|
Thất nghiệp, bị phong tỏa, phải tuân thủ “ai ở đâu ở yên đó” tại phòng trọ,…nhiều công nhân lao động tại Đà Nẵng rơi vào thế khó trong đợt dịch lần này đang rất cần hỗ trợ từ chủ trọ và tổ chức Công đoàn. |
Gồng gánh chi phí mùa dịch |
Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống của tất cả người dân, đặc biệt hàng trăm công nhân, người lao động ở các khu nhà trọ. Căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 20m2 tại 108 Đồng Kè (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) là nơi che nắng che mưa cho gia đình anh Châu Tấn Trường (30 tuổi) và chị Hoàng Thị Minh (26 tuổi) cùng 4 con nhỏ. Dãy trọ nơi anh Trường sinh sống có 16 phòng (giá thuê 1 triệu đồng/tháng) do bà Phan Thị Huệ quản lý toàn những hộ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. |
Nhiều công nhân thực hiện nghiêm "ai ở đâu ở yên đó" tại các phòng trọ. |
Gần 2 tháng nay, khi Đà Nẵng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, anh Trường thất nghiệp. Trước đó, anh là thợ sơn vôi, công việc vốn còn nhiều bấp bênh. Vợ anh, chị Minh, là giáo viên tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn nên cũng đã thất nghiệp từ lâu. Gia đình 6 người không có nguồn thu nhập. Không những thế, những ngày toàn thành phố “ai ở đâu ở yên đó”, chi phí sinh hoạt của gia đình anh Trường cũng cao hơn trước. Tiền điện, nước ngót nghét 500 nghìn, cộng thêm tiền trọ 1 triệu đồng/tháng dần trở thành gánh nặng trên vai hai vợ chồng. |
Cũng chạy cơm từng bữa, ở dãy trọ đối diện, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nhi (23 tuổi, nhân viên công ty lữ hành) đang xoay xở để kiếm thêm một thùng mì tôm. “Trước ngày Đà Nẵng phong tỏa, rau củ quả lương thực nhiều nơi bị đội giá, lao động nghèo không thể mua nổi. Tiền ăn không có, tiền thuê trọ càng không thể trả nổi”, chị Nhi than thở. Dịch bệnh khiến cuộc sống của anh Trường, chị Nhi rơi vào cơn bĩ cực. Với họ lúc này, mong muốn lớn nhất vẫn là bữa cơm tươm tất hơn cho gia đình và giảm được thêm chi phí tiền thuê trọ. |
Tấm lòng của những chủ trọ |
Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người thu nhập thấp, người lao động ngoại tỉnh sinh sống làm việc ở các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, hỗ trợ những trường hợp khó khăn. |
San sẻ cùng khó khăn của công nhân, từ đầu năm 2021, dù chỉ là người quản lý, bà Huệ đã nhiều lần thỏa thuận với chủ trọ để giảm tiền thuê cho các hộ gia đình khó khăn. 2 tháng gần đây, thương dân lao động nghèo, bà Huệ cố gắng thuyết phục chủ trọ miễn tiền thuê phòng tháng 6, tháng 7 cho toàn bộ dãy trọ công nhân. Đồng thời, bà Huệ bỏ tiền túi mua 10kg gạo, mắm muối, mì tôm,… để hỗ trợ cho những phòng trọ thiếu ăn. Suất quà không nhiều vì bà Huệ cũng không phải người dư dả. “Gạo, mì tôm là để giúp cho mấy đứa khỏi bị đói trong 7 ngày tới. Ngoài vận động chủ trọ, tôi cũng tích cực tìm kiếm các suất hỗ trợ từ các mạnh thường quân để đem về cho công nhân nghèo”, bà Huệ chia sẻ. |
Khu vực quận Liên Chiểu là nơi tập trung nhiều công nhân ở trọ. Không chỉ mình bà Huệ, nhiều chủ trọ khác cũng cố gắng giảm tiền thuê, hỗ trợ thực phẩm cho người khó khăn qua cơn bĩ cực. Ông Trần Ngọc Sang (kiệt 120/2 Nguyễn Lương Bằng) cho biết qua nhiều đợt dịch đã nhiều lần giảm giá phòng xuống đến mức gần như không giảm được nữa (500 nghìn đồng/phòng 15m2). Trong khi đó, những lao động rời Đà Nẵng về quê được ông giữ phòng miễn tiền trọ. Công nhân khó khăn phải ở lại được ông cung cấp lương thực với tinh thần “mình ăn gì thì công nhân ăn nấy”. |
Các cán bộ công đoàn và chủ trọ trong khu cách ly, phong tỏa tích cực phân phát nhu yếu phẩm đến người lao động. |
Ông Hà Văn Thảo - Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 3 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết ngoài ông Sang có đến 4-5 chủ nhà trọ trong tổ tự quản cam kết sẽ giảm giá, hỗ trợ cho công nhân trong đợt dịch lần này. Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch LĐLĐ quận Liên Chiểu cho hay thông qua kênh zalo nội bộ, các tổ trưởng Tổ công nhân tự quản sẽ báo cáo những trường hợp công nhân đặc biệt khó khăn để LĐLĐ quận có hướng hỗ trợ, cứu giúp kịp thời.
|