Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Pháp lam (hay đồ đồng tráng men) là những sản phẩm mỹ thuật, trang trí độc đáo được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng một hay nhiều lớp men màu, được nung nóng nhiệt độ rất cao để tạo ra thành phẩm.

Lần theo lịch sử, về nguồn gốc ngành nghề pháp lam giới nghiên cứu cho rằng pháp lam có nguồn gốc từ châu Âu, sau đó du nhập đến một số nước châu Á, trong đó nổi bật là tại Nhật Bản và Trung Quốc. Người Trung Hoa gọi dòng sản phẩm này là falang (âm Hán – Việt đọc là pháp lang), người Nhật Bản gọi là shipouyaki, còn người Việt Nam thì gọi là pháp lam.

Pháp lam Huế được du nhập từ Trung Quốc từ thời vua Gia Long. Trong quá trình xây dựng các công trình quan trọng, triều đình đã mời thợ từ Trung Quốc sang và có thể trong quá trình giao lưu văn hóa, họ đã truyền lại một loại hình kỹ thuật trong xây dựng, kiến trúc sau này được gọi tên là “pháp lam”.

Sở dĩ có cách gọi tên này đã có nhiều ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu, nhưng tựu trung nghiêng về quan điểm việc cải tên “lang” thành “lam” là để tránh gọi tên húy của một số nhân vật tôn quý của hoàng gia.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lạiNgười thợ đang chế tác sản phẩm pháp lam Huế.

Kỹ thuật pháp lam được phát triển mạnh vào các triều vua Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Đặc biệt, dưới thời vua Minh Mạng, năm 1827, triều đình cho đặt Tượng cục pháp lam chuyên sản xuất đồ phục vụ cho hoàng gia. Cơ quan này gồm 15 nghệ nhân, do ông Vũ Văn Mai - một thợ vẽ nổi tiếng ở xưởng Nội tạo (cơ quan chuyên việc vẽ vời, trang trí trong cung Nguyễn) đứng đầu, chuyên lo việc sản xuất đồ pháp lam.

Ngoài xưởng chế tác pháp lam ở Huế, triều đình nhà Nguyễn còn mở thêm xưởng pháp lam tại Ái Tử (tỉnh Quảng Trị) và Ðồng Hới (tỉnh Quảng Bình) để sản xuất pháp lam phục vụ cho nhu cầu xây dựng, trang trí nội thất, ngoại thất các cung điện, lăng tẩm ở Huế, làm các đồ sinh hoạt và tế tự.

Đến thời vua Đồng Khánh (1885 - 1889) thì ngành pháp lam suy thoái, rồi ngừng phát triển kể từ đó. Dù ra đời muộn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng tại Việt Nam ngành pháp lam có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng những công trình kiến trúc của bộ mặt quốc gia dưới triều Nguyễn và có vị trí quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của hoàng gia cũng như đồ ngự dụng trong hoàng cung.

Việc để mất một ngành nghề truyền thống độc đáo, có ý nghĩa quan trọng trong trùng tu quần thể di tích cố đô Huế luôn đau đáu những người làm công tác trùng tu di tích, những học giả, thợ thầy “nặng nợ” với văn hóa Huế, văn hóa cổ truyền của đất nước.

Và câu chuyện khôi phục ngành pháp lam Huế thất truyền đã được khơi dậy từ 20 năm trước. Những tia hy vọng lóe lên, những thành quả ban đầu công cuộc khôi phục một ngành nghề thủ công mỹ nghệ thất truyền từ 200 năm trước được khơi gợi, nhưng sự khốc liệt về nhân lực, vật lực, tài chính cùng nhiều lý do khách quan khác đã khiến một số thợ, thầy tâm huyết dừng cuộc chơi. Riêng đối với Đỗ Hữu Triết, một người con của Huế thì vẫn kiên trì bám trụ.

Giữa thập niên 1990 chàng trai trẻ Đỗ Hữu Triết được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sau khi tốt nghiệp Cử nhân khoa học ngành Vật lý. Nơi anh Triết làm việc là bộ phận thí nghiệm hóa lý, ngành mới thành lập tại trung tâm. Làm việc nơi đây anh Triết có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật pháp lam khi loại hình này còn lưu dấu trong nhiều hạng mục, công trình di tích và trong đồ dùng sinh hoạt, ngự dụng cổ xưa còn lưu giữ trong bảo tàng cổ vật cung đình...

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lạiĐôi đèn kính pháp lam Huế lớn nhất Việt Nam đặt trong công viên Tứ Tượng, đường Lê Lợi, TP. Huế 10 năm qua, đánh dấu sự trở lại rực rỡ của kỹ thuật pháp lam thất truyền sau 2 thế kỷ.

Anh Triết thoạt đầu định hướng nghiên cứu khôi phục kỹ thuật chế tác pháp lam Huế để phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích cố đô Huế. Càng đi sâu, sức hấp dẫn của ngành Thủ công truyền thống này càng cuốn hút anh. Anh lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học và Đỗ Hữu Triết học tiếp cao học ngành Vật lý để nghiên cứu chuyên sâu hơn về pháp lam Huế.

Năm 2005, đề tài nghiên cứu pháp Lam của anh Triết thành công với việc công bố 10 mẫu pháp lam Huế thử nghiệm. Sự kiện lóe lên những tia hy vọng mới, niềm tin sự trở lại đối với pháp lam Huế, điều tưởng chừng như đã dần quên lãng, thất truyền theo chiều dài của lịch sử.

Sau gần 15 năm làm việc, cùng các đồng nghiệp phục vụ công tác trùng tu di tích, năm 2009, anh Triết rời công sở, ra ngoài lập doanh nghiệp tư nhân, chuyên tâm nghiên cứu, sản xuất sản phẩm pháp lam Huế. Anh Triết ra tận Ninh Bình mời đội thợ thầy lành nghề về chạm khắc kim loại vào Huế; tìm kiếm quy tụ nhiều “anh hào” khác trong nghề thủ công truyền thống liên quan chế tác pháp lam để cùng nhau khôi phục, phát triển pháp lam.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Một người thợ đang chế tác chiếc đĩa pháp lam Huế.

Cùng với việc tu bổ tôn tạo pháp lam trong các di tích, chốn hoàng cung, Đỗ Hữu Triết cũng hướng đến một số công trình lớn phục vụ làm đẹp cảnh quan, phục vụ cộng đồng của xứ Huế. Một trong những công trình mang dấu ấn đậm nét đánh dấu sự trở lại của pháp lam Huế là cặp đèn pháp lam chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng, đặt ở công viên Tứ Tượng sát bên sông Hương cách nay tròn 10 năm.

Cặp đèn kính cốt kim loại cao 5m, đường kính 2,2m có hình dáng như cặp lọng cưới, được thực hiện bởi 100 nhân công của Công ty Pháp lam Thái Hưng (tiền thân Công ty TNHH Pháp lam Huế, do ông Đỗ Hữu Triết làm Chủ tịch HĐQT hiện nay).

Cặp đèn như đôi lọng dẫn đường thường thấy trong những nghi lễ trọng đại này được đánh giá cao không chỉ khẳng định sự trở lại của pháp lam Huế sau gần 200 năm, mà còn bởi tính chất trang trí cảnh quan và tính chất cộng đồng của chúng.

Hai họa tiết chủ đạo trên cặp đèn này là chữ Thọ và cành lá hóa rồng; cạnh đó là hoa sen với ý nghĩa Huế sẽ luôn luôn trường tồn và phát triển rực rỡ đều được thực hiện bằng kỹ thuật pháp lam. Nhiều người Huế đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác. Đã 10 năm qua đôi đèn vẫn tỏa sáng hằng đêm bên dòng Hương và bên con đường Lê Lợi đẹp bậc nhất xứ Huế.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Pháp lam là một ngành nghề vô cùng đặc biệt khi bản thân nó chứa cùng lúc kỹ nghệ của nhiều ngành nghề thủ công truyền thống khác. Cùng với đó, đẳng cấp của dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ này còn chứa hàm lượng khoa học, chất xám cao, khi kết hợp với những kỹ nghệ của các nghề thủ công, truyền thống nghề chế tác kim loại (gò đồng, đúc đồng, kim hoàn...), nghề chế tạo men (silica, thủy tinh, men gốm sứ...), mỹ thuật (phương pháp vẽ), kỹ thuật nung đốt... sẽ làm những sản phẩm sang trọng, quyền quý.

Kỹ thuật càng cao, công cuộc phục hồi càng khó. Anh Triết đã cùng nhiều đồng nghiệp, cộng sự và nhiều thầy cô đã phải mất rất nhiều công sức để khôi phục được kỹ thuật này. Nhiều trở ngại, gian nan, nhưng trở ngại lớn nhất là mẫu vật, tư liệu không nhiều, kỹ nghệ chế tác lưu truyền lại hầu như không có.

Giải pháp tối ưu nhất để khôi phục pháp lam Huế là bằng con đường khoa học. Ban đầu anh nghiên cứu về kỹ thuật của các ngành nghề dân gian, ngành nghề truyền thống để làm nền tảng chế tác. Nhưng mất 5 năm vẫn không thể thành công. Sau đó thì anh đi sâu vào nghiên cứu về khoa học với đề tài cao học về pháp lam. Với sự hỗ trợ, chỉ bày của một số thầy cô, giáo sư, tiến sĩ rất tâm huyết với ngành nghề, văn hóa truyền thống đã mang đến kết quả khôi phục thành công pháp lam Huế.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Những sản phẩm pháp lam Huế.

“Phải có kinh nghiệm về nghề truyền thống. Tôi đã đi nghiên cứu nhiều về ngành nghề truyền thống, trong đó đến nghiên cứu tại làng gốm Bát Tràng, kỹ thuật nung đốt lò, những nghề phụ trợ như nghề kim hoàn, nghề đúc đồng... Những kiến thức này có ý nghĩa quan trọng trong chế tác pháp lam. Nhưng cốt lõi của sản phẩm là tính chất vật lý của men, đồng, vàng, bạc hay kim loại nói chung. Chúng phải được nung đốt như thế nào. Khó nhất là chế tạo được loại men pháp lam đặc thù. Là loại men bám dính tốt với kim loại, có độ nóng chảy thấp hơn kim loại, và có độ co giãn tương đồng với kim loại.

Tiếp đến là phải chế tạo được màu sắc men phục chế giống với bài men cổ. Đó hoàn toàn là bài toán khó. Chúng tôi phải phân tích về phát quang, về X–quang và thành phần hóa, lý... Kiến thức khoa học, cộng thêm kỹ thuật của các ngành nghề truyền thống liên quan, các bí quyết ấy nắm rõ được thì mới khôi phục và chế tác được sản phẩm pháp lam Huế.”, anh Triết kể.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Công ty TNHH Pháp lam Huế do thạc sĩ, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết, 52 tuổi làm Chủ tịch HĐQT đóng tại địa chỉ 11/5 đường Chùa Ông, phường Gia Hội, thành phố Huế, nhưng công xưởng và là nơi trưng bày sản phẩm pháp lam Huế chính đặt tại số 66, đường Chi Lăng, cùng phường Gia Hội.

Nếu bên ngoài là phố cổ Gia Hội ồn ào náo nhiệt bởi tiếng xe cộ, mua bán, thì bên trong lại là không gian khá yên tĩnh. Có thể chủ nhân muốn mọi người khi bước vào ngôi nhà dùng làm nơi trưng bày chế tác sản phẩm pháp lam duy nhất tại Việt Nam này, có chút thời gian ngưng đọng để thưởng lãm, trải nghiệm.

Kể từ sau khi trình làng bộ đèn pháp lam đặc biệt đặt trong công viên Tứ Tượng bên sông Hương, ông Triết tổ chức sản xuất nhiều dòng sản phẩm thông dụng khác, bên cạnh công cuộc trùng tu di tích, lăng tẩm đền đài xứ Huế. Bây giờ thì sản phẩm pháp lam không chỉ hiện diện ở chốn hoàng cung, di tích mà còn được ông Triết và cộng sự chế tác ra nhiều dòng sản phẩm phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau của đời sống.

Sản phẩm pháp lam Huế ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ trùng tu di tích, phục vụ tâm linh thờ tự, đến sản phẩm trang trí nội thất, ngoại thất, đồ lưu niệm, trang sức với 4 loại hình chính là họa pháp lam, pháp lam chạy chỉ, pháp lam chạm khảm và kính pháp lam.

Trong 20 năm nghiên cứu, khôi phục pháp lam Huế, nghệ nhân Triết cũng đã gặt hái những thành công nhất định; pháp lam Huế có những sản phẩm đã được trao giải thưởng cao, như bộ đĩa pháp lam Long Phụng của Đỗ Hữu Triết - Trần Nam Long - Nguyễn Quốc Hiếu đoạt giải Nhất trong Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gần đây Đỗ Hữu Triết cùng cộng sự cũng đã thuyết phục và làm “choáng ngợp” giới nghiên cứu, học giả, công chúng bằng bộ tranh Kiều bằng pháp lam Huế độc bản. Đây là bộ tranh phỏng theo bản gốc từ tranh minh họa truyện Kiều của họa sĩ Mạnh Hưng vẽ, trong sách “Truyện Thúy Kiều”, do nhà in Ngô Tử Hạ (Hà Nội) ấn hành năm 1925.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu chế tác pháp lam Huế.

Cùng với đó, ông Triết và cộng sự cũng hoàn thành, trình làng nhiều bộ sản phẩm độc bản, độc đáo khác, như bộ mâm pháp lam long phụng, bộ tranh pháp lam bốn mùa, tranh uyên ương; hay sản phẩm ứng dụng là những chiếc đèn treo pháp lam Huế độc đáo thuộc dòng Plique à Jour hiện đại, loại thấu quang pháp lam xưa được áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật và vật liệu để sản xuất, tạo những phân khúc sản phẩm pháp lam tiếp nối truyền thống và hiện đại, rất có ý nghĩa trong sự thích ứng với xu hướng thẩm mỹ, kỹ thuật ứng dụng đương đại...

Nghệ nhân Triết nói rằng, pháp lam Huế là cái gì đó viết ra bằng chữ rất khó, nhưng nhìn vào là biết ngay. Người nước ngoài chế tác pháp lam cũng rất tinh xảo, điêu luyện, nhưng mỗi nơi có dấu ấn văn hóa và phương thức thể hiện sản phẩm khác nhau. Vì người thợ của Huế khó mà thực hiện sản phẩm pháp lam của nước khác, ngược lại người thợ của nước bạn cũng khó thực hiện được pháp lam Huế.

Với phương thức chế tác đặc biệt, sản phẩm pháp lam vừa quyến rũ bởi những hoa văn, họa tiết khơi gợi những câu chuyện văn hóa, điển tích cổ xưa, vừa còn có độ bền, có khả năng chống chịu cao trước những cọ xát, sự ăn mòn của môi trường và khí hậu do được chế tác theo những công thức đặc biệt về mặt cơ học, hóa, lý.

Những phương thức chế tác đặc thù này cũng chính là thách thức trong công cuộc bảo tồn, phát triển ngành pháp lam Huế. Một đội ngũ thợ thầy, nghệ sĩ không chỉ giỏi nghề, sáng tạo mà có nhiều tâm huyết, mới “trụ” lại được với công việc pháp lam.

Trong 20 năm kiên trì đeo bám, quyết chí khôi phục một ngành nghề thủ công truyền thống gần như thất truyền hoàn toàn, ông Triết cũng có 3 lần phải thay đổi công xưởng sản xuất pháp lam của mình. Sự phức tạp và yêu cầu rất cao về kỹ thuật chế tác sản phẩm pháp lam đặt ra những thách thức vô cùng lớn về một mặt bằng để làm công xưởng, không gian sản xuất, sáng tạo phù hợp đối với người thợ.

Đây là lý do mà ông Triết phải thay đổi nơi sản xuất, để không chỉ có mặt bằng và không gian sản xuất, sáng tạo mà còn làm nơi để trưng bày, triển lãm sản phẩm sao cho tiện đường du khách, công chúng quan tâm thưởng lãm, mua sắm.

Trong khoảng 20 năm qua, cùng với ông Triết còn có một số thầy, thợ khác ở Huế dấn thân vào con đường chông gai khôi phục ngành nghề pháp lam gần như đã thất truyền cách nay gần 200 năm. Nỗ lực được một thời gian, những người khác dừng chân, còn ông Triết tiếp tục theo đuổi.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lạiMột sản phẩm đèn treo pháp lam Huế độc đáo thuộc dòng Plique à Jour hiện đại, loại thấu quang pháp lam xưa được áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật và vật liệu để sản xuất (Ảnh: NVCC).

Có những giai đoạn ông Triết phải tạm ngưng sản xuất, tưởng chừng như bỏ cuộc, nhưng có nhiều thứ như “thấm trong máu rồi, bỏ cũng không được”.

Có những thời điểm ông Triết quy tụ được hơn 20 thợ, thầy, họa sĩ nhưng rồi xót lòng nhìn anh em từng cùng chí hướng phải lần lượt rời công xưởng, rời Huế để đến một số nơi, thành phố lớn có dự án, công trình có thu nhập tốt hơn mời gọi. Trên con đường đằng đẵng mưu sinh ấy, phần lớn họ không quay về.

Phần lớn tuổi xuân của mình ông Triết đã dành cho công cuộc khôi phục pháp lam Huế vô cùng chông gai, nên tôi cũng không khỏi ngạc nhiên nom ông từng trải hơn, “nghệ sĩ” hơn so với cái tuổi 52 của mình.

Đã 10 năm rồi ông Triết giảm dần những buổi đứng bên lò nung gần 9000C, hay trực tiếp sản xuất, chế tác sản phẩm pháp lam, mà chuyển giao và dành phần việc cho các cộng sự, anh em thợ thầy của Công ty.

Ông Triết tập trung vào sự sáng tạo, thay đổi mẫu mã, tìm kiếm ứng dụng, thiết lập kênh bán hàng, đối tác. Sau những gì cống hiến, ông Triết được chính thức phong nghệ nhân ngành nghề Thủ công truyền thống cách đây 1 năm. Công ty của ông Triết cũng được Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế chứng nhận “sử dụng con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế”. Hiện nay Công ty Pháp lam Huế là đối tác duy nhất có khả năng trùng tu, phục hồi các hạng mục liên quan pháp lam trong quần thể di tích cố đô Huế.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Sự thành công bước đầu của nghệ nhân Đỗ Hữu Triết đã tái lập và định vị ngành nghề pháp lam Huế trên bản đồ ngành nghề pháp lam thế giới, là nơi duy nhất hiện nay đang khôi phục và phát triển ngành pháp lam ở Việt Nam. Thế nhưng còn đó những mục tiêu mới, đỉnh cao mới, kể cả những khó khăn mới mà ông Triết phải chinh phục, vượt lên.

Ông Triết đã đầu tư máy móc thiết bị, hiện đại hóa quy trình sản xuất; kết hợp giữa kỹ thuật thủ công truyền thống với máy móc; tiếp cận những công nghệ tiên tiến trong sản xuất pháp lam, vừa truyền thống vừa hiện đại, như công nghệ laser, công nghệ CNC (điều khiển số thông qua sự hỗ trợ của máy tính) để dang dạng hóa sản phẩm, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của thị trường và các mục tiêu khác.

“Mình cũng phải thay đổi theo sự phát triển nhanh chóng của thời đại, phải suy nghĩ nhiều về kênh bán hàng, tiếp cận khách hàng, phù hợp với phương thức quảng bá của kỷ nguyên số. Nếu không thì đội ngũ thợ thầy, Công ty làm sao vận hành và duy trì nổi.”, ông Triết bộc bạch.

Trong công xưởng sản xuất pháp lam Huế có 5 thợ, thầy, họa sĩ làm việc. Mỗi người một việc, họ tập trung cao độ, tỉ mẩn đứng bên lò nung, trổ từng nét vẽ hay điểm màu lên những sản phẩm lấp lánh men màu. Tôi tò mò theo từng nét vẽ của họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, 32 tuổi, quê ở Huế.

Hiếu đang cùng mọi người hoàn tất bộ đĩa pháp lam. Trước đó thì người thợ, người họa sĩ trẻ này đã cùng với ông Triết và các cộng sự tham gia nhiều công trình, hạng mục trùng di tích ở Huế và một số tỉnh, thành phố khác.

Hiếu cũng đã cùng tham gia làm ra những bộ sản phẩm pháp lam đình đám, triển lãm nhiều nơi. Đó là các hạng mục pháp lam trong công trình trùng tu di tích ở lăng Đồng Khánh, bộ Truyện Kiều pháp lam, bộ Lục Vân Tiên, bộ Bạch Đằng giang...

“Công việc ở đây Hiếu có thấy vui không, nhất là thu nhập. Có đủ sống không?”, tôi bắt chuyện.

Tay vẫn không ngừng thao tác điểm màu cho chiếc đĩa pháp lam, Hiếu cười hiền: “Làm công việc này nói giàu thì có lẽ không có đâu. Nhưng thu nhập tụi mình ở đây cũng ổn. Trước khi làm việc ở đây, mình đã được học hội họa ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế nên có tìm hiểu về pháp lam. Nếu không vì đam mê, vì yêu văn hóa truyền thống, mong muốn bảo tồn nghề thủ công truyền thống vốn đã thất truyền này, thì có lẽ mình đã chọn công việc khác.”, Hiếu tâm sự.

Người họa sĩ trẻ cũng chia sẻ rằng chính nghệ nhân Đỗ Hữu Triết bằng tài năng và ý chí, đã mang lại nguồn năng lượng, cảm hứng làm việc cho anh em thợ thầy khi đảm trách sứ mệnh bảo tồn và phát triển ngành pháp lam Huế.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (bìa trái) trong một cuộc trưng bày, triển lãm pháp lam Huế gần đây ở Hà Nội (Ảnh: Ông Đỗ Hữu Triết cung cấp).

Nhấp chén trà chiều trong không gian yên tĩnh, lấp lánh nghệ thuật pháp lam Huế với ông Triết, tôi sực nhớ đến câu chuyện hàng ngày chúng tôi thường nghe về những nỗ lực quyết tâm xây dựng, đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Một trong những tinh thần cốt lõi của Nghị quyết mà Thừa Thiên Huế bám sát là “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

Nghị quyết 54 nêu rất rõ như thế, nên phải chăng Thừa Thiên Huế cũng cần có những chiến lược, kế hoạch hiệu quả xung quanh câu chuyện ứng xử với ngành nghề truyền thống, với những nghệ nhân tâm huyết tài năng như Đỗ Hữu Triết?

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Tôi đọc vào mắt ông Triết vẫn thấy được những âu lo, như bao người thợ, nghệ nhân ngành nghề thủ công, truyền thống khác. Đó là sự cân bằng giữa miếng cơm manh áo và công cuộc bảo tồn, phát triển ngành nghề pháp lam Huế. Những thách thức bán được sản phẩm cho xứng đáng với đúng giá trị của nó luôn làm đau đáu vị nghệ nhân này.

“Điều quan trọng là cuộc sống của anh em. Thu nhập quá thấp, không đảm bảo thì làm sao giữ chân được họ. Sản phẩm pháp lam thì rất đặc biệt, giá không thể bán thấp. Có những sản phẩm nếu nói về giá cả thì mình bất lợi so với sản phẩm nước ngoài, nhưng không vì thế mà bán thấp được. Chỉ mong là gặp được khách hàng cùng hiểu, cùng yêu các giá trị tạo ra từ các sản phẩm của pháp lam Huế”, ông Triết nói thêm.

Tôi mang chút ưu tư về sự bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống Huế, về pháp lam Huế tâm sự với TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế. Ông Hằng dẫn một vài kỷ niệm khi làm việc với người Nhật Bản, Hàn Quốc về bảo tồn văn hóa cổ truyền, ngành nghề truyền thống.

Ông Hằng nói người Nhật Bản không xem nghệ nhân là người bình thường, mà gọi là “Người lưu giữ tri thức đặc biệt của quốc gia”. Cụm từ này nói lên chính sách đối đãi và những hành động kèm theo. Đây là đối tượng đặc biệt, là di sản cần được nuôi dưỡng để họ có thể trao truyền những kiến thức, trí tuệ, ngón nghề cho các thế hệ tiếp nối.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lại

Người thợ Huế bên lò nung 9000C chế tác, sản xuất pháp lam.

Quay trở lại chuyện pháp lam Huế và nghệ nhân Đỗ Hữu Triết ông Hằng hết lời đánh giá những nỗ lực không mệt mỏi của vị nghệ nhân này cũng như sự tận tâm của những người đồng hành khác. Đó là điều vô cùng quý giá, nhưng nếu cứ để những cá nhân như ông Triết làm tất cả mọi thứ thì sẽ không đủ sức để tiếp tục bảo tồn, phát huy ngành pháp lam Huế. Tỉnh, cơ quan ban ngành cần có chính sách đầu tư đặc biệt, đối với ngành thủ công đặc biệt và từng tưởng như thất truyền này.

“Giá trị của pháp lam khác với những mặt hàng khác. Do đặc thù sản xuất, chế tác nên sản phẩm pháp lam không thể bán giá thấp được, bởi nó có khi phải tính bằng... centimet vuông. Đây là loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp, phục vụ cho công tác trùng tu di tích, cho trang trí nội thất sang trọng và làm đồ dùng sinh hoạt sang trọng trong gia đình. Mà như vậy thì nguồn lực nào sẽ hỗ trợ, cơ quan chức năng có vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ việc trưng bày sản phẩm, tiêu thụ... Để thu nhập của người thợ đảm bảo cuộc sống của họ, giúp họ trụ lại và yên tâm làm việc. Đây chính là cửa ngõ phát triển cái ngành nghề này”, ông Hằng nói.

Người đưa pháp lam Huế “vàng son” trở lạiĐội ngũ thợ thầy của Công ty Thái Hưng (Pháp lam Huế) tham gia trùng tu pháp lam trên một công trình di tích Huế (Ảnh: ông Đỗ Hữu Triết cung cấp)

Phóng sự của ĐÌNH TOÀN

Ảnh: ĐÌNH TOÀN - ĐỖ HỮU TRIẾT

Video: TRẦN YẾN - NGUYỄN HẰNG

Đồ hoạ: AN NHIÊN