Một ngày cuối tháng 7/2023, 5 công nhân ngạt khí, ngất xỉu (có 1 công nhân tử vong sau vụ việc) khi chui xuống cống thoát nước thải thuộc tuyến đường Trần Văn Giàu, huyện Bình Chánh, TP.HCM để dọn vệ sinh, khơi thông cống. Bàng hoàng, xót xa và tâm trí thôi thúc tôi muốn tìm hiểu về cái nghề nguy hiểm đó, đi thực tế để hiểu rõ hơn và cũng để người dân có thêm một góc nhìn, sự sẻ chia, cộng cảm từ tiếng nói của người trong nghề.
Lúc hơn 6 giờ sáng một ngày đầu tháng 8, Đà Nẵng đã có nắng chói chang, phả hơi nóng hầm hập. Tôi nhận điện thoại của vị lãnh đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng báo: “Hôm nay em tới đi cùng anh nhé, anh em công nhân đang khơi thông bùn cống ở tuyến đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê". Tôi vớ chiếc máy ảnh cùng điện thoại để lên đường với tâm trạng hồi hộp… chuẩn bị xuống lòng cống.
Đón tôi, ông Hồ Văn Thắng - Trạm trưởng Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (thuộc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng) cho biết, Trạm có 37 anh em, chia làm 4 tổ, phụ trách địa bàn rộng nhất với toàn bộ hệ thống cống, kênh ở các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và một phần của các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Hòa Vang.
“Khối lượng công việc ở Trạm về nạo vét bùn, dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rất nhiều, nặng nề và vất vả không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng. Anh em làm nghề trong tổ đều thâm niên mấy chục năm, bám đến giờ là cả một hành trình tôi luyện. Ai cũng có chung một tinh thần trách nhiệm, sự hăng say với nghề để cùng làm đẹp cho thành phố từ trong lòng cống", ông Thắng tâm sự.
Công nhân dầm mình trong nước thải đen kịt, hôi thối - Ảnh: NGUYỄN LUẬN |
Anh Nguyễn Trình (SN 1981, quê Thừa Thiên Huế) - Tổ trưởng một đơn vị khoảng 7 anh em công nhân dẫn tôi xuống thực tế công việc. Chiếc cống tôi chui xuống rộng khoảng 1m2. Khi tôi vừa xuống bậc thang thứ 6, mùi hôi thối của đủ loại rác thải đã xâm lấn vào tận... quá mũi, khiến tôi thấy buồn nôn khủng khiếp. Nhìn từ xa, xác chuột chết thối rữa lềnh bềnh giữa dòng nước đen càng làm tôi cố nhịn thở. Cùng lúc đó, trên bờ tường chật hẹp gián bò tứ phía, cả người tôi lúc đó có cảm giác rùng mình, cùng lúc mồ hôi ướt đẫm khắp người do cái nóng hầm hập.
Trong bóng tối ám mùi hôi thối nồng nặc, chỉ le lói miệng cống có ánh sáng chiếu xuống, anh em công nhân như đã quen việc, không ai bảo ai nhanh chóng nhịp nhàng dùng tay, xẻng để nạo vét từng khối bùn nhão, dọn dẹp rác thải đổ vào xô.
“Lên!” - tiếng anh Trình vang to một góc tối, ngay lập tức ở trên đường, hai đến ba công nhân kéo dây dần đưa mỗi đợt hàng chục kilogram bùn nhão, rác thải để bỏ vào nơi tập kết. Anh Trình nói: “Ai lần đầu làm nghề nạo vét, khơi thông cống đều rùng mình, thấy khó thở khi bắt đầu ngửi mùi hôi thối đủ loại rác thải động, thực vật phân hủy, trong khi cả người mình đang chìm vào “biển nước” đen ngòm đó. Nếu gặp xác động vật đang phân hủy mạnh, nồi lềnh bềnh thấy xương, dòi là tới bữa ăn nuốt không trôi. Làm việc, dẫm, đạp phải kim tiêm, mảnh thủy tinh vỡ hay lưỡi cưa, đinh sắt nhọn càng không thể tránh được. Cá nhân tôi làm nghề đến này tròn 20 năm, dẫm đạp biết bao vật nguy hiểm, phải đi chích ngừa để yên tâm làm việc".
Công nhân làm việc trong không gian ngột ngạt, bí bách dưới cống thải - Ảnh: NGUYỄN LUẬN
“Sao anh không chọn nghề khác cho đỡ vất vả, nguy hiểm hơn?”, tôi hỏi.
“Nghề chọn người rồi, mình làm thôi! Mình còn có vợ đang làm chung Trạm. Hồi quen nhau, cô ấy biết mình làm nghề nạo vét cống nhưng không chê bai, ngại gì cả! Vả lại, nghề này thường xuyên có việc, cố làm thì có thu nhập ổn định, khoảng 10 triệu/tháng. Bên cạnh đó, tôi cũng như anh em được khám sức khỏe định kỳ, Công đoàn cũng quan tâm, chăm lo các phần quà. Nhờ đó, hai vợ chồng tôi mới lo được cho hai đứa con đang tuổi ăn học”, anh Trình thật lòng nói.
Theo anh Trình, làm nghề nạo vét, khơi thông cống thải để tránh nguy hiểm cho bản thân, ngoài việc mặc đồ bảo hộ lao động từ Công ty cấp phát đầy đủ, khi xuống làm việc, anh em đều dùng kinh nghiệm để nhận biết nguy hiểm. Đặc biệt, mỗi khi xuống lòng cống, anh em đều lật mở cửa, đợi thoát khí độc trong một khoảng thời gian nhất định.
Rác thải, bùn nhão được công nhân chuyển lên miệng cống bằng xô lớn, trước khi được đưa về nơi tập kết - Ảnh: NGUYỄN LUẬN |
Trong tổ làm việc của anh Trình, tôi chú ý đến ông Nguyễn Đình Thái (SN 1968, quê thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) luôn hăng say trong công việc và không nề hà trong lúc nạo vét bùn thải, khơi thống cống, khi nào cũng nở nụ cười tươi.
Lúc được nghỉ ngơi, uống ngụm nước giữa ca, người đàn ông ở tuổi ngũ tuần mới có thời gian để mở lòng, trút bầu tâm sự với tôi về công việc đang làm. Ngược dòng thời gian về khoảng 16 năm về trước, ông Thái làm công việc xây dựng ở các công trình. Công việc bữa có bữa không, lương không đủ nuôi gia đình. Trong một lần đi trên đường, ông Thái thấy anh em công nhân đang nạo vét bùn thải, khơi thông cống trên đường nên tò mò lại xem.
“Lúc đó, anh em hỏi có việc làm chưa? Có muốn về làm cùng không, Công ty đang cần người đấy? Tôi lúc đó không có nghĩ nhiều lắm, gật đầu rồi về cùng làm với anh em, thoáng đã gần 17 năm ròng. Hầu như khắp cống thải, kênh mương mà bị tắc, có chỉ đạo là tôi cùng anh em đi làm việc. Bất kể ngày hay đêm đều đi làm hết, có việc là làm, làm hết mới về nghỉ ngơi. Nếu có mưa bão thì tôi và anh em càng cần phải đi làm, nhiều ngày không về nhà; công việc là kiểm tra khơi thông cho cống không bị tắc, ngập đường và trụ sở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, không gây thiệt hại”, ông Thái nhớ lại.
Ông Thái tranh thủ uống nước khi vừa chui lên khỏi miệng cống - Ảnh: NGUYỄN LUẬN |
Giống như anh Trình, ông Thái cũng tiếp xúc, dần quen và đến nay không còn sợ mùi hôi của xác động vật phân hủy, đã quen với nguy hiểm do dẫm đạp hay mò bằng tay trúng kim tiêm, mảnh thủy tinh vỡ, vật sắc nhọn mà người dân vô tình vứt hay bị nước cuốn trôi xuống cống.
Ông Thái bộc bạch: “Làm nghề này, gặp cống nước lớn phải dầm mình trong nước thải, hay làm việc để nước thải vô tình đổ lên khắp cả người là khó tránh khỏi. Mùa nắng đỡ cực hơn, làm mùa mưa có khi dầm mình trong nước thải nhiều tiếng đồng hồ mới xong việc. Hồi mới làm, đêm về gãi khắp cả người, gãi chảy cả máu, uống thuốc cũng không đỡ. Thế rồi theo thời gian, cơ thể dần quen rồi! Không còn sợ nữa. Vợ con cũng rất hiểu công việc của tôi, khi bước ra khỏi nhà là dặn dò làm cẩn thận. Có thể nhờ lời dặn mỗi khi ra khỏi nhà, tôi cẩn trọng nên may mắn chỉ 1 - 2 lần dẫm phải vật sắc nhọn. Kiểm tra cũng ổn nên chưa tiêm mũi ngừa nào. Trời thương".
Cách nơi làm việc của anh Trình, ông Thái thuộc Trạm xử lý nước thải Phú Lộc khoảng 12km, các công nhân thuộc Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân cũng tất bật dọn bùn, khơi thông cống. Ông Phan Đức Chung, Trạm trưởng, cho biết, địa bàn đơn vị phụ trách là lưu vực thu gom nước thải dọc đường Thăng Long đưa về Trạm Hoà Xuân (một phần Hoà Cường Nam, Khuê Trung, Hoà Thọ Đông); toàn bộ địa bàn Hoà Xuân (không bao gồm khu vực của Sun Group), Hoà Châu và Hoà Phước.
“Chúng tôi có nhân sự là 30 công nhân trong đó biên chế 17 người, còn lại thuê thời vụ. Nhân lực duy trì kênh hồ, vệ sinh bảo dưỡng tuyến thu gom nước thải, nạo vét bùn cống dọc đường, nạo vét cửa thu mương thu nước mưa là 17 người, kể cả thời vụ. Việc thu gom xử lý nước thải đạt 1,3 -1,4 triệu m3/ tháng. Bên cạnh đó, duy trì 11 kênh hồ điều tiết, nạo vét bùn 200-300m3, nạo vét mương thu 1.700-2.000 cái/ tháng, tùy theo kế hoạch được duyệt. Anh em có khối lượng công việc nhiều, vất vả gắn với mùi hôi thối thường trực. Bên cạnh lương được nhận, nếu không hăng say, không yêu nghề thì anh em khó bám trụ được”, ông Chung chia sẻ.
Ông Đặng Minh Thông có 20 năm làm công nhân nạo vét cống thải - Ảnh: NGUYỄN LUẬN |
Tại Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, các anh em công nhân nạo vét bùn, nạo vét mương thu nước thải cũng đều có thâm niên làm việc từ 10 - 20 năm. Trò chuyện với tôi là công nhân Đặng Minh Thông, đã có 20 năm làm việc trong lòng cống; toàn bộ khu vực hệ thống cống thải, kênh mương ông Thông đều rành rọt, hiểu từng vị trí nước sâu, nguy hiểm nhờ kinh nghiệm. “Ở trong hệ thống cống, có thể nói đó là một thế giới mà chẳng ai muốn vào vì không gian chật hẹp, bốc mùi hôi thối, thiếu khí nên nguy hiểm tính mạng luôn thường trực. Nếu ai sợ không gian chật hẹp, tối tăm, hoặc bị bệnh huyết áp, bệnh tim thì khó mà làm được. Lúc mới xuống cống, mắt còn chưa quen, quáng gà vì nhìn một màu đen kịt. Một lúc sau, mắt dần quen mới thấy rõ. Làm ban đầu ai cũng không chịu được mùi hôi, tiếp xúc dần rồi quen, còn chưa quen xuống nôn vài lần là khó tránh khỏi. Những khi dầm mình trong dòng nước thải, về nằm ngủ ngứa ngáy, da mẩn đỏ. Nhiều lúc xúc, hốt bùn, đi lại tôi cũng nắm hay dẫm phải vật nguy hiểm như kim tiêm, đinh sắt nhọn - những thứ chưa bao giờ tôi nghĩ là người ta vứt xuống cống", ông Thông chia sẻ.
Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, anh em công nhân đều thật lòng, nếu có cơ hội chọn lại vẫn tiếp tục làm nghề nạo vét, khơi thông cống thải. Theo họ, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai”. Công việc vất vả nhưng anh em đều cố gắng làm để có thu nhập, nuôi con ăn học. “Chỉ mong đời con cái học cái chữ, trưởng thành, làm việc đỡ khổ hơn mình - là cha mẹ tôi ước mong vậy!”, ông Thông bộc bạch.
Tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH về Danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành đã nêu rõ, nghề nạo vét bùn cống ngầm đô thị thuộc điều kiện lao động loại VI. Đây là công việc được mô tả là thủ công, nặng nhọc, hôi thối, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí.
Tại Thông tư 07/2005/TT-BNV có nêu rõ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Nếu làm việc dưới 04 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, còn trong trường hợp làm việc từ 04 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCSTV Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng Huỳnh Trung Nhân cho biết: Về lương của người lao động làm nghề nạo vét bùn, khơi thông cống thải, hiện nay bên cạnh việc được chi lương cơ bản theo hệ số quy định thì người lao động Công ty được hưởng tiền phụ cấp độc hại. Ngoài ra, Công ty có chi thêm tiền ăn giữa ca, xăng xe, điện thoại cho người lao động.
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng có 203 lao động và đó cũng là con số đoàn viên Công đoàn. Công ty quản lý 806km cống với đường lớn hơn 10m, cống liên phường; quản lý 30 tuyến kênh với tổng chiều dài gần 27km; 19 hồ, tổng diện tích 108ha; 158 cửa xả. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty thu gom được 21 triệu m3 nước thải, bình quân 3,5 triệu m3/tháng. Về công tác nạo vét, đã triển khai nạo vét các tuyến Nguyễn Lương Bằng, cống Mê Linh, Bạch Đằng, Hùng Vương, Lê Duẩn,.. Khối lượng khoảng 415m3 bùn. Công nhân, người lao động Công ty cũng đã xử lý bùn tảo trên hồ Trung Nghĩa 2, cá chết hồ Đò Xu, kênh B24, sông Phú Lộc,...
“Nếu nói về công việc của công nhân lao động trực tiếp nạo vét bùn, khơi thông cống thải đang làm việc ở Công ty thì tôi chỉ tóm gọn ba từ: "rất vất vả". Nếu không yêu nghề, không hăng say, không chịu cực, vượt qua bao khó khăn, vất vả thì khó có ai làm việc lâu dài được. Anh em công nhân Công ty đều yêu nghề, đều vượt qua được khó khăn để bám trụ công việc nặng nhọc đến giờ, thâm niên đều từ 15 đến hơn 20 năm”, Chủ tịch Công đoàn cơ sở thành viên Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tâm sự.
Công đoàn Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các cháu là trẻ em khuyết tật, con em của công nhân lao động. |
Cũng theo vị Chủ tịch, công việc của công nhân rất vất vả, nặng nhọc lại ẩn chứa nguy hiểm nên lãnh đạo Công ty và phía Công đoàn luôn quan tâm, chăm lo những gì tốt nhất cho anh em. Cụ thể, người lao động đều được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, dụng cụ lao động khi làm việc; hàng năm, mọi người đều được tập huấn về công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường bởi trực tiếp chuyên gia; Công ty mời y bác sĩ ở bệnh viện, người có chuyên môn về tập huấn công tác sơ cấp cứu, cứu nạn cứu hộ để kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Đồng chí Huỳnh Trung Nhân bày tỏ niềm vui khi thông báo, từ khi thành lập Công ty đến nay, không có xảy ra tai nạn lao động đối với anh em công nhân nạo vét bùn, khơi thông cống thải. Anh em công nhân Công ty đều được khám sức khỏe định kỳ, tư vấn các bệnh nghề nghiệp và cách phòng, tránh; Công ty và Công đoàn rất quan tâm tới lương, thưởng cho mọi người.
Theo số liệu đồng chí Huỳnh Trung Nhân cung cấp, từ năm 2019 đến năm 2022, thu nhập người lao động tăng từ 9 triệu đồng/người/tháng đến 10,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mức lương tăng từ 3% đến 5%. Trong các dịp lễ, Tết từ 2019 đến 2022, Công ty và Công đoàn đều tặng quà với tổng giá trị gần 700 triệu đồng; thanh toán lương, thưởng đầy đủ để kịp thời động viên đoàn viên, người lao động chăm lo cuộc sống tốt hơn.
Công đoàn Công ty rất quan tâm tới việc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động trong việc ổn định cuộc sống. Có thể kể đến như hỗ trợ xây dựng 4 nhà ở và sửa chữa 3 nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 209 triệu đồng; hỗ trợ cho đoàn viên bị bệnh với số tiền hơn 110 triệu đồng và còn nhiều hoạt động chăm lo ý nghĩa khác.
“Những gì tốt nhất, trong khả năng luôn được Công ty và Công đoàn vận dụng, hỗ trợ, chăm lo cho anh em. Chính vì điều đó, tập thể anh em công nhân đều yêu quý nhau, nỗ lực làm việc và đồng hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi luôn mong mỏi để anh em công nhân nạo vét, khơi thông cống, kênh bớt vất vả, mỗi người dân thành phố cần nâng cao ý thức hơn, hãy vứt các loại rác thải đúng nơi quy định, không để trôi hoặc vứt thẳng xuống cống, kênh. Nếu rác thải ít thì việc nạo vét, khơi thông dễ hơn, mỗi khi mưa bão thành phố không bị ngập úng, đô thị trở nên văn minh - xanh - sạch đẹp”, đồng chí Huỳnh Trung Nhân chia sẻ.
PHÓNG SỰ CỦA NGUYỄN LUẬN ẢNH: NGUYỄN LUẬN VIDEO: NGUYỄN LUẬN, TRẦN YẾN, TUYẾT HẰNG ĐỒ HỌA: AN NHIÊN |