Nhiều giải pháp thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn
Tại Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn thì công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cũng đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2016 khi mới được thành lập, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh có 13 CĐCS với gần 4.000 đoàn viên, đến nay sau 4 năm, tổng số CĐCS tăng lên 67 đơn vị, với hơn 10.000 đoàn viên. Kết quả này góp phần quan trọng vào thành tích chung của tỉnh Hà Tĩnh trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Bám sát doanh nghiệp
Để đạt được thành tích nổi bật trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh phải kể đến nguyên nhân quan trọng đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh và sự phối hợp giúp đỡ của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời là sự quyết tâm đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, không ngừng hoàn thiện, thể hiện rõ nét sứ mệnh đại diện cho người lao động, xây dựng niềm tin của người lao động với tổ chức Công đoàn và thực hiện tốt những vấn đề về quan hệ lao động.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã bám sát doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, thường xuyên đồng hành cùng doanh nghiệp, động viên khích lệ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; nắm chắc tình hình doanh nghiệp, tình hình lao động, kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền vận động người lao động và chủ sử dụng lao động tham gia tổ chức Công đoàn. Các cán bộ công đoàn chuyên trách đã chủ động tiếp cận với công nhân lao động để trao đổi cho họ hiểu quyền lợi khi tham gia công đoàn; trao đổi với doanh nghiệp về lợi ích của công đoàn doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp và công nhân hiểu được vai trò của tổ chức Công đoàn, Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về việc thành lập CĐCS, khi công tác chuẩn bị xong, điều kiện đáp ứng thì tiến hành làm ngay các thủ tục để thành lập và ra mắt đại hội.
Trong hơn 4 năm qua, đã thành lập nhiều CĐCS có số lượng đoàn viên đông như CĐCS Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh 6.060 đoàn viên, CĐCS Công ty TNHH Vietex 505 đoàn viên, Công ty TNHH Vận hành kinh doanh MCC Việt Nam 450 đoàn viên, CĐCS Công ty TNHH Bao Yeu Việt Nam 205 đoàn viên, CĐCS công ty TNHH Cảng Sơn Dương 95 đoàn viên.
Đồng chí Nguyễn Đức Thạch - Chủ tịch Công đoàn các KKT tỉnh Hà Tĩnh |
Sau khi thành lập CĐCS, Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức làm việc với các CĐCS để hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp hoạt động công đoàn cho các đồng chí trong Ban Chấp hành và cung cấp các loại tài liệu về hoạt động công đoàn. Các đơn vị mới thành lập đi vào hoạt động tốt, được lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao nên vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp ngày càng được khẳng định.
Thực tế, nhìn từ các doanh nghiệp trong Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh có thể thấy ở đâu có CĐCS thì ở đó quyền lợi người lao động được đảm bảo hơn, mối quan hệ lao động ổn định hơn và doanh nghiệp phát triển hơn. Ví dụ như CĐCS Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với 6.060 đoàn viên, mức lương bình quân đạt 9,6 triệu đồng/tháng, các chế độ phúc lợi được đảm bảo theo quy định pháp luật; CĐCS Công ty thương lượng và ký kết TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi hơn luật; xây dựng các thiết chế chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động như: Nhà ở ký túc xá hộ độc thân với 3.834 chỗ ở, ký túc xá hộ gia đình 407 căn; bố trí phòng vắt sữa cho nữ công nhân trong thời gian nuôi con nhỏ…
Hay CĐCS Công ty TNHH Vận hành Kinh doanh MCC Việt Nam với 378 đoàn viên, sau khi có tổ chức Công đoàn thì môi trường, điều kiện làm việc được cải thiện, các chế độ chính sách đối với người lao động được đảm bảo như: Khám sức khỏe định kỳ, tập huấn an toàn vệ sinh lao động, cấp phát trang thiết bị bảo hộ lao động, chế độ ăn ca... Thu nhập của người lao động ổn định và đời sống tinh thần ngày càng được nâng cao. Hoạt động của CĐCS tại các công ty này là điển hình, tiêu biểu trong hoạt động chung của Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.
Trao quyết định thành lập CĐCS Công ty TNHH Nam Phúc Thụy. |
Đề ra nhiều giải pháp trong tình hình mới
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang là quốc gia thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương , lần đầu tiên vấn đề nhiều tổ chức Công đoàn được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Do đó, một thách thức lớn đặt ra là Công đoàn Việt Nam phải cạnh tranh, thu hút đoàn viên công đoàn với tổ chức đại diện người lao động được thành lập ở cơ sở. Điều này làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức Công đoàn đã được hình thành và khẳng định trong thực tế 91 năm qua.
Trong tình hình mới này, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất: Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn các cấp, đặc biệt là CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh trong các doanh nghiệp. CĐCS phải thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; nâng cao vai trò của CĐCS trong việc đại diện bảo vệ người lao động về lĩnh vực luật pháp, giải quyết tranh chấp, thương lượng, hòa giải... CĐCS phải thực sự là chỗ dựa tin cậy, làm cho người lao động thấy được quyền lợi khi vào công đoàn.
Thông qua công đoàn, người lao động thể hiện ý chí, nguyện vọng bằng thương lượng tập thể và đối thoại, thúc đẩy phát triển ổn định cho doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời CĐCS phải tạo được niềm tin cho chủ sử dụng lao động, giúp họ nhận thấy khi có công đoàn thì quan hệ lao động ổn định và thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, đấu tranh vạch trần bản chất các tổ chức đại diện cho người lao động được thành lập không vì mục đích bảo vệ người lao động mà vì động cơ chính trị, chống phá đất nước hoặc do giới chủ thao túng, phá hoại tổ chức Công đoàn, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động.
Thành lập CĐCS Công ty TNHH Tài nguyên CHC Việt Nam.
Thứ hai: Thường xuyên , nắm chắc tình hình hoạt động và tham gia với doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để từ đó xây dựng kế hoạch vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; làm tốt công tác tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nội dung công tác tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tập trung vào những vấn đề có ý nghĩa thiết thực, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động khi tham gia vào tổ chức Công đoàn, tự nguyện tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đồng thời phải làm cho chủ sử dụng lao động hiểu được vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp.
Thứ ba: Quan tâm lựa chọn, đào tạo những cán bộ bản lĩnh, trình độ, uy tín tham gia lãnh đạo công đoàn, nhất là ở cơ sở vì sự hạn chế của công tác cán bộ sẽ là những thách thức khi người lao động tự lựa chọn “thủ lĩnh” của mình; nâng cao kỹ năng cho cán bộ công đoàn để khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn.
Trong hơn 4 năm, Công đoàn các KKT tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập được 67 CĐCS. |
Thứ tư: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn các cấp. Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà đoàn viên, người lao động quan tâm, mang lại những lợi ích trước mắt, lâu dài, hài hòa cho người lao động, người sử dụng lao động. Nội dung hoạt động phải thiết thực, phù hợp với điều kiện làm việc, ngành nghề, nhận thức của từng đối tượng đoàn viên, người lao động. Phương thức hoạt động cần linh hoạt, đa dạng, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bám sát cơ sở và phục vụ người lao động; phong trào phải thiết thực, hấp dẫn, được người lao động đón nhận, tham gia. Tất cả các hoạt động phải thực sự có chiều sâu, có sức lan tỏa lớn để từ đó thu hút người lao động tự nguyện tham gia và hoạt động trong tổ chức công đoàn.
Bài: Đồng chí Nguyễn Đức Thạch - Chủ tịch Công đoàn các KKT tỉnh Hà Tĩnh