Người lao động ngoại tỉnh và giấc mơ "an cư lạc nghiệp" nơi thành phố
Đời sống - 10/01/2020 14:13 Ý YÊN
Góc phòng trọ của một cặp vợ chồng người lao động tại Hà Nội - Ảnh: M.K |
Một buổi chiều tháng Sáu, đứa con trai 8 tuổi nắm tay bố rồi chỉ về phía tòa chung cư nằm sừng sững bên bờ sông Kim Ngưu. Nó nói: "Bố ơi! Hay mình dọn sang kia ở đi. Con không ở phòng trọ nữa đâu, nóng và chật lắm!".
"Mình nghe xong mà không nói được lời nào luôn. Nhưng mình nghĩ trong đầu là cứ cố gắng làm việc thì sẽ có thôi. Nhưng nó lại xa vời quá". Giọng anh Du bỗng chùng xuống, gương mặt thoáng nét buồn khi kể lại câu chuyện ấy cho chúng tôi.
Mười năm trước, thông qua lời rủ của mấy người trong làng, anh Du 38 tuổi, quê ở huyện miền núi (Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) khăn gói ra Hà Nội tìm kiếm việc làm. Anh chia sẻ: "Tôi ra đây làm lao động tự do, vất vả nhưng nói chung nếu khỏe mạnh vẫn đủ ăn. Ngày nhiều việc thì được 300.000 - 400.000 nghìn đồng/ngày. Ngày ít việc khoảng 200.000 - 250.000 nghìn đồng/ngày. Chi phí cũng nhiều, tiền để lại cũng không đáng mấy. Nhưng còn hơn là ở quê làm ruộng với đi chặt chàm, phá rừng, phá rẫy".
Vợ anh Du làm công nhân tại một xưởng may với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Chi phí cho việc ăn uống hàng ngày, thanh toán tiền nhà trọ và trang trải tiền học cho đứa con học lớp 2 cũng ngốn gần hết thu nhập của hai vợ chồng. Chưa bao giờ họ nghĩ đến việc sẽ có ngày mua được một mảnh đất cắm dùi, hay một căn hộ nhỏ cho người thu nhập thấp ở thành phố này.
Câu nói ngây thơ của đứa con trai nhỏ khiến anh suy nghĩ mãi cho những tháng ngày tiếp theo. Anh nói: "Đến một lúc nào đó gia đình mình cũng phải về quê sống thôi. Chứ ở đây thì suốt đời ở trọ, vừa chật chội, vừa hôi thối, bẩn thỉu. Sinh hoạt gia đình bất tiện mà con cái thì càng ngày càng lớn. Vợ chồng mình muốn đẻ thêm cũng phải đắn đo không dám đẻ".
Để giảm thiểu tối đa chi phí sinh hoạt và tập trung cho công việc nơi thành phố, nhiều cặp vợ chồng đành chấp nhận gửi con cái về quê cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trường hợp của chị Điều - công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cho biết: “Dù rất nhớ con nhưng chị vẫn đành phải gửi con về nội chứ không còn cách nào khác. Các gia đình ở xóm trọ này cũng đều gửi con về quê cả, vì công việc bận, có khi hai vợ chồng đều làm ca đêm không có ai trông con”. Thu nhập bình quân hàng tháng của hai vợ chồng chị khoảng 15 triệu nhưng chi phí sinh hoạt, nhà trọ và tiền ăn học cho con trai 5 tuổi ở quê dù tằn tiện đến mấy cũng đã chiếm quá nửa.
Sau hơn chục năm làm việc ở Hà Nội, nhắc đến chuyện nhà cửa, chị cười bảo: "Làm công nhân như bọn chị biết bao giờ mới mua được cái nhà. Chị không xác định sẽ lập nghiệp ở đây lâu dài, còn phải về quê chăm sóc con cái với bố mẹ nữa. Vợ chồng chị cũng cố gắng dành dụm chút vốn liếng sau này về quê kinh doanh gì đó. Hoặc cũng có thể đi làm công nhân tiếp, vì gần nhà chị cũng có khu công nghiệp".
Đối với rất nhiều người lao động, niềm mong ước về một nơi "an cư lạc nghiệp" vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời - Ảnh: M.K |
Anh Phạm Hồng Bách (31 tuổi), một viên chức làm việc tại quận Ba Đình cho biết: "Từ lúc rời quê đi học đại học, đến giờ là 13 năm tôi ở trọ. Vừa rồi gia đình ở quê cũng quyết định dồn tiền mua nhà cho tôi. Mục tiêu là căn hộ chung cư tại các dự án nhà ở xã hội, khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ. Dự kiến vẫn phải vay trả góp ngân hàng khoảng 500 triệu. Nhưng bây giờ tôi vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm dự án thích hợp. Các dự án chung cư hiện nay giá cao quá, những người như chúng tôi rất khó tiếp cận. Đành phải tiếp tục chờ đợi, tìm kiếm".
Theo tính toán mới đây của Bộ Xây dựng, đến năm 2020 cả nước có hơn 1,7 triệu người gặp khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Tại các đô thị, những người có thu nhập thấp gồm cán bộ, công viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư chiếm trên 50% dân số. Hầu hết các đối tượng này có nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội với diện tích vừa phải, giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được hỗ trợ trả góp.
Trên thực tế, có rất nhiều người lao động ngoại tỉnh sau một thời gian dài bươn trải nơi thành phố đã quyết định trở về quê bởi họ quá mệt mỏi với vòng quay kiếm tiền, trả tiền nhà trọ, trang trải sinh hoạt, để rồi mỗi khi nghĩ đến chuyện "an cư lạc nghiệp" họ lại thấy nản lòng.
Hy vọng rằng phân khúc nhà ở xã hội sẽ được quan tâm đúng mức để giấc mơ nhà cửa của người lao động tại các đô thị lớn và các khu công nghiệp không còn quá xa vời.
Cận Tết là thời điểm thường xuyên diễn ra các cuộc đình công liên quan đến người lao động về quyền lợi, chế độ, lương ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 21/10/2024 18:14
Một nhóm chủ nhà trọ ở Vĩnh Phúc vừa tổ chức cuộc thi văn nghệ sân khấu hóa “Công nhân nhập cư sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”, hôm 20/10.
Đời sống - 17/10/2024 05:47
Trước nhu cầu lớn về nhà ở cho công nhân, TP. Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm hỗ trợ để công nhân nghèo có một chỗ “an cư” để làm việc.
Đời sống - 16/10/2024 10:39
Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp trực tại các cơ sở y tế công lập, tăng phụ cấp chống dịch - một chính sách được mong chờ từ lâu nhằm cải thiện đời sống của nhân viên y tế trên cả nước.
Đời sống - 14/10/2024 20:59
Với các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Tả Ngảo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), hạnh phúc là khi thấy học trò đến lớp mỗi ngày và trở thành người có ích cho xã hội.
Đời sống - 07/10/2024 16:30
Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đời sống - 04/10/2024 16:31
Nhiều người trẻ có xu hướng thay đổi công việc với những lý do như: thử sức môi trường mới, tìm chế độ tốt hơn,... Song, quá trình tìm kiếm công việc mới gặp nhiều rào cản do hầu hết các nhà tuyển dụng ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu cho các ứng viên.