Người lao động cải thiện cuộc sống, tránh “bẫy” tín dụng đen nhờ CEP
29/11/2020 07:50
Với những khoản vay nhỏ, phương án chi trả hợp lý, phù hợp với thu nhập… nhiều người lao động đã cải thiện được cuộc sống, tránh “bẫy” tín dụng đen nhờ vào nguồn vốn của Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP – Trực thuộc LĐLĐ TP.HCM).
Với những khoản vay nhỏ, phương án chi trả hợp lý, phù hợp với thu nhập… nhiều người lao động đã cải thiện được cuộc sống, tránh “bẫy” tín dụng đen nhờ vào nguồn vốn của (CEP – Trực thuộc LĐLĐ TP.HCM).
“Đây là lần thứ 3 em vay CEP. Hai lần trước, một lần em vay để sửa nhà, cải thiện chỗ ở, một lần vay mua xe máy để có phương tiện đi lại. Lần này em vay 25 triệu đồng, trả trong 48 tuần. Vợ chồng em đầu tư trồng thêm ít thanh long để tăng thêm thu nhập” – Chị Trương Thùy Linh (33 tuổi, ngụ ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho hay. Chị Linh hiện là công nhân, làm việc ở Khu công nghiệp Bàu Xéo. Chị là một trong số gần 30 chị em được cấp vốn trong ngày Thành lập Trung tâm Tín dụng – Tiết kiệm số 1 xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom cũng là ngày thành lập chi nhánh CEP tại huyện Trảng Bom (ngày 25/11/2020).
Vay vốn để tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập
Chị Trương Thùy Linh cho hay, hai vợ chồng chị đều là công nhân, thu nhập hàng tháng đủ trang trải cuộc sống nhưng rất khó để dành, khi cần số tiền lớn không biết vay mượn ai. Chị bộc bạch: “Nhà dột, không có phương tiện đi lại, muốn đầu tư làm thêm một cái gì đó để cải thiện thu nhập nhưng không có tiền. Nhiều người rủ tôi chơi hụi nhưng tôi sợ bị giật, nhiều người lúc bí bách lại vay tín dụng đen, mà dính vào tín dụng đen là tan cửa nát nhà. Thật may, mấy anh chị bên công đoàn của công ty chỉ cho tôi biết đến CEP. , tôi còn được hướng dẫn cách tiết kiệm tiền”.
Trong ngày thành lập chi nhánh CEP tại huyện Trảng Bom, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM Trần Diệu Thúy và lãnh đạo CEP gồm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Đạt cùng Chủ tịch LĐLĐ huyện Trảng Bom Lê Đức Thụy đã đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà (nhà ở ấp An Bình, xã Hưng Thịnh). Chị Hà cũng là thành viên của CEP. Chị Hà sống cùng mẹ già 90 tuổi mắc chứng đãng trí trong một căn nhà nhỏ, cũ kỹ, chỉ có chiếc tivi là đáng giá. Chị Hà vốn là công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) nhưng chị phải nghỉ việc do di chứng nặng nề của căn bệnh đái tháo đường.
Đoàn công tác thăm, tặng quà và động viên gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà
Thấy đoàn đến thăm, chị Hà nói cười liên hồi, kể hết chuyện công ty đến chuyện đi khám bệnh. Chị kể về những lần bác sĩ phải “đầu hàng”, “bó tay” với căn bệnh đái tháo đường của chị với một giọng vui vẻ “không vấn đề gì”. Chị bảo: “Em bị tiểu đường lâu rồi, biến chứng tùm lum hết, đặc biệt là mắt mờ không làm ở công ty được nữa. May mà em được CEP cho vay nên em có được tí vốn, muối dưa, muối cà bán ngoài chợ. Mà giờ cô vít (Dịch bệnh Covid-19 – PV) em bán được ít à. Nhưng dù sao em cũng may vì nhờ CEP mà không phải vay nóng bên ngoài”.
Các thành viên trong đoàn đều cảm thấy vui lây vì tinh thần lạc quan của chị Hà.
Lắng nghe câu chuyện của chị Hà, dù cảm thương cho hoàn cảnh của chị nhưng các thành viên trong đoàn đều cảm thấy vui lây vì tinh thần lạc quan của chị. Để hỗ trợ cho việc buôn bán của chị Hà, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân – Tổng giám đốc CEP đã nhận làm “đầu mối” đặt hàng dưa cà của chị Hà cho cán bộ của CEP. Bà Vân cũng nhờ anh em Chi nhánh CEP huyện Trảng Bom nhận hàng chuyển lên thành phố khi họp giao ban hàng tuần. Vào đợt tới, CEP cũng sẽ tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho chị Hà khi thẻ Bảo hiểm y tế hiện tại của chị Hà hết hạn sử dụng.
Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân
Chị Linh, chị Hà chỉ là hai câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện về những anh chị em công nhân, người lao động nghèo, người có thu nhập thấp đã cải thiện được cuộc sống, có cuộc sống tốt hơn nhờ CEP. Chính vì nhu cầu về vốn vay quá lớn của người lao động, CEP đã mở thêm chi nhánh ở huyện Trảng Bom, đây cũng là chi nhánh CEP thứ 5 ở Đồng Nai.
Tổng giám đốc CEP Nguyễn Thị Hoàng Vân thăm hỏi cụ bà Lê Thị Song. Cụ Song 75 tuổi, thành viên của CEP, hàng ngày cụ bán vé số, nhặt ve chai, nuôi con trai bị bệnh tâm thần.
Phó Tổng giám đốc CEP Nguyễn Tấn Đạt cho biết, về phạm vi hoạt động, chi nhánh Trảng Bom tập trung phát triển mở rộng hoạt động CEP tại 17 xã, thị trấn của huyện Trảng Bom và một số phường, xã, thị trấn giáp ranh như huyện Vĩnh Cửu, huyện Thống Nhất, thành phố Long Khánh và công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo, Giang Điền. Chi nhánh có 103 trung tâm tín dụng - tiết kiệm trên địa bàn dân cư và triển khai đến 76 công đoàn cơ sở để phục vụ công nhân, lao động nghèo; cung cấp dịch vụ tín dụng nhỏ cho trên 9.500 lượt công nhân, viên chức và người lao động nghèo với doanh số trên 300 tỷ đồng.
Các sản phẩm dịch vụ cung cấp bao gồm các sản phẩm tín dụng - tiết kiệm đa dạng, phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động và dịch vụ phát triển cộng đồng góp phần bổ sung cho các dịch vụ tài chính mà CEP đang phục vụ thông qua việc cung cấp các hỗ trợ tăng thêm cho cộng đồng, khách hàng vay vốn và gia đình của họ nhằm giúp khách hàng nâng cao năng lực, vượt qua khó khăn và cải thiện an sinh của hộ gia đình.
Ông Nông Văn Dũng – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho hay, các chương trình của CEP góp phần cùng với chính quyền địa phương , tạo mối quan hệ chặt chẽ trong các cộng đồng dân cư, tập hợp người lao động vào các nghiệp đoàn ngành nghề.
Thông qua sự quan tâm, chăm lo và hỗ trợ kịp thời cho khách hàng của CEP, tổ chức Công đoàn tỉnh có thêm điều kiện tham gia tốt các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định lực lượng lao động tại các doanh nghiệp.