Sau Tết Nguyên đán 2022, vấn đề tuyển dụng tại các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đang được nhiều người lao động quan tâm. Xoay quanh vấn đề này, PV Cuộc sống an toàn có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. |
PV: Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại Hà Nội sau Tết Nguyên đán 2022 như thế nào, thưa ông? Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Việc thay đổi chủ trương phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần đi vào hoạt động bình thường trở lại sau dịp Tết Nguyên đán 2022. Qua đó thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp nhằm phục vụ cho việc mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy, sau Tết Nguyên đán, người lao động cũng hối hả trở lại thành phố để tìm kiếm việc làm sau giai đoạn khó khăn trong quý III/2021. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong quý I/2022 là khoảng 80.000 – 100.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành như: công nghiệp, chế biến, chế tạo; công nghệ thông tin; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kho bãi và vận tải,… |
PV: Theo quan sát của ông thì nhu cầu tuyển dụng năm nay có khác gì so với các năm trước? Nguyên nhân của sự thay đổi đó? Chúng ta đang sống trong thời kỳ thay đổi nhanh chóng khác thường do sự chi phối của nhiều yếu tố như: tiến bộ công nghệ và các xu hướng toàn cầu hóa. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng này ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ khiến cho nhu cầu về nhân lực chất lượng cao tăng mạnh. Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hóa cùng với sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu người lao động có kỹ năng tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Năm nay nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề cao hơn nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do thiếu đơn hàng vì dịch Covid-19 bùng phát diện rộng. Trong khi đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lại gặp nhiều thuận lợi do ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có trên 2/3 nhu cầu tuyển dụng yêu cầu người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong khi các năm trước con số này chỉ chiếm khoảng 40-50% nhu cầu tuyển dụng. |
Người lao động tìm việc sau Tết Nguyên đán
|
PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường lao động ở Hà Nội hiện nay và các nhóm ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lớn? Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, thị trường lao động Hà Nội trở nên cực kỳ sôi động do được nhiều yếu tố hỗ trợ từ sự phục hồi tích cực của kinh tế Thủ đô trong giai đoạn quý IV năm 2021 và những ngày đầu năm 2022. Bên cạnh đó, các luồng lao động dịch chuyển trở lại từ các tỉnh/thành phố lân cận đã góp phần không nhỏ vào sự phục hồi và phát triển của thị trường lao động Hà Nội. Theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau Tết, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Bán buôn, bán lẻ; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; công nghệ thông tin, dịch vụ… PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về nhu cầu tuyển dụng của từng nhóm ngành nghề trên? Ngành Bán buôn, bán lẻ ước tính cần từ 20.000 đến 25.000 vị trí việc làm. Đặc biệt tuyển dụng tăng mạnh nhất tại các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ mặt hàng điện tử, điện lạnh, viễn thông,… Các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng ở vị trí nhân viên, chủ yếu là nhân viên bán hàng, trực tổng đài,… Đối với lao động ngành này, các doanh nghiệp sẽ chi trả mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng cho nhân viên kinh doanh; từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng cho nhân viên bán hàng, nhân viên tổng đài, điều phối bảo hành, nhân viên kho,... và phần lớn các vị trí này không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm làm việc. Người lao động được tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Ngành Chế biến, chế tạo cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính cần từ 15.000 đến 20.000 vị trí. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có ý định mở rộng quy mô sản xuất, tập trung vào tuyển dụng lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật có tay nghề. Năm 2022 hứa hẹn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ đón nhận nhiều làn sóng đầu tư và là điểm đến lý tưởng cho luồng dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ khắp các nước trên thế giới. Ngành Công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao do nhu cầu mở rộng và phát triển kinh doanh trong năm 2022. Đây là ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 nên vẫn sôi động khi các doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng. Theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự giỏi trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) – Dữ liệu lớn (Big Data) – Crypto và Chuỗi khối (Blockchain). Ước tính, nhu cầu tuyển dụng từ 8.000 – 10.000 vị trí, tập trung vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như: nhân viên phát triển IT, nhân viên phát triển phần mềm, UI/UX, DA, BA, lập trình ứng dụng di động, lập trình game... Nơi tiếp đón lao động tham gia tuyển dụng phỏng vấn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Ngành Dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn, du lịch hứa hẹn sẽ là ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bùng nổ trong quý II và các quý tiếp theo của năm 2022. Nhiều chương trình kích cầu du lịch, mở cửa lại đường bay quốc tế và nội địa cùng với việc mở cửa trở lại nhiều điểm du lịch, nghỉ dưỡng thúc đẩy hoạt động của ngành trở nên phát triển và sôi động. Ước tính nhu cầu tuyển dụng của ngành khoảng 10.000 - 12.000 vị trí, tập trung vào một số vị trí như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, lễ tân, nhân viên…
PV: Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tại Hà Nội hiện nay như thế nào? Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tập trung vào một số nhóm ngành như: Bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 36,33% nhu cầu tìm kiếm việc làm; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 16,12%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 13,62%; thông tin và truyền thông chiếm 10,93%; xây dựng chiếm 8,28%… Nhu cầu tìm kiếm việc làm theo mức lương: 0,62% người lao động tìm kiếm các công việc có mức lương dưới 5 triệu/tháng; 22% người lao động tìm kiếm các công việc có mức lương từ 5 triệu đến 10 triệu/tháng; 32,56% người lao động tìm kiếm các công việc có mức lương từ 10 triệu đến 15 triệu/tháng; 15,82% người lao động tìm kiếm các công việc có mức lương từ 15 triệu đến 20 triệu/tháng; 9,51% người lao động tìm các công việc có mức lương trên 20 triệu/tháng. Phần còn lại là người lao động muốn nhận lương theo hoa hồng hoặc thỏa thuận sau phỏng vấn. |
Người lao động tìm việc tại bảng tuyển dụng, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội |
Nhu cầu tìm kiếm việc làm theo vị trí: 12,70% người lao động ứng tuyển vào các vị trí lãnh đạo/quản lý trong đơn vị như trưởng phòng marketing; quản lý nhân sự; quản lý nhà hàng, khách sạn; kế toán trưởng...; 21,61% người lao động tìm các việc làm ở vị trí chuyên viên nghiệp vụ/kỹ thuật viên như lập trình viên, chuyên viên digital marketing, chuyên viên truyền thông; kỹ sư cơ khí...; 42,12% muốn tìm các công việc ở vị trí nhân viên văn phòng như: kế toán tổng hợp, kế toán thuế, nhân viên hành chính, văn phòng, thư ký, trợ lý giám đốc…; 16,03% người lao động tìm việc ở vị trí thợ/công nhân kỹ thuật như: thợ hàn, công nhân vận hành máy, thợ xây, thợ sơn…; chỉ có 7,54% người lao động tìm các công việc lao động giản đơn như nhân viên vệ sinh, bảo vệ… PV: Ông có lời khuyên nào dành cho những người lao động đang tìm kiếm việc làm? Người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin về doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín. Đồng thời cân nhắc lựa chọn công việc phù hợp với khả năng. Trước khi ký kết hợp đồng lao động, cần đọc kỹ các nội dung để đảm bảo quyền, lợi ích theo quy định pháp luật. Xin cảm ơn ông đã chia sẻ! |