Các quy định mới về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp” và nâng mức hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp lên 100% thay vì 50% như trước đây.
***
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Dưới đây là những điểm mới Nghị định 88/2020 mà người lao động cần biết, được áp dụng từ 15/9/2020.
1. Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh
Lưu ý, quy định này áp dụng cho người lao động phát hiện bị khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:
- Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
- Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
- Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Như vậy, so với Nghị định 37/2016/NĐ-CP thì Nghị định mới đã nâng mức hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp lên 100% thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp” thay vì chỉ giới hạn là người lao động bị bệnh nghề nghiệp như trước đây.
2. Hỗ trợ kinh phí chữa bệnh không quá 15 triệu đồng
Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp như sau:
- Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.
- Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Như vậy, so với quy Nghị định 37/2016/NĐ-CP thì mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp được giới hạn bằng một số tiền cụ thể thay vì khống chế là không quá 10 lần mức lương cơ sở/người như trước. Mức giới hạn mới này phù hợp với lộ trình bỏ quy định về mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.
3. Giảm điều kiện hưởng tiền chữa bệnh nghề nghiệp
Căn cứ Điều 20 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, người lao động được hỗ trợ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 khi có đủ các điều kiện sau:
- Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
- Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp.
- Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.
Nghị định mới đã bỏ điều kiện người sử dụng lao động tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định. Việc bỏ điều kiện này phù hợp với thực tế vì nếu giữ thì nhiều người lao động không được hưởng hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp do nhiều đơn vị sử dụng lao động không tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
4. Chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức từ 5 - 10 ngày
Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định số ngày , phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 9 Nghị định này còn quy định trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.
Trên đây là một số điểm mới Nghị định 88/2020 về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghiệp mà người lao động cần biết.
Cờ bạc online: Lấy đâu ra lắm ‘nghìn tỷ’ thế?
Trong 2 ngày (22 - 23/9), lực lượng chức năng đã bắt liên tiếp 2 kẻ cầm đầu của 2 đường dây đánh bạc online. ... |
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa nhằm giữ chân người lao động làm việc
Mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động, người lao động, người quản lý, cán bộ công đoàn luôn là vấn đề quan tâm ... |
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 24/9
Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 24/9, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 32 triệu ca bệnh Covid-19, trong đó có ... |