là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, trong đó có đến 11 huyện miền núi. Kỳ Sơn là huyện miền biên viễn xa nhất của tỉnh Nghệ An. Với đặc thù địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế, xã hội thì công việc của những người đưa dòng điện đi muôn nơi chưa bao giờ hết khó khăn, vất vả. Trèo đèo lội suối đi khắc phục sự cố, nâng cấp lưới điện, đi ghi chỉ số công tơ, bất kể ngày hay đêm, nắng mưa hay giông bão, cứ nhận lệnh là những người lao động mặc áo cam lại lên đường.
Trèo đèo lội suối đi khắc phục sự cố
|
Anh Lầu Chồng Của, công nhân Chi nhánh Điện lực Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Gần 20 năm công tác trong ngành Điện ở khu vực miền núi, bản thân mình đã trải qua đủ các khó khăn với nhiều cung bậc cảm xúc. Huyện Kỳ Sơn có những xã cách trung tâm thị trấn đến 80 km, phải đi bằng nhiều phương tiện khác nhau mới vào được các thôn, bản và có những chuyến đi đến 2, 3 ngày mới trở về được cơ quan. Sự cố về điện thường xảy ra vào thời điểm nắng nóng kéo dài hoặc mưa bão, ngập sâu nên không thể tính hết những lúc quên cả ăn cơm hay mệt nên bỏ bữa. Có những hôm vào bản, mải miết tìm nguyên nhân sự cố, khắc phục xong đến lúc trở ra thì trời đã tối mịt, đường đi hiểm trở, đói, mệt, anh em công nhân nhìn nhau không khỏi chạnh lòng.
Trên chiếc xe cà tàng, những người thợ áo cam chở nhau đi vào các thôn, bản
|
"Không chỉ có vậy, địa bàn rộng nên mỗi lần đi đọc chỉ số công tơ, anh em rất vất vả. Vác trên vai chiếc thang, đến hàng nghìn cột điện để đọc chỉ số công tơ. Mùa hè, anh em phải đi từ lúc 4 đến 5 giờ sáng để tránh nắng. Mùa đông thì mưa to, anh em phải choàng áo mưa trèo lên, trèo xuống. Nhiều lúc rất mệt nhưng vẫn phải tập trung cao độ vì sợ sai sót về chỉ số. Rồi mùa mưa, vào sửa chữa sự cố trên lưới điện trong rừng, có thể bị ong, vắt, rắn, rết tấn công bất cứ lúc nào. Về đến nhà, chân sưng rộp", anh Vi Văn Yên, công nhân Chi nhánh Điện lực Kỳ Sơn nói.
Bữa ăn tranh thủ của họ là những chiếc bánh mì
Hoạt động trên địa bàn đặc thù, Kỳ Sơn cũng gặp rất nhiều khó khăn, áp lực trong nhiệm vụ đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ của ngành. Họ phải xử lý sự cố nhanh trong thời gian quy định, nâng cao trình độ trước yêu cầu chuyển đổi số của ngành, đảm bảo chính xác trong từng số liệu.
Công việc vất vả là thế, nhưng mỗi khi đi khắc phục sự cố, di chuyển vật tư nặng nhọc, được bà con tận tình giúp đỡ, cùng nhau gùi cõng vật tư, thiết bị, rồi khi sửa chữa xong sự cố, mang lại niềm vui cho người dân, những công nhân ngành Điện lại thấy ấm lòng và tự hào về công việc của mình.
Các anh chia sẻ, khó khăn là thế nhưng bù lại, họ được bà con quan tâm, quý mến và giúp đỡ trong công việc.
Kéo đường dây điện vào bản
Anh Bùi Mạnh Cường - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Kỳ Sơn, nói: "Công việc hằng ngày của công nhân Điện lực Kỳ Sơn khá nhiều, do hệ thống lưới điện chưa được đầu tư đồng bộ nên thường xảy ra sự cố. Địa bàn rộng, số lượng công nhân ít nên anh em phải đảm nhận nhiều công việc và hỗ trợ lẫn nhau. Thực tế, công việc ngày càng nhiều và áp lực cũng lớn nên thời gian qua, một số công nhân cũng xin nghỉ việc".
Ông Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc Điện lực huyện Kỳ Sơn chia sẻ: "Huyện biên giới Kỳ Sơn có 1 thị trấn, 20 xã. Điện lực Kỳ Sơn được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện trung và hạ áp gần 485 km đường dây, với 14 trạm biến áp. Cái khó ở khu vực miền núi là diện tích rộng, địa hình phức tạp và sự hỗ trợ của người dân trong quản lý, sử dụng hệ thống điện chưa cao. Dù khó khăn đặc thù nhưng tập thể người lao động Điện lực Kỳ Sơn vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo vận hành lưới điện thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Chúng tôi luôn vượt khó và tạo điều kiện để công đoàn chăm lo cho người lao động".
Khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
|
|
|