Nguyễn Thị Vĩnh Hoa gửi 2 đứa con nhỏ, nhờ em gái chăm sóc để lên đường chi viện cho TP.HCM chống dịch. |
Nhờ em gái chăm con, lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch |
Chưa một lần rời xa con quá một ngày, thế nhưng khi nhận lệnh lên đường chi viện cho , nữ điều dưỡng đã nhờ em gái chăm sóc 2 đứa con nhỏ để vào Nam chống dịch. |
LẦN ĐẦU XA CON NHỎ |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Vĩnh Hoa, sinh năm 1984, đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam là một trong số 39 thành viên trong đoàn đi chi viện cho TP.HCM chống dịch. Hai đứa con chị Hoa, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi phải gửi em gái và người cô chăm sóc giúp. Thấy hoàn cảnh chị nên em gái chị Hoa đã tình nguyện hỗ trợ chăm sóc 2 đứa nhỏ để chị yên tâm công tác. Những cái ôm vội vàng, những cái bắt tay thân mật, bịn rịn giữa các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trước giờ xuất phát. Do mọi người trong khoa của chị Hoa đều có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên không thể đi chi viện lần này. Chị Hoa đăng ký tham gia để đoàn đầy đủ thành phần và phương án chống dịch. Đây là lần đầu tiên chị đi công tác dài ngày nên cũng có chút lo lắng. Và đây cũng là chuyến đi xa nhà đầu tiên trong thời gian dài. Hành trang của chị Hoa chỉ là chiếc vali cũ, vài bộ quần áo và những vật dụng thiết yếu. “Xa con lâu nhất chỉ một ca trực tối mà tôi đã nhớ không chịu được. Lần này đi dài ngày và chưa biết ngày về nên cũng thương mấy đứa nhỏ lắm! Từ hôm qua đến nay tôi không dám gọi điện về nhà vì sợ đứa nhỏ thấy hình ảnh mẹ sẽ khóc nên chỉ dám hỏi thăm tình hình qua người thân” – chị Hoa nghẹn ngào kể. |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Vĩnh Hoa cho biết, chị đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 nên cũng phần nào yên tâm chống dịch. |
Đêm đầu tiên ở TP.HCM, chị nhớ con da diết nhưng không dám gọi điện cho con. Chị chỉ nhìn con qua ảnh do em gái chụp. Sau đó lặng lẽ đăng hình con gái lên Facebook với dòng trạng thái: "Em đã chờ mẹ rất lâu. Nhớ em nhiều lắm đó!". Dòng trạng thái của chị Hoa nhận được cả trăm lời động viên từ người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Chồng chị Hoa làm nghề xây dựng, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên từ đầu năm đến nay chưa có cơ hội về thăm nhà. Chị Hoa tâm sự: “Lúc trước anh ấy làm ở Hà Nội thì xảy ra dịch nên không về được. Đến khi công ty vào Phú Yên làm công trình thì cũng bị dịch nên có muốn về thăm con cái cũng không được. Giờ mọi việc gia đình đều nhờ cậy vào đứa em gái. Hy vọng hai đứa nhỏ ở nhà ngoan và biết nghe lời dì”. Theo chị Hoa, do tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng cao, ngành Y tế cần nhiều nhân lực có chuyên môn để hỗ trợ công tác khám chữa bệnh nên chị không thể đứng ngoài cuộc. Chị cũng mong muốn góp chút công sức nhỏ bé vào công tác chống dịch của cả nước. “TP.HCM đẩy lùi được dịch bệnh, cả nước không còn ca mắc mới, lúc đó đất nước mình bình yên, gia đình sẽ không còn cảnh chia ly như thế này” – chị Hoa thổ lộ. |
Dù xa gia đình, xa cơ quan nhưng chị Hoa cũng thấy ấm lòng và có thêm động lực khi được đồng nghiệp quan tâm, lo lắng, tiếp thêm sức mạnh. Khi chị chuẩn bị lên đường, các anh chị em trong bệnh viện lo cho Hoa từng viên thuốc, căn dặn chị đủ điều. Khi bước lên xe, cảm xúc của chị như vỡ òa, nước mắt rơi vì lưu luyến. Khi xe chạy được một đoạn, chị được anh em trong đoàn đến động viên, an ủi nên nỗi buồn cũng nguôi ngoai và nhanh chóng hòa vào không khí chung của cả đoàn. Những y bác sĩ trẻ trong đoàn ai nấy cũng đồng lòng hướng về TP.HCM với quyết tâm chống dịch cao nhất, nhanh nhất để sớm quay trở lại quê nhà. |
THẲNG TIẾN VÀOTÂM DỊCH |
Vào sáng ngày 12/7, chiếc xe chở đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam từ từ lăn bánh rời khỏi cơ quan trong tiếng vỗ tay và vẫy chào của đồng nghiệp. Những cái ôm vội vàng, những cái bắt tay thân mật, bịn rịn giữa các đồng nghiệp. Có những giọt nước mắt xúc động đã rơi trên má của người đi và người ở lại. Bởi trong nhiệm vụ lần này dự kiến thời gian sẽ kéo dài và chưa xác định được ngày về. |
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chi viện cho TP.HCM đa phần là những người trẻ, có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19. |
Đây là đoàn công tác gồm 39 y bác sĩ lên đường theo sự điều động của Bộ Y tế để hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19. Đoàn có tất cả 11 bác sĩ, 28 điều dưỡng viên của tất cả các khoa, phòng của bệnh viện. Đây là các y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và từng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Nam trong đợt bùng phát dịch vào năm 2020. |
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đa số thành viên trong đoàn là những người trẻ. Có người mới lập gia đình, có người đang chăm con nhỏ. “Vượt qua tất cả, các anh chị em đều quyết tâm trên tinh thần hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao” - bác sĩ Hùng chia sẻ. Điều dưỡng Nguyễn Băng Trâm sau khi bịn rịn chia tay người nhà, đồng nghiệp rồi cũng thể hiện sự quyết tâm cao khi đưa tay tạo hình chiến thắng và chụp tấm hình lưu niệm trước khi lên đường. “Lần này chúng tôi đi chưa hẹn ngày về, nhưng hành trang trong suốt chặng đường dài chính là sự động viên, cổ vũ và giúp sức của hậu phương” – Trâm nói. Chiều ngày 13/7, bác sĩ Hùng cho biết đoàn đã đến TP.HCM an toàn. Sức khỏe, tinh thần mọi người trong đoàn đều ổn định và chuẩn bị bắt tay vào “cuộc chiến” cam go và khốc liệt. “Dự kiến ban đầu đoàn sẽ chi viện cho Bệnh viện quận Gò Vấp nhưng do kế hoạch thay đổi nên chúng tôi được điều động sang hỗ trợ một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 ở quận 12. Mọi công tác ăn, ở đã được TP.HCM đón tiếp và bố trí khá tươm tất. Hiện cả đoàn chuẩn bị họp trong công tác phối hợp và lên kế hoạch và bắt tay vào công việc", bác sĩ Hùng cho biết.
|
Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Trưởng đoàn công tác cho biết đây là chuyến công tác đáng nhớ của anh bởi chưa biết trước ngày về. Hai đứa con của anh đành để vợ một mình trông nom, chăm sóc. “Vợ mình là giáo viên, lại đang thời gian nghỉ hè nên khi công tác xa nhà mình cũng an tâm phần nào. Chỉ thương một số thành viên trong đoàn, có con nhỏ nên cũng có chút khó khăn về tâm lý” – bác sĩ Hùng chia sẻ. |
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam lên đường chi viện cho TP.HCM |
Bác sĩ Tô Ngọc Hùng là một bác sĩ trẻ và là Bí thư Chi đoàn khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam nên khi có thông tin chi viện cho TP.HCM, anh đã đăng ký lên đường. “Vợ chồng mình mới cưới, xa nhau lâu cũng nhớ nhưng với tinh thần tuổi trẻ và trách nhiệm nghề nghiệp nên mình phải xông pha, hỗ trợ TP.HCM khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Hy vọng đợt này dịch bệnh qua nhanh, người dân trở lại cuộc sống bình thường” – bác sĩ Hùng hy vọng. Video các nhân viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 Theo bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, sau đợt chi viện cho TP.HCM lần này, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cũng đã gửi thêm danh sách các y bác sĩ đăng ký tình nguyện sẵn sàng đến các địa phương chống dịch. Quảng Nam cũng đã gửi danh sách đến TP.HCM và các tỉnh thành có dịch. Khi địa phương nào có yêu cầu sẽ tiếp tục đều động các y bác sĩ lên đường chống dịch. |
Nam Trân |
Sáng kiến "Gian hàng 0 đồng" của thủ lĩnh Công đoàn huyện Châu Thành, Tiền Giang
Trong bối cảnh, toàn huyện có khoảng 20 ca dương tính với Covid-19 và hàng trăm F1, trong đó có cả công nhân lao động, ... |
Infographic: Danh sách 22 chốt kiểm soát người về Hà Nội
Để phòng, chống dịch Covid-19, Công an TP Hà Nội thiết lập 22 chốt tại các cửa ngõ để kiểm soát toàn bộ phương tiện, ... |
TP Hồ Chí Minh dự kiến thí điểm cách ly F0 tại nhà
"Bộ Y tế sẽ sớm ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà ở TP Hồ Chí Minh", Thứ ... |