Người lao động Bình Dương “ai ở đâu, ở yên đó”, khó khăn đã có công đoàn |
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ ngày 02/8/2021, Bình Dương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà và thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó” để đảm bảo phòng dịch có hiệu quả. |
Tính đến sáng 5/8/2021, Bình Dương ghi nhận thêm 309 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 tại địa phương lên 21.865 ca. Đây là “điểm nóng” đứng thứ 2 cả nước về dịch bệnh, sau TP HCM. Thống kê của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động. Thời điểm hiện tại có trên 3.900 công nhân lao động là F0; trên 17.500 F1 và gần 20.000 trường hợp F2 (số liệu tính đến 3/8/2021). |
Công đoàn KCN VSIP Bình Dương hỗ trợ người lao động khó khăn trong một khu trọ. |
Để kiểm soát được tình hình dịch bệnh, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp trong thực hiện giãn cách xã hội; thực hiện nghiêm túc "ai ở đâu, ở yên đó". Đồng thời kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả nhằm quản lý chặt người và phương tiện ra vào trên địa bàn, hạn chế tối đa việc người dân ra đường khi không thật sự cần thiết. Người dân, công nhân lao động khó khăn có thể liên hệ tổng đài 1022 để nhờ hỗ trợ. |
Hướng dẫn chi hỗ trợ khẩn cấp cho cán bộ, đoàn viên, người lao động từ nguồn ngân sách công đoàn. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Bình Dương |
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Bình Dương và LĐLĐ tỉnh đang đẩy mạnh nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm, giảm tiền nhà và tiêm vắc xin cho người lao động ở lại. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ hàng trăm tấn rau, củ, quả, nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động trong khu cách ly, phong tỏa, công nhân lao động khó khăn. Chị Trần Hồng Thơm (quê Thanh Hóa), công nhân KCN VSIP Bình Dương phải nghỉ việc hơn 1 tháng nay do công ty có nhiều ca nhiễm. Kinh tế gia đình chị cạn kiệt, lại phải tự cách ly trong phòng trọ khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, con nhỏ thiếu sữa. |
“Gia đình tôi ở trọ, rất ít khi ra ngoài vì thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Chủ nhà trọ tặng cho chúng tôi 5 kg gạo và chai dầu ăn, nước mắm… Còn công đoàn thỉnh thoảng cũng tặng rau, nhu yếu phẩm và cả sữa cho con tôi. Vì không đi làm nên thu nhập giảm một nửa so với khi trước dịch. Nhưng chúng tôi hiểu cho những khó khăn của doanh nghiệp. Khoảng 2 tuần trước vợ chồng tôi cũng nghĩ đến việc về quê tránh dịch. Thời điểm đó có nhiều bạn bè rủ về nhưng chúng tôi quyết định ở lại vì sự an toàn của gia đình và xã hội. Tỉnh cũng vừa ra thông báo “ai ở đâu, ở yên đó”, nếu khó khăn thì nhờ hỗ trợ. Vợ chồng tôi rất mừng”, chị Thơm bộc bạch. Theo thông tin từ LĐLĐ tỉnh Bình Dương, hiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” nhưng cũng đã xuất hiện các ca F0 và lây lan nhanh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý của người lao động. Ngoài ra, đại đa số công nhân lao động hiện đang nghỉ việc, sống tại các khu nhà trọ, mang tâm lý lo lắng khi không có thu nhập. Trong khi đó, họ vẫn phải chi trả đầy đủ tiền nhà trọ, tiền điện, nước, tiền ăn… Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì người lao động gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ xảy ra mất an ninh trật tự. Người lao động đang rất mong muốn được tiêm vắc xin và được hỗ trợ tiền nhà trọ, điện, nước sinh hoạt... |
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, để bảo vệ và hỗ trợ công nhân lao động, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn nắm tình hình tại doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn tập trung bảo vệ quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động. |
Hàng chục tấn gạo được tập kết để tiếp tục hỗ trợ người lao động |
“LĐLĐ tỉnh phối hợp tham gia cùng các cấp chính quyền, các sở, ngành, vận động doanh nghiệp đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, công đoàn cũng phối hợp với người sử dụng lao động lập danh sách người lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và giám sát việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trên…”, bà Trân cho hay. Bà Trân cho biết thêm, việc “ai ở đâu, ở yên đó” là một trong những biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe nhân dân, người lao động. |
Công nhân “ở đâu ở yên đấy”: Thêm một lần lỡ hẹn với quê hương
Mẹ con Hậu ngồi bệt dưới sàn nhà nhặt mớ rau muống. Thằng bé 6 tuổi cười tít mắt vì được mẹ dạy đánh vần ... |
Người nhà công nhân F0 cầu cứu Công đoàn tỉnh Long An
Gia đình chị Trần Thị Kim Lợi (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có 2 người là F0; còn lại 3 ... |
Đường xa vạn dặm - quê nhà tôi ơi!
Sau công điện của Thủ tướng yêu cầu "ai ở đâu, ở đấy", nhiều tỉnh làm gắt, có nơi bà con đã lên đường để ... |