Một trong những công việc quan trọng để làm giảm tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) là phải nhận diện, phân tích được các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất, từ đó có giải pháp phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ. Theo đó, vai trò của công đoàn cơ sở (CĐCS) và an toàn vệ sinh viên (ATVSV) đặc biệt quan trọng trong quá trình này.
***
Nhận dạng và đánh giá nguy cơ
Một trong những "nguyên nhân gốc rễ" của thương tích nơi làm việc, bệnh tật và sự cố là không xác định hoặc nhận ra các mối nguy hiểm hiện diện hoặc có thể đã được dự đoán. Một yếu tố quan trọng của bất kỳ chương trình kế hoạch an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hiệu quả nào là một quá trình chủ động, liên tục để xác định và đánh giá những mối nguy hiểm như vậy.
Để xác định và đánh giá được các mối nguy hiểm, cán bộ phụ trách ATVSLĐ của công đoàn và ATVSV phải thường xuyên thu thập và xem lại thông tin về các nguy cơ hiện diện hoặc có khả năng xảy ra tại nơi làm việc; tiến hành kiểm tra nơi làm việc thường xuyên để xác định các mối nguy hiểm mới có thể có, hoặc tái diễn, các mối nguy hiểm tiềm ẩn và những thiếu sót trong kế hoạch ATVSLĐ của cơ sở sản xuất; hồi cứu các sự cố tại vị trí làm việc tương tự đã xảy ra ở các cơ sở sản xuất tương tự trong, ngoài nước và xác định các xu hướng thương tích, bệnh tật và nguy cơ có thể xảy ra; tiến hành đánh giá rủi ro cho từng vị trí, theo từng cấp độ rủi ro để có kế hoạch phòng ngừa, kiểm soát và ứng cứu.
Để giúp các cán bộ phụ trách ATVSLĐ của công đoàn và ATVSV nhận dạng và đánh giá nguy cơ được tốt, có 5 bước tiến hành như sau:
Phòng ngừa và kiểm soát nguy cơ
Theo Luật ATVSLĐ (2015), người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tiến hành các biện pháp kiểm soát hiệu quả bảo vệ người lao động (NLĐ) khỏi các mối nguy hiểm tại nơi làm việc; giúp tránh thương tích, bệnh tật và sự cố; giảm thiểu hoặc loại bỏ các rủi ro về an toàn và sức khỏe; giúp người sử dụng lao động cung cấp cho NLĐ những điều kiện làm việc an toàn và hợp vệ sinh.
Các quy trình được mô tả trong phần này sẽ giúp CĐCS tham gia với NSDLĐ ngăn ngừa và kiểm soát các mối nguy hiểm được xác định trong phần trước nhằm kéo giảm TNLĐ, BNN tại nơi sản xuất của mình.
Giáo sư Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam chia sẻ thông tin về nhận diện và phòng ngừa các nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc. |
Để kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ rủi ro cho tính mạng và sức khỏe NLĐ, công đoàn tác động và giám sát để NSDLĐ thực hiện các giải pháp sau:
- Nâng cao nhận thức cho NLĐ để họ có thể có sự hiểu biết tốt nhất về các điều kiện tạo ra mối nguy hiểm và hiểu biết phương thức phòng ngừa TNLĐ và BNN.
- Xác định và đánh giá các giải pháp để kiểm soát các mối nguy hiểm tại cơ sở sản xuất.
- Xây dựng kế hoạch kiểm soát nguy cơ rủi ro để hướng dẫn việc lựa chọn và thực hiện kiểm soát theo kế hoạch đã đề ra.
- Xây dựng các kế hoạch với các biện pháp phòng ngừa trong các trường hợp khẩn cấp và các sự cố bất thường ngoài dự kiến.
- Định kỳ đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro hiện có để xác định tính hiệu quả hiện tại và so sánh với các biện pháp mới tốt hơn, đáng tin cậy hơn hoặc ít tốn kém hơn, nhằm có kế hoạch thay thế áp dụng biện pháp mới.
Vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Phú Thọ, nằm trên địa bàn phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, làm nhiều người thương vong.
Trong các giải pháp này, việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ NLĐ trong các trường hợp khẩn cấp đặc biệt quan trọng. Kế hoạch kiểm soát nguy cơ phải bao gồm các điều khoản để bảo vệ NLĐ trong các hoạt động sản xuất không tuân thủ qui định an toàn (do các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan) và các trường hợp khẩn cấp có thể lường được trước.
Tùy thuộc vào vị trí làm việc của NLĐ, các nguy đó có thể là: cháy và nổ; hóa chất; vật liệu nguy hiểm tràn; tắt thiết bị không có kế hoạch; hoạt động bảo trì không thường xuyên; thiên tai và thời tiết khắc nghiệt; bạo lực nơi làm việc; khủng bố; dịch bệnh (ví dụ: đại dịch cúm) hoặc các trường hợp y tế khẩn cấp.
Để thực hiện bước này, doanh nghiệp cần xây dựng các quy trình kiểm soát các mối nguy hiểm có thể phát sinh trong quá trình sản xuất khi NLĐ không tuân thủ qui định an toàn (ví dụ, loại bỏ bao che máy, các bộ phận truyền động…); xây dựng hoặc sửa đổi các kế hoạch để kiểm soát các mối nguy hiểm có thể phát sinh trong các tình huống khẩn cấp; trang bị các phương tiện để kiểm soát các mối nguy hiểm liên quan đến việc ứng cứu khẩn cấp; phân công trách nhiệm thực hiện kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; tiến hành các cuộc diễn tập ứng cứu khẩn cấp để đảm bảo việc phối hợp giữa các bộ phận trong các tình huống khẩn cấp.
Cần tiếp tục tham gia hiệu quả
Để phòng ngừa TNLĐ cho NLĐ, công tác nhận dạng các nguy cơ để phòng ngừa, kiểm soát chúng nhằm kéo giảm TNLĐ trong sản xuất là rất quan trọng. Bởi vì, nguy cơ rủi ro có thể mang đến những hậu quả nặng nề. Nguy cơ rủi ro có thể được giảm thiểu bằng cách kiểm soát hoặc loại bỏ các mối nguy hiểm nhằm giảm sự tiếp xúc của NLĐ với các mối nguy hiểm đó.
Công đoàn Việt Nam là một tổ chức Công đoàn ít ỏi trên thế giới có đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ vừa mạnh về số lượng, vừa có chất lượng trong cả 4 cấp. Công đoàn Việt Nam quản lý Viện Khoa học ATVSLĐ với hơn 200 nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và một hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia, hàng năm triển khai nhiều công trình nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất phục vụ NLĐ; quản lý 2 trường đại học đào tạo dài hạn cán bộ chuyên môn về ATVSLĐ (duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương), hàng năm cung cấp hàng trăm kỹ sư cho các cơ sở sản xuất, các cấp công đoàn, các trường đại học và viện nghiên cứu.
Ngoài ra, theo Luật ATVSLĐ, công đoàn còn được giao tổ chức và quản lý mạng lưới ATVSV trong các cơ sở sản xuất trên toàn quốc. Vì thế, việc tham gia có hiệu quả công tác phòng ngừa các nguy cơ rủi ro tại nơi sản xuất góp phần kéo giảm TNLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ là “được làm việc trong một môi trường an toàn và hợp vệ sinh”.
Bài: Giáo sư LÊ VÂN TRÌNH
Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam
Đồ họa: Hoàng Hà