Nhức nhối 200 NGHÌN người lao động bị nợ BHXH và đề xuất cơ chế giải quyết đặc thù
Hơn 200 nghìn người lao động (NLĐ) đang bị nợ BHXH và thiệt thòi về quyền lợi. Đây là con số được Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như LĐLĐ một số tỉnh, thành phố tập trung đông công nhân lao động đề nghị Chính phủ chỉ đạo, sớm có phương án xử lý, tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam diễn ra sáng 1/2/2023. |
Công ty Cổ phần Tập đoàn Châu Thành (Khu công nghiệp Châu Đức) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung phản ánh trước cửa doanh nghiệp vì bức xúc đối với việc nợ lương, nợ BHXH. Ảnh: THÀNH AN |
Bức xúc vấn đề nợ BHXH kéo dài… gần 100 tháng
Tại nhiều địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và công nhân lao động, nợ BHXH đang tiếp tục là vấn đề “nóng”. Tại tỉnh Bắc Giang, Giám đốc BHXH tỉnh - Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, tổng số tiền nợ BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp là 225 tỷ đồng. Hiện tỉnh vẫn còn 7 doanh nghiệp nợ kéo dài, khó thu hồi với số tiền hơn 27 tỷ đồng; 154 đơn vị dừng hoạt động, giải thể, chủ bỏ trốn, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền là 54,1 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi, chưa có hướng giải quyết. Khó khăn trong công tác thu hồi nợ là chế tài xử lý đối với những đơn vị vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT chưa đủ mạnh; quy trình xử lý, khởi kiện đối với những đơn vị cố tình vi phạm còn phức tạp, thậm chí một số đơn vị mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm. Hiện chưa có phương án xử lý do chủ vắng mặt, dừng hoạt động, không còn tài sản để thu hồi trả nợ. |
Công nhân Công ty Khóa Minh Khai mang băng rôn, biểu ngữ đứng trước cổng toà nhà Tổng Công ty Cơ khí xây dựng - đơn vị chủ quản. Ảnh: CNCC |
Theo Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Trong đó, có tình trạng lao động nữ nghỉ thai sản đến… hơn 2 năm vẫn chưa được giải quyết chế độ. Tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng nợ bảo hiểm dây dưa kéo dài với số tiền lớn, có đơn vị nợ kéo dài... hơn 100 tháng. Theo BHXH tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến 759,9 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH 519,6 tỷ đồng, nợ BHYT 111,7 tỷ đồng. Một số đơn vị nợ BHXH dây dưa, kéo dài như: Trường TH - THCS - THPT Lê Quý Đôn (huyện Tân Phú) nợ 123 tháng với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Thành Lân (huyện Xuân Lộc) nợ 102 tháng với số tiền hơn 884 triệu đồng… |
Hằng tuần, các công nhân Công ty Khoá Minh Khai xuống đường đòi quyền lợi BHXH - Ảnh: CNCC |
Cơ chế đặc thù để chấm dứt tình trạng thiệt thòi CỦA NLĐ
Các doanh nghiệp nợ BHXH không mới, nhưng điểm nghẽn hiện nay là chưa có phương án xử lý mạnh tay như khởi kiện ra tòa, chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra, do vậy không thể xử lý dứt điểm được. Đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết, theo tổng hợp từ các cấp công đoàn, tính đến hết tháng 9/2022, tổng số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho NLĐ là hơn 22.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5,1% trong tổng số phải thu theo kế hoạch thu của BHXH Việt Nam). Trong đó, số tiền chậm đóng, trốn đóng của các doanh nghiệp, đơn vị đã ngừng hoạt động, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn (không có khả năng thu hồi) khoảng hơn 3.500 tỷ đồng. Tình trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 206 nghìn NLĐ. Những lao động này không chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Tất cả các quyền lợi về BHXH của NLĐ bị “đóng băng”. Nguy hại hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta. Bởi thực tế hiện nay không ít người đang tham gia BHXH, họ nhìn thấy rất nhiều người có tham gia BHXH nhưng bị ảnh hưởng quyền lợi. Không ít người nảy sinh tâm lý không yên tâm, chưa thực sự tin tưởng vào chính sách BHXH nên mới rút ra khỏi hệ thống. Phân tích từ góc độ pháp luật, đồng chí Lê Đình Quảng nhấn mạnh, những chế tài mạnh mẽ nhất là quy định trong Bộ luật Hình sự các tội về gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); gian lận BHYT (Điều 215) và đặc biệt là Điều 216 vê tội trốn đóng, BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn chứng tỏ nhiều vấn đề về cơ chế pháp luật phải tiếp tục được hoàn thiện. |
Công đoàn Quảng Trị kiên trì đòi quyền lợi cho công nhân bị nợ Bảo hiểm xã hội. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Quảng Trị |
"Ví dụ như vướng mắc trong việc xử lý hình sự, người sử dụng lao động có các hành vi vi phạm. Qua thông tin mà chúng tôi nắm được, việc khởi tố, truy tố về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đang gặp không ít khó khăn. Việc thực hiện quy định tại khoản 8 Điều 10 (Luật Công đoàn), Điều 14 (Luật BHXH) cho phép tổ chức Công đoàn được khởi kiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm về Luật BHXH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ cũng đang rất vướng do chưa đồng bộ về mặt pháp luật. Thêm vào đó, quy định của pháp luật hiện hành tuân theo nguyên tắc đóng - hưởng, chính vì thế khi doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng thì tất cả các quyền lợi của NLĐ liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN bị ảnh hưởng. Trước đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã từng đề xuất phương án đặc thù là lấy nguồn tiền từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN hoặc lấy từ tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật BHXH để giải quyết nợ và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Thế nhưng, sau đó một số cơ quan cho rằng, do trong Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Ngân sách nhà nước… không có quy định về việc dùng nguồn tiền này để giải quyết việc doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN nên đề xuất này không được thực hiện. Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn Chính phủ tiếp tục đề xuất với Quốc hội xem xét có quyết sách đặc thù nhằm giải quyết quyền lợi cho hơn 200 nghìn NLĐ bị nợ BHXH kéo dài. Bởi các doanh nghiệp đã phá sản, có chủ bỏ trốn thì không thể thu hồi được phần nợ BHXH này nữa” - đồng chí Lê Đình Quảng cho biết. |
Người lao động Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 từng bị nợ BHXH nhiều năm nay. Ảnh: lozaph.com |
Từ góc độ cá nhân, đồng chí Lê Đình Quảng đề xuất, BHXH Việt Nam cần rà soát rất cụ thể, chi tiết doanh nghiệp và NLĐ nằm trong số này để có phương án giải quyết chế độ cho NLĐ trong khoảng thời gian mà doanh nghiệp và NLĐ đã tham gia BHXH trước đó. Việc sửa Luật BHXH là giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp và tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm về BHXH, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, chậm đóng. Từ đó hạn chế tối đa tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, củng cố niềm tin vào chính sách BHXH của NLĐ. |
Đồng thời, nếu xây dựng được chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, công bằng, bình đẳng và bền vững. thì sẽ thu hút được thêm NLĐ tham gia vào hệ thống và khiến họ cân nhắc kỹ việc lựa chọn ở lại hệ thống để hưởng quyền lợi lâu dài, thay vì rút BHXH một lần. Đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam |
Bài: HÀ VY |