Những chiếc tủ đựng tài sản bị bỏ quên, đánh rơi của người lao động |
Tại doanh nghiệp có tới 13.000 công nhân lao động, việc người lao động (NLĐ) rơi, mất đồ, bỏ quên đồ dùng cá nhân, trong đó có những món đồ rất giá trị là việc thường xuyên xảy ra. Do vậy, BCH Công đoàn đã chủ động phối hợp, tham mưu cho Ban Giám đốc Công ty lắp đặt những chiếc tủ để đựng tài sản cá nhân bị thất lạc của NLĐ, và để "chủ nhân" các món đồ thất lạc đến lấy về. |
Nhặt được của rơi, gửi ngayvào tủ |
Kể từ năm 2020, sáng kiến lắp đặt các tủ đồ để chứa tài sản bị thất lạc của NLĐ đã được BCH Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (KCN Lễ Môn, TP. Thanh Hóa) áp dụng nhận được sự phấn khởi, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đoàn viên, NLĐ trong Công ty. Là doanh nghiệp đông lao động nên NLĐ thường xuyên rơi, mất đồ, bỏ quên đồ dùng cá nhân trong nhà máy, trong đó có nhiều đồ dùng quan trọng như giấy tờ tùy thân, thẻ ATM, điện thoại,… Với mục đích quan tâm hơn đến NLĐ, chia sẻ những khó khăn đối với NLĐ, đặc biệt là những NLĐ không may bỏ quên, đánh rơi hoặc mất đồ để họ yên tâm công tác sản xuất, không phải mất thời gian hay xin nghỉ làm để đi làm lại các giấy tờ tùy thân của mình, BCH Công đoàn đã tham mưu, đề xuất với Ban Giám đốc Công ty nên lắp đặt các tủ chứa vật dụng bị thất lạc của NLĐ trong Công ty, đồng thời, đây cũng là địa chỉ cho ai bị thất lạc đồ đến lấy lại. Nhận được sự ủng hộ của Ban Giám đốc, 16 tủ đồ đã nhanh chóng lắp đặt (đảm bảo mỗi phân xưởng, mỗi bộ phận có 2 tủ) và triển khai, thực hiện hiệu quả từ năm 2020. Tủ được thiết kế đẹp, chắc chắn, an toàn và được đặt ở các vị trí thuận lợi đối với NLĐ. Khi lắp đặt xong các tủ đồ tại tất cả các xưởng, BCH Công đoàn tiếp nhận ý kiến phản hồi từ NLĐ, từ đó bổ sung phù hợp với thực tế như địa điểm đặt, thời gian khóa và mở tủ. |
Đồng chí Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Công đoàn Công ty (ngoài cùng bên trái) trong một dịp trao trả đồ bị thất lạc cho NLĐ. |
Đồng chí Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Công đoàn Công ty - "chủ nhân" của sáng kiến này cho biết: "Chúng tôi thống nhất với lãnh đạo công ty, với quản đốc, trưởng bộ phận các xưởng về cách bảo quản tủ và trả lại đồ cho NLĐ bị rơi, bỏ quên, đánh mất. Nhiệm vụ bảo quản tủ đồ và khóa tủ được bàn giao cho bộ phận bảo vệ của Công ty, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân trong tổ bảo vệ. Đồng thời, quản đốc phân xưởng cũng có nhiệm vụ đảm bảo cho đồ không bị thất thoát". Cuốn sổ cập nhật tài sản Cán bộ, công nhân viên bỏ quên, đánh rơi. |
Tài sản bỏ quên, đánh rơi được bàn giao đến NLĐ được ghi lại chi tiết. Các tài sản nhặt được, tài sản bàn giao cho người mất đều được ghi lại chi tiết trong sổ để làm cơ sở tra cứu, thống kê. Ngoài ra, công tác trao trả các vật dụng đều tuân thủ theo đúng quy định đặt ra. Công đoàn đã phối hợp với Phòng Hành chính - nhân sự của Công ty chỉ đạo các xưởng, tổ công đoàn thường xuyên thông báo trên hệ thống loa phát thanh nhà máy để nâng cao tinh thần "nhặt được của rơi trả người đánh mất" cho NLĐ. Đồng thời, cho họ biết về thời gian trao trả các vật dụng cá nhân và tài sản bị thất lạc. Chỉ đạo ban chấp hành các xưởng, bộ phận, tổ trưởng công đoàn các xưởng phối hợp với chuyên môn thông báo và tuyên truyền cho người lao động biết và thực hiện đúng theo kế hoạch và nội quy tủ đồ. Từ khi triển khai đến nay, không thể kể hết có bao nhiêu món đồ thất lạc đã được bàn giao tận tay cho NLĐ. Riêng trong năm 2020, BCH Công đoàn đã tuyên truyền, vận động được khoảng 10.800 đoàn viên, công nhân lao động tham gia, hưởng ứng và trả lại đồ cho NLĐ, tổ chức 21 buổi bàn giao, với gần 224 NLĐ nhận lại đồ của mình, trong đó có nhiều vật dụng giá trị cao như ví tiền, điện thoại... |
Khi lòng tốt được tôn vinh |
Chị Đỗ Thị Lan, công nhân bộ phận Kiểm kim, Phân xưởng 5 - người đã nhặt được sợi dây chuyền vàng giá trị đã không ngần ngại mang sợi dây chuyền xuống BCH Công đoàn để vào tủ đồ, nhờ Công đoàn thông báo cho người mất đến nhận lại. "Buổi sáng hôm đó, tôi vừa ăn sáng xong, đang cúi xuống rửa tay thì nhìn thấy sợi dây chuyền nằm ở đó, đoán là ai đó vừa đánh rơi, tôi nhặt lên về xưởng hỏi thì không ai nhận, tôi mang xuống Công đoàn luôn. Tôi đoán, sợi dây chuyền đó giá trị cả chục triệu chứ không ít, nên người đánh mất chắc đang lo lắng, xót xa lắm! Khoảng 3 tiếng sau, tầm 10h sáng thì Quản đốc phân xưởng 6 dẫn theo một em gái vẻ mặt hớt hải đến gặp tôi xin lại đồ, vậy là tôi bảo em xuống phòng Công đoàn làm thủ tục nhận lại. Em gái cảm ơn và còn mua hoa quả mời cả tổ sản xuất của tôi nữa. Mọi người đều mừng cho em, và bản thân tôi thấy vui vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa!" |
Lễ tôn vinh đối với công nhân lao động sản xuất giỏi, có nhiều sáng kiến, sáng tạo và được của rơi trả lại đồ được tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân hằng năm. |
Chị Lan cho biết, đây không phải lần đầu chị nhặt được tài sản có giá trị ở công ty. Đã có lần chị nhặt được vàng, lần nhặt được tiền... nhưng lần nào cũng vậy, chị đều nhờ các anh Tổ Bảo vệ và Công đoàn thông báo trên loa phát thanh và trả lại cho người mất. Chị quan niệm "của thiên trả địa", mình không nên tham tài sản của người khác, trả lại cho họ đồ cũng là một việc làm thiện lành tích đức cho con cái. Không riêng chị Lan, còn rất nhiều tấm gương khác đều có nghĩa cử cao đẹp như chị. Hằng năm, Ban Giám đốc công ty và BCH Công đoàn đều tổ chức khen thưởng cho những cá nhân đó. Đơn cử như năm 2020, đã có 30 cá nhân "nhặt được của rơi, trả người đánh mất", với món đồ giá trị trên 5 triệu đồng được khen thưởng đột xuất và được biểu dương trong Lễ tôn vinh đối với công nhân lao động sản xuất giỏi, có nhiều sáng kiến, sáng tạo và được của rơi trả lại đồ được tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân. "Tủ đồ không chỉ giúp NLĐ nhận lại giá trị vật chất là những món đồ bị thất lạc, mà trên hết là ý nghĩa về tinh thần, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa NLĐ, tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện và niềm tin ngày càng sâu sắc vào tổ chức công đoàn với những việc làm thiết thực", đồng chí Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ.
|
NLĐ hạnh phúc khi nhận được món quà từ BCH Công đoàn nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6. |
Thực hiện: HỒNG NHUNG ẢNH: CĐCC |