bí quyết vàng để có thỏa ước lao động tập thể chất lượng |
Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là mục tiêu, cũng là trăn trở của cán bộ công đoàn nhằm mang lại nhiều quyền lợi nhất cho đoàn viên, góp phần giảm thiểu những mâu thuẫn trong quan hệ lao động. |
|
Thực hiện trước những nội dung dự định đưa vào TƯLĐTT |
Đồng chí Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (Bình Dương) vui mừng chia sẻ, Ban chấp hành công đoàn của chị gần như chưa từng thất bại trong các cuộc kí kết TƯLĐTT. “Một phần do doanh nghiệp mình kinh doanh tương đối ổn. Ban lãnh đạo công ty biết lắng nghe và chia sẻ với công nhân lao động và tôn trọng cán bộ công đoàn. Nhưng quan trọng nhất vẫn phương pháp, cách thức đề xuất, cũng như nội dung đề xuất của công đoàn”, đồng chí Phạm Thị Tuyết Nhung cho biết. "Những nội dung đưa vào thỏa ước thì công đoàn phải thực hiện từ trước rồi. Ví dụ chưa chốt được định kì để đưa nội dung đó vào thỏa ước thì sẽ đề xuất với Ban lãnh đạo để triển khai luôn, qua vài lần thực hiện mà thấy ổn, không vấn đề gì về kinh phí, được người lao động hưởng ứng thì khi kí thỏa ước mới mình sẽ đưa vào. Việc thực hiện trước đó là bằng chứng tốt nhất để thuyết phục được Ban lãnh đạo chấp thuận", Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam nói. |
Đồng chí Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam đi kiểm tra bữa ăn ca của người lao động. Ảnh: Đ.T |
Đồng chí Nhung kể: “Từ vài năm trước, công ty đã tăng cường thêm món tráng miệng vào các bữa ăn cuối tuần; vào các ngày kỷ niệm thì công ty sẽ hỗ trợ để có bữa ăn chính đặc biệt, chi phí gấp đôi bữa ăn bình thường. Việc này chúng tôi thấy thực hiện cũng ổn, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng trong thỏa ước thì chưa có. Bởi vậy, khi kí thỏa ước mới, chúng tôi lấy nội dung đó đưa vào, lãnh đạo duyệt luôn vì đã hiểu được, thấy được ý nghĩa của hoạt động này, công nhân lao động thì rất phấn khởi”. Ngoài ra, xuất phát từ thực tế, công nhân đi làm ca đêm cũng tâm sự với Công đoàn là rất mệt mỏi, mất sức… nên mong muốn được bồi dưỡng thêm. Công đoàn nhận thấy, đây là nhu cầu chính đáng và đã đề xuất Ban lãnh đạo, ngoài chế độ tiền tăng ca đêm theo quy định của Bộ luật lao động, sẽ tăng thêm tiền tăng ca đêm 5000 đồng/tiếng. Sau vài lần thương lượng lương thì công đoàn đã thuyết phục được lãnh đạo công ty phê duyệt chính sách này và hiện nay đã đưa vào TƯLĐTT. “Tính ra, nếu làm thêm 2 tiếng đêm/tháng thì người lao động sẽ được thêm mấy trăm ngàn đồng mỗi tháng”, đồng chí Nhung nhẩm tính. “Như năm rồi, chúng tôi mới đưa vào trong thỏa ước tiền trợ cấp đặc biệt, mỗi tháng 100.000 đồng/cho nhân viên dự bị (chiếm 5% nhân sự mỗi chuyền, là những người cần nhiều kỹ năng để thay thế cho người vắng mặt mỗi ngày ở các mảng việc khác nhau). Trước đó họ không có trợ cấp gì, nhưng những bạn đó phải học chuyên môn nhiều hơn những người khác, nên họ cũng bị thiệt thòi vì không được ghi nhận xứng đáng. Công đoàn tiếp xúc, lắng nghe tâm tư của các bạn, thấy nguyện vọng rất chính đáng nên đã đề xuất với lãnh đạo, và lãnh đạo cũng đã đồng ý. Các bạn rất vui mừng, phấn khởi, thêm quyết tâm và động lực để làm việc chăm chỉ hơn nữa”. “Thêm một tin vui nữa, năm nay công ty sẽ ban hành quy định về trợ cấp cho người đa kỹ năng. Ví dụ, công nhân đơn thuần chỉ có 1 kỹ năng nhưng những nhân viên dự bị như trên có từ 3 kỹ năng trở lên, có người còn có tới 20 kỹ năng. Công ty sẽ xét lại các trợ cấp kỹ năng để xây dựng quy định về mức thưởng các kỹ năng, ví dụ chia theo mức độ: 3-5 kỹ năng (50.000 đồng/tháng); 6-10 (100.000 đồng/tháng)... Công đoàn đang lên dự toán, sẽ áp dụng cho năm 2025”, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, nói. Đối với Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, TƯLĐTT được xây dựng trên cơ sở những việc công ty đã thực hiện để hợp thức hóa nên không khó, còn trước đó khi thuyết phục công ty chấp nhận mới là khó. Bởi vậy, ngoài việc chuẩn bị kỹ những nội dung thỏa ước, việc chọn thời điểm để yêu cầu cũng rất quan trọng. “Khi công ty kinh doanh có lời thì khả năng nhận được đồng thuận sẽ cao hơn và ngược lại, tình hình kinh doanh đang không ổn thì mình chỉ xét lấy nội dung nào cần thiết, quan trọng thì đưa vào thỏa ước, còn lại để sang năm chứ không đưa tất cả. Bởi vì nếu đưa tất cả mà không đạt được thỏa thuận thì công nhân lao động sẽ không được gì”, đồng chí Phạm Thị Tuyết Nhung chia sẻ. Video: Đồng chí Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (Bình Dương) chia sẻ kinh nghiệm để ký kết TƯLĐTT đạt chất lượng tốt. |
“Lùi 1 bước để tiến nhiều bước” |
Đó là bí quyết để có những cuộc thương lượng thành công của Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) - Phạm Thị Bích Hải. “Thời gian đầu khi mới nhận trách nhiệm chủ tịch công đoàn, tôi cũng hay gặp thất bại trong các cuộc thương lượng với Ban lãnh đạo công ty. Khi đó, tôi đã băn khoăn, trăn trở rất nhiều, không biết mình cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho gần 5000 người lao động. Gặp thất bại, có lần khiến tôi phát khóc do cảm giác mình chưa làm tròn trách nhiệm với đoàn viên của mình và với tổ chức công đoàn. Sau đó tôi mới nhận thấy, thất bại là do tôi chưa biết cách để thương lượng", đồng chí Phạm Thị Bích Hải cho hay. |
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam - Phạm Thị Bích Hải (thứ 5 từ trái qua) luôn hết lòng vì đoàn viên, người lao động. |
“Cần sự chuẩn bị, sự chu đáo, cần tìm hiểu những nội dung dự định thương lượng sẽ ảnh hưởng gì, những căn cứ thuyết phục Ban lãnh đạo công ty đồng thời tìm hiểu các công ty xung quanh đang làm như thế nào. Từ tất cả thông tin đó đưa thành một bản đề xuất hoàn chỉnh, và cần cân nhắc thời điểm nào nên đưa ra nội dung thương lượng đó”, nữ chủ tịch công đoàn đúc kết. “Ở công ty chúng tôi, tháng 9 hằng năm là thời điểm dự toán cho năm sau nên chúng tôi sẽ đưa các đề xuất vào trước thời gian này. Hoặc các thương lượng liên quan đến tài chính sẽ đưa vào tháng 4, vì đây là thời điểm Ban lãnh đạo sẽ điều chỉnh dự toán trong năm”. “Những thương lượng liên quan đến tài chính nhìn chung là khá khó khăn. Chúng tôi có một kinh nghiệm là vẫn đưa vào các nội dung thương lượng dù biết sẽ không thành công, nhưng sẽ biết được lý do vì sao Ban lãnh đạo từ chối, và đó là tiền để để chuẩn bị tốt hơn cho những lần sau. Lùi 1 bước để sau đó tiến nhiều bước hơn" - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam chia sẻ. Đồng chí Phạm Thị Bích Hải cho biết, tần suất thương lượng của CĐCS Công ty ToTo Việt Nam diễn ra thường xuyên với rất nhiều vấn đề, nên cần linh hoạt trong cách thương lượng. "Tôi xem mỗi cuộc thương lượng là cơ hội để công đoàn và doanh nghiệp chia sẻ với nhau, từ đó thấu hiểu nhau hơn, giúp cuộc thương lượng thành công. Từ những cuộc thương lượng này, sẽ là tiền đề tốt để xây dựng các bản TƯLĐTT chất lượng", nữ chủ tịch công đoàn nói. Video: Đồng chí Phạm Thị Bích Hải chia sẻ trong chương trình Talk Công đoàn do Tạp chí Lao động và Công đoàn sản xuất. |
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng – Lê Văn Đại. |
Mục tiêu mỗi năm tăng thêm 5% TƯLĐTT đạt loại A |
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng – Lê Văn Đại cho biết, hiện Đà Nẵng mới có 82% doanh nghiệp kí được TƯLĐTT. Trong đó, 19 đơn vị có TƯLĐTT đạt loại A, chiếm 6-7% số doanh nghiệp kí được TƯLĐTT. Đà Nẵng đặt mục tiêu mỗi năm tăng thêm 5% và hết nhiệm kì 2023-2028 sẽ đạt 30% TƯLĐTT tập thể đạt loại A. “Kế hoạch của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng trong năm 2024 sẽ kí được thỏa ước nhóm, ngành đối với các trường mầm non ngoài công lập. Chúng tôi sẽ làm thí điểm tại quận Liên Chiểu và nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng công cụ để quản lý, cảnh báo về thỏa ước, khi thỏa ước đến hạn, hết hạn thì cảnh báo cho CĐCS biết để kí lại, đảm bảo quyền lợi liên tục cho người lao động”, đồng chí Lê Văn Đại cho hay. “Chúng tôi đặt mục tiêu, các thỏa ước sau cố gắng đảm bảo ít nhất như thỏa ước trước. Thực tế thì vẫn còn một số thỏa ước sao chép luật, không có nhiều quyền lợi cho người lao động. Chúng tôi đang hướng dẫn các CĐCS đưa vào thỏa ước những thỏa thuận về tiền lương, biên độ nâng lương… là điều khoản quan trọng nhất để đảm bảo thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, có thêm các phúc lợi khác như hỗ trợ tiền giữ trẻ, tiền thuê nhà, tháng lương 13...”. Đồng chí Lê Văn Đại chia sẻ, vai trò của CĐCS, sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của các bản TƯLĐTT. "LĐLĐ định hướng, không nên chờ đạt được đồng thuận ở tất cả các nội dung thì mới kí thỏa ước. Ví dụ, trong thương lượng 6 nội dung nhưng nếu đạt 2, 3, 4 nội dung thì mình vẫn nên kí, rồi năm sau tiếp tục thương lượng để đạt được các nội dung còn lại. Bởi vì, nếu cứ chờ đủ mới kí thì thiệt thòi sẽ thuộc về người lao động của mình!”, đồng chí Lê Văn Đại nói.
|
Bài viết: HỒNG NHUNG Ảnh: CĐCC |