Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân Công ty CP sản xuất điện tử Thành Long (Bắc Ninh). Nguồn: thanhlonggroups.com
|
Dịch vụ y tế là một trong những , bao gồm các hình thức khám chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng về thể chất cũng như tinh thần cho người dân nói chung và công nhân nói riêng. Công nhân tại nhiều KCN hiện nay vẫn đang phải làm việc trong điều kiện chưa đảm bảo tiêu chuẩn về ATVSLĐ. Công tác chăm sóc sức khoẻ và y tế cho công nhân ở khu vực này có vai trò quan trọng trong việc phòng tránh, hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) xảy ra. Nhu cầu chăm sóc y tế (CSYT) có mối quan hệ rất chặt chẽ với tình trạng ATVSLĐ tại các KCN. Ở những môi trường làm việc càng độc hại, nguy hiểm thì yêu cầu về ATVSLĐ càng phải được coi trọng và công tác CSYT cho công nhân cần càng phải được quan tâm. Trên thực tế, hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này còn hạn chế và nhiều vấn đề chưa phù hợp thực tiễn. Bài viết này dưới đây dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát trên 1.200 công nhân hiện đang làm việc tại một số KCN trên cả nước với cơ cấu theo giới tính gồm: 44,2% nam và 55,8% nữ. Tuổi trung bình 28,0 tuổi (độ lệch chuẩn 2,7 tuổi). Phương pháp chính được sử dụng để thu thập thông tin là bảng hỏi dạng tự khai báo. Dữ liệu sau khi thu về được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS phiên bản 25.0. |
Thực trạng nhu cầu CSYT của công nhân KCN Khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ở các công ty, doanh nghiệp giúp doanh nghiệp bảo vệ nguồn nhân lực của mình, tạo ra sợi dây gắn kết giữa NLĐ và doanh nghiệp, từ đó, nâng cao năng suất làm việc, giảm thiểu TNLĐ, BNN, tạo động lực cho NLĐ cống hiến và gắn bó lâu dài với công ty. Đối với NLĐ, khi được doanh nghiệp đầu tư khám sức khỏe định kỳ, họ sẽ có cơ hội phát hiện và ở giai đoạn khởi phát, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ xử trí sớm những bất thường để kết quả điều trị có hiệu quả cao. Mặt khác, NLĐ nắm rõ được tình trạng sức khỏe bản thân, từ đó có thể điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống, an tâm lao động, cống hiến cho doanh nghiệp. Vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ đã được quy đinh tại Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo người sử dụng lao động (NSDLĐ) chú trọng, quan tâm đến sức khỏe của NLĐ. Khi NSDLĐ tuyển dụng NLĐ vào làm việc sẽ căn cứ vào từng loại công việc, từng điều kiện làm việc mà quy định về tiêu chuẩn sức khỏe khác nhau nhằm đảm bảo sức khỏe làm việc. Những lao động có công việc nặng nhọc, tiếp xúc với các hóa chất, vật phẩm hoặc môi trường độc hại nguy hiểm (theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành) phải khám kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động giúp chẩn đoán sớm các dấu hiệu bệnh lý ở giai đoạn khởi phát. Nguồn: thanhlonggroups.com Kết quả nghiên cứu cho thấy, toàn bộ công nhân được hỏi đều cho rằng, doanh nghiệp họ đang làm việc đều tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên; chất lượng công tác khám sức khoẻ cũng được đánh giá khá tích cực. Có 82,6% công nhân đánh giá việc khám sức khoẻ do doanh nghiệp tổ chức đã đáp ứng được nhu cầu của công nhân (trong đó tỉ lệ đánh giá hoàn toàn đáp ứng là 36,8%). 79,6% công nhân tỏ thái độ hài lòng với các dịch vụ khám sức khoẻ mà doanh nghiệp thực hiện đối với công nhân. Có thể thấy, nhìn chung, các doanh nghiệp, công ty tại KCN đã ngày càng nỗ lực cải thiện công tác chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho NLĐ. Ở một số doanh nghiệp, trong các buổi khám BNN, ngoài khám huyết áp, nội - ngoại khoa thông thường, công nhân còn được khám phát hiện BNN bằng các loại máy như đo chức năng hô hấp, máy đo thính lực và một số loại xét nghiệm máu đặc thù khác. Tìm hiểu về nhu cầu khám sức khoẻ của công nhân cho thấy, đại đa số công nhân mong muốn việc thăm khám sức khoẻ được thực hiện định kỳ (ít nhất 6 tháng một lần). Bên cạnh nhu cầu khám sức khoẻ cơ bản, công nhân cũng mong muốn được kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân (37,8%); khám sàng lọc các bệnh sản - phụ khoa (38,6%)… Đồng thời, công nhân cũng mong muốn được doanh nghiệp hỗ trợ giảm chi phí các xét nghiệm sàng lọc ung thư (32,1%). Đây đều là những nhu cầu chính đáng của công nhân trong bối cảnh các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ ngày càng nhiều trong quá trình lao động, làm việc, đặc biệt là các bệnh ung thư liên quan đến nghề nghiệp. Thực tế, bệnh ung thư nghề nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ và tính mạng của công nhân ở các nước phát triển và đang phát triển. Chỉ riêng nước Mỹ, ước tính hằng năm có khoảng 20.000 người chết do ung thư và 40.000 trường hợp mới mắc ung thư do nghề nghiệp. Những nguyên nhân gây ung thư là do công nhân hằng ngày phải tiếp xúc với những yếu tố gây ung thư như: Hoá chất, phóng xạ, tia tử ngoại1… Biểu: Nhu cầu khám sức khoẻ của công nhân Nguồn: Kết quả khảo sát (Nguyễn Tuấn Anh và cộng sự, 2019) Nhu cầu được CSYT của công nhân ngày càng trở nên bức thiết và đa dạng bởi theo kết quả nghiên cứu, một tỉ lệ không nhỏ công nhân hằng ngày đang phải làm việc trong những môi trường độc hại, không đảm bảo ATVSLĐ như: Ô nhiễm tiếng ồn (37,8%); nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh (24,3%); không đủ ánh sáng (29,8%); ô nhiễm bụi (40,8%); tiếp xúc với các loại khói (34,6%); tiếp xúc các loại hoá chất và chất dễ cháy (33,5%)… Cũng theo nghiên cứu này, một số chứng bệnh khá phổ biến trong công nhân được ghi nhận gồm: Thấp khớp (34,4%); viêm phế quản (40,1%); viêm da dị ứng (32,1%); viêm loét dạ dày - tá tràng (36,5%); điếc nghề nghiệp (33,2%)… Theo luật, NLĐ ở tất cả các nhóm đối tượng (người chưa thành niên, người cao tuổi, phụ nữ,..) khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng một số quyền lợi đặc biệt hơn so với làm việc trong điều kiện bình thường.
|
Bài viết: TS. Nguyễn Tuấn Anh - TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa Viện Nghiên cứu Thanh niên
|