Người lao động tự do mong muốn được nhận hỗ trợ nhanh nhất có thể |
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó có nhắc đến hỗ trợ người lao động tự do không thấp hơn 50.000 đồng/ ngày. Điều này khiến không ít lao động tự do cảm thấy vui mừng, nhưng họ cũng băn khoăn không biết đến bao giờ thì “tiền nằm trong tay”. |
Cụ thể, trong Nghị quyết 68/NQ-CP nêu rõ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác cũng được nhận hỗ trợ trong đợt này do ảnh hưởng của Covid - 19. Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. |
Người lao động tự do là đối tượng dễ bị "tổn thương" trong mùa dịch TS.Đỗ Lê Chi |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, thống kê ban đầu sẽ có khoảng 230.000 lao động tự do nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, gồm cả những người thuộc diện thường trú, hoặc đăng ký tạm trú. Qua tìm hiểu của phóng viên, một số người lao động tự do có biết đến thông tin này, nhưng một số khác lại không. Đối với họ cuộc sống hiện tại khá chật vật, nếu được hỗ trợ từ nhà nước, từ thành phố là một điều rất đáng quý. |
Cuộc sống khó khăn không có thu nhập mùa dịch, người lao động tự do trông chờ vào cơm từ thiện. |
Những người lao động tự do ở TP HCM đang phải chật vật mưu sinh mùa dịch. Những việc họ có thể làm ra tiền là bán vé số, nhặt ve chai. Nhưng từ ngày 9/7, TP HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cuộc sống của họ chưa biết sẽ như thế nào? Trước nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP HCM) một số người lao động tự do với vẻ ngoài khắc khổ đang làm lễ cầu nguyện. Thời tiết đang mưa nhỏ khiến cho không khí càng ảm đạm hơn. |
“Tôi chưa biết thông tin sẽ được thành phố hỗ trợ. Tôi không có điện thoại, thường ngày nhặt ve chai kiếm sống. Mùa dịch này thì khó khăn hơn, các bữa cơm tối có được là nhờ người ta phát từ thiện. Mỗi trưa, tối tôi đều ngồi ở gần nhà thờ chờ người ta đến phát cơm. Nếu cả thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì tôi sẽ rất khó khăn. Nhưng biết làm sao được, tôi chỉ biết cầu xin Chúa cho dịch bệnh qua mau, mọi chuyện trở về bình thường. Còn hỗ trợ của thành phố, nếu được thì tốt cho tôi quá. Tôi cảm ơn rất nhiều”, chú Tư Hùng chia sẻ. Trong buổi tối, TP HCM mưa rả rích, người người hối hả về nhà thì các con đường lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, Đồng Khởi vẫn lác đác những chiếc xe đạp với chồng phế liệu của người lao động. Một ngày vất vả chưa kết thúc khi bụng còn đói, ví tiền chưa tăng thêm đồng nào so với hôm qua. |
Cô Huỳnh Lý Khương (quê Kiên Giang) mưu sinh tại TP HCM đã nhiều năm nay, dịch bệnh khiến cô bị kẹt lại thành phố. Cuộc sống hiện tại hầu như không có thu nhập, bữa ăn hàng ngày nhờ vào những người làm từ thiện phát cơm. “Mấy hôm nay tôi có nghe mấy chị em nói về gói hỗ trợ, trong đó có thông tin chúng tôi cũng được hưởng. Tôi nghĩ mà thấy vui, nếu được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày thì hay quá. Chỗ tôi ở trọ, bà chủ nhà cũng thương mà không lấy tiền phòng tháng này. Ngày 9/7, cả thành phố còn giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến tôi đang rất lo lắng. Nhưng nếu được hỗ trợ thì đến bao giờ chúng tôi mới được nhận, rồi thủ tục ra sao, bản thân tôi cũng chưa nắm được. Tôi chỉ mong rằng, thủ tục đơn giản để người lao động như tôi được nhờ, chứ già rồi có biết gì đâu”, cô Khương bộc bạch. |
Tại TP HCM, người lao động tự do nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng bao gồm cả những người thuộc diện thường trú, hoặc đăng ký tạm trú. Như vậy, người lao động sẽ được thành phố hỗ trợ trong thời gian chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản. Thiết nghĩ, với hỗ trợ kịp thời này sẽ giúp người lao động vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 hiện nay. |
Ấm áp những suất cơm từ thiện dành cho người lao động tự do mùa dịch
Hơn 1 tháng qua TP HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ và Chỉ thị 10 của thành phố ... |
Những bữa cơm ấm lòng người lao động khó khăn mùa dịch
“Các cháu vào lấy cơm đi, đừng ngại, đảm bảo giãn cách nha”, giọng cô Phương vui vẻ khi thấy chúng tôi đang hướng về ... |
Túi gạo sẻ chia, suất cơm nghĩa tình, ấm lòng người lao động khó khăn
Đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, người lao động nghèo, lao động tự ... |