỏi thành phố. |
"bọn em rơi vào đường cùng rỒI, KHÔNG VỀ KHÔNG ĐƯỢC" |
8h sáng, nắng trải vàng trên các ngọn cây, tiếng còi xe ô tô khiến Minh giật mình tỉnh giấc. Vợ anh, chị Lò Thị Ót thì chẳng hề chợp mắt, ngồi bần thần nhìn những chiếc xe lao đi vun vút. Vỉa hè bụi bặm phía trước một cửa hàng thời trang đóng cửa vì lệnh giãn cách là nơi ngả lưng đầu tiên của vợ chồng Lò Văn Minh và 11 phụ hồ người dân tộc Thái quê ở Điện Biên trong hành trình đi bộ về quê. Nơi nghỉ chân đầu tiên của vợ chồng Lò Văn Minh (SN 1997) trên hành trình đi bộ về quê - huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên Nhóm lao động đa phần là họ hàng hoặc người cùng xã, xuống Hà Nội đầu tháng 7/2021, ở trong một lán trại trên đường Xuân La. Họ làm việc tại công trình xây dựng gần đó được hơn chục hôm thì Hà Nội giãn cách. Ông chủ thầu cũng mất hút hai tuần sau đó khiến họ lay lắt vì thiếu đói. “Ban đầu nghe ông ấy nói, bọn em tin tưởng lắm, không ngờ về sau lại như thế này. Bây giờ bọn em không ai còn đồng nào trong người, ở lại thì không có gì ăn. Bà chủ nhà bảo sắp tới phải trả tiền thuê trọ, bây giờ không liên lạc được ông chủ, bọn em không biết lấy gì để trả”, Minh (SN 1997) giải thích cho quyết định về quê của cả nhóm. |
“Bọn em đi đến đây lúc hơn 4h sáng, lẽ ra còn đi tiếp nhưng chốt kiểm dịch phía trên kia yêu cầu giấy tờ, kết quả xét nghiệm Covid-19, bọn em không có, họ không cho qua. Cả nhóm đành quay lại nghỉ, đợi chiều tối mát thì tìm cách đi tiếp”. Lò Văn Minh (Điện Biên) |
“Bọn em rơi vào đường cùng rồi, không về không được”, một thanh niên mặt mũi non nớt, đôi mắt lộ rõ vẻ âu lo, tiếp lời. Đó là Lò Tuấn Chương, học lớp 12C9, Trường THPT huyện Điện Biên. Cậu mặc chiếc quần ngố bạc phếch, đi đôi dép lê mòn vẹt đế, hai cẳng chân đen nhẻm bám đầy bụi đường. Năm học mới đã bắt đầu được một tuần nay, cô giáo chủ nhiệm thi thoảng gọi điện, dặn cậu cố gắng “ở đâu ở đấy” cho an toàn. Cậu vâng, dạ cho cô yên tâm chứ không dám nói với cô giáo sự thật rằng ở lại thì không có cái ăn. Nhà Chương nghèo, bố đi làm thuê, mẹ làm ruộng nuôi hai anh em ăn học. Nghỉ hè, Chương đi theo các bác, các anh trong bản xuống Hà Nội làm phụ hồ. Hành trình đầy âu lo của cậu học sinh cấp 3 Lò Tuấn Chương. Cậu mong sớm trở về nhà để đến trường. “Mọi người bảo cứ đi xuống, tự khắc có người nhận vào làm, thế là em đi. Em muốn tranh thủ nghỉ hè kiếm ít tiền trước khi vào năm học mới”, Chương kể. Đưa mắt nhìn xa xăm, cậu tiếp tục trải lòng: “Xuống đây vừa có niềm vui vừa có nỗi buồn, buồn nhiều hơn vui. Buồn nhất là làm 17 hôm mà chưa được lĩnh đồng tiền công nào. Bọn em có hỏi nhưng ông chủ thầu bảo do dịch bệnh, các công trình chưa trả tiền, rồi không liên lạc được với ông ấy nữa”. Mấy hôm trước, cả lán trại sôi nổi bàn nhau về quê, Chương lẳng lặng ra ngoài gọi điện cho bố mẹ và được căn dặn “người ta về thì mình cũng theo về”. “Sáng nay tỉnh dậy, em ăn tạm gói mì tôm sống” Vài tiếng trước khi lên đường, cậu gói ghém quần áo và mấy chiếc móc treo vào chiếc túi xách, nhét thêm 2 gói mì tôm, một chai nước đầy. Hành trang cho cuộc hành trình đi bộ 500 cây số trở về nhà của cậu học sinh chỉ có thế. Đồng hồ vừa chỉ sang ngày mới, một người đàn ông dò bản đồ trên điện thoại dẫn đường cho cả nhóm lặng lẽ rời lán trại. Họ bước đi lầm lũi trong đêm, không dám nói chuyện to tiếng vì sợ gặp phiền toái. Những cái bóng đổ dài trên con đường vắng người qua lại, đi được chừng 20 cây số, đến một chốt kiểm soát ở đường gom Đại lộ Thăng Long, địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội thì phải dừng vì không có giấy tờ. Cả nhóm đành quay lại tìm chỗ nghỉ. Họ vặt lá cây trải lên vỉa hè, nằm vạ vật mỗi người một góc. |
cảnh "màn trời chiếu đất" và chiếc xe kéo của người phụ nữ dọc đường |
11 giờ trưa, tại khu vực cầu chui dân sinh số 16, huyện Quốc Oai, một nhóm lao động gồm 6 người vẫn bước đi miệt mài. Bà Tòng Thị Hơn (SN 1972) người nhỏ thó, mặc chiếc áo đàn ông rộng thùng thình bị bỏ lại khá xa. Bà lê đôi bàn chân trần phồng rộp khó nhọc bám theo đoàn, gương mặt nhăn nhó vì đau đớn. “Rõ khổ! Đoàn cứ đi một đoạn lại phải nghỉ để chờ bà ấy”, ông Lò Văn Bình (SN 1968), người lớn tuổi nhất đoàn nói khi vừa rít xong một hơi thuốc lào từ chiếc điếu chế bằng vỏ chai nhựa. Nhóm lao động liên tục "hạ trại" nghỉ ngơi vì thời tiết nắng nóng Người đàn ông mặt đen sạm nói rằng toàn thân mỏi nhừ vì đi bộ suốt quãng đường dài. Ông ngồi bệt dưới đất, dựa lưng vào gốc cây nheo mắt nhìn về phía người đàn bà lần đầu tiên trong đời xuống Hà Nội, giờ đang thất thểu về quê theo cách chẳng giống ai. “Không liều thì cũng phải liều thôi vì ở đây không còn cái ăn nữa. Chúng tôi sợ dịch không giảm, thêm giãn cách thì càng khó về nên bàn nhau đi bộ, khổ cũng phải chịu”, ông Bình thổ lộ. |
Hồi còn thanh niên, ông Bình từng mang ngựa đi thồ thóc trên bản người Mông, dắt ngựa đi bộ cả ngày trời nhưng ông cho biết không mệt lử như bây giờ. Ông cho biết xuống Hà Nội làm được 8 công thì mất việc. Chủ thầu tằn tiện lo cho cả nhóm ngày 2 bữa nhưng được một thời gian thì đuối, họ tự nuôi nhau bằng tiền công ít ỏi, hết tiền thì bảo người nhà gửi gạo, cá khô xuống, thỉnh thoảng nhận đồ cứu trợ của các nhà hảo tâm. “Tính ra chuyến này lỗ nhiều quá, bây giờ vẫn còn nợ đứa cháu tiền xe”, ông nói rồi chỉ vào Lò Văn Bích (SN 1995), người quyết định mọi việc trong nhóm. |
Bích cho biết, nhóm phụ hồ ban đầu có 8 người thì 2 người đã đi bộ về từ tháng trước. “Bọn em cố ở lại nhưng về sau túng quá, đành phải về”, Bích đưa tay gãi vùng vai mẩn đỏ do dị ứng nước. Là người bươn chải sớm, anh lường trước được cảnh ăn bờ, ngủ bụi dọc đường về quê, dặn mọi người mang theo chăn, màn và một chiếc xoong nhỏ để đun nước pha mì tôm. Họ nghe lời anh, tống mọi thứ có thể vào ba lô, túi xách và 2 cái bao tải rồi mang đi. “Lúc đầu bọn em vác, về sau đau vai quá, dọc đường thấy người ta vứt các hộp nhựa ở vỉa hè thì nhặt rồi buộc dây kéo lê dưới đường, thấy nhẹ hơn. Kéo nhiều nên hộp mòn, gãy hết, đến đoạn nào gặp thì lại thay, mỗi người phải thay hết 2 cái rồi. Sáng nay, có một chị đi qua thấy thương quá, về nhà kéo cái xe này ra tặng cho bọn em. Ai cũng mừng, chất đồ lên xe rồi cánh đàn ông thay nhau kéo”. Anh đập nhẹ bàn tay vào chiếc xe cải tiến cũ kỹ, tươi cười: “Nó nhẹ, còn bon lắm, đỡ mệt hơn hẳn”. |
"Từ Hà Nội về quê em gần 500 cây số, đi bộ chắc mất khoảng chục hôm. Chỉ mong ai cũng khoẻ mạnh để về được quê" Lò Văn Bích (Điện Biên) |
Bích kể: “Bọn em cứ đi, bạ đâu nghỉ đấy, đói thì kê gạch, nhặt củi đun nước pha mì. Bọn em chẳng có bát đũa, nghỉ chỗ nào vót đũa ở đó, lấy vỏ gói mì hứng vào ăn, ăn xong lại đi. 12h đêm qua, bọn em ngủ lề đường, có màn nhưng không có chỗ mắc, chẳng ai ngủ được vì kiến cắn, muối đốt”. Đưa mắt sang cô gái trẻ gương mặt nhễ nhại mồ hôi đang quạt mát bằng chiếc mũ rộng vành, Bích thổ lộ: “Bạn gái em đấy! Gọi là vợ cũng được vì năm ngoái hai gia đình cũng đi lại dạm hỏi rồi nhưng thiếu tiền, bọn em chưa cưới. Em thì thế nào cũng được, chỉ thương nó ít tuổi đã phải theo em ra ngoài kiếm sống, giờ khổ thế này. Nhà nó có hai mẹ con, đã bao giờ nó đi ra ngoài thế này đâu?” Trong số những lao động đi bộ về quê, mỗi người một hoàn cảnh nhưng với họ, Hà Nội là đất kiếm tiền, cực chẳng đã mới phải rời đi theo cách này. Họ chấp nhận một cuộc hồi hương đầy trắc trở, một cuộc trốn chạy khỏi cái đói mà không ngờ được sự gian nan dọc đường. Bởi lẽ, trong đói khổ cùng cực, quê hương vẫn là nơi nương náu bình an của mỗi người. |